Một câu chuyện có thật: một cha xứ kia đi thăm con chiên đang nằm tại nhà thương. Bà ta đã già và bệnh nghiêm trọng. Cha vào thấy bà đang cố thở những hơi thở mệt nhọc. Bà xin cha: “Cầu nguyện cho con lành bệnh và được khỏe mạnh.” Cha xứ nghĩ bà không khỏi được đâu, bà sắp chết rồi nhưng cha thốt lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu là ý Chúa, xin hồi phục người con của Chúa đây. Tuy nhiên, xin cho chúng con đón nhận ý Chúa để bà có sức khỏe hay không, bà luôn thấy Chúa vẫn gần gũi bà. Amen” Cha vừa dứt lời, bà đứng khỏi giường, giơ tay, quay quanh và nói với cha: “Con thấy khá hơn! Con khá nhiều rồi! Dường như con được lành!” Bà đi ra hành lang và tiến đến trạm y tế hô to: “Tôi nghĩ tôi được chữa lành! Tôi được chữa lành!” Cha xứ lấy làm ngạc nhiên. Cha ra khỏi phòng, xuống cầu thang, tiến ra xe. Run run vì sửng sốt, cha vừa mở cửa xe vừa nhìn lên trời nói: “Xin Ngài đừng làm kiểu đó với con nữa!”
Nhiều khi cần phải có phép lạ mới đánh động được tâm trí có hy vọng thấp và ngay cả những việc lạ thường cũng chưa chắc đã dễ chấp nhận. Một sự thay đổi cuộc đời chỉ xảy đến trong tầm mức của chữa lành. “Xin Ngài đừng làm kiểu đó với con nữa!” hay là “Xin Chúa thương những người con của Chúa!”
Trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông theo Ngài, Ngài thương cảm họ và chữa lành bệnh tật của họ (Mt 14:14). Ngài giảng dạy họ cho đến chiều muộn và họ đói. Và nhờ sức mạnh và lòng thương xót của Chúa, Ngài làm phép lạ nuôi họ ăn. Số người ăn là 5 ngàn người, không kể đàn bà con trẻ. Chúa Giêsu thương con người, Ngài coi trọng con người.
Chúa Giêsu là mô phạm cho việc mục vụ đặt nặng giá trị con người. Đối với Chúa Giêsu, con người không thể bị giảm giá dưới sự áp đặt của luật lệ. Kìa một người bị bại tay. Và Chúa Giêsu hỏi: “Có nên chữa bệnh trong ngày Hưu Lễ (Sabbath)? Chúa Giêsu nói: “Nếu giữa các ngươi, ai có con chiên rơi xuống bùn trong ngày Hưu Lễ, mà không lôi nó lên. Ở đây, một người còn giá trị hơn con chiên bội phần!” Và Ngài bảo người bị bại tay: “Giơ tay lên!” Người đó giơ tay và anh được chữa lành (Mt 12:10-13).
Chúa Giêsu là mô phạm cho việc mục vụ chăm sóc và chữa lành. Khi Chúa Giêsu ngồi bàn ăn, nhiều người thu thuế và tội nhân ngồi đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ. Mấy người Biệt Phái thấy vậy nói với các môn đệ: “Tại sao Thầy các anh ngồi ăn với mấy người thu thuế và tội lỗi?” Nghe vậy, Chúa Giêsu nói với họ: “Những người khỏe không cần đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng những tội nhân” (Mk 2:17).
Chúa Giêsu, người mục tử mô phạm, kêu gọi các môn đệ và sai đi chăm sóc và chữa lành. “Ngài gọi họ đến với Ngài, ban cho họ quyền trên mọi thần ô uế, khử trừ chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10:1).
Việc tông đồ chăm sóc và chữa lành của chúng ta là việc đem lại hy vọng. Chúng ta đem lại hy vọng cho anh chị em đang cần đến, không phải vì chúng ta có gì cao cả nhưng vì Chúa thì vĩ đại. Chúng ta cống hiến sức sống cho anh chị em đang bị tổn thương, không phải vì chúng ta có khả năng nhưng vì chúng ta có thể nói: “Hãy đến và xem chúng tôi cũng bị tổn thương. Hãy đến và chia sẻ với chúng tôi niềm hy vọng nơi Chúa, Ngài yêu chúng ta và không bao giờ từ bỏ chúng ta.”
“Liên Lạc” còn gọi là “Life Line International” là một tổ chức được thành lập trong nhiều thành phố trên thế giới. Tổ chức này tin rằng một người bình thường đều có thể học để chăm sóc và chữa lành. Suốt 24 giờ mỗi ngày, các người tình nguyện trực điện thoại, lắng nghe những ai gọi đến cần giúp đỡ. Họ được huấn luyện để giúp nhận ra những vấn đề. Họ lắng nghe như một người nghe một người bạn, chứ không thuyết giảng hay kết đoán. Công việc của họ là quan tâm đến từng người và coi trọng từng người. Chúng ta có thể gọi là phục vụ đặt con người làm trung tâm điểm (person-centered). Họ bước theo đường lối của Chúa Giêsu.
Chớ gì mọi hoạt động tông đồ của chúng ta hoạ theo mẫu của Chúa Giêsu. Chớ gì đời sống chúng ta thay đổi, thay đổi mãnh liệt để các sinh hoạt đặt nặng trên giá trị con người, để các mục vụ có tình người. Nếu cô đơn là một bệnh hoạn của thời đại, chúng ta trong tinh thần bằng hữu trong giáo xứ phải là giải pháp cứu chữa. Chúng ta hãy tiến lên theo Chúa Kitô.
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ