Bí tích Thánh Thể là bí tích Khai tâm thứ ba của Kitô giáo. Từ “Eucharistie -Thánh Thể” có nghĩa là “tạ ơn”. Chính con người tạ ơn Chúa Cha, qua Con của Ngài, trong Thánh Thần về ân huệ mà Ngài ban cho chúng ta là Sự sống của Ngài.
“Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và là đỉnh cao của mọi đời sống Kitô hữu” (Hiến chế Vatican II về Giáo hội số 11)
Nhờ Bí tích Thánh Thể mà sự sống của Thiên Chúa, là Bánh cho khách lữ hành, được ban cho chúng ta. Khi đón nhận Bánh Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi chia sẻ tấm bánh của chúng ta với anh em trong nhân loại. Bí tích Thánh Thể xây dựng nên bộ khung của đời sống Kitô hữu, thẩm thấu đời sống đó, là hơi thở trong đời sống thiêng liêng. Bí tích Thánh Thể làm cho Lễ Vượt Qua của Chúa Kitô nên hiện thực, chứ không phải chỉ là sự lặp lại hay đơn thuần là nhớ lại Lễ Vượt Qua. Bí tích Thánh Thể, cử hành trong Thánh Lễ, là một lời nhắc nhở về Bữa Tiệc Ly và cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. [1]
Nguồn gốc việc cử hành Thánh Thể.
Việc cử hành Thánh Thể được chính Chúa Giêsu thiết lập khi Ngài dùng bữa ăn cuối cùng với mười hai Tông đồ trong căn phòng được gọi là căn phòng trên lầu: “Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.” Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Ngài đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua” (Máccô 13:14-15). Các thánh sử Mátthêu (26: 17 -19), Máccô (14: 12-16), Luca (22: 7-13) và Thánh Phaolô (1 Côrintô 11: 23-26) kể lại các câu chuyện trong Bữa Tiệc Ly, trong đó, khi cầm lấy bánh và rượu, Đức Kitô tạ ơn và hiến Mình và Máu Ngài để cứu độ loài người.
Thánh Phaolô nói gì về bí tích Thánh Thể?
Trong bức thư đầu tiên của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô, các câu 23 đến 26 trong chương 11 liên quan đến truyền thống phụng vụ lâu đời nhất về việc cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu Kitô. Trong việc cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa, Chúa Giêsu Kitô được tưởng nhớ và sự chết của Ngài được loan báo cho đến khi Ngài lại đến: do đó, thánh Phaolô yêu cầu mỗi người kiểm tra mối tương quan của mình với Chúa và cũng để xác minh chất lượng của mối tương quan giữa các thành viên trong cộng đoàn.
“Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Ngài nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” (1 Côrintô 11: 23-26).
Ý nghĩa của việc cử hành Thánh Thể là gì?
Trong thánh lễ, việc truyền phép làm biến đổi bản thể hình bánh và hình rượu nên Mình và Máu Thánh của Chúa Kitô. Sự biến đổi bản thể như thế là có thật. Đối với người Công giáo, bánh và rượu thực sự trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Thánh lễ là việc dâng Chúa Giêsu Kitô lên Thiên Chúa Cha như một của lễ. Nhờ đó, Bí tích Thánh Thể trở nên lương thực do Thiên Chúa ban cho loài người để họ có được sự sống từ Ngài.
Để rước Mình Thánh Chúa lần đầu tiên, mọi Kitô hữu phải được chuẩn bị xứng đáng. Sau đó, họ được mời gọi rước lễ mỗi khi tham dự buổi cử hành Bí tích Thánh Thể, đặc biệt là vào các Chúa Nhật.
Việc cử hành Thánh Thể, trong một và cùng một hành động, luôn bao gồm:
- việc công bố lời Chúa,
- việc dâng Chúa Kitô lên cho Thiên Chúa Cha – trong đó chúng ta được mời gọi dự phần – tạ ơn Thiên Chúa là Cha, vì vinh quang của Ngài, đặc biệt là vì Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta chính Con Ngài.
- việc truyền phép bánh rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.
- và việc tham dự bữa ăn phụng vụ bằng cách rước Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, Đấng tự hiến cho nhân loại chúng ta.
Bí tích Thánh Thể mang lại điều gì ?
- “Việc rước lễtăng triển sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Kitô. Hiệu quả chính yếu của việc rước lễ là được kết hiệp thâm sâu với Chúa Kitô. Chúa đã phán: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì luôn kết hiệp với Tôi, và Tôi luôn kết hiệp với người ấy”. Đời sống trong Chúa Kitô có nền tảng nơi bí tích Thánh Thể : “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Gioan 6,57)” (GLGHCG 1391).
- Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, việc rước lễ cũngđem lại sự sống kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng như vậy. Khi các tín hữu rƣớc lấy Mình của Đấng Phục Sinh, “Mình đã được sống động nhờ Thánh Thần và làm cho người ta được sống”(x. PO 5), đời sống ân sủng đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy được gìn giữ, phát triển và canh tân” (GLGHCG 1392).
- “Việc rước lễgiúp chúng ta xa lánh tội lỗi. Chúng ta rước lấy Mình Chúa Kitô, “đã phó nộp vì chúng ta”, và Máu “đã đổ ra cho mọi người được tha tội”. Vì thế, bí tích Thánh Thể không thể kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, nếu không thanh tẩy chúng ta khỏi tội đã phạm và giúp chúng ta xa lánh tội lỗi” (GLGHCG 1393).
- “Như của ăn vật chất phục hồi sức lực đã tiêu hao, bí tích Thánh Thểcủng cố đức mến mà trong đời sống hằng ngày có xu hướng suy yếu đi. Đức mến sống động này có thể xóa đi các tội nhẹ (CĐ Trentô: DS 1638)” (GLGHCG 1394).
- “Nhờ tình yêu mà bí tích Thánh Thể khơi dậy trong tâm hồn, chúng tađược gìn giữ khỏi phạm tội trọng. Càng tham dự vào sự sống Chúa Kitô, chúng ta càng sống mật thiết với Ngài; nhờ đó giảm bớt nguy cơ phạm tội trọng xa lìa Chúa” (GLGHCG 1395).
Bàn tiệc vượt qua
Lễ Vượt Qua trong Cựu ước và Lễ Phục sinh của Chúa Kitô trên hết là con đường vượt qua dẫn đến tự do.
Khi dân được tuyển chọn của Thiên Chúa ngồi xuống bàn ăn ở Ai Cập, buổi tối ngày mồng mười tháng đầu tiên, để ăn thịt chiên vượt qua, tất cả mọi người đều tin rằng đó là buổi tối cuối cùng trong cảnh giam cầm.
Khi Chúa Giêsu, Chiên Con Vượt Qua bị giết trên thập tự giá, Thiên Chúa qua cái chết của Con Ngài đã dẫn dắt nhân loại trên con đường dẫn đến tự do.
Mỗi ngày, trong Bí tích Thánh Thể, trên các bàn thờ của toàn thế giới, qua Chúa Giêsu Kitô dưới hình Bánh và Rượu, Thiên Chúa nói: “Anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con”. Điều cần thiết là, trong thế giới đầy đau khổ và nhiều quyến rũ khác nhau, thông điệp của Bí tích Thánh Thể vang lên mạnh mẽ và rõ ràng hơn: “Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Galát 4, 7). Đây là quà tặng của Bí tích Thánh Thể cho thế giới, là quà tặng bảo đảm chấm dứt sự giam cầm, là Lễ Vượt Qua giải phóng mọi người.
Mừng Lễ Vượt Qua cũng là để ăn Lễ Vượt Qua. Người ta thậm chí có thể nói rằng không có sự vượt qua, không có con đường dẫn đến tự do mà không ăn Lễ Vượt Qua.
“Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con” (Xuất hành 12: 3). Mọi người phải ăn Lễ Vượt Qua.
Nếu đối với chúng ta, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô là Giao ước mới, và Thánh Thể là sự tưởng niệm và đồng thời là sự hiện hữu của Giao ước đó, thì khó có thể nói đến ơn giải thoát của Thánh Thể nếu Thánh Thể không được ăn. Cả Mình và Máu Chúa sẽ không bao giờ là một món quà cho chúng ta hoặc cho thế giới, nếu Mình và Máu Chúa không được ăn và uống một cách xứng đáng.
Thánh Phaolô viết: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này” (1Côrintô 11, 27-28). [2]
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói : “Xin hãy cho phép tôi, trong một niềm vui thân tình mãnh liệt, hiệp nhất với niềm tin của anh chị em và để củng cố nó, tôi đưa ra chứng từ đức tin cá nhân của tôi vào Bí Tích Thánh Thể rất thánh. “Kính chào thân xác thật sinh ra từ cung lòng Trinh Nữ Maria, thực sự đã chịu đau khổ, được hiến tế trên thập giá vì loài người!” (Ave verum corpus natum de Maria Virgine/ vere passum, immolatum, in cruce pro homine !). Đây là kho tàng của Giáo Hội, quả tim của thế giới, bảo chứng của ngày cuối cùng mà mọi người đều mong mỏi, dù không ý thức. Vĩ đại thay mầu nhiệm này. Chắc chắn nó vượt xa chúng ta và nó thử thách cam go những khả năng của trí óc chúng ta đòi buộc phải đi xa hơn những dáng vẻ bên ngoài. Nơi đây, giác quan của chúng ta bất lực –“ thị giác, xúc giác, vị giác đều phải lụn bại” (visus, tactus, gustus, in te fallitur), thánh thi Adoro Te devote đã nói như thế, nhưng chỉ cần đức tin của chúng ta đâm rễ sâu vào Lời Chúa Kitô được các Tông Đồ truyền lại, đủ cho chúng ta. Xin cho phép tôi lặp lại với Chúa Kitô, nhân danh tất cả Giáo Hội, nhân danh mỗi người trong anh chị em, như Thánh Phêrô vào cuối diễn từ về Bí Tích Thánh Thể trong Tin Mừng thánh Gioan: “Lạy Chúa, bỏ Chúa chúng con đi với ai? Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). [3]
Phêrô Phạm Văn Trung.
Chú thích:
[1] eglise.catholique.fr
[2] Đức Hồng Y Dziwisz, Thánh Thể, tưởng niệm mầu nhiệm vượt qua, thứ Ba, ngày 17 tháng 6 năm 2008.
[3] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 59, ngày 17 tháng 04 năm 2003, Thứ Năm Tuần Thánh, năm thứ 25 triều đại Giáo Hoàng và năm Mân Côi.