Bài Tin Mừng hôm nay nói về ngày phán xét, ngày kết thúc lịch sử loài người và khởi đầu tình trạng vĩnh cửu. Cuộc sống trần thế của mọi người sẽ chấm dứt và Thiên Chúa sẽ nói với từng người: “Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh” (Lc 16: 2), nghĩa là người ấy phải trả lẽ về những gì đã làm trên trần gian này.
Không nơi nào khác trong sách Tin mừng theo Thánh Mátthêu, Chúa Giêsu lại nói ai sẽ lên Thiên đàng và ai sẽ xuống Hỏa ngục rõ ràng như trong chương 25 này. Mỗi người sẽ đi đến nhóm mình đã chọn. Những người có cuộc sống hướng về tình yêu và lòng thương xót sẽ đến với tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Những người loại trừ khỏi cuộc sống của họ “một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thiên Chúa” (Mt 25: 40) là tự loại mình ra khỏi vương quốc của Thiên Chúa, nơi mọi người đón nhận nhau trong yêu thương. Chúa Giêsu chia nhân loại thành hai nhóm: chiên và dê. Chiên “đứng bên phải Ngài”, được tuyên bố là “những kẻ Cha Ta chúc phúc”, và được mời “hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” để “hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25: 34, 46). Còn những con dê “ở bên trái Ngài”, bị tuyên bố là “quân bị nguyền rủa kia” và bị tuyên án “đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” để “chịu cực hình muôn kiếp” (Mt 25: 41, 46).
Chúng ta hãy dừng lại và tự hỏi bản thân, tôi muốn vào nhóm nào? Bây giờ, làm thế nào để chúng ta vào được nhóm các con chiên? Chúa Giêsu nói với chúng ta một cách chi tiết: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25: 35-36).
Chúa Giêsu đề cập đến những tình trạng xảy ra ở mọi nơi và mọi thời: người đói khát, người nhập cư và người không quần áo, bệnh tật và tù nhân. Ngài sử dụng những từ cụ thể hàng ngày: thức ăn, quần áo, đồ uống, sự chở che. Ngài không nói lý thuyết “yêu thương” nhưng khuyến khích những hành động cụ thể như cho đi, đón rước, thăm hỏi, chăm sóc. Điều quan trọng không phải là lời nói xuông mà là lòng trắc ẩn giúp đỡ người gặp khó khăn cách cụ thể.
Những người làm những việc như vậy sẽ được chọn vào nhóm các con chiên. Họ đã trở thành những người anh chị em tốt lành của nhau vì biết yêu thương đồng loại của mình. Họ đã giúp đỡ mọi người chung quanh, đặc biệt là những người nghèo, như Thiên Chúa mong đợi nơi những ai đáng được gọi là con cái Nước Trời. Ngược lại, nhóm các con dê đã để cho người đói phải đói. Họ không buồn để tâm cho người khát được uống nước. Họ phớt lờ những người khách lạ, hoàn toàn không tiếp rước, cũng chẳng quan tâm giúp đỡ tìm kiếm một chỗ cho họ tạm trú. Họ cũng mặc kệ những người trần truồng, rách rưới đang cần đến quần áo, không đến thăm người bệnh và cô đơn, và để nhiều người rũ tù mà không cần suy nghĩ đến.
Lời dạy này của Chúa Giêsu thật quan trọng khi Ngài nói ra vào những ngày cuối cùng của cuộc đời Ngài, nên những lời này trở một thông điệp đầy sức nặng và cũng là lý do Giáo Hội chọn đoạn Tin mừng này để suy niệm vào những ngày cuối năm phụng vụ: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Ngài, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Ngài sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Ngài. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Ngài, và Ngài sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25: 31-32). Đây là chuẩn mực để xét xem ai là “người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25: 46).
Chúng ta có thể chọn đứng bên phải hoặc bên trái của Ngài bằng cung cách sống của mình. Ở bên phải Chúa Giêsu có nghĩa là chúng ta đang tích cực chăm sóc người nghèo, người thiếu thốn, bệnh tật và cô đơn. Không làm những điều như vậy có nghĩa là chúng ta không chỉ không thật lòng theo Ngài mà còn làm ngược lại Ngài, vì chính Chúa khẳng định: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25: 40).
Một trong những điều đáng ngạc nhiên là những những người công chính thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” (Mt 25: 37-39). Ngay cả những người bên trái cũng thưa: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” (Mt 25: 44). Tin Mừng chỉ rõ, mỗi việc bác ái chúng ta làm, là làm cho chính Chúa, dù chúng ta không thấy Ngài, và không làm những điều như vậy có nghĩa là chúng ta không thật lòng theo Chúa mà còn làm ngược lại với Ngài, vì chính Chúa khẳng định: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25: 40).
Việc định đoạt cho mình chỗ đứng bên Chúa Kitô trong ngày phán xét tùy là thuộc vào thái độ sống hiện tại của mỗi người. Chúng ta được hưởng Nước Trời hay bị vào lửa đời đời chính là bởi chúng ta đã tiếp rước hay từ chối giúp đỡ Chúa Kitô hiện diện trong những người khốn cực, những người thân cận chung quanh mình.
Chúa Giêsu có một cách hiện diện khác ngoài cách hiện diện nơi các Bí tích được cử hành trong Phụng vụ Giáo hội, trong Lời Hằng Sống được giữ gìn, lưu truyền và giải thích bởi huấn quyền Giáo hội, mà còn ở nơi “một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây”, nghĩa là nơi những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù… Chúng ta sẽ bị xét xử vào ngày tận thế dựa trên lòng xót thương dành cho người bé nhỏ và nghèo khổ. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nơi người nghèo, dễ bị tổn thương, chúng ta tìm thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng dù giàu có nhưng lại trở nên nghèo…trong sự yếu đuối của họ, một sức mạnh cứu độ hiện diện. Và nếu trong mắt thế gian họ chẳng có giá trị gì thì họ lại là những người mở ra cho chúng ta con đường lên thiên đàng. Họ là hộ chiếu đến thiên đàng của chúng ta…Đây là cách tốt nhất để chuẩn bị cho ngày lễ trọng kính Chúa Giêsu Kitô, Chúa của chúng ta là Vua vũ trụ, Đấng đã tự đồng hóa mình nơi những người bé nhỏ và nghèo khổ và là Đấng sẽ phán xử chúng ta bằng những việc làm của lòng xót thương” ((Bài giảng trong Thánh lễ cử hành Ngày Thế giới Người nghèo, Thành phố Vatican. Ngày 19 tháng 11 năm 2017). Trong sứ điệp cho Ngày Thế giới Người nghèo năm 2021, Đức Thánh Cha mạnh mẽ khẳng định: “Những ai không nhận ra người nghèo là phản bội giáo huấn của Chúa Giêsu và không thể là môn đệ của Chúa.”
Môn đệ của Chúa mở lòng mình ra để giúp đỡ những người cần giúp đỡ. Họ sống cuộc sống tập trung vào Chúa và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người khác. Họ biết “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” nghĩa là họ yêu mến Ngài bằng tất cả mọi năng lực của con người đạo lý; để rồi tất cả mọi khía cạnh của tâm hồn, tình cảm, tư tưởng, ý chí, khát khao, đều được tình yêu này thấm nhập chi phối, trở thành động lực duy nhất của tất cả mọi hành động, của cả cuộc sống của họ. Chính điều này mới có thể làm cho tâm trí họ thấu hiểu và dẫn họ đến hành xử theo như Thánh Phaolô khuyên bảo: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật…cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13: 8-10). Yêu như chính mình là lật đổ rào cản ngăn cách tôi với bạn, lật đổ chủ nghĩa ích kỷ, là nguyên nhân của mọi chia rẽ. Người yêu thương theo cách này khao khát hạnh phúc của người lân cận như hạnh phúc của riêng mình và đóng góp vào hạnh phúc đó tùy theo sức lực của mình, như thể đó là hạnh phúc của chính mình. Đó là cách sống mà Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy sống, để được vào Vương quốc của Ngài, vì Vương quốc của Chúa là một vương quốc của tình yêu, như được nói trong bài đọc thứ nhất: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy…Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34: 11-12, 15-17).
Nơi trần gian, Chúa Giêsu đã biểu lộ một tình yêu vị tha, chân thật và đích thực. Ngài bị đánh đòn, chế nhạo, tra tấn và hành quyết để cứu độ chúng ta. Ngài chính là Vị Mục Tử Tốt Lành quan tâm đến đoàn chiên của mình và sẵn sàng thí mạng sống mình vì đoàn chiên Ngài yêu mến. Đó chính là những gì Vị Vua Nhân Lành mong muốn chúng ta làm theo, chính là để chúng ta được dự phần vào Vương quyền của Ngài, là Vua Vũ trụ, khi muôn loài phải quy phục Ngài, như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Thật vậy, Chúa Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Ngài…Lúc muôn loài đã quy phục Chúa Kitô, thì chính Ngài, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Ngài; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1Cr 15: 28).
Phêrô Phạm Văn Trung.