Lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ bắt đầu bằng lời kêu cầu: “Lạy Cha chúng con” (như chúng ta thường cầu nguyện theo bản văn Tin mừng Mátthêu) hay đơn giản là “Lạy Cha” (trong bản văn Tin mừng Luca). Đó là một cách xưng hô đơn giản, trực tiếp, đầy tình cảm và dịu dàng: ngay lập tức cho thấy khuôn mặt của Thiên Chúa mà các tín hữu xưng hô với Ngài. Thiên Chúa chắc chắn là Thánh, Đấng Sáng Tạo và Đấng Cứu Độ, nhưng Ngài cũng có thể được gọi là Abba – Cha, trong tiếng Aram của Chúa Giêsu, có nghĩa là “cha, người cha yêu dấu”. Tiếng kêu này xác định Thiên Chúa của chúng ta, nhưng nó cũng có ý nghĩa đối với chúng ta, là những người cất lên tiếng kêu đó. Trong tiếng kêu đó, chúng ta bày tỏ mong muốn mãnh liệt của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa là Cha an ủi đích thực. Và trên hết, chúng ta thú nhận cội nguồn của chúng ta ở đó. Bởi vì trong số những câu hỏi lớn thường trực trong trái tim chúng ta, có một câu hỏi liên tục vang lên: “Chúng ta đến từ đâu?”. Bằng cách gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta khẳng định rằng cội nguồn hiện hữu của chúng ta là ở trong Ngài, rằng chúng ta đã được ý muốn của “Cha ở trên trời” cho hiện hữu, được Ngài nghĩ đến, được yêu thương và được kêu gọi vào sự sống. Sự chắc chắn này mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta và cho phép chúng ta thể hiện đức tin của mình trong các hành vi hàng ngày. Tuy nhiên, Thiên Chúa “ở trên trời” này không phải là một người cha dưới đất: chúng ta nhận ra sự khác biệt hoàn toàn của Ngài với chúng ta, sự khác biệt này Kinh thánh gọi là sự thánh thiện của Ngài.
- “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”
Đây là ý nghĩa của lời xin đầu tiên trong Kinh Lạy Cha: “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”. Nếu tên gọi chỉ danh tính, nghĩa là nói lên sự thật sâu xa của một con người, thì giữa Danh và người có sự tương đương. Và nếu Thiên Chúa là thánh, thì Danh của Ngài phải được tôn thánh. Khi chúng ta cầu xin Thiên Chúa “tôn thánh danh Ngài”, là chúng ta kêu xin Ngài làm cho mọi người công nhận bản tính thật của Ngài, thể hiện qua hành động hữu hiệu của Ngài trong lịch sử. Và đồng thời chúng ta chuẩn bị cho chính mình được Ngài linh hứng để làm chứng cho sự hiện diện và sự thánh thiện của Ngài giữa mọi người, nam và nữ, của thời đại chúng ta.
- “Triều Đại Cha mau đến”
Lời thỉnh cầu thứ hai này chiếm vị trí trung tâm trong số ba lời cầu xin đầu tiên, liên quan đến Thiên Chúa; điều này cho thấy tầm quan trọng của nó. Hơn nữa, trong khi Chúa Giêsu rao giảng, việc loan báo về Triều đại Thiên Chúa cũng chiếm một vị trí cơ bản. Nước Thiên Chúa đã thực sự được bày tỏ nơi Chúa Giêsu, bởi vì Ngài là người duy nhất mà Thiên Chúa – và chỉ một mình Thiên Chúa – ngự trị hoàn toàn, một cách triệt để. Do đó, điều chúng ta cầu xin ở đây là Triều đại của Thiên Chúa, do Chúa Giêsu sống và thể hiện, sẽ được mở rộng trọn vẹn.
Cầu xin cho Triều đại này trị đến có nghĩa là cầu xin Thiên Chúa thực sự ngự trị trên mỗi người và trên toàn thể nhân loại, bắt đầu với chúng ta là những người kêu cầu. Điều đó có nghĩa là chúng ta, với tư cách cá nhân, cộng đoàn, như một Giáo hội, hãy để cho Thiên Chúa ngự trị tối cao trên chúng ta. Nhưng khi Thiên Chúa ngự trị, Ngài không thống trị và không thiết lập chế độ nô lệ: Ngài thể hiện vương quyền của mình bằng một hành động giải thoát chúng ta khỏi những ngẫu tượng lầm lạc, một hành động cứu độ đối mặt với sự dữ, một hành động kết hợp những đứa con bị tản mác lại với nhau. Vì vậy, Ngài mặc khải tương quan cha con của mình. Triều đại này của Thiên Chúa là một thực tế cần phải mong chờ, phải kêu xin, nhưng cũng cần phải chuẩn bị chính mình sẵn sàng cho Triều đại đó.
Vì Nước trời đã bắt đầu hiện diện giữa chúng ta trong Chúa Giêsu; hướng tới sự hoàn thành cuối cùng khi thời gian kết thúc, Nước trời đó từ trời, từ Thiên Chúa mà đến; nhưng chúng ta vẫn có trách nhiệm đối với việc đó: là chào đón Nước trời và đáp lại ơn ban này bằng cả cuộc đời của chúng ta.
- “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”
Lời cầu xin này, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố trong cuộc đời của Ngài. Thật vậy, vào giờ phút hấp hối, vào lúc đau khổ trước cái chết sắp xảy ra, Ngài đã ngỏ lời với Cha lời cầu nguyện này: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Luca 22,42). Về mặt con người, Chúa Giêsu muốn tiếp tục phục vụ loài người mà không phải đối mặt với thử thách của cái chết; nhưng rồi Ngài cầu xin sức mạnh để thực hiện ý muốn của Cha cho đến cùng, để luôn vâng lời, ngay cả khi phải trả giá bằng cái chết. Do đó đối với người môn đệ, lời kêu gọi này đặc biệt đòi hỏi; nó đòi hỏi chúng ta phải trả giá cao.
“Xin cho Ý Cha thể hiện”: lời thỉnh cầu này một mặt thể hiện sự kêu cầu Thiên Chúa thực hiện kế hoạch Cứu độ của Ngài. Mặt khác, lời cầu nguyện này kêu gọi người ta hoàn toàn chấp nhận ý muốn Cứu độ này và làm cho ý muốn đó thành hiện thực, hay đúng hơn: chuẩn bị trước mọi thứ để ý muốn đó có thể thành hiện thực. Sẽ là rủi ro rất lớn đối với các tín hữu khi biết ý muốn của Thiên Chúa, nhưng không thực hành và không tuân theo ý muốn đó… Các tiên tri trong Cựu Ước rất thường nhắc lại điều này. Là Kitô hữu, chúng ta phải xin cho lời thỉnh cầu này trước hết như một trận chiến chống lại những kháng cự mà chúng ta có nơi mình để hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa. Và chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta chỉ có thể cáng đáng việc đó một cách sâu sắc sau một trận chiến lâu dài, trong đó ý chí của chúng ta thường phản kháng lại những gì Thiên Chúa đang yêu cầu nơi chúng ta. Đó là trậnchiến gian khổ giữa tư tưởng của chúng ta và ý muốn của Thiên Chúa!
- “Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày”
Ở trung tâm của “Kinh Lạy Cha”, trung tâm của bảy lời cầu xin là lời cầu xin cơm bánh, được bày tỏ với sự tin cậy vào Chúa Cha. Sau những yêu cầu lớn lao liên quan đến Thiên Chúa, đây là một yêu cầu rất đơn giản, hàng ngày, liên quan đến thân phận con người của chúng ta với tư cách là thụ tạo và nhu cầu căn bản là chúng ta phải tự nuôi sống mình. Người ta có thể ngạc nhiên về sự khiêm tốn của yêu cầu này. Bây giờ ta tin rằng chính điều này đã chiếu sáng tất cả những thứ khác. Vì xin Chúa cho cơm bánh hàng ngày là một hành động đáng suy ngẫm: đó là cách người tín hữu khẳng định quyền chúa tể của Thiên Chúa trên các thực tại được tạo dựng; đó là thái độ của một người nhận ra rằng mình không định đoạt sự sống của mình, nhưng người đó luôn nhận sự sống đó trong một mối tương quan; đó là cách để người cầu nguyện đặt nhu cầu của mình trước mặt Thiên Chúa, để cho nhu cầu đó trở thành nỗi khát khao, và khước từ cơn cám dỗ chiếm hữu.
Xin cơm bánh hàng ngày có nghĩa là trở nên ý thức về thực tại cụ thể của chúng ta, xưng mình là thụ tạo và là con cái của Thiên Chúa, bình tâm biết rằng chúng ta luôn được ban cho sự sống… Tuy nhiên, tính từ tiếng Hy Lạp epioûsios mà chúng ta dịch là “của ngày hôm nay” cũng có thể có nghĩa là “trên trời”. Do đó, khi cầu xin cơm bánh cần thiết cho sự sống của chúng ta, chúng ta cũng cầu xin thứ lương thực mà nhờ đó người Kitô hữu sống không chỉ nhờ cơm bánh: đó là Lời Chúa và Thánh Thể. Việc xin Chúa Cha ban cơm bánh hằng ngày cho phép người tín hữu học cách khám phá ra nhu cầu hàng đầu của mình chính là Lời hằng sống của Chúa Giêsu Kitô, “bánh hằng sống từ trời xuống” (Gioan 6:51), để tiến bước trong đức tin.
- “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”
Kitô hữu là một người “đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật” (1Thessalonica 1,9). Nhưng trong cuộc hành trình trở về với Cha, Kitô hữu không đạt được mục tiêu chỉ một lần rồi thôi: mỗi ngày Kitô hữu phải đổi mới sự hoán cải để tiếp tục con đường dẫn đến Nước Trời và đừng đóng cửa lòng mình trước tình yêu. Trong công việc hàng ngày này, người tín hữu khám phá ra mình là một con nợ: người ấy biết mình phải chịu trách nhiệm về những suy nghĩ, lời nói, hành động và những thiếu sót mà qua đó mình đã lấy cắp của anh chị em mình những gì mà mình mắc nợ họ. Bởi vì trong sâu xa, chúng ta đã nhận được mọi thứ từ người khác và từ Thiên Chúa: chúng ta không bao giờ có thể giữ lại bất cứ thứ gì cho riêng mình.
Nhưng tất cả những gì chúng ta lấy cắp từ anh chị em của mình là một sự xúc phạm, một tội lỗi mà chúng ta phạm trước mặt Thiên Chúa. Thật vậy, mọi điều làm tổn thương đến đồng loại của chúng ta cũng liên quan đến Chúa Cha. Đây là lý do tại sao chúng ta cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những lỗi lầm của chúng ta. Chỉ có sự tha thứ mới cho phép chúng ta bắt đầu lại, mới hoàn toàn đổi mới chúng ta, chỉ có sự tha thứ vô hạn và luôn ân cần của Thiên Chúa mới thúc đẩy chúng ta hoán cải.
Nhưng sự tha thứ chúng ta kêu cầu từ Thiên Chúa lại tùy vào sự tha thứ mà chúng ta dành cho nhau.
Dĩ nhiên, sự tha thứ của Thiên Chúa luôn đi trước sự tha thứ có đi có lại của chúng ta; tuy nhiên, chính sự tha thứ của chúng ta đối với anh chị em của chúng ta mở ra cho chúng ta sự tha thứ của Thiên Chúa. Do đó, Kitô hữu được mời gọi sống phù hợp với Thiên Chúa của mình, Đấng yêu thương và tha thứ vô điều kiện, vì biết rằng sự tha thứ mà họ trao ban hoặc từ chối cho người khác ảnh hưởng đến sự tha thứ mà họ nhận được từ Thiên Chúa.
- “Và xin đừng để chúng con phải hàng phục cơn cám dỗ”
Đó là lời cầu xin duy nhất trong lời kinh của Chúa Giêsu được nêu lên một cách tiêu cực. Đó là điều tế nhị, vì trước hết cần phải loại bỏ ý nghĩ rằng Thiên Chúa là tác giả của sự cám dỗ. Không, Thiên Chúa không bao giờ cám dỗ ai cả! Vậy thì chắc chắn tốt hơn ta nên nói: “Xin đừng để chúng con sa vào cơn cám dỗ”. Người ta có thể diễn giải: “Xin đừng làm cho chúng con chịu thua giờ thử thách.”
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ cầu xin sự giúp đỡ, sự che chở, sự gần gũi, tình yêu thương của Thiên Chúa khi họ gặp thử thách. Thật vậy, con người thường xuyên bị cám dỗ làm trái với tình yêu thương của Thiên Chúa, sống không cần người khác, thậm chí chống lại người khác. Bị cám dỗ là một phần của việc bước theo Chúa. Khi bị cám dỗ như vậy, chúng ta bị dụ dỗ bởi các thứ ngẫu tượng, bởi những lời bào chữa cho chính mình, bởi nỗi sợ hãi đau khổ: khi đó chúng ta phải chiến đấu để giữ mình vững vàng. Trong cuộc chiến chống lại cơn cám dỗ này, hơn bao giờ hết chúng ta cảm thấy Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Chính Ngài là người chiến đấu vì chúng ta và trong chúng ta. Nhưng ngoài những cám dỗ hàng ngày, còn có một thử thách lớn lao: đó là sự không tin, không có đức tin. Đó là cơn cám dỗ lớn nhất, đẩy chúng ta đến chỗ không còn biết rằng Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Vâng, trong chúng ta, luôn có đức tin và sự không tin.
Trong thử thách này, chúng ta phải mở lòng ra với Thiên Chúa, ngay cả trong bóng tối, để tin cậy vào sự giúp đỡ của Ngài và cầu khẩn Ngài, để Ngài đến cứu giúp chúng ta và để chúng ta không bị khuất phục.
- “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”
Thiên Chúa là Cha chúng ta, là Thiên Chúa Cứu Độ, Đấng cứu độ và giải thoát: do đó Ngài có quyền giải thoát chúng ta khỏi sự dữ. Đây chắc chắn là điều tuyệt vời của tác giả Thánh vịnh, vẫn thường xuyên kêu lên khi đối mặt với những kẻ áp bức mình: “Lạy Chúa, xin trở lại mà giải thoát con, cứu độ con, bởi vì Ngài nhân hậu!” (Thánh vịnh 6.5, 7.2; 140.2). Sự giải thoát lớn lao nhất trong mọi giải thoát là giải thoát khỏi sự dữ, khỏi những việc làm của Ác thần, vốn luôn dẫn đến bạo lực, đau khổ, chết chóc.
Đúng vậy, trên sân khấu thế giới, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Ác thần: và nếu chúng ta tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì không cần phải tin chút nào vào ma quỷ;
Chỉ cần nhận ra nó đang hoành hành trong cuộc sống của chúng ta. Sự hiện diện chứa đầy hậu quả của nó luôn cám dỗ, lôi kéo và đàn áp những người đón nhận những đề nghị của nó. Nó “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Phêrô 5,8). Đây là lý do tại sao lời kêu xin đầy ám ảnh này nảy sinh: “Xin hãy giải thoát chúng tôi khỏi ác thần và khỏi hành động của nó!” Lời cầu nguyện của chúng ta, ở đây một lần nữa, bắt nguồn từ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: đây là niềm an ủi và là sức mạnh của chúng ta.
Thật vậy, chính Ngài đã cầu nguyện: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Gioan 17,15). Đúng vậy, Chúa Giêsu cùng chúng ta chiến đấu chống lại ma quỷ; chính Ngài là người chiến đấu trong chúng ta! Chúa Giêsu xuống địa ngục, nơi Satan tấn công mạnh mẽ nhất, để ôm lấy chúng ta và đưa tiếng kêu của chúng ta vào lời cầu nguyện của chính Ngài với Chúa Cha. Bước theo Chúa Giêsu Kitô và với Ngài, chúng ta cũng có thể thoát khỏi sự dữ, nhờ sự cầu nguyện kiên trì, ngay bây giờ vì sự sống đời đời!
Tác giả: Mathias Wirz, tu sĩ xứ Bose, catechese.catholique.fr.
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.