Việc sửa lỗi trong cộng đoàn

A. DẪN NHẬP.

          Có ai trong chúng ta dám cho mình là người thập tòan không ? Những người có lương tri chắc không ai dám khẳng định như thế  vì đặc tính này chỉ dành riêng cho Thiên Chúa  là Đấng thánh thiện tuyệt đối. Ý thức về thân phận thực tế của con người, Elbert Hubbard đã phát biểu rất xác đáng :”Người nào cũng là kẻ chí ngu ít ra trong năm phút mỗi ngày. Bậc thánh hiền là kẻ cố gắng và thành công trong sự không để cái ngu của mình vượt qua thời hạn ấy”. Như vậy, sai lỗi và lầm lỗi là một thực trạng của con người trong xã hội, trong cộng đòan. Và nếu đã sai lỗi thì cần phải được sửa lỗi để trở nên tốt hơn.

Thực ra, sửa lỗi cho nhau là một trách nhiệm của mỗi người trong cộng đòan, chứ không phải là một công việc tùy ý hay chỉ dành cho những ai có thẩm quyền. Bởi vì lỗi lầm của cá nhân ảnh hưởng tai hại đến đời sống chung và gây sứt mẻ tình đòan kết giữa các thành phần. Hơn nữa, một cộng đòan không bao giờø gồm tòan những người tốt lành thánh thiện cả, trái lại, vẫn còn những phần tử bất hảo, cố chấp, lầm lạc. Vậy phải đối xử thế nào đối với những người có lỗi ?

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói lên nhu cầu phải sửa lỗi cho nhau theo ba bước : từ sửa lỗi giữa hai người, tới việc cần có 2, 3 người làm chứng, và sau cùng đưa người ấy ra trước mặt Hội thánh. Tuy nhiên, trong bất cứ hòan cảnh nào, người ta phải giữ tinh thần bác ái huynh đệ, mục đích giúp người có lỗi ý thức về sai lầm của mình mà sửa đổi. Thái độ trong khi sửa lỗi là luôn phải yêu thương, kính trọng và cầu nguyện cho họ.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+  Bài đọc 1 : Ez 33,7-9.

Ezéchiel được chọn làm tiên tri. Vai trò của tiên tri làø phải tuyên sấm Lời Chúa. Tiên tri có trách nhiệm mang đến cho loài người sứ điệp của Chúa và để báo cho con người sự nguy hiểm nếu họ không tuân lệnh Chúa. Nếu tiên tri nói với kẻ gian ác mà nó không nghe, thì nó phải chịu trách nhiệm về tội của nó. Còn nếu tiên tri không chịu vạch tội và kẻ gian ác phải chết, thì tiên tri phải chịu trách nhiệm về cái chết đó. Như vậy, tiên tri được coi như người lính gác phải luôn thức tỉnh để nhắc nhở kẻ có tội để họ khỏi phải hư đi.

+  Bài đọc 2 : Rm 43,8-10.

Thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma nhắc lại lời Chúa Giêsu trả lời cho người biệt phái muốn biết điều răn nào trọng nhất : điều răn thứ nhất và quan trọng nhất là mến Chúa trên hết và điều răn thứ hai cũng giống như vậy là thương yêu anh em như chính mình.  Tất cả những giới răn chỉ gồm lại trong một điều là : thương yêu người anh em.  Thánh Phaolô tóm tắt lại : Yêu thương là chu toàn cả lề luật.

+  Bài Tin mừng : Mt 18,15-20.

Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến mối tương quan giữa mọi người trong cộng đoàn. Một trong những mối tương quan đó là sửa lỗi cho nhau. Khi một người phạm lỗi thì đều liên quan đến cộng đoàn. Vì vậy, với tinh thần anh em trong cộng đoàn ta phải sửa lỗi cho họ trong tinh thần yêu thương và kính trọng. Diễn tiến việc sửa lỗi này là tiệm tiến, phải đi từ kín đáo đến công khai :

– Riêng ngươi với nó : giữa hai người.

– Đem theo một hay hai người làm chứng.

– Kể nó như người ngoại hay thu thuế.

Tuy nhiên, thánh Matthêu ghi tiếp sau đoạn này (Mt 18,21-35) là có lỗi giữa hai cá nhân với nhau.  Trong trường hợp này thì giải pháp hay nhất là tha thứ.

Mục đích của việc sửa lỗi này không phải nhằm lên án người có tội mà là thức tỉnh họ, giúp họ trở về với cộng đoàn. Cả hai trừng hợp cần có sự cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ, nhất là việc cầu nguyện chung trong cộng đoàn.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Hãy sửa lỗi cho nhau

I. MỌI NGƯỜI ĐỀU SAI LỖI.

1. Lời khẳng định.

Người ta thường nói :”Nhân vô thập toàn” : Không ai dám bảo mình là không có lỗi, không có những sai phạm trong đời sống thường ngày. Thánh nhân cũng phải nhận là người có lỗi.  Chính vì vậy mà ông Elbert Hubbard đã nói :” Người nào cũng là kẻ chí ngu ít ra trong năm phút mỗi ngày. Bậc thánh nhân là kẻ cố gắng và thành công trong sự không để cái ngu của mình vượt qua thời hạn ấy”.

Thánh Gioan tông đồ khẳng định :”Ai nói mình không có tội, đó là kẻ nói dối và sự  thật không ở trong họ” (Ga 1Ga 1,10).  Thánh Phaolô tông đồ cũng nói tương tự :”Tôi ăn ở như một người ngu, còn sự lầm lạc của tôi thì vô kể” (Ep 4,11).

2.  Từ chối nhận lỗi.

Tuy biết mình có nhiều lỗi lầm nhưng không mấy khi thành thật nhận lỗi bởi vì tính tư ái dâng cao khiến người ta chối bỏ lầm lỗi của mình, nhất là khi người ta nhắc đến những lỗi lầm ấy.  Đây chính là chứng bệnh gia truyền, từ đời Nguyên Tổ. Ông bà Nguyên Tổ đã phản bội Chúa. Nhưng khi Ngài ngự đến hỏi ông, thì ông nói :

– Lỗi là do bà ấy.

Hỏi bà, bà nói :

– Lỗi là do con rắn ấy.

Ông cũng như bà, bà cũng như ông, không ai chịu nhận trách nhiệm cả.

Phải chi ngay lúc bấy giờ, hai ông bà biết uốn đầu gối xuống đất, có lẽ Thiên Chúa chưa hất đổ vườn địa đàng đi và nhân loại sẽ được thoát cảnh lầm than điêu đứng.

Truyện : không nhận lỗi

Dale Carnegie nổi tiếng về những sách học làm người, đã viết :”Tôi đã phải phấn đấu gần một phần ba thế kỷ mới thấy được ánh sáng chân lý này : dù người ta có lỗi nặng đến đâuthì trong 100 lần tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội”.

Bà đã kể trường hợp về ba tên đầu đảng bọn cướp nổi tiếng nhất nước Mỹ : Crowley, Capone và Schultz.

Crowley giết người như ngóe mà vẫn nói :”Dưới lớp áo này, trái tim ta đập chán ngán, nhưng thương người không muốn làm hại ai“.

Capone đã tự tuyên bố :”Ta dùng những năm tươi đẹp nhất trong đời để mua vui cho thiên hạ. Vậy mà phần thưởng chỉ là bị chửi, bị săn bắt như thú dữ”.

Schultz đã tự mãn khoe mình với ký giả :”Ta là ân nhân của thiên hạ”

(Dale Carnegie, Đắc nhân tâm, tr 33-3).

II. NHU CẦU PHẢI SỬA LỖI.

Trước hết sự sửa lỗi cho nhau là một trách nhiệm của mỡi người trong cộng doàn, chứ không phải là công việc tùy ý hay chỉ dành cho những ai có thẩm quyền. Bởi vì lầm lỗi của cá nhân ảnh hưởng tai hại đến đời sống chung và gây sứt mẻ tình đoàn kết liên đới giữa các thành phần . Hơn nữa, một cộng đoàn không bao giờ gồm toàn những người tốt lành thánh thiện cả, trái lại vẫn còn những phần tử bất hảo cố chấp, lầm lạc.

Trong cách sửa lỗi người ta hay nói :”Yêu con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”.  Chúng ta nghĩ thế nào trong việc sửa lỗi theo câu tục ngữ này ?

* Cho roi : nghĩa là dùng hình phạt theo pháp luật.

Trước những lỗi phạm, những tội ác,  có nhiều hình phạt khác nhau như : phạt tiền, phạt lao động, cải tạo, khổ sai, bắt tù, tra tấn, tịch thu của cải, lưu đầy biệt xứ hoặïc tử hình như pháp luật vẫn làm.

* Cho ngọt : nghĩa là dùng những biện pháp êm nhẹ, dụ dỗ, dẫn bảo, khen thưởng, ca tụng ngọt ngào hay nuông chiều buông thả như chủ trươhg của nhà giáo dục của J.J. Rousseau.

Cả hai cách giáo dục đó : một đàng thái quá vì hạ nhục phẩm giá con người, một đàng bất cập vì buông xuôi theo khả năng dục vọng biến thành thứ vô giáo dục và nguy hơn nữa tăng bốc tính kiêu ngạo.

(Vũ khắc Nghiêm,  Xây nhà trên đá, năm A, tr 154-155)

Việc sửa lỗi cho anh em là cần thiết nhưng lại là một vấn đề rất khó khăn và tế nhị :

– Tế nhị về phía người được sửa lỗi.

– Khó khăn về phía người sửa lỗi, muốn giúp người khác nên hoàn thiện.

Người ta thường nói :”Thuốc đắng đã tật, lời thật mất lòng”. Không ai muốn người khác nhắc đến lỗi lầm của mình nhưng dù sao cũng  phải uống thuốc đắng cho đã tật, cho mình biết sửa lỗi lầm của mình.  Kinh nghiệm cho hay : người đứng ra sửa lỗi rất ngại ngùng, một đàng vì người có lỗi không muốn nghe, một đàng chính người sửa lỗi người khác cũng cảm thấy e ngại vì  nhớ đến lời Chúa phán :”Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt  anh đã”.

Nhưng dù sao, Lời Chúa hôm nay xác định cách rõ ràng : sửa lỗi anh em là hành vi tích cực của đức  Bác ái, vì sửa lỗi anh em là để cho anh em được nên hoàn thiện hơn. Đối với người có trách nhiệm hay bề trên thì sửa lỗi bề dưới còn là một điều cần thiết và là bổn phận nữa.

Chúa khuyên chúng ta phãi sửa lỗi cho nhau vì đó là điều cần thiết cho đời sống cộng đoàn, nhưng chúng ta phải đề phòng, tránh thái quá cũng như ø bất cập. Trong việc sửa lỗi đó, chúng ta có hai thái độ trái ngược nhau :

* Giây mình vào hết mọi công việc của người khác, tự phong mình làm cảnh sát, kiểm soát mọi công việc của người ta, làm cho người ta mất tự do.

* Không quan tâm đến ai cả, một mình mình biết, một mình mình hay, sống chết mặc bay. Đây là thái độ lãnh đạm đối với mọi người, thái độ này cũng hàm chứa tính ich kỷ.

III. PHẢI SỬA LỖI NHƯ THẾ NÀO ?

Theo bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu  muốn việc sửa lỗi anh em phải trở thành một cuộc vận động tiệm tiến gồm có ba bước :

Bước 1 : Giữa ngươi với nó (Mt 18,15). Bước một là nói chuyện riêng, kín đáo giữa một người anh em  với một người anh em mà anh có quyền mong đợi sự giúp đỡ ngược lại trong trường hợp chính anh ta lầm lỗi. Đó không phải là hạ nhục người tội lỗi, nhưng là giúp anh nhìn ra lỗi lầm.

Một cuộc hoà giải thực sự  luôn luôn đòi có một tiếp xúc cá nhân bằng cách nào đó. Giáo hội luôn ý thức về tầm quan trọng của tiếp xúc này.  Chính vì thế, ở mọi thời, dù phép cáo giải có mặc hình thức nào đi nữa, vẫn luôn luôn dành chỗ cho một đối thoại cá nhân.

Bước 2 :  Nếu bước 1 không đem lại kết quả mong đợi, sẽ sang bước 2.  Trong bước 2 này sẽ có 2 hoặc 3 nhân chứng, theo đề nghị của sách Đệ  nhị luật (St 19,1) như đã được thực hành, dưới sự chứng giám của Phaolô, trong cộng đoàn tín hữu tại Côrintô (2Cr 13,1).

Sự hiện diện của các nhân chứng bảo đảm cho tính khách quan, đồng thời đưa vào đó một yếu tố cộng đoàn, dù luôn luôn kín đáo.

Bước 3 : Nếu vẫn không có kết quả, ta còn một phương thế cuối cùng : đưa ra trước Giáo hội : trình bầy sự việc trước cộng đoàn Giáo hội.

Nếu tội nhân từ chối nghe Giáo hội, thì, theo như bài Tin mừng, “Ta hãy coi họ như người ngoại và người thu thuế”.  Một công thức dứt khoát không phải là một khinh miệt hoặc kết án : Đức Giêsu đã trở nên “bạn bè với những người thu thuế” kia mà.  Công thức ấy chỉ tuyên bố rằng người tội lỗi tự loại mình ra  khỏi cộng đoàn và Giáo hội chỉ chứng nhận  sự tách lìa này, và sẵn sàng đón nhận lại người mà một ngày nào đó, hy vọng thế,  sẽ được ơn thánh thay đổi, giải phóng (Fiches dominicales, năm A, tr 281-282).

IV. THÁI ĐỘ KHI SỬA LỖI.

Henry Ford nói :”Đừng chỉ lo tìm lỗi lầm nhưng hãy tìm cách chữa trị”.  Nói cách khác,  sửa lỗi là một việc rất tế nhị và rất khó, làm sao cho người được sửa lỗi dễ dàng đón nhận sự sửa lỗi ấy ?  Chúng ta tạm đưa ra ba thái độ căn bản này :

1.  Yêu thương :

Hãy bầy tỏ lòng thương yêu họ. Hãy nghĩ rằng  đây là một cách giúp đỡ anh em nên tốt hơn : đừng lên án, chỉ trích gay gắt, nhưng luôn tế nhị, dịu dàng.  Tán dương ưu điểm của họ, và cho họ thấy việc sửa đổi lỗi lầm  cũng dễ dàng thôi.

Truyện : Đức Giám mục đi kinh lý.

Trong quyển sách về truyền thống của các vị ẩn tu có thuật lại câu chuyện sau đây : Một hôm, khi Đức Giám mục A-mo-la đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bầy tỏ với ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ để chung sống. Vị ẩn tu này đã không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, chỉ trích và lên án :”Hôm nay ngài đã đến đây thì ngài phải giải quyết dứt khoát tình trạng bê bối này gây nhiều gương xấu của vị ẩn sĩ trên núi kia”.  Sau khi nghe những lời kết án gay gắt của dân làng, Đức Giám mục quyết định leo lên  núi.  Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt theo sau.  Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến túp lều của mình thì hoảng sợ và bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một chiếc thùng rỗng.

Đức Giám mục là người đầu tiên đến túp lều và cũng là người đầu tiên bước chân vào.  Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình hình. Ngài ung dung đi thẳng đến chiếc thùng gỗ và ngồi trên đó để nghỉ chân, rồi bình thản gọi dân làng vào và bảo :”Vào đây, anh chị em hãy vào và lục soát túp lều để tìm người phụ nữ”. Họ lăng xăng lục lọi, nhưng không tìm đâu ra  bóng dáng người đàn bà. Khi ấy,  Đức Giám mục mới nói :”Bây giờ anh chị em phải qùy xuống  xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vị ẩn tu này vô cớ”.  Nhưng sau đó, khi mọi người đã kéo nhau xuống núi,  Đức Giám mục tiến lại gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị  nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rải nói :”Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy”.

2.  Kính trọng :

Hãy kính trọng cách chân tình, luôn giữ  thể diện cho họ, đừng chà đạp lòng tự ái của họ. Vì chính chúng ta cũng không hoàn hảo, cũng tội lỗi yếu đuối như bao người khác, nên khiêm tốn nhận mình cũng lỗi lầm. Hãy đặt câu hỏi cho họ, và kiên nhẫn lắng nghe, khích lệ họ sửa lỗi.  Người đời xưa có những cách sửa lỗi rất tế nhị và sâu sắc.

Truyện : Án Tử căn ngăn vua.

Vua Cảnh Công nuớc Tề, có một con ngựa qúi, giao cho một người chăn nuôi. Con ngựa tự nhiên một hôm lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là giết ngựa, sai quân cầm dao để phanh thây người nuôi ngựa.  Án Tử ngồi chầu, thấy thế ngăn lại, hỏi nhà vua :

– Vua Nghiêu, vua Thuấn xưa phanh người thì bắt đầu từ đâu trước ?

Cảnh Công ngơ ngác nhìn nói :

– Thôi hãy buông ra, đem giam xuống ngục để rồi trị tội.

Án Tử nói rằng :

– Tên phạm này chưa biết rõ tội mà phải chịu chết, thì vẫn tưởng là oan.  Tôi xin vì vua kể rõ tội nó, rồi hãy bỏ ngục.

Vua nói :

– Phải.

Án Tử kể tội rằng :”Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết là tội đáng chết. Lại để chết con ngựa rất qúi của vua, là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết chết một mạng người, làm cho trăm họ nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua, ngươi làm chết một con ngựa mà để đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm dỏ (ngấp nghé xem nguời ta hở cơ là làm hại), là ba tội đáng chết, ngươi đã biết chưa ? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục…”.

Cảnh Công nghe nói ngậm ngùi than rằng :

– Thôi, tha cho nó ! Kẻo để ta mang tiếng bất nhân.

(Nguyễn văn Ngọc, Cổ học tinh hoa, tập 1, tr 28-29)

3. Cầu nguyện :

Lời cầu nguyện của riêng một người đã là tốt rồi, song lời cầu nguyện của hai người hay nhiều người chung lại càng tốt và hiệu nghiệm hơn vì họ cùng hiệp lời cầu xin.

Tụ họp nhân danh Chúa không phải là tụ họp theo ý riêng mình, hoặc tụ họp theo tinh thần thế tục.  Nhưng tụ họp theo tinh thần khiêm tốn như trẻ nhỏ (Mt 18,4-5) tự nhận biết mình hèn yếu và đặt niềm tin cậy nơi Chúa. Không phải tụ họp thành những cộng đoàn biệt lập, nhưng là trong sự hiệp thông với Giáo hội.  Giáo hội là cộng đồng cầu nguyện. Nếu tội lỗi làm chia rẽ thì sự cầu nguyện nối kết và hiệp nhất chúng ta lại với nhau. Vì thế, cả những lúc có sự bất bình không đồng ý kiến, nếu có “hai ba người tụ họp với nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”. Chúa ở đó như gạch nối niềm tin.

Không phải chỉ khi cầu nguyện, mà cả những khi họp mặt nhân danh Chúa thì Chúa cũng hứa sẽ hiện diện để khuyến khích  sự hòa giải giữa anh em trong cộng đồng Giáo hội. Ở đây muốn nhấn mạnh về khuyến khích mọi cố gắng sửa lỗi và hòa giải giữa anh em trong lòng Giáo hội. Vì được như vậy thì chắc chắn Chúa sẽ hiện diện để giúp đỡ.

Lạy Chúa biết nhìn  nhận mình sai là một điều rất khó, nhất là nhìn nhận với lòng thành thật, không tìm cách chữa mình, không tìm cách để vứt đi trách nhiệm của việc đã làm, cũng không tìm cách để đổ lỗi cho người này người khác, cũng không vịn lẽ để chứng minh cho kẻ khác rằng : sự vật đã sai lệch và thế gian được dựng nên cách không đàng hoàng.

          Ôi ! Lạy Chúa, xin chữa chúng con khỏi run sợ khi phạm lỗi, dẫu lỗi ấy do hiểu lầm, tính sai, hoặc do yếu đuối cũng vậy.

          Để thực hành điều ấy, con cần phải sống nên  người mạnh mẽ, chứ không như một thằng bé mặt mày úp mở trong một sự sợ sái mua.

                   (L. Terphagnon)

Lm. Giuse Đinh lập Liễm 

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment