TỈNH THỨC SẴN SÀNG CHỜ NGÀY CHÚA ĐẾN

Trong Bài đọc thứ nhất Isaia 2,1-5, lời văn của tiên tri Isaia thật phấn khởi: vùng đất Giuđa nhỏ bé với ngọn núi Giêrusalem khiêm tốn sẽ thống trị toàn thế giới và cả những ngọn núi cao vời:

Trong tương lai, núi Nhà Chúa

đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao,

vươn mình trên hết mọi ngọn đồi

(Isaia 2: 2)

 Và rồi Giuđa và Giêrusalem sẽ thu hút mọi quốc gia và nhiều dân tộc:

Dân dân lũ lượt đưa nhau tới,

nước nước dập dìu kéo nhau đi.

Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi Chúa,

lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp

(Isaia 2: 3).

Không còn chế tạo vũ khí, mà là chế tạo công cụ để trồng trọt và thu hoạch. Không bao giờ xảy ra chiến tranh nữa:

Ngài sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia

và phân xử cho muôn dân tộc.

Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,

rèn giáo mác nên liềm nên hái

Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,

và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến

(Isaia 2: 4).

Thế giới sẽ biết đến hòa bình nhờ Giêrusalem vì ở đó Chúa ban các chỉ thị, Lề luật của Ngài:

Để Ngài dạy ta biết lối của Ngài,

và để ta bước theo đường Ngài chỉ vẽ.

Vì từ Xion, thánh luật ban xuống,

từ Giêrusalem, lời Chúa phán truyền

(Isaia 2: 3).

Tuy nhiên, Isaia biết rõ sự yếu đuối và nhỏ bé của Giuđa và Giêrusalem, hoàn toàn không có khả năng chống lại các cuộc tấn công của kẻ thù láng giềng đến cướp bóc và hủy diệt. Điều đó khiến Isaia nhớ lại rằng Thiên Chúa của Giacóp là Đấng đã giải cứu dân tộc mình khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vì vậy, ông tin tưởng, nhắc lại và gieo niềm tin đó cho những thính giả của ông vốn những đang mắc kẹt trong những cuộc xung đột, nhằm mang lại can đảm cho họ. Khi mọi thứ đã mất đi, thì ánh sáng chính là vẫn bám chặt vào Thiên Chúa: “Hãy đến đây, nhà Giacóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Chúa soi đường!” (Isaia 2: 5).

Ở bài đọc  thứ 2: Rôma 13,11-14, qua những lời khuyên của vị tông đồ, chúng ta đoán ra những mối bận tâm của các cộng đoàn Kitô hữu non trẻ. Các thừa sai đến từ Giêrusalem làm chứng niềm tin của họ: Chúa Giêsu đã sống lại, đang sống cuộc sống mới gần gũi với Thiên Chúa. Chúa Giêsu phải sớm đến trong vinh quang của Ngài, trong ánh hào quang thần linh của Ngài, để biến đổi thế giới và bày tỏ Triều Đại Thiên Chúa cho mọi người: “Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13: 11-12).

Những người đã tin tưởng vào các tông đồ và gia nhập vào các cộng đoàn Kitô giáo thấy thời gian chờ đợi Chúa đến sao lâu quá!Không có gì xẩy đến cả. Một số người trở nên chán nản và sẵn sàng bỏ cuộc. Tông đồ Phaolô biết điều này và kêu mời họ cứ vững vàng: “Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13: 11-3). Một trong những phương thế tích cực chuẩn bị cho Đấng Phục Sinh đến là “mặc lấy Chúa Giêsu Kitô”, tìm cách đồng hóa với Ngài, sống theo cùng một Thần Khí như Ngài, như Isaia kêu mời: “Hỡi nhà Giacóp, hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa” (Isaia 2: 5).

Khi các môn đệ đọc Tin Mừng Mátthêu 24,37-44, Chúa Giêsu không còn hiện ra trước mắt các môn đệ nữa. Họ đang chờ đợi Ngài đến càng sớm càng tốt trong ánh hào quang thánh thiêng của Ngài để biểu lộ dứt khoát Triều đại của Thiên Chúa trước mắt mọi người. Do đó, sự tái lâm này “khi nào” xảy đến là một câu hỏi thường trực đối với các Kitô hữu của các cộng đoàn đầu tiên. Đối với họ, một vài thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá và Ngài Phục sinh, nhưng dường như không có gì sắp xảy ra.

Câu trả lời của Chúa Giêsu mà Mátthêu kể lại thật rõ ràng: không ai biết “khi nào” cuộc quang lâm vang lừng của Đấng Phục Sinh sẽ xảy đến: “Quả thế, thời ông Nôê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy” (Mt 24: 37-39).  Kể từ thời các Kitô hữu đầu tiên chờ đợi Ngài, có ai dám liều lĩnh đưa ra câu trả lời rõ ràng không?

Ở đây Tin Mừng Mátthêu chứng thực rằng đức tin được đào sâu là chỉ nhờ vào tác động của Chúa Thánh Thần. Không cần phải lo lắng về ngày giờ nào Đấng Phục Sinh sẽ quang lâm: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32). Do đó đừng vội tin vào những thứ chẩn đoán hay tiên tri về ngày tận thế. Đức Kitô có thể ngự đến bất cứ lúc nào, do đó đây là thời gian của mong đợi và tỉnh thức: “hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24: 44). Hãy tỉnh thức và thanh thản chờ đợi, đừng như những người thời ông Nôê ngày xưa hay như nhà phú hộ kia “nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12: 19-20). Nhưng “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay…Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không đểnó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12: 35-40).

Thay vì suy đoán một cách không cần thiết về ngày Chúa Giêsu có thể đến: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1,7), chúng ta nên tiếp tục thực thi bổn phận  của mình. Ngày Chúa Giêsu đến sẽ là ngày phán xét mà ngay bây giờ đã bắt đầu xảy ra bất cứ nơi nào có sự tách biệt giữa người được được cứu và người bị hư mất: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Ngài sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Ngài, và Ngài sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Ngài sẽ cho chiên đứng bên phải Ngài, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa…Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25: 3-41).

Ngay hôm nay, không cần phải chờ đợi, chúng ta chọn đứng về bên nào, chiên hay dê? Ngày Chúa đến sẽ đến khi nào Chúa muốn. Trong khi chờ đợi, điều quan trọng là sống mỗi ngày theo sự dẫn dắt của Thần Khí của Chúa Giêsu, Vị Mục Tử nhân lành: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Gioan 10, 11).

Các bài đọc Chúa Nhật I Mùa Vọng hôm nay nói về việc chờ đợi Chúa đến, chuẩn bị cho Chúa đến, v.v. Vậy nghĩa của từ “đến”này là gì?

Bản văn của thánh Marcô gợi lên sự mong đợi của các Kitô hữu, nói về “mùa vọng” , “mùa mong chờ Chúa đến”, ngày “Chúa của anh em sẽ đến”. Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết và từ đó đã sống một cuộc sống hoàn toàn khác và mới mẻ bên Chúa Cha. Kitô hữu tin rằng chiến thắng của Chúa Giêsu trong lễ Phục sinh không chỉ thuộc về Chúa Giêsu; mà dành cho tất cả mọi người. Vì vậy, họ ngưỡng vọng Chúa đến, chờ đợi Chúa đến.

Với việc Phục sinh, mọi sự đều đã thay đổi. Đây thực sự là một sự kiện chưa từng có và không phải là một sự “quay trở lại” nhằm lặp lại quá khứ xưa cũ. Không, Chúa Giêsu sẽ không “quay trở về” như trước.Vâng, Chúa sẽ đến: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21: 5). Chúng ta, những Ki tô hữu, mong ngóng “trong vinh quang mai Ngài lại đến. Đón chúng con lên trời về với Chúa Cha” như Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1403 nói rõ: “Mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh nhớ lại lời Chúa hứa: “Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy sẽ không còn uống rượu nho này nữa, cho đến ngày được cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,29; Lc 22,18; Mc 14,25) và hướng về Đấng đang đến. Trong kinh nguyện, Hội Thánh kêu cầu Ngài mau đến: “Marana tha” (1Cr 16,22), “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22,20).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts