Một ca từ của linh mục nhạc sĩ Nam Hoa nếu tôi không nhớ lầm đó là: “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy (mà) bát cơm. Trời sinh voi sinh cỏ, sinh người và sinh muông thú…” dường đã đi vào quên lãng. Cũng có thể vì ít được phổ biến mà cũng có thể vì sợ bị hiểu lầm, bị cho là lạc hậu… Các bài đọc Lời Chúa của Chúa Nhật VIII TN A mà Giáo Hội trích và dọn cho tín hữu nghe, cách riêng bài trích sách ngôn sứ Isaia (Is 49,14-15) và bài tin mừng thánh Matthêu (Mt 6,24-34) khẳng định tình yêu của Thiên Chúa qua sự quan phòng của Người trên các nhu cầu cơm áo gạo tiền để rồi mời gọi con người sống tín thác vào Thiên Chúa không phải bằng thái độ thụ động kiểu “há miệng chờ sung rụng” mà tích cực xây dựng Nước Trời và làm triển nở đức công chính của Thiên Chúa giữa gian trần.
Nhiều người đã từng vô tình hoặc hữu ý gán cho tôn giáo nói chung, cách riêng Kitô giáo là nguyên nhân làm kìm hãm sự phát triển của khoa học. Những người theo lý thuyết Mác xít và không ít triết gia vô thần quy ghép cho Kitô giáo là nguyên nhân làm con người bị vong thân, tức là làm cho con người đánh mất chính mình vì quá đặt niềm tin vào quyền lực thiêng liêng xa vời, vì thế không tận dụng các khả năng của mình để đảm nhận lấy đời mình cũng như góp phần xây dựng xã hội.
Chuyện đúng sai thế nào qua những nét bất cập hay nét thái quá của những gán ghép trên đây đã nhiều nhà trí thức, học giả, nhiều vị lãnh đạo tôn giáo và nhất là thực tế lịch sử minh chứng. Tuy nhiên, không có lửa thì làm sao có khói. Cần phải chân nhận một sự thật đó là đã từng có đó một đôi khi, một đôi nơi nhiều Kitô hữu chúng ta là nguyên nhân và cũng là đối tượng đáng trách của nhiều quan niệm vừa bất cập vừa thái quá ở trên.
“Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được” (Mt 6,24-25). Khi đặt đối trọng Thiên Chúa với tiền của thì Chúa Kitô đã cho thấy sức quyến rũ cũng như sự cám dỗ của tiền bạc thật là khó cưỡng đối với con người mọi thời.
Sự quyến rũ của tiền bạc thể hiện nơi thế mạnh của nó mà cha ông chúng ta đã cảm nghiệm trong thực tiển. “Có tiền mua tiên cũng được”; “Vai mang bị bạc kè kè. Nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm”; “Kim ngân phá luật lệ”; “Bần cư náo thị vô nhân vấn – Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”. Người thời nay lại làm câu vè dân gian: “Tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng che thân…”. Một đại gia đã lâm vòng lao lý vì kinh doanh lỗi luật là ông Năm Cam cũng đã từng được gán trên môi câu nói: “Cái gì không mua được bằng tiền thì cũng sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”.
Một hình thái phổ biến của sự nghiêng chiều theo chước cám dỗ tiền bạc xem ra khó nhận ra đó là quá lo lắng áy náy về ngày mai. Dĩ nhiên đã là người thì phải biết sống khôn ngoan. Một lẽ khôn ngoan đáng quý đó là biết lo xa tính trước. Những người khờ dại thường chỉ biết có hôm này hoặc thường để chuyện “nước đến chân rồi mới nhảy”. Chắc chắn Chúa Kitô không dạy chúng ta sống kiểu đơn sơ ngây ngô chỉ biết làm ngày nào thì xào ngày ấy. Tuy nhiên điều Chúa muốn khuyên bảo đó là chớ để các nhu cầu vật chất làm mờ lương tri. Nhiều khi quá lo lắng về ngày mai thì người ta hóa ra khờ dại vì khi mãi mê kiếm tìm một điều tốt thì lại đánh mất điều tốt hơn và có khi mất cả điều tốt nhất. Quá lo lắng làm ăn, kiếm tiền để rồi hao tổn sức khỏe là dữ kiện không hiếm đó đây quanh ta.
Để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của thần tài thì Chúa Kitô truyền dạy chúng ta hãy dùng lý trí luận suy các dữ kiện trong tự nhiên để rồi đặt niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa không phải là thái độ sống kiểu “trời sinh voi, trời sinh cỏ” của một thời đã qua, khi mà thiên nhiên có vẻ ưu đãi con người, nhất là vì dân số còn ít. Ngày nay voi thì nhiều lên mà cỏ thì ít lại. Thế thì làm sao để vừa có được của cải vật chất hầu sống cho xứng với phẩm vị con người mà vừa tránh được chước cám dỗ đặt của tiền trên đầu trên cổ?
Chìa khóa giải quyết vấn nạn là đây :“Tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” (Mt 6,33). Người có niềm tin vào Thiên Chúa thì vẫn nỗ lực lo sinh kế nhưng không phải làm ăn kiếm tiền bằng mọi giá. Vẫn lao tác kiếm kế sinh nhai nhưng người có niềm tin thì làm việc trong sự công bình và tình liên đới. Họ không chỉ tìm kiếm của cải vật chất cho bản thân mà còn biết nghĩ đến gia đình, đến tha nhân, nhất là nghĩ đến anh chị em nghèo hèn, kém may mắn… Họ còn biết nghĩ đến cả thế hệ tương lai con cháu sau này với cả tinh thần trách nhiệm. Họ không chỉ biết lo lắng cho đời sống vật chất mà còn biết tích cực xây dựng đời sống tinh thần và tâm linh. Chắc chắn những ai sống có niềm tin như thế thì ân sủng và quyền năng của Thiên Chúa sẽ tỏ hiện như lời của Chúa Kitô “Người sẽ ban thêm cho các con”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột