TIN TƯỞNG, HY VỌNG VÀ YÊU MẾN TRONG THÁNH THẦN

Đoạn Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay là một đoạn ngắn trong bài diễn từ dài, vốn có thể được coi như di ngôn của Chúa Giêsu trước khi Ngài từ biệt các môn đệ. Thánh Gioan thuật lại điều cốt lõi trong sứ điệp của Chúa Giêsu, trong đó hôm nay Thánh Gioan nhấn mạnh đến hai khía cạnh. 

  1. Mối tương giao thân thiết với Chúa Giêsu và thực thicác điều răn của Ngài. 

Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14: 15). Khi nghe vậy, chắc chắn các môn đệ của Rabbi Giêsu, nhưng không hẳn tất cả chúng ta ngày nay, đều biết ngay giới răn của Thầy là gì. Vì trong đoạn 13 trước đó, thánh Gioan cho thấy câu trả lời rõ ràng của Chúa Giêsu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13: 34). Điều răn này được Chúa Giêsu đề cập một lần nữa trong đoạn 15 tiếp sau: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15: 12). Hôm nay, Chúa Giêsu như muốn nhấn mạnh thêm nữa khi nhắc lại ý tưởng trên kia: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy (Ga 14: 21). Nhưng ở đoạn 14 này thánh Gioan cho thấy Chúa Giêsu chưa muốn nói đến mối tương quan giữa con người với nhau, vốn cũng cần thấm đượm tình yêu thương. Trên hết, Chúa Giêsu muốn nói đến mối tương quan mật thiết mà Ngài có với các môn đệ của Ngài. Đó là một tương giao thân tình và mật thiết như mối tương giao giữa Chúa Kitô và Chúa Cha LÀ MỘTChúng ta nhớ lại Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu nói với nhóm mười hai: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Ngài và đã thấy Ngài” (Ga 14: 7). Ngay sau đó Philíphê xin Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha” (Ga 14: 8). Chúa Giêsu trả lời với giọng trách cứ Philípphê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14: 9-11). Đây là tình yêu nền tảng cho mối tương giao giữa Chúa Giêsu và bất cứ môn đệ nào của Ngài, cả cho chúng ta ngày nay, và cho mọi người, mọi thời, mọi nơi tin theo Ngài: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 14: 20). Hẳn có người sẽ tự hỏi: tại sao tôi nên biết như thế và biết như thế thì được gì cho cuộc sống của tôi? Chúa Giêsu không chần chờ nói ra lý do và cũng là kết quả lớn lao của mối thân tình ấy: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy (Ga 14: 15, 21). 

Những lời nói của Thầy Giêsu thật cảm động và sâu sắc, tràn ngập tình yêu, sự dịu dàng. Thầy Giêsu đã dành ba năm với nhóm môn đệ này, và bây giờ chỉ còn một khoảng thời gian ngắn nữa là Ngài kết thúc sự hiện diện của Ngài trên trần gian với họ, mà Ngài gọi là bạn hữu: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15: 14-15). Dù biết rằng Phêrô – một trong những người bạn thân thiết nhất của Ngài – sẽ chối Thầy mình, dù biết Giuđa sẽ phản Thầy, và Tôma sẽ nghi ngờ Thầy, nhưng Chúa Giêsu đã lôi kéo tất cả các môn đệ của Ngài lại gần bằng những lời tận đáy lòng của Ngài. Chúa Giêsu bộc lộ con tim của Ngài bằng những hình ảnh đầy cảm xúc để bày tỏ tấm lòng của Ngài: những trẻ mồ côi, “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14: 18) và nỗi đau của người phụ nữ khi sinh con: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình…Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16:21).  

Tôi có đọc những lời này một cách chậm rãi, lặng lẽ ngẫm suy – và để cho sâu thẳm lòng mình được đụng chạm đến bởi Chúa Giêsu vốn đang khao khát “trút tâm can” trao ban Tình Yêu của Ngài cho tôi? Tình Yêu đó khởi phát từ nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, biểu hiện qua chính Chúa Con và được kiên vững bởi Chúa Thánh Thần. Tôi có cảm thấy vinh dự và hân hoan vì được Chúa Giêsu mời gọi tham dự vào mối tương giao mật thiết của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần không? Liệu Chúa Kitô có thể làm được gì hơn nữa nếu ai đó, cũng có thể là tôi, cương quyết khước từ Trái tim bừng cháy Lửa Yêu Thương của Ngài?!

  1. Tin tưởng và hy vọng.

Đức tin không phải là một món đồ chúng ta sở hữu để sử dụng lúc nào nơi nào tùy theo ý muốn của riêng mình. Đức tin trước hết là đặt lòng tin tưởng, niềm hy vọng, sự tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa. Đó không chỉ là niềm tin rằng Thiên Chúa có thể làm điều gì đó mà còn là sự tin tưởng và hy vọng, một sự xác tín rằng Thiên Chúa sẽ làm điều tốt nhất cho chúng ta theo ý muốn tốt lành và trọn hảo của Ngài. Đồng thời đức tin là khi chúng ta đặt niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu, biểu hiện hữu hình của Thiên Chúa, như Ngài nói: “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm” (Ga 14:11) và hy vọng vào những lời Ngài đã hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14: 16). 

Thánh Phaolô nói với các tín hữu Rôma: “Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8: 11). 

Như vậy, Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban, đem lại cho chúng ta sự sống mới và hoạt động trong chúng ta, là những người tin vào Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, để trở nên con cái của Thiên Chúa: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8: 14). Chúa Thánh Thần đến để giúp con người tái lập tình thân với Thiên Chúa, là tình trạng đã có từ ban đầu, nhưng đã bị huỷ hoại vì cám dỗ của Satan. Chúa Thánh Thần làm mới lại tinh thần của con người vốn đã chết trong xác thịt tội lỗi và đưa họ trở lại cuộc sống đích thực trong Thiên Chúa: “Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã…nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Chúa Kitô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta” (Cl 2: 13). Chúa Chúa Thánh Thần là sức mạnh làm cho chúng ta vượt qua sự chết, nhờ dìm mình trong cái chết của Chúa Kitô khi lãnh nhận Phép Rửa, để sống một đời sống mới, nhờ lãnh nhận Thánh Thần: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa…Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa…hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ…Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5: 16-25).

Chúng ta đôi khi hơi giống các tông đồ sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh chết trên Thánh Giá: không còn làm chủ vận mệnh bản thân, lạc hướng, rút lui, tản mác hoặc co cụm lại một chỗ vì sợ hãi. Dù Chúa Giêsu đã hứa ban cho họ Thần Khí: “Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Ngài. Còn anh em biết Ngài, vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14: 17), nhưng họ chưa lãnh nhận được Thần Khí đó. Chỉ khi Chúa Giêsu phục sinh và nhất là khi Chúa Thánh Thần ngự xuống cách long trọng vào ngày Lễ Ngũ Tuần để khai mở cộng đoàn Hội Thánh (Cv 2,1-13), các tông đồ mới lãnh nhận Thánh Thần: “Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 8: 4). Chúa Thánh Thần làm cho các tông đồ hiểu mầu nhiệm Chúa Giêsu, hiểu những giáo huấn của Chúa Giêsu về Nước Trời, về con đường Tử Nạn và Phục Sinh. Chính nhờ Chúa Thánh Thần mà các tông đồ được biến đổi trở thành con người mới, mạnh mẽ, can đảm, nhiệt thành và dấn thân rao giảng Tin Mừng khắp thế gian. Ngài sẽ thúc đẩy họ công bố Chúa Giêsu: “đã chết và được mai táng…Chính Chúa Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại…nâng Ngài lên, trao cho Ngài Thánh Thần đã hứa, để Ngài đổ xuống…Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 8: 29,32,36).

Chúng ta cũng đã lãnh nhận Thánh Thần này khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy (chịu phép Rửa tội) và bí tích Thêm Sức (giúp tăng trưởng các ơn đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy). Thánh Thần, “Đấng Bảo Trợ đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14: 16), đồng hành với chúng ta, giúp chúng ta hiểu Lời Chúa trong Kinh Thánh, hiểu sứ điệp của Chúa Kitô, hiểu giới răn yêu thương mà Ngài đã để lại cho chúng ta. Chính Ngài yêu chúng ta, vẫn mãi trung thành với tình yêu đó. Chính Thánh Thần thúc đẩy chúng ta, như trong bài đọc thứ nhất, “tản mác đi khắp nơi loan báo lời Chúa” (Cv 8: 4) theo bước chân “Ông Philípphê xuống một thành miền Samari và rao giảng Chúa Kitô cho dân cư ở đó” (Cv 8: 5).

Chúng ta hãy nghe Tông đồ trưởng Phêrô nói trong bài đọc thứ hai để tin tưởng và đón nhận Chúa Kitô làm Chúa cuộc đời mình: “Chúa Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Ngài làm Chúa ngự trị trong lòng anh em” (1 Pr 3: 15-17). Và hãy làm chứng cho niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa Kitô: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em…Chính Chúa Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Ngài đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Ngài đã được phục sinh” (Cv 3:18).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts