TỘI LỖI CẦN ĐƯỢC THA THỨ, KHÔNG CẦN BIỆN MINH

Vào năm 1973, bác sĩ tâm thần nổi tiếng quốc tế, Karl Menninger, đã viết một cuốn sách có tựa đề Bất cứ điều gì cũng trở thành tội lỗi. Ông tiên đoán rằng sẽ đến lúc người ta không còn tin rằng còn có một điều gì đó bị coi là tội lỗi nữa. Với sự phát triển của chủ nghĩa nhân văn và sự suy tàn của tôn giáo, con người sẽ bào chữa cho sự vô đạo đức của mình bằng cách đổ lỗi cho sinh học, quá trình giáo dục, những người cùng làm việc, hoặc thậm chí là môi trường. Do đó, sẽ không cần sự tha thứ vì điều trước đây được gọi là tội lỗi sẽ được hợp lý hóa.

Tin Mừng nói đủ rõ ràng về thực tại của tội lỗi. Chúng ta đọc về người đàn bà bên giếng được bảo: “Hãy đi và đừng phạm tội nữa” (Ga 8:3-11). Mátthêu 1:21 nói rằng “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21).  Chúa Kitô nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17).

Khó mà bào chữa cho Giuđa theo những lời bào chữa hiện đại. Ông ta có bạn bè tốt lành. Tất cả những người gần gũi với ông đều là thánh và các vị thánh đã cầu nguyện cho ông. Ông đồng hành với Chúa Kitô và không có lý do rõ ràng nào, về mặt di truyền, sinh học hay lý do nào khác, để phản bội Ngài. Bi kịch của ông là không tìm kiếm sự tha thứ mà lại tuyệt vọng và tự sát.

Người ta cần phải khiêm tốn ở một mức độ nhất định nào đó để thừa nhận tội lỗi của mình. Blaise Pascal chỉ ra rằng chỉ có hai loại người: “Người công chính nghĩ mình là tội nhân và tội nhân nghĩ mình là người công chính”. Người công chính không ảo tưởng về chính mình. Người ấy biết rằng mình là một tội nhân, trong khi tội nhân, bị mù quáng bởi sự tự hãnh của mình, nghĩ rằng mình vô tội. Chúa Kitô đã phán: “Ai vô tội thì ném đá trước đi” (Ga 8:7). Những lời này ngụ ý rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân.

Plato đã nói rằng “Chúng ta có thể dễ dàng tha thứ cho một đứa trẻ sợ bóng tối; bi kịch thực sự của cuộc đời là khi con người sợ hãi ánh sáng”. Nhờ ánh sáng hiểu biết, người ta ý thức được tội lỗi của mình. Trong trường hợp này, người ta cũng đủ tư cách để được tha thứ.

Những người theo chủ nghĩa thế tục không tin rằng có một thứ gọi là tội lỗi, nói rộng ra một cách hợp lý, không tin rằng cần phải được tha thứ. Tuy nhiên, con người đau khổ khi bị ngược đãi. Họ có xu hướng giữ mối hận thù. Các nhà tâm lý học nhân văn không hiểu sự tha thứ theo cách mà Chúa Kitô đã sử dụng thuật ngữ này. Chúa Kitô đã tha thứ cho người phạm tội, chứ không phải người bị kẻ khác xúc phạm. Các nhà tâm lý học thế tục tin rằng nạn nhân nên vượt qua sự tức giận vì bị ngược đãi để không còn cảm thấy tức giận với người đã sai lỗi với mình. Theo nghĩa này, nạn nhân tha thứ theo nghĩa vượt qua cảm xúc tiêu cực của mình. Tuy nhiên, sự “tha thứ” đó không tha tội cho thủ phạm ngược đãi mình.

Tha thứ cho một người về những việc làm của họ là điều mà chỉ một mình Chúa Kitô mới có thể đạt được. Tâm lý học không giúp được gì khi phải gột rửa tội lỗi cho người khác. Thánh Margarette Marie Alacoque nói với cha giải tội rằng bà đã trò chuyện với Chúa Kitô. Cha giải tội của thánh nữ hoài nghi và đã xin thánh nữ rằng lần sau khi trò chuyện với Chúa, hãy hỏi Chúa về tội lỗi mà cha vừa xưng thú gần đây. Thánh nữ đặt câu hỏi cho Chúa Kitô. Câu trả lời của Chúa, “Ta không nhớ”. Cách thức tha thứ của Chúa Kitô là duy nhất vì Ngài thực sự xua đuổi tội lỗi để hối nhân có thể tiếp tục cuộc sống của mình mà không bị vết nhơ tội lỗi cản trở.

Triết gia người Đan Mạch, Soren Kierkegaard đã hiểu bản chất uy nghiêm của sự tha thứ thực sự khi ông nói: “Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự từ hư vô. Bạn nói thế thì tuyệt vời. Đúng là như vậy, nhưng Ngài còn làm điều kỳ diệu hơn nữa: Ngài làm cho những kẻ tội lỗi nên thánh”. Thánh Augustinô hẳn sẽ đồng ý với lời tuyên bố đó.

Trong vở kịch Le Soulier de satin của Paul Claudel, một phụ nữ ngoại tình không chịu thú nhận tội lỗi của mình nên bị án phạt phải đi khập khiễng. Tội lỗi chưa thú nhận để lại cho người phụ nữ ấy một dấu ấn sẽ không biến mất nếu không xưng tội. Chúng ta cần phải thú nhận tội lỗi của mình để khi trở lại tình trạng ân sủng, chúng ta ở một tư thế tốt hơn để giúp đỡ người khác và không phải tiếp tục gánh chịu cảm giác tội lỗi chưa được giải quyết. Thánh Augustinô quả quyết rằng “Những giọt nước mắt sám hối tẩy sạch vết nhơ tội lỗi”.

Những người theo chủ nghĩa thế tục không hiểu được sự tha thứ thực sự cũng không hiểu được bản chất của tội lỗi. Cảm giác tội lỗi thực sự không phải do sự đắn đo hoặc lương tâm hoạt động quá mức, mà do sự đồng lõa của người ta trong việc làm sai trái. Sự tha thứ giải phóng người ta khỏi những hậu quả tiêu cực của cảm giác tội lỗi. Nó cũng khôi phục mối tương quan đích thực của một người với Thiên Chúa.

Tiến sĩ Menninger vừa là người biết quan sát vừa có tầm nhìn xa về khái niệm tội lỗi. Tuy nhiên, chắc chắn ông không tưởng tượng được rằng một khi người ta chối bỏ tình trạng tội lỗi, thì chẳng bao lâu tình trạng đó được chấp thuận và không lâu sau đó tội lỗi được tuyên bố là ưu việt hơn nhân đức. Đó là một tình trạng rất đáng buồn trong xã hội ngày nay khi các Kitô hữu tốt lành bị chế giễu hoặc, trong một số trường hợp, bị mất việc làm chỉ vì họ phản đối việc chấp nhận và cổ vũ tội lỗi. Nếu tội lỗi không được tha thứ, chúng sẽ mưng mủ và gây ra tình trạng cố tình phạm tội không bao giờ dứt. Vì lý do chính đáng, sự tha thứ và hòa giải được liên kết với nhau như một Bí tích.

Việc một người thú nhận tội lỗi giống như giải phóng một tù nhân. Thật vậy, tình trạng tội lỗi giống như bị cầm tù. Nhưng niềm vui bất ngờ là người đó, khi đã được giải thoát, nhận ra rằng mình trở lại là chính mình chứ không phải là ai khác.

 

Tác giả: Tiến sĩ A.S. Donald Demarco, catholicexchange.com.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts