Có lẽ nhiều người còn nhớ truyện “Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết” (còn tên bản dịch Việt ngữ khác là “Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai”), nguyên tác Anh ngữ là The Thorn Birds (1977) của nhà văn Colleen Mc Cullough (Úc), và truyện của bà đã được chuyển thể thành phim.
Ở đây tôi không muốn nói đến cốt truyện hoặc những gì liên quan đến “The Thorn Birds” mà chỉ muốn nói đến một loài chim kỳ lạ. Truyền thuyết kể có loài chim chỉ hót một lần trong đời rồi chết, tiếng hót của nó hay hơn tất cả bất kỳ loài chim nào khác. Loài chim này bắt đầu biết bay là nó đi tìm những cây có gai nhọn để làm tổ. Một ngày nào đó, nó bay lao mạnh vào gai nhọn nhất cho gai xuyên qua ngực, và nó hót vang chỉ một lần trước khi chết. Vâng, loài chim đó hoàn toàn chết vì yêu, vui vì được chết cho tình yêu!
Đó là tiếng hót nồng nàn của ngôn ngữ yêu thương, là một dạng “thú đau thương” mang tính thần bí mà nếu không yêu thì không thể hiểu nổi. Chính Đức Kitô là con người thần bí như vậy, có thể mượn hình ảnh loài chim kia để nói về Ngài vậy. Cả cuộc đời ngắn ngủi của Ngài tại thế là một chuỗi dài tha thứ và là một “liên khúc yêu thương” bất tận. Đại văn hào Victor Hugo có cách so sánh và xác quyết: “Ai chết cho tình yêu là sống trong tình yêu”. Tình yêu thương luôn kỳ diệu và khó hiểu!
Trong trình thuật Ga 13:1-20 kể lại việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh, trước khi Ngài đi chịu chết. Ngài làm thật chứ không nói suông! Thấy Chúa Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau, thánh Phêrô ngạc nhiên và không dám tin vào mắt mình nên mới hỏi: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”. Đức Giêsu nói: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Nghe vậy, ông Phêrô nói ngay: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa”. Chắc là lúc đó Chúa nhìn ông Phêrô mà thương lắm, chắc cũng vừa cười vừa gật gật cái đầu nữa.
Rửa chân cho các ông xong, Chúa Giêsu mặc áo, về chỗ, và kết luận: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13:14-17).
Một con người được tôn xưng là Chúa, là Thầy, vậy mà lại hạ mình xuống làm công việc của một tôi tớ. Chúa Giêsu đã thực hiện những điều Ngài nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28). Yêu thương và tha thứ luôn có hệ lụy với nhau. Cựu ước dạy: “Răng đền răng, mắt đền mắt, tay đền tay, chân đền chân, chỗ gãy đền chỗ gãy, mạng đền mạng” (x. Xh 21:4; Lv 24:20; Đnl 19:21). Nhưng Chúa Giêsu dạy: “Một ngày tha bảy lần” (x. Lc 17:4), và “Tha bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18:22). Làm sao hiểu ngay và hiểu hết vì Chúa Giêsu luôn có những động thái “không giống ai” và quá đỗi ngược đời: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23:11-12).
Cũng ngay đêm đó, sau khi rửa chân, Chúa Giêsu lại thiết lập Bí tích Thánh Thể để có thể ở lại với con người mãi mãi, như Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Chắc hẳn không còn cách nào tuyệt vời hơn, vì Ngài nuôi sống chúng ta bằng chính Máu Thịt mình. Và đó cũng chỉ vì quá yêu chúng ta, dù chúng ta là tội nhân. Bản chất tình yêu là CHO nhiều hơn NHẬN, không muốn xa người mình yêu một giây phút nào.
Thiên Chúa yêu thương con người quá nhiều nên tha thứ cho chúng ta tất cả nhưng chúng ta lại làm ngơ, cứ nghĩ đó là “điều tất yếu”, Chúa có trách nhiệm phải làm vậy với mình. Do đó mà chúng ta khó tha thứ, thậm chí là không tha thứ cho nhau, dù chỉ là điều nhỏ mọn. Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta quá nhiều, vậy sao chúng ta không thể tha thứ cho nhau? Nếu như thế, chúng ta là “người đầy tớ không biết tha thứ” (x. Mt 18:23-35).
Trong cuốn Healing the Original Wound (Chữa Lành Vết Thương Nguyên Thủy) có câu: “Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn, luôn tìm cách đến với những người lầm đường lạc lối và bị bỏ rơi”. Vì yêu thương mà Ngài tha thứ, và vì tha thứ mà Ngài càng yêu thương. Đức Kitô đã vâng lời cho đến chết, mà lại chết nhục nhã trên Thập giá – loại hình phạt nhục nhã nhất thời đó. Đó là “vòng luẩn quẩn bác ái” không dễ hiểu hết ngay được nếu không có thời gian và cảm nghiệm nhờ hồng ân Thiên Chúa. Thánh Phaolô xác định: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13:8).
Mỗi giây phút qua đi là mỗi bước con người xa dần sự sống để tiến gần sự chết. Trong con người luôn có sự giằng co giữa cái Thiện và cái Ác, mà Ánh sáng và Bóng tối luôn đối nghịch nhau, có cái này thì không có cái kia. Trong cuốn “Weaving Faith and Experience” (Đan Kết Đức Tin và Cảm Nghiệm) có câu này: “Thành công và thất bại hằng ngày có thể là những lời mời gọi chúng ta kết hiệp mật thiết hơn với Thiên Chúa, nếu chúng ta biết cách nhìn”. Vấn đề là con người có nhận ra Ý Chúa hay không.
Thế thái nhân tình luôn nhiêu khê và xảy ra hàng ngày, Đức Kitô cũng đã trải nghiệm điều đó: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13:18). Nhưng đôi khi con người cầu nguyện mà như ra lệnh cho Chúa, cứ nghĩ xin là phải được, không được thì “good-bye” ngay. Con người quá yếu đuối nên dễ nản chí sờn lòng. Trong cuốn “God, Help Me” (Lạy Chúa, Xin Phù Trợ Con) có câu: “Ngay khi chúng ta cố gắng cầu nguyện mà Thiên Chúa có vẻ vẫn không xuất hiện thì cũng đừng ngưng cầu nguyện”. Chúa biết mỗi người thế nào nên Chúa không cần thử thách, Chúa chỉ muốn con người ý thức mà tìm về với Ngài, và Ngài cũng muốn con người tự lập công thôi.
Trường ca Yêu thương là bản tình ca dài, với nhiều đoạn mang những màu sắc khác nhau, và ai cũng phải thực hành để trở thành một nốt trong bài trường ca đó, dù là nốt trầm hay bổng, dài hay ngắn, nhưng nốt đó vẫn có một vị trí nhất định không thể thiếu trong bản tổng phổ vậy. Cũng vậy, mỗi người chỉ là một giọt nước nhỏ, nhưng nhiều giọt nước nhỏ mới có thể tạo nên một đại dương mênh mông.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn sẵn sàng biết yêu thương trọn vẹn và vô điều kiện. Vâng, “xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Sm 3:10). “Xin thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17:5), vì “không có Ngài thì chúng con không làm được gì” (Ga 15:5). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.