Alexander là một vị vua vĩ đại. Trên đường khải hoàn sau khi chinh phạt nhiều nước, ông ngã bệnh. Vào thời khắc ấy, những vùng đất ông chiếm được, quân đội hùng mạnh, những thanh gươm bén, và sự giàu có không còn nghĩa lý gì với ông. Ông nhận ra rằng cái chết sắp sửa đến và ông sẽ không về kịp mảnh đất quê hương. Ông bảo các sĩ quan của mình:
– “Ta sắp sửa rời bỏ thế gian này. Ta có ba điều nguyện ước. Các ngươi cần phải thực hiện những gì ta bảo”.
Các vị tướng tuân lệnh trong dòng nước mắt.
– “Điều ước đầu tiên của ta là hãy bảo thầy thuốc của ta mang cái hòm rỗng của ta về một mình”.
Sau khi cố hít thở một hơi, Alexander nói tiếp:
– “Ước nguyện thứ hai của ta là hãy rải vàng, bạc và châu báu trong kho tàng của ta trên suốt dọc đường đến nấm mồ của ta khi các ngươi mang quan tài của ta ra nghĩa địa”.
Sau khi quấn mình trong chiếc áo khoác và nghỉ một lúc, ông nói tiếp:
– “Ước muốn cuối cùng của ta là hãy đặt 2 bàn tay ta ra bên ngoài cỗ quan tài”.
Mọi người xung quanh ông tất cả đều rất tò mò, nhưng không ai dám hỏi nguyên nhân. Vị cận tướng của Alexander hôn bàn tay ông và hỏi:
– “Thưa đức Vua, chúng thần sẽ làm theo mệnh lệnh của Ngài. Nhưng Ngài có thể cho chúng thần biết tại sao Ngài lại muốn chúng thần làm như vậy hay không?”.
Sau khi gắng thở một hơi dài, Alexander trả lời:
– “Ta muốn mọi người hiểu được ba bài học mà ta đã học được:.
– “ Mong ước thứ nhất của ta, để người thầy thuốc đưa cỗ quan tài về một mình, là để cho người ta nhận ra rằng một vị thầy thuốc không thể nào thực sự chữa bệnh cho người ta. Nhất là khi đối diện với cái chết, thầy thuốc hoàn toàn bất lực. Ta hy vọng mọi người sẽ học được rằng, phải trân quý cuộc sống của họ.
– “Mong ước thứ hai của ta, là để nhắn nhủ mọi người rằng không nên giống như ta, theo đuổi mộng giàu sang. Nếu ta tiêu tốn cả đời chạy theo sự giàu có, ta sẽ lãng phí hầu hết thời gian quý báu của đời người.
– “Mong ước thứ ba của ta là để người đời hiểu rằng, ta đến thế gian này với hai bàn tay trắng và ta sẽ rời bỏ thế gian này cũng với hai bàn tay trắng”.
Nói xong ông nhắm mắt lại và trút hơi thở cuối cùng.
Người Việt Nam có câu: “Khôn dại cùng chung ba thước đất”. Vâng, với kinh nghiệm của mình, chúng ta thấy rằng: cho dù khi còn sống người đó là ai, làm gì đi chăng nữa, thì đến khi từ giã cõi đời cũng chỉ còn lại “ba thước đất”. Cũng chính vì thấy rõ sự giới hạn của thế giới vật chất mà tác giả sách Giảng Viên đã nói: “Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không”. Và tác giả đã nêu lên lý do tại sao ông cho rằng tất cả là hư không, đó là “vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không”.
Chúa Giê-su trong thân phận con người, Ngài đã sống thật thanh thoát với của cải. Ngài không để danh lợi thú cản trở bước chân của Ngài. Ngài đã từng nói: Cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu”. Ngài không lệ thuộc vào phương tiện vật chất. Vì phương tiện chỉ hữu dụng khi con người làm chủ nó, còn khi con người phải lệ thuộc vào phương tiện thì lúc đó con người mất tự do và để phương tiện làm chủ mình. Ngài hoàn toàn tín thác vào Chúa Cha, cho dù phải uống chén đắng cuộc đời, Ngài vẫn xin vâng ý Cha trọn đời.
Thế nhưng, những người môn đệ Chúa hôm nay vẫn còn có những người thích tích lũy của cải trần gian. Vẫn còn có những linh mục sợ phải vào rừng sâu, phải đến những nơi thiếu thốn mọi bề. Cuộc sống của họ đang đầy đủ phương tiện nhưng bây giờ phải đối diện với thiếu thốn họ sợ hãi và muốn lẩn tránh.
Nhưng cũng có nhiều linh mục biết dấn thân mà không quản ngại khó khăn. Họ đến những vùng rừng núi hoang vu. Họ sống giữa bản làng thiếu thốn tư bề. Họ vẫn sống thanh thoát bình an. Đây là những hình ảnh đẹp của người môn đệ. Thanh thoát, nhẹ nhàng trong cuộc đời. Không để vật chất làm cản trở bước chân truyền giáo. Không để những tình cảm níu kéo làm mất đi tinh thần hăng say phục vụ.
Cuộc đời người ky-tô hữu cũng chỉ đẹp khi biết sống thanh thoát với của cải trần gian. Đừng vì ham mê của cải mà sống ti tiện, sống tham lam, bất công và bất chính. Cuộc đời người ky-tô hữu phải để Chúa làm chủ linh hồn và thân xác mình, đừng để những lạc thú làm mê hoặc lòng người. Hãy bước theo Chúa trong tin yêu phó thác. Hãy buông mình trong vòng tay quan phòng của Chúa để Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta.
Ước gì đời sống ky-tô hữu chúng ta luôn chọn Chúa làm gia nghiệp, luôn sống khó nghèo để tin mừng được loan đi khắp cùng trái đất. Xin cho từng người chúng ta luôn sống thanh thoát trước những mời gọi của danh lợi thú để tâm hồn luôn dành trọn vẹn cho Chúa. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền