Trao ban tất cả vì yêu thương

Sau nhiều năm trời mòn mỏi đợi trông, mãi cho đến trăm tuổi, Cụ Áp-ra-ham mới được diễm phúc có con nối dõi tông đường. I-xa-ác chào đời đem lại niềm vui chan hoà cho Cụ Áp-ra-ham. I-xa-ác là lẽ sống, là cây gậy chống đỡ tuổi già, là tương lai cho giống nòi và là tất cả niềm hy vọng của Cụ. (Sáng thế 22, 1-18)

Thế mà, oái oăm thay, Thiên Chúa truyền cho Cụ phải sát tế đứa con quý yêu để tế lễ cho Ngài. Trời đất như quay cuồng sụp đổ khi Cụ Áp-ra-ham nghe lệnh truyền của Thiên Chúa.

Phải tự tay sát tế đứa con một rất đỗi yêu dấu là một nỗi đau thương làm tan nát cõi lòng, thế nhưng vì tình thương và lòng thần phục đối với Thiên Chúa, Cụ Áp-ra-ham đã chấp nhận hy sinh.

Tuy nhiên, Thiên Chúa chỉ thử lòng Cụ Áp-ra-ham thôi. Ngài không nỡ để cho một người cha già phải gánh chịu một nỗi đau thương lớn lao đến thế.

Trao ban Người Con Một

Trích đoạn Tin Mừng trong ngày lễ hôm nay (Gioan 3, 16-18) cũng đề cập đến một người Cha khác, đó là Thiên Chúa, đã thực hiện một hy sinh lớn lao hơn nhiều, chỉ vì tình yêu thương.

Vì quá yêu thương nhân loại lỗi lầm, vì không muốn cho muôn người phải lâm vào cảnh trầm luân muôn đời vì tội lỗi ngút ngàn của họ, Thiên Chúa Cha đã hiến tế Người Con Một yêu dấu của mình, cho Con Một chết thay cho nhân loại lầm than và để cho những ai tin vào Con của Ngài thì được sống muôn đời:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.  Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ”. (Gioan 3, 16-17)

Xưa kia, Thiên Chúa không nỡ để cho I-xa-ác phải chết dưới lưỡi dao oan nghiệt của Cụ Áp-ra-ham, không để cho thân xác của I-xa-ác phải chịu thiêu đốt trên bàn thờ để làm hy lễ cho Thiên Chúa, nhưng đến một thời, Thiên Chúa Cha lại để cho Con Một Ngài, là Ngôi Hai Thiên Chúa, phải chịu đóng đinh, chịu quằn quại đau thương và chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại và để ban lại cho muôn dân được sống đời đời. Thiên Chúa đã yêu thế gian như thế đó, đến nỗi đã ban Người Con Một…

Là một nghịch lý

Người tôi tớ thấp hèn liều mình chết thay cho chủ nhân quyền quý, hay người dân đen cùng khốn chết cho hàng vua chúa cao sang… là điều dễ chấp nhận; Đằng nầy Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Tể trời đất lại hiến thân chết thay cho loài người hèn mọn thì quả là điều vượt quá trí tưởng tượng con người. Chỉ vì quá đỗi yêu thương loài người, Thiên Chúa mới có thể hy sinh đến thế.

“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu mình” (Gioan 15, 13) và không có tình yêu nào sánh ví được với tình yêu khôn vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Đền đáp hồng ân                                      

Khi được người khác biếu tặng một món quà, ai trong chúng ta cũng đều nhớ ơn ân nhân và tìm cách đền đáp lại bằng món quà tương xứng. Người nào quên đền ơn đáp nghĩa sẽ bị xem là kẻ không biết điều.

Thế thì khi được Chúa Trời ban tặng chính Con Một Ngài để cứu mạng cho chúng ta, khi được Chúa Giê-su hiến thân chịu chết để cứu ta khỏi chết muôn đời, có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc đền đáp công ơn trời biển đó chưa?

Để đền đáp phần nào tình thương bao la của Thiên Chúa Cha, Đấng đã trao ban Con Một mình cho nhân loại, để đền đáp sinh mạng của Chúa Giê-su đã trao hiến cho bạn và cho tôi, chúng ta hãy dâng cho Ngài một hiến lễ tương tự. Đó là “hiến dâng thân mình chúng ta làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rôma 12, 1). Đó cũng là nguyện ước của chân phước An-rê Phú Yên hôm xưa: “Đem cuộc sống báo đền cuộc sống; lấy tình yêu đáp trả tình yêu.

 

Tin Mừng Gioan (3,16-18)

16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, Nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Chia sẻ Bài này:

Related posts