Biết ơn Chúa sinh ích lợi cho ta

Trong tương quan xử thế, người ta học biết nhiều điều, nhưng có hai điều rất đời thường, nhỏ nhặt, nhưng cũng không kém quan trọng, góp phần làm cho cuộc sống đáng yêu hơn, lại dễ bị lãng quên nhất, đó là tiếng cám ơn và lời xin lỗi.

Người ta thường nghĩ, cám ơn và xin lỗi là hạ thấp mình. Thực ra, nghĩ như thế là thiển cận. Đúng hơn, khi nhận ra mình, nhận ra người để có thể nói lời cám ơn, lời xin lỗi, đi xa hơn, không chỉ lời mà còn lòng mang ơn, lòng hối hận lại cho thấy giá trị con người hơn. Họ được xem là có nhân cách, là người biết mình, biết người…

Ngạn ngữ pháp có câu: “Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim”. Biết ơn ai, là tình cảm đặc biệt của người thọ ơn dành cho người làm ơn.

Chắc chắn lòng biết ơn phải phát xuấn từ trái tim của một con người nhân hậu, khoan dung, luôn nghĩ đến người khác. Đó cũng chắc chắn là người có văn hóa, có giáo dục.

Rất tiếc, lòng biết ơn lẽ ra phải là tình cảm rất bình thường của đời sống, thì lại trở nên khang hiếm. Người ta nhận ơn của nhau thì nhiều, nhưng biết ơn nhau thì lại chẳng bao nhiêu.

Biết ơn nhau trong đời đã ít. Biết ơn Thiên Chúa lại càng trở nên hiếm hoi.

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay là bằng chứng. Chúa Giêsu chữa lành cho mười người phong. Nhưng chỉ có một người ngoại trở lại cám ơn Chúa.

Thái độ vô ơn của lòng người lạ lùng đến nỗi Chúa Giêsu phải lên tiếng: “Không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này”.

Khi nuối tiếc về cách cư xử vô ơn của chín người bệnh phong được chữa lành, cũng là chính lúc Chúa đề cao lòng biết ơn của người Samari đã được Chúa chữa lành bệnh phong như chín người kia.

Thật trớ trêu, thật ngược ngạo và đáng tiếc, bởi người Samari chỉ là kẻ “ngoại bang”, bị người Dothái coi khinh, bị cho là kẻ nhơ uế, thì chính người ngoại bang và ô uế ấy lại chân thành biểu lộ lòng biết ơn Thiên Chúa.

Còn chín kẻ “đạo dòng”, luôn tự hào, tự đắc rằng, tôn giáo của mình là tôn giáo “gia truyền” từ cha đến con từ ông đến cháu, và bản thân suốt đời tôn thờ Thiên Chúa, lại là kẻ bạc tình bạc nghĩa, không có nổi một lời cám ơn, đừng nói chi đến lòng biết ơn.

Thiếu lòng biết ơn, chín người Dothái đã tự mình đi ra khỏi ơn cứu độ của Chúa.

Đành rằng, cả mười người phong đều có đức tin. Họ tin nơi quền lực chữa lành của Chúa, vì thế, họ mới kêu xin Chúa chữa lành: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng tôi”. Lời kêu xin trong niềm tin tưởng đã có hiệu quả: Họ thoát khỏi bệnh phong.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc lành bệnh thì đồng đều, nhưng hiệu quả của ơn cứu rỗi thì không. Qua việc Chúa chữa bệnh phong, thánh Luca muốn nhấn mạnh và muốn dẫn đưa người ta đến việc được cứu rỗi linh hồn, chứ không phải chỉ là chữa bệnh.

Ơn cứu rỗi không thuộc về cả mười người, nhưng chỉ thuộc về người ngoại Samari, người đã có lòng biết ơn Thiên Chúa. Chúa nói với người ngoại rằng: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”, chứ không phải nói với cả mười người lời ấy.

Tin để được chữa lành nơi thân xác, chỉ mới là một niềm tin khởi điểm. Niềm tin ấy cần phải lớn lên để trở nên cả một đời tin tưởng, một đời sống trọn niềm biết ơn.

Như vậy, bài Tin Mừng dạy rằng, tận đáy tâm hồn, ta phải là một đức tin chân thành được diễn tả hết sức sống động, hết sức khiêm tốn, hết sức đơn sơ, hết sức đáng yêu bằng cả một tấm lòng biết ơn và một đời để sống lòng biết ơn ấy.

Chính Chúa Giêsu đã dạy ta bằng chính mẫu gương sống lòng biết ơn của Người: Người đã sống cả một đời trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa. Đời trần thế của Chúa Kitô là bài ca tạ ơn Thiên Chúa.

Chẳng hạn: Chúa tạ ơn Chúa Cha trước khi cho Lazarô sống lại, Trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, trước khi lập phép Thánh Thể. Nhiều lần trong lời cầu nguyện của mình, cách âm thầm riêng tư, Chúa tạ ơn Chúa Cha… Chính cuộc nhập thể và chấp nhận sống như một con người trong trần thế của Chúa Giêsu, đã là lời tạ ơn Thiên Chúa. Hành trình tạ ơn suốt đời của Chúa đạt tới đỉnh điểm khi Chúa vâng phục hoàn toàn để chấp nhận chết tủi nhục trên thánh giá.

Chúa Giêsu không làm phép lạ để được người ta biết ơn. Nhưng thái độ vô ơn làm cho chính người thọ ơn bị thiệt thòi. Họ chỉ biết dừng lại với niềm hạnh phúc, dừng lại với niềm vui mừng, dừng lại với quà tặng, mà không biết tìm đến chính người tặng quà cho mình.

Chúa Giêsu không cần lòng biết ơn của con người, nhưng Người cần gặp gỡ họ để ban tặng cho họ, không chỉ sự lành bệnh nơi thân xác của họ mà là trao cho họ chính bản thân Người. Ơn ban này quý giá hơn nhiều so với ơn lành bệnh. Quý giá vô cùng, vì đó là ban tặng chính Chúa.

Biết ơn Chúa là tâm tình rất tốt để mưu cầu lợi ích lớn lao của ta. Bởi nhờ lòng biết ơn, ta ý thức hơn thân phận con người nhỏ bé và nghèo nàn của mình, có được gì chỉ là do ân huệ Chúa ban mà thôi.

Nhờ nhận ra mình, ta càng ý thức hơn về tình thương hãi hà của Chúa. Chỉ nhờ lòng yêu thương của Chúa, chứ không phải nhờ công trạng của ta, mà Chúa luôn gìn giữ, săn sóc ta.

Nhờ nhận ra mình, nhận ra tình thương của Chúa, ta càng ham thích đến cùng Chúa, gắn bó với Chúa, tin tưởng đặt đời mình trong tay Chúa, mỗi ngày sống lại thêm hiểu biết hơn về tình Chúa bao la mà nương tựa vững chắc nơi Chúa.

Là Kitô hữu, tôi biết rất rõ: biết ơn Chúa là hồng ân, vì lòng biết ơn của tôi không thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại cho tôi chính Chúa là gia nghiệp đời tôi.

Nhưng tôi đã nhiều lần thuộc về nhóm “chín người kia”, thay vì biết ơn, lại quên ơn. Thậm chí, không ít lần gặp phải những khốn khó, trắc trở trong cuộc sống, tôi còn dám phàn nàn trách móc Chúa. Tôi không chỉ vô ơn mà còn thách thức Chúa của tôi.

Tôi phải luôn tự nhũ rằng: Toàn bộ đời tôi là một hồng ân. Tôi không có gì cả. Chúa ban cho tôi tất cả. Chúa ban cho tôi thân xác, linh hồn, cuộc đời, quê hương vĩnh cửu… Vì thế, từ nay, tôi muốn biến đời tôi thành một lời tri ân nối dài, để mỗi giây phút sống của tôi, là mỗi giây phút tôi bày tỏ lòng biết ơn với Chúa.

Ta không chỉ biết ơn Chúa khi hạnh phúc, khi đời ta tràn đầy niềm vui mà thôi. Nhưng lòng biết ơn Chúa phải được thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi cảnh huống xảy ra trong đời mình.

Ta phải cảm tạ Chúa lúc vui cũng như lúc buồn, lúc thành công cũng như lúc thất bại, lúc khỏe mạnh cũng như khi bệnh tật…

Lòng biết ơn Chúa không ngơi nghỉ như thế, sẽ cho ta thêm lợi ích khác nữa: Ta sẽ thấy rằng, trọn đời mình, dù hoàng cảnh nào xảy đến, đều được đặt trong bàn tay quan phòng kỳ diệu đầy xót thương của Chúa. Chúa luôn luôn ở với ta và ta luôn luôn được tựa mình trong chiếc nôi tình thương của Chúa.

Chính trong thánh lễ mà chúng ta cử hành mỗi ngày, là chúng ta thường xuyên sống tâm tình tạ ơn Chúa.

Chúng ta tụ họp nhau chung quanh bàn thờ để cử hành bí tích Thánh Thể, chính là lúc chúng ta cử hành bí tích Tạ ơn, để cùng Chúa Giêsu, dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn sống động, kỳ diệu và tha thiết nhất bằng chính thân mình Chúa Giêsu.

Ước gì mỗi khi tham dự lễ Tạ ơn, nhờ chính tâm tình tạ ơn chân thành của mình, chúng ta được Chúa chúc lành, thánh hóa và ban ơn cứu độ đời đời. Dự thánh lễ trong tâm tình tạ ơn như thế, lòng ta sẽ tràn đầy niềm bình an và vui sướng.

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa về tất cả mọi ơn lành con nhận được. Đó là tất cả những ơn Chúa ban có khi con thấy được, cảm nghiệm được nhưng có khí con không thể nhìn thấy hoặc không thể cảm nghiệm.

Xin cho con vững một lòng tin tưởng nơi tình yêu của Chúa, để con mãi mãi dám đặt đời mình cho Chúa quyết định, và chỉ xin một lòng vâng phục thánh ý Chúa mà thôi. Amen.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

Chia sẻ Bài này:

Related posts