Ông Trời ở đâu? Thiên Chúa ở đâu?
Tiên tri Êlia đã từng đối diện với vấn nạn này khi bà goá thành Sarepta, người đã sẵn lòng cưu mang ông lúc khó khăn nhất, chất vấn ông: “Thưa người của Thiên Chúa, giữa tôi với ông có liên can gì? Ông đến nhà tôi để khơi lại những tội của tôi và giết chết con tôi sao?” Rõ ràng bà đã tin ông là “người của Thiên Chúa” từ khi ông mới đến nhà bà, nhưng trong tâm khảm của bà, đó là một Thiên Chúa lạnh lùng vô cảm, chỉ biết quyền lực mà không hề có tình thương. Chính lúc này là cơ hội để Êlia thể hiện hình ảnh Thiên Chúa tình thương cho bà. Chính vì thế mà bà đã tuyên xưng: “Bây giờ nhờ việc này, tôi biết rõ ông là người của Thiên Chúa, và lời của Chúa nơi miệng ông là lời chân thật”. Thật vậy, không có gì là không có giá phải trả. Cái giá đó như thế nào? Chúng ta hãy thử nhìn xem cách Tiên tri Êlia hồi sinh đứa bé: Ông ấp mình 3 lần trên đứa trẻ và kêu lên cùng Chúa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con xin Chúa cho linh hồn đứa trẻ này trở về trong nó.” Hành động ấp mình trên đứa bé 3 lần thể hiện sự sẵn lòng chết thay cho nó. Vậy đó, cái giá của sự sống phải là chính cuộc sống!
Chúa Giêsu cũng hồi sinh con trai bà goá thành Naim nhưng bằng một cách thế khác: Chỉ cần một lời truyền: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy trỗi dậy.” Vì sao vậy? Bởi vì Người chính là Thiên Chúa nên không phải cầu xin Thiên Chúa, và sự hiện diện của Người trong cuộc đời trần thế này qua Mầu nhiệm Nhập Thế đã là một sự chết đi để trao ban sự sống cho nhân loại. Sự sống thần linh mà Chúa Giêsu muốn trao ban cho chúng ta có vẻ như vượt quá tầm hiểu biết của con người nên Người phải dùng sự sống thể lý để minh hoạ hầu chúng ta dễ dàng tin tưởng hơn. Thư Thánh Phaolô Tông đồ trong Bài đọc II gửi tín hữu Galata đã minh chứng điều đó. Ngài đã xác tín việc Chúa Giêsu đã mạc khải Con Người qua việc “hồi sinh” ngài trong biến cố Damas.
Cuộc sống còn rất nhiều tình cảnh “mẹ góa con côi” đáng thương tâm như thế, đó chính là cơ hội để tôi giới thiệu khuôn mặt Thiên Chúa Tình Yêu. Nhưng liệu tôi có dám… chết đi như cậu bé Johnny?
Johnny bước tới bước lui trong hành lang bệnh viện. Mary, chị của cậu, đang nằm trong phòng cấp cứu. Bỗng, cửa phòng hé mở, các bác sĩ chậm rãi bước ra.
– Johnny này! – vị bác sĩ già nói với cậu – Chị Mary của cháu đang mắc phải một căn bệnh rất lạ. Cơ hội duy nhất để cứu chị Mary là chị ấy phải nhanh chóng được truyền máu từ một người có cùng nhóm máu. Nhưng ngay lúc này, bệnh viện chưa tìm được ai có cùng nhóm máu với chị ấy. Tuy vậy, bác biết một người có thể cứu được chị cháu. Và người đó là cháu đấy, Johnny ạ!
Im lặng một lúc, vị bác sĩ già đặt tay lên đôi vai nhỏ bé của Johnny và hỏi:
– Johnny, cháu có thể cho chị Mary máu của cháu được không?
Johnny mím môi ra vẻ suy nghĩ. Một lúc sau, cậu nhoẻn miệng cười, gật đầu:
– Tất nhiên là được ạ.
Ngay sau đó, hai đứa trẻ nhanh chóng được đẩy vào phòng cách ly của bệnh viện. Johnny trông khoẻ mạnh và hồng hào bao nhiêu thì Mary lại nhợt nhạt và ốm yếu bấy nhiêu. Dù không được nói chuyện với nhau nhưng Johnny nhìn chị và mỉm cười. Dường như cậu đang cố động viên chị qua ánh mắt.
Khi chiếc kim được luồn vào cánh tay Johnny, nụ cười trên môi cậu tắt dần. Cậu đưa mắt nhìn theo từng giọt máu của mình chảy vào ống thủy tinh bên cạnh. Khuôn mặt của cậu tái dần đi. Rồi với giọng run run, Johnny ngập ngừng hỏi bác sĩ:
– Bác sĩ ơi! Khi nào… khi nào thì cháu chết ạ?
Đến lúc này, vị bác sĩ già hiểu ra cái mím môi đầy lo lắng của Johnny khi nãy. Cậu bé nghĩ mình sẽ chết khi truyền máu cho chị Mary. Thế nhưng, Johnny vẫn sẵn sàng đồng ý. Đối với cậu, sự sống của chị Mary mới là điều quan trọng nhất. Chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, Johnny đã đưa ra một quyết định đầy tình yêu thương và cao cả.
Vậy đó, tôi cũng muốn bước theo đường lối Chúa, thực hiện những công việc của Chúa nhưng điều quan trọng nhất là “chết đi từng ngày” thì tôi… không thể! Tôi chỉ hy sinh những gì là dư thừa không làm tổn hại đến cuộc sống, thanh danh hay vị thế của tôi và tôi tự cho rằng thế là đã đủ!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương Chúa đã chết đi để cho chúng con được sống, đã dùng chính Thịt Máu chí thánh của Người để nuôi dưỡng chúng con. Nhờ đó, chúng con biết xả thân cho tha nhân, cho công cuộc phục sinh của Chúa một cách trọn vẹn hơn bằng tình yêu thương phản chiếu từ Thánh Tâm Chúa. Amen.