Trong bài Tin mừng tuần trước, Chúa Giêsu sửa chữa những kiểu dạy dỗ sai lạc liên quan đến Lề luật Môsê. Những gì các thầy luật sĩ và người Pharisêu đã làm vào thời của họ là điều mà chúng ta cũng muốn làm ngày nay. Chúng ta lấy mệnh lệnh của Chúa và giải thích chúng theo cách sao cho chúng ta có vẻ như đang làm đúng những gì Chúa đã dạy bảo. Chúng ta tập trung vào việc không giết người trong khi Chúa Giêsu dạy không được tức giận. Chúng ta tập trung vào việc không ngoại tình trong khi Chúa Giêsu dạy ham muốn trong lòng đã là ngoại tình. Chúng ta nói rằng có thể ly dị vì bất kỳ lý do gì trong khi Chúa Giêsu dạy: “ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình” (Mt 5: 32). Chúng ta chỉ tập trung vào việc giữ lời hứa nếu chúng ta đã thề hứa nhưng Chúa Giêsu nói rằng phải làm theo mọi lời chúng ta đã nói. Những điều này đưa chúng ta hôm nay đến Mátthêu 5:38-48 nơi Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta thấy chúng ta hạ thấp tiêu chuẩn của Thiên Chúa.
- Mắt đền mắt (5:38-42)
Chúa Giêsu nói rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt 5: 38). Qua những gì Chúa Giêsu nói hôm nay, chúng ta thấy rõ rằng những gì các nhà lãnh đạo tôn giáo khi xưa đã dạy cũng giống như những gì người ta sống ngày nay. Nếu bạn móc mắt tôi ra, tôi sẽ móc mắt bạn ra. Bây giờ người ta phải biết rằng đây không phải là ý nghĩa đích thực của Lề luật. Thiên Chúa đã dạy rõ ràng, trong bài đọc thứ nhất trích sách Lêvi: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lêvi 19:18). Đơn thuốc mắt đền mắt là luật của hệ thống tòa án: đưa ra là hình phạt tương xứng với tội ác, nhưng không hề là giới luật mới mà Chúa Giêsu công bố. Hôm nay, Chúa Giêsu đặt tiêu chuẩn của Thiên Chúa trở lại đúng vị trí của nó. Lề luật của Thiên Chúa là không ăn miếng trả miếng những gì người khác đã gây ra cho chúng ta. Hãy lắng nghe những lời Chúa Giêsu đưa ra: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5: 39-42). Thay vì chỉ lo cho chính mình, hãy cho đi chính mình. Không trả thù kẻ ác. Đừng đáp trả ăn miếng trả miếng. Đừng chữa cháy bằng lửa. Chúa Giêsu đưa ra những hình ảnh nhằm nói rằng không chỉ đừng trả đũa, mà còn cho đi nhiều hơn những gì người ta mong đợi. Điều này thực sự cho thấy chúng ta còn cách xa tiêu chuẩn của Chúa Giêsu như thế nào và chúng ta cố chống lại những gì Chúa Giêsu nói như thế nào. Chúng ta được kêu gọi vượt lên trên tất cả những gì người khác thường làm.
Vào thời La Mã, một chỉ huy La Mã có thể buộc dân thường mang hành lý của họ trong khoảng cách quy định là một dặm La Mã. Chúng ta có thể nhớ điều này đã xảy ra với ông Simon, bị người La Mã bắt phải vác thập giá đỡ Chúa Giêsu đến nơi hành hình. Chính quyền La Mã có thể bắt một người làm điều này trong một dặm. Chúa Giêsu nói hãy đi hai dặm khi bạn đang ở đó. Vậy Chúa Giêsu muốn nói gì? Đời sống Kitô hữu không phải là khăng khăng khẳng định quyền lợi của mình. Đời sống Kitô hữu không phải là chỉ làm điều tối thiểu cho người khác hoặc thậm chí còn ít hơn thế nữa. Chúa Giêsu nói với chúng ta đừng chỉ nghĩ về bản thân và bảo vệ chính mình. Đúng hơn, Chúa Giêsu dạy bảo chúng ta hãy hiến thân và nghĩ đến người khác trước bản thân mình. Chúng ta không nói, “Tôi có quyền.” Chúng ta nhường quyền của mình cho người khác. Chúng ta cần phải vượt lên trên tất cả vì lợi ích của những người khác trước.
- Tình yêu đích thực (5:43-48)
Ngay sau đó, Chúa Giêsu đề cập đến một việc dạy bảo khác có bản chất tương tự như vậy: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5: 43). Rõ ràng đó không phải là điều luật Chúa đã dạy. Nhưng chúng ta lại có thể thấy rằng lời dạy đó chấp nhận cho ghét những người không yêu chúng ta. Đây là một việc dễ làm. Chúng ta chỉ muốn yêu những người yêu chúng ta. Nhưng đây không phải là tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đặt tiêu chuẩn trở lại đúng chỗ của nó: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5: 44). Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng chỉ yêu những người yêu chúng ta, mà yêu tất cả mọi người, ngay cả kẻ thù của mình. Yêu kẻ thù đến mức thậm chí cầu nguyện cho họ.
Lý do đầu tiên khiến chúng ta làm điều tốt lành cho mọi người và yêu thương mọi người là vì đó là điều Chúa làm. Thiên Chúa khiến mặt trời mọc lên trên kẻ ác và kẻ thiện. Thiên Chúa ban mưa cho người công chính và kẻ bất công: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5: 45). Người ta ít nhận ra điều này. Nhưng Thiên Chúa đang bày tỏ tình yêu và ân sủng của Ngài cho mọi người, bất kể họ như thế nào. Đó là lý do căn bản chúng ta phải làm điều tốt lành và thể hiện tình yêu đối với tất cả mọi người.
Thứ hai, chúng ta được kêu gọi để trở nên con người yêu thương, khác với thói đời ganh ghét đố kỵ, loại trừ nhau. Nếu mình chỉ yêu kẻ yêu mình, thì có khác gì người đời? Mọi người đều làm điều đó: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5: 46- 47). Thế giới ghét kẻ thù của họ. Nhưng đó không phải là tính cách của Thiên Chúa. Điều này thực sự quan trọng trong thế giới của chúng ta ngày nay, nơi người ta ghét bỏ nhau rất nhiều. Có quá nhiều sự căm ghét trong xã hội của chúng ta. Đây không thể là con người mà Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành.
- Tiêu Chuẩn Chân Chính (5:48)
Rồi Chúa Giêsu kết thúc với tiêu chuẩn đích thực cho cuộc sống. “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5: 48). Đừng nghĩ như cách thế gian nghĩ. Đừng làm như thế gian làm. Hãy nghĩ về cách Thiên Chúa đang làm mọi việc. Hãy làm như chúng ta đã thấy Chúa Giêsu làm. Tiêu chuẩn không phải là làm giống như những gì người khác nói và làm, “những người khác đều làm như vậy mà.” Thiên Chúa không coi những gì người khác đang làm là chuẩn mực. Ngài là Đấng Toàn Ái, người Cha đầy tình yêu thương. Yêu thương mới là chuẩn mực Ngài dạy bảo con người chúng ta. Chúng ta phải sống khác con người trần gian. Chúng ta phải sống “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
Chúng ta cần phải thấy sự cao cả của lề luật Thiên Chúa. Chỉ khi nhìn thấy sự cao cả này, chúng ta mới “có tâm hồn nghèo khó”, “khóc lóc tội lỗi mình”, “hiền lành và khiêm nhường”, “khát khao nên người công chính”, “xót thương người”, “có tâm hồn trong sạch”, “xây dựng hoà bình” và được biến đổi như Chúa muốn để chúng ta được hưởng phần thưởng lớn lao Nước Trời (Mt 5: 3-12). Chỉ có cách nhìn này mới giúp chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa một cách đúng đắn và nhìn ra chính mình thực sự như thế nào. Đừng nới lỏng luật pháp hoặc hạ thấp tiêu chuẩn của Thiên Chúa.
Hiểu được những mệnh lệnh lớn lao nhất sẽ làm cho cõi lòng kiêu hãnh của chúng ta vỡ ra dần dần. “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12: 30). Chúng ta đã làm như thế nào? Ngoài ra, “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12: 31). Chúng ta đã làm như thế nào? “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Chúng ta đã làm như thế nào? Nếu có nơi nào chúng ta có thể nhìn thấy những thất bại của mình một cách rõ ràng nhất, thì đó chính là ở lời mà Chúa Giêsu đã đưa ra: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5: 44).
Tại sao những điều này lại khó thế? Vì họ không xứng đáng! Tôi không thể đi thêm một dặm, không thể đưa má bên kia, không thể cầu nguyện cho họ. Tất cả vì họ không xứng đáng! Nhưng Chúa Giêsu có ban cho tôi nhiều hơn những gì tôi xứng đáng không? Chúa Giêsu chỉ yêu những người làm điều tốt lành cho Ngài thôi sao? Tôi phải ngưng lối sống chỉ dựa trên điều tốt người khác đã làm cho tôi rồi mới làm điều tốt lành cho họ. Tôi phải ngưng biện minh cho bản thân khi chỉ yêu những người yêu lại tôi. Tôi phải yêu thương người khác, ngay cả khi không họ xứng đáng, nhưng vì Chúa yêu tôi, dù tôi không xứng đáng.
Thánh Phaolô căn dặn chúng ta: “Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài. Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào” (1 Cr 18-21).
Phêrô Phạm Văn Trung.