Trao quyền cho Giáo Hội

Vâng, kính thưa quý vị thưa các bạn ! Chủ đề Lời Chúa Chúa Nhật XXIII TN ( A ) hôm nay, tuy không dài, nhưng cho chúng ta hai vấn đề cần thiết. Vì ý nghĩa của hai vấn đề hôm nay chính là sự Bác Ái – Hiệp Thông, nên con xin chia sẻ bởi một chủ đề đó là: TRAO QUYỀN CHO GIÁO HỘI.

Vâng, chúng ta luôn nhớ rằng : Thiên Chúa là Đấng công bình tuyệt đối, nếu chúng ta đặt hết niềm tin vào Ngài, thì chúng ta không còn cảm giác sợ hãi, hay lo lắng. Chính vì sự đời bất công, tranh giành, ganh tỵ , tất cả những điều ấy dẫn đưa người Kitô hữu đến chỗ tự cao , tự đại, thiếu tình bác ái, thiếu nhẫn nại, cho mình hơn kẻ khác. Từ đó , sinh ra tranh giành kể cả trong và ngoài cộng đoàn tu trì, có thể nói từ thời khai sinh Giáo Hội, chẳng vì thế mà Đoạn Lời Chúa hôm nay chính Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta.

Vâng, nếu chúng ta đến những nơi đông người, những nơi chợ búa, những nơi công cộng. Chúng ta cảm nghiệm xem, chúng ta sẽ thấy gì? Há chẳng phải là sự mua bán sao? Mua bán, tất có sự tranh chấp, tất có sự hơn thua, được mất. Thậm chí, ngày nay, khi vào nhà thờ, nơi thờ phượng Thiên Chúa, nhưng cũng còn có sự tranh giành, giành hàng ghế trước cho người có tước, có công. Giành hàng ghế sau cho người quen biết, thứ đến hàng ghế sau cho người lữ khách. Xin lễ thì đọc tên thánh quá nhiều, gây ra mất thì giờ, dễ gây chia trí, thay vì có bảng chiếu, cứ chiếu tên thánh lên, Vị Linh mục chủ tế chỉ đọc một lần ý chỉ chung trên bảng chiếu là đủ, vừa khỏi kéo dài, gây chia trí cho cộng đoàn tham dự Thánh Lễ. Nhưng cũng có người lý luận rằng : Việc xin lễ, đọc tên thánh từng người xin, mới là quan trọng, vì mỗi Thánh Lễ có khi vài ba triệu đồng, mà không đọc tên thánh từng người, thì người xin lễ không hài lòng. Còn những người tham dự Thánh Lễ, tức cộng đoàn dân Chúa, thì bỏ tiền giỏ, có khi chưa bằng tiền xin lễ. Chẳng biết cái nào đúng, cái nào sai? Xem ra cái nào cũng có lý.

Mặc nhiên, giáo hội, hay là Hội Thánh là con đường để được Thánh Hóa, con đường nên thánh, chứ chưa hoàn toàn là thánh, ai cũng biết điều nầy. Từ đó, suy ra, nơi nào có sự tụ hợp, tất có những lộn xộn. Vì thế gian thì : “chín người, mười ý ”. Chúa Giêsu thấu suốt điều nầy, nên Người dạy cho các Tông Đồ trước và sau nầy như sau : (Mt 18, 15- 17)” Về việc trót phạm lỗi”, chứ không phải “cố tình phạm lỗi “.

Theo đó, việc sửa lỗi là điều cần thiết, ai được làm bề trên, tất phải trải qua vấn đề nầy. Không một bề dưới nào mà không phạm lỗi. Nhưng, bề trên là người nhận được trách nhiệm giáo huấn, mặc nhiên nhận quyền “sửa lỗi” bề dưới. Nhưng, người làm bề dưới nếu có niềm tin , bác ái, hiệp thông, thì họ sẽ nhận ra trách nhiệm, đồng thời sứ mạng của bề trên. Khi nhận ra “ bị” sửa lỗi, là nhận ra “tiếng Chúa”. Chính là Thần Khí của Chúa sửa dạy vì yêu thương. Không bất cứ nơi đâu, từ môi trường gia đình, cộng đoàn, dòng tu, đến xã hội con người. Không nơi nào, dù cho có bằng yên đến mấy, thì cũng có lúc xung đột. Tất nhiên, bề trên cũng không phải tuyệt đối “đúng”, như trường hợp của thánh An-phong-sô và thánh Giê-ra-đô. Đó là những bậc thánh, nhưng trong trường hợp nầy, không phải Thần Khí của Chúa” không đúng”, mà là sự chịu thử thách của “ ứng sinh” nên thánh.

Như vậy, cách sửa lỗi như trong đoạn Lời Chúa ( Mt 18, 15-18) hôm nay, cho thấy một trình tự “sửa lỗi”rất khôn khéo, đồng thời là một “ bí quyết “ được chính Chúa Giêsu “bật mí ” truyền dạy, chứ không phải là “dụ ngôn”. Theo đó, chúng ta thấy “quyền được sửa lỗi” là Quyền chính Chúa Giêsu trao cho Hội Thánh của Người ở trần thế, chứ không phải chỉ là “quyền” của từng cá nhân được.

Vấn đề “sửa lỗi” là vấn đề xây dựng. Từ đó, cho thấy Nước Trời là Hội Thánh mà Chúa Giêsu đã thiết lập nơi trần gian nầy, là một sự hiệp nhất, một cơ cấu yêu thương, nhưng vững chắc, bởi vì ” Ở đâu có hai, ba người hợp lại nhân Danh Thầy, thì Thầy ở đấy, ở giữa họ” ( c 20 ). Và , quả thật còn hơn nữa: “ Ở dưới đất hai người hợp lại mà nhân Danh Thầy và xin Cha Thầy , Đấng ngự trên trời , bất cứ điều gì, thì Người sẽ ban cho” ( c 19)

Rõ ràng, theo giáo huấn của Chúa Giêsu , sự hiệp nhất có hiệu quả vô cùng to lớn, mà nhân thế gọi là “đoàn kết”. Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là xây dựng, đoàn kết mới bào tồn. Từ trong môi trường nhỏ bé là gia đình, đến xã hội, đến cộng đoàn giáo hội lớn , nhỏ ( dòng tu ). Chúng ta thấy sự hiệp nhất- yêu thương – mới có sự tề tựu- bền chặt và mặc nhiên mới có sự hiện diện của Thiên Chúa, lúc đó , sự cầu xin của cá nhân và cộng đoàn mới có hiệu quả.

Qua đó, chúng ta thấy việc CẦU NGUYỆN và XIN ƠN cũng vậy, nếu chúng ta thực thi đúng Lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay, thì lời cầu xin của chúng ta chắc chắn sẽ có hiệu quả. Vì không ai giàu có bằng Thiên Chúa, không phải chỉ bằng của cải vất chất , mà còn bởi tình yêu đích thực, sự khoan nhân độ lượng, sự ban tặng chính Thiên Chúa nữa.

Thánh vịnh 94 , 1- 2 ; 6-7 ; 8-9 hôm nay, cho chúng ta biết : “Hôm nay các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng nữa.” Vì chính Ngài là Thiên Chúa của ta.

Rõ ràng, khởi đi từ Bài đọc I ( Ed 33, 7 -9), chúng ta thấy Thiên Chúa quy trách nhiệm cho người lành, nếu như người lành thấy kẻ ác, làm điều bất chính mà không không ngăn cản, thì trách nhiệm bởi người lành. Còn nếu người lành ngăn cản, mà kẻ gian ác không nghe, thì trách nhiệm thuộc về nó. Như vậy, rõ ràng, “NGƯỜI LÀNH” ở đây chính là Giáo Hội. Cá nhân từng Kitô , cũng như cộng đoàn dân Chúa, từng tập thể nhỏ cũng như cả hoàn vũ. Theo đó, Chính Chúa Giêsu “TRAO QUYỀN CHO HỘI THÁNH” là chính những người được thánh hóa có trách nhiệm. Vì thế, việc sửa lỗi cho người khác, khi họ trót phạm là điều cần cần thiết, vì căn cứ vào Lời Chúa, đồng thời là trách nhiệm của Giáo Hội.

Bài đọc II ( Rm 13, 8-10 ), thánh Phao-lô cho chúng ta một giáo huấn tóm tắt rất sâu sắc và dễ nhớ đó là : “ YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LỀ LUẬT “ . Bởi khi yêu thương thì không làm điều ác.

Chúng ta cùng nhau cảm tạ Chúa Giêsu vì Chúa đã dạy cho chúng ta biết “ Bí quyết “cầu nguyện và xin ơn cho có hiệu quả, biết xây dựng và làm bổn phận của một “người lành”, là biết can đảm ngăn chặn “kẻ ác “.

Lạy Chúa Giêsu xin thương xót chúng con, xin ban cho chúng con biết thực thi Lời Chúa một cách có hiệu quả như Chúa dạy, hầu đem lại ơn ích cho chúng con, muốn thế chúng con phải yêu mến Lời Chúa hằng ngày. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa Chúng con ./. Amen

07/09/2014

P.Trần Đình Phan Tiến

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment