Chúa nhật thứ IV Phục Sinh, Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Tối Cao đã hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, đồng thời cầu nguyện cho những người đã được Chúa gọi để nhân Danh Chúa chăn dắt đàn chiên Chúa. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho có nhiều người trẻ quảng đại dâng mình cho Chúa.
Chúa là mục tử
Hình ảnh người “Mục tử” hay người chăn chiên là một hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của thời du mục vùng Trung Đông, được dùng để diễn tả mối tương quan thân mật dễ mến dễ thương giữa Thiên Chúa với dân.
Cựu Ước thường gọi Chúa là mục tử, còn dân Chúa là chiên (St 49, 24 – 31 ; Gr 31, 10 ; Mk 7,14 v.v …). Chúa không những là Đấng dẫn dắt dân, tìm kiếm những người tội lỗi, chữa lành những kẻ bị thương lòng, mà còn là Đấng lấy mạng sống mình để bảo vệ dân, trao ban sự sống cho dân. “Đức Chúa phán: Chiên thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm. Chiên tản mác, Ta sẽ lùa về. Chiên xây xát, Ta sẽ băng bó. Chiên bệnh hoạn, Ta sẽ bổ sức ” (Ez 34, 16). Những người được chọn để lãnh đạo dân Chúa như Abraham, Môisen, Đavít đều là những người chăn chiên.
Chúa chăm sóc chiên Chúa như thế nào? “Như người mục tử chăm nom đàn chiên của mình vào ngày nó ở giữa chiên phiêu bạt thế nào, cũng vậy Ta sẽ chăm nom chiên của Ta. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi nơi chúng tán loại, vào ngày mây mù đen tối. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân. Ta sẽ thâu họp chúng lại từ các xứ. Ta sẽ dẫn chúng về lại thửa đất của chúng. Và Ta sẽ chăn nuôi chúng trên núi Israel ” (Ez 34, 13-14).
Chúa tập hợp những con chiên yếu kém không thể đi được ; vác chúng trên vai, ôm chúng vào lòng ; như người mẹ bồng ẵm con thơ. Chúa cũng muốn những người nhân danh Chúa chăm sóc đoàn chiên, noi gương Chúa chăm sóc dân Chúa : “Như mục tử, Người chăn đàn chiên của Người, cánh tay Người thâu họp chúng lại; Người bồng chiên con và dìu đi cừu mẹ nuôi con” (Is 40,11). Mục tử nào không làm tròn trách nhiệm, Chúa sẽ quở trách và đòi lại chiên.
“Đức Chúa phán thế này: Này Ta chống lại các mục tử, Ta sẽ đòi lại chiên Ta nơi tay chúng ” (Ez 34, 10). Hỏi các mục tử đã làm gì để Thiên Chúa nổi giận và đòi lại chiên vậy? Qua miệng ngôn sứ Ezêkiel, Thiên Chúa còn nói mạnh hơn nữa : “Ta sẽ không để chúng chăn chiên Ta nữa. Các mục tử sẽ không còn được chăn nuôi lấy mình chúng nữa. Ta sẽ giựt lấy chiên khỏi mõm chúng, khiến chiên Ta không còn là mồi ngon cho chúng ăn thịt nữa ” (Ez 34, 10). À thì ra, các mục tử chỉ để ý đến lợi ích của mình, không dám xả thân để cứu chiên, nay Chúa đòi lại chiên và Ngài tuyên bố : “Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom đến chúng ” (Ez 34, 10).
Mục tử Giêsu thí mạng sống vì chiên
Hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành được người ta khắc vẽ với vẻ dịu dàng, trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, ôm chúng vào lòng, đưa chiên về với đàn của chúng thật là đẹp. Quả thật, Chúa Giêsu Mục Tử đã yêu thương loài người, tức chiên bằng một tình yêu thí mạng, chết cho đoàn chiên. Người nuôi dưỡng chúng ta bằng những Lời Hằng Sống, bằng chính thịt máu mình nơi Bí tích Mình Thánh. Người giang cánh ta trên thập giá để thâu họp “con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11,52). Nguy hiểm, Người không chạy trốn như lính đánh thuê, Người chết, nhưng cái chết của Người toàn thắng để cho chiên được sống đời đời.
Cầu cho các mục tử
Chúa Giêsu muốn các tông đồ và con người ở mọi thời tiếp bước theo Chúa trong đời thánh hiến, đến lượt mình, cũng xả thân bảo vệ đàn chiên, đưa các con chiên lạc trở về. Chúa mong ước các mục tử với ơn Chúa trợ giúp sẽ hoàn thành trách nhiệm dẫn dắt đoàn chiên đến đồng cỏ Nước Trời.
Chúa nhật này, chúng ta hãy cầu nguyện cho các mục tử thân yêu : nâng đỡ, cám ơn và khuyến khích các ngài ! Cầu cho Giáo hội Việt Nam có thêm nhiều linh mục lành thánh. Ý chỉ này cũng thật khẩn thiết cho Giáo hội hoàn vũ.
Chúng ta hướng về các y bác sĩ, nhất là các linh mục của Chúa tại Ý và nhiều nơi trên thế giới đã qua đời vì đàn chiên của mình. Ý thức mình là những người đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, dấu chỉ sự gần gũi của Chúa, hành động trong cương vị của Chúa, nhiều linh mục đang chạy đua trên tuyến đầu chống dịch Covid 19. Sự hiện diện của các ngài xoa dịu nỗi đau, an ủi và chữa lành nhiều tâm hồn. Vì thế, hơn bao giờ hết, các linh lục là những người cùng với các y bác sĩ chữa lành cho những ai nhiễm phải con virus này. Xin cầu nguyện thật nhiều cho các ngài.
Cầu cho ơn thiên triệu
Chủ đề ngày thế giới cầu cho ơn kêu gọi năm nay là : “Những lời của ơn gọi “. Đức Phanxicô lấy lại 4 từ : đau khổ, biết ơn, can đảm và ngợi khen trong thư gửi các linh mục ngày 04 tháng 8 năm 2019, năm 2019, nhân kỷ niệm 160 năm ngày mất của Thánh Gioan Vianney. lấy lại 4 từ : đau khổ, biết ơn, can đảm và ngợi khen.
Trên hết, mọi ơn gọi đều phát sinh từ ánh mắt yêu thương mà Chúa đối với con người; vì phát xuất từ trên cao, nên ơn gọi cũng là lời đáp trả trước tiếng gọi cao vời của Chúa, chúng ta phải biết ơn Chúa.
Chọn lựa nào cũng có khó khăn. Ơn gọi cũng thế, chúng ta phải can đảm vượt qua, Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “Thầy đây, đừng sợ!” Chúa cũng nói với chúng ta : “Can đảm lên! Đừng sợ!”
Trên hành trình theo Chúa, phiền muộn, đôi lúc làm ta không thể nhận ra vẻ đẹp của ơn gọi . Lo lắng quá về trách nhiệm khiến chúng ta thấy mệt mỏi trên hành trình ơn gọi. Chúa gọi ai thì trao nhiệm vụ cho người ấy; cố gắng hoàn thành là dĩ nhiên. Nhưng nếu để mình bị ám ảnh bởi những trách nhiệm, người ta sẽ không nhận ra sự hiện diện, đồng hành và ánh mắt nhân từ của Chúa.
Để vượt qua sự mệt mỏi, sợ hãi, cô đơn, sự bất an và lo lắng… cần phải tin tưởng rằng, Chúa sẽ đưa tay cứu giúp. Có Chúa trong hành trình ơn gọi, chúng ta sẽ bình an. Chúa luôn động viên ta: “Cứ yên tâm, đừng sợ!” Chúa ban cho chúng ta sự nhiệt huyết với niềm vui và lòng hăng say để sống ơn gọi của mình.
Lời cuối của sứ điệp, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta noi gương Mẹ Maria cất lời ngợi khen Chúa với lòng biết ơn, biến đời ta thành một bài ca tán tạ hồng ân Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp người trẻ chúng con biết thưa xin vâng với Chúa như Mẹ để làm môn đệ Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ