Ánh sáng chiếu rọi mọi dân nước

Tạp chí La Civiltà Cattolica số ra ngày 23 tháng 12 năm 2024 vừa qua có viết rằng: “Đây là lễ Giáng sinh thứ ba liên tiếp mà chúng ta đang sống trong thời kỳ chiến tranh…Cơn thịnh nộ không thể kiểm soát đang tấn công tất cả mọi người, đặc biệt là dân thường, người già, phụ nữ và trẻ em. Những ngôi nhà đổ nát chôn vùi cư dân, toàn bộ khu phố bị san phẳng, bệnh viện trở thành mục tiêu có thể là nơi ẩn náu của bọn khủng bố, những người mê sảng lang thang không biết đi đâu, khắp nơi đều thấy xác trẻ em đã chết. Thiếu hụt các nhu yếu phẩm cơ bản, chẳng hạn như nước và thuốc men. Việc chăm sóc những người bị thương rất khó khăn, nơi trú ẩn an toàn rất hiếm cũng như cơ hội tái tổ chức chuỗi cung ứng thực phẩm. Ở khắp mọi nơi, chúng ta thấy đống đổ nát, máu, sự tuyệt vọng, cái chết: những thực tế gợi lại quá khứ xa xôi mà chúng ta nghĩ rằng mình đã bỏ lại phía sau mãi mãi.”

Sau đó tờ báo nhận định:

Chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh năm nay trong một tình huống bi thảm như vậy. Chúa Giêsu lại một lần nữa sinh ra trong lịch sử và trong cuộc sống của chúng ta. Đây là câu chuyện muôn thuở, một câu chuyện thể hiện kế hoạch của Thiên Chúa, lẽ ra phải diễn ra một cách phong phú và thanh thản, nhưng thay vào đó lại nảy sinh trong một cảnh tượng đau khổ, thất bại, bạo lực và chết chóc.” Và tờ tạp chí đặt một câu hỏi: “Điều này đối với chúng ta, có ý nghĩa gì?” [1]

  1. Ánh sáng chiếu rọi

Chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều sự chia rẽ. Chúng ta không muốn nghĩ mọi thứ trên thế giới lại tồi tệ đến vậy. Nhưng không phải thế giới của chúng ta đen tối như vậy hay sao? Chúng ta dễ có cảm giác có quá nhiều bóng tối ở khắp mọi nơi. Tất cả những điều này làm nổi bật những xung khắc trong các mối tương quan của con người hiện tại. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta thừa  nhận rằng nguyên cớ của những xung khắc đó nằm ở chính cõi lòng sâu thẳm của tất cả chúng ta: thiếu ánh sáng của Chúa Giêsu Nhập thể và Nhập thế. Bóng tối không nhận ra ánh sáng: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài” (Ga 1: 9-10). Nhưng hôm nay – cũng như ngàn năm trước, ánh sáng đó vẫn đang tỏa sáng. Bóng tối cũng không thể chế ngự ánh sáng: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1: 5). Ánh sáng đó – Ngôi Lời Giêsu – chỉ cho chúng ta con đường thoát khỏi tất cả những điều tồi tệ này để đến với những điều tốt đẹp hơn.

Những chương đầu của sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu chỉ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là ai và Ngài từ đâu đến. Chúa Giêsu đến từ Bêlem, quê hương của vua Đavít, thuộc miền Giuđê. Nhưng thực ra chúng ta học biết rằng Chúa Giêsu là Ngôi lời đã có từ lúc khởi đầu: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1). Ngôi Lời cũng là “Sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1:4) cho thời đó và cho đến tận ngày nay. Ánh sáng Ngôi Lời Giêsu chiếu vào thế gian. Những nhà chiêm tinh đến Giêrusalem, theo dấu một ngôi sao. Không phải là một ngôi sao bình thường. Người ta tranh luận: đây có thể là một sao chổi không? Hay là sự giao thoa giữa các hành tinh? Một siêu tân tinh, có lẽ vậy? Chúng ta không biết chắc. Nhưng dù gì đi nữa thì đó hẳn là một thiên thể vô cùng chói lọi mà Đấng tạo nên các tinh tú đã đặt trên bầu trời. Thực tế là ánh sao đó nổi trội và đang chuyển động, rõ ràng là kỳ diệu, chắc chắn là siêu nhiên. Thiên Chúa Cha khiến các tầng trời chuyển động để cho thấy sự lớn lao nơi Ngôi Lời Thiên Chúa, Con của Ngài.

Thật không hợp lý chút nào khi Vua của người Do Thái lại sinh ra trong một máng cỏ bừa bộn. Ít ra là phải trong một dinh thự dành riêng cho các cậu ấm cô chiêu giàu có và quyền quý chứ! Thế mà Ngài lại là một đứa trẻ nghèo hèn hơn cả những đứa trẻ con nhà bình dân. Tại sao? Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói “Dấu hiệu của Thiên Chúa là Ngài đã trở nên nhỏ bé vì chúng ta. . . . Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu Ngài, chào đón Ngài và yêu mến Ngài” (Bài giảng Lễ Đêm Giáng Sinh, 24 tháng 12 năm 2006). Con trẻ được tỏ lộ ra cho tất cả chúng ta, cho người Do Thái và người ngoại, cho người giàu và người nghèo: “Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài” (Luca 2:30).

Lễ trọng Hiển Linh hôm nay, Giáo hội mừng Chúa Giêsu tỏ mình ra với thế giới, qua cuộc gặp gỡ với ba nhà thông thái từ phương Đông, được ngôi sao dẫn đường, để chiêm ngắm hài nhi mới sinh trong máng cỏ ở Bêlem. Họ là dân ngoại, không thuộc về Istael, dân Chúa. Hiển Linh có nghĩa là đột nhiên cảm thấy Thiên Chúa bộc lộ chính Ngài cho chúng ta hiểu thấu, cho chúng ta nhận ra được điều gì đó rất quan trọng đối với mình; một trải nghiệm tâm linh mạnh mẽ. Lễ Hiển Linh quan trọng với chúng ta như thế nào, chúng ta được Thiên Chúa bộc lộ cho điều gì và cảm nghiệm mạnh mẽ điều gì?

Liệu chúng ta có cảm nghiệm được điều ngôn sứ Isaia diễn tả trong bài đọc thứ nhất không: “Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Ngài xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (60: 2-3)?

Trong vở kịch Barjona của Sartre, ba đạo sĩ giải thích hành trình của họ với người đứng đầu Do Thái, người này gọi họ là những kẻ ngốc nghếch già nua lẩm cẩm: “Này Barjona, đúng là chúng tôi rất già nhưng chúng tôi có sự khôn ngoan và biết mọi điều xấu xa trên thế giới. Khi chúng tôi nhìn thấy ngôi sao này trên trời cao, trái tim chúng tôi nhảy lên vì vui sướng như trái tim của trẻ thơ. Chúng tôi đã từng như trẻ thơ, và chúng tôi lên đường vì chúng tôi muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ phát xuất từ niềm hy vọng, với tư cách là những con người. Này Barjona, người đánh mất niềm hy vọng, sẽ bị đuổi ra khỏi làng và bị nguyền rủa. Những viên đá trên đường sẽ thô ráp hơn dưới chân ông ta và những bụi cây sẽ nên gai góc hơn. Gánh nặng sẽ đè nặng lên lưng ông ta, mọi bất hạnh sẽ hành hạ ông ta như những con ong giận dữ, và mọi người sẽ chế giễu ông ta. Nhưng mọi thứ đều mỉm cười với người có niềm hy vọng. Đối với người ấy, thế giới là một món quà. Vậy thì hãy đến đây, liệu ông muốn ở lại đây hay quyết định đi theo chúng tôi?”

Chúng ta có dám, như ba vị đạo sĩ, lên đường tìm kiếm niềm hy vọng của chúng ta, nơi Chúa Giêsu, trở thành “Những Người Hành Hương của Hy Vọng” (Chủ đề của Năm Thánh 2025) và trao tặng Ngài món quà đáng giá nhất ở mọi lứa tuổi, chính là tình yêu của chúng ta. Chúng ta hãy mang tình yêu của chúng ta dành cho chồng, cho vợ, cho con cái, bạn bè, hàng xóm, đến máng cỏ của Chúa Hài Nhi. Xin Chúa chấp nhận và chiếu sáng tình yêu đó của chúng ta.

  1. Tỏa sáng như những ngọn đèn giữa bóng tối bao quanh

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy “mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông” (Mt 2:1), họ thấy một ánh sáng trên bầu trời, và họ lên đường hướng về Giêrusalem tìm kiếm và hỏi: “Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2:1-2). Và họ đã được chỉ dẫn, bằng lời trong Sách Thánh: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2:5-6). Tại Bêlem này, họ tìm thấy thứ mà họ đang tìm kiếm. Không chỉ là một kỳ quan thiên văn dẫn họ đến một bữa tiệc thỏa mãn đôi mắt chiêm tinh của họ, mà là một vẻ đẹp trời cao làm no thỏa trái tim của họ: hy vọng, hòa bình, niềm vui, từ vị Vua trẻ thơ mà họ tìm thấy ở Bêlem.

Những lời mở đầu của bài đọc thứ nhất đưa ra cho chúng ta một mệnh lệnh để tuân theo: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi” (Is 60:1). Ngôi sao, ánh sáng của Chúa Giêsu Hài Đồng, là dành cho tất cả chúng ta, những người tìm kiếm hòa bình, ơn cứu độ, cuộc gặp gỡ giữa dân Chúa và dân ngoại, những người tin và những người không tin. Thiên Chúa gọi chúng ta lại với nhau để được thấm đẫm tình yêu của Ngài, và Ngài kêu gọi chúng ta trở thành một gia đình nơi hòa bình và hòa giải ngự trị. Ánh sáng mang lại cho chúng ta đức tin, hy vọng và tình yêu. Làm thế nào chúng ta chào đón những người hàng xóm và bạn bè không chia sẻ đức tin của mình? Giống như các nhà thông thái vốn đã thực hiện một chuyến đi phi thường để tỏ lòng tôn kính Chúa Kitô mới sinh, chúng ta cũng được mời gọi tỏ lòng tôn kính và trở thành người loan báo Tin Mừng, để công bố rằng Chúa Giêsu đã sinh ra và có niềm hy vọng nơi Ngài, Đấng đã sống và yêu thương, đã chết và đã sống lại vì chúng ta. Chúng ta tràn ngập niềm vui và dám mời những người khác bước vào chia sẻ niềm vui đó.

Lễ Hiển Linh không chỉ là một sự kiện cách đây lâu rồi. Lễ Hiển Linh nhắc nhở chúng ta rằng sứ mệnh của Chúa Giêsu là dành cho tất cả mọi người. Ngài đến vì mọi người và mọi dân nước. Ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu rọi trên chúng ta ngày hôm nay, hướng dẫn chúng ta và chỉ cho chúng ta con đường. Ánh sáng này mời gọi chúng ta theo Chúa Giêsu và chia sẻ ánh sáng của Ngài với những người khác.

Trong bài đọc thứ hai, thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô nói về một mầu nhiệm được mặc khải cho ngài. Mầu nhiệm này là dân ngoại là đồng thừa kế với người Do Thái, cùng chia sẻ những lời hứa qua Chúa Giêsu. Bài đọc này cho thấy rằng ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang lại là dành cho tất cả mọi người: “Mầu nhiệm đó là: trong Chúa Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3: 2-3, 5-6).

Trong quá khứ, có những sự chia rẽ mạnh mẽ giữa người Do Thái và người ngoại bang. Sứ điệp của Phaolô phá vỡ những rào cản này. Thánh nhân giải thích rằng trong Chúa Giêsu, tất cả mọi người đều được chào đón. Đây cũng là sứ điệp của Lễ Hiển Linh: các nhà thông thái, vốn không phải là người Do Thái, đã đến để thờ lạy Chúa Giêsu. Chuyến viếng thăm của họ cho thấy Chúa Giêsu đã đến vì tất cả các dân nước.

Lễ Hiển Linh nhắc nhở chúng ta rằng ân sủng của Chúa Giêsu dành cho tất cả mọi người, bất kể xuất thân của họ. Ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu rọi trên tất cả mọi người, mời gọi chúng ta trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi sống sứ điệp hiệp nhất này và chia sẻ Tin Mừng với những người khác, trở nên những ngọn đèn tỏa sáng giữa bóng tối bao quanh chúng ta.

Phêrô Phạm Văn Trung

[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giang-sinh-trong-thoi-chien

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts