Bình thường ít ai suy nghĩ về cuộc đời. Nhưng khi đối diện với đau khổ, ta mới suy nghĩ nhiều. Tôi cũng không là trường hợp ngoại lệ.
Có những lúc, đau khổ như vùi dập đời mình, tôi tự hỏi như bao nhiêu người đã từng thắc mắc: Đời là gì? Tự tìm cho mình câu trả lời, tôi chỉ nhận ra, hình như cuộc đời con người là những bước đi trong một cánh rừng dày đặc, đen tối, không lần ra nổi một lối đi, dẫu chỉ là một lối mòn. Điều mà bản thân suy nghĩ, Pascal cũng đã từng nghĩ như thế.
Cứ cho là tôi bi quan, nhưng chắc cũng không sai. Nhất là những lúc mà đau khổ trong cuộc đời như muốn đè bẹp thân phận mình, như muốn nhận chìm tất cả tương lai của mình. Lúc đó mình cố tìm cách để xoay sở, để bớt khổ tâm hơn, thì có khi lại càng bí lối. Đau khổ không những không giảm mà còn như bám chặt hơn. Những lúc đó, cuộc đời đúng là một cánh rừng đen tối.
Nếu tuần rồi, Chúa nhật I mùa Chay, dựa vào Lời Chúa, chúng ta đề nghị nhau hãy dùng nghị lực, dùng ý chí để thắng chước cám dỗ, để không phạm tội. Hoặc nếu vì yếu lòng, đã lỡ lầm, sa ngã, cũng hãy dùng ý chí, nghị lực đứng lên, trở về với Chúa.
Nghị lực và ý chí để vượt thắng ấy, chính là do chúng ta noi gương Chúa Kitô, sống Lời Thiên Chúa mà có được.
Tuần này, bạn và tôi tiếp tục sống nghị lực và ý chí để giữ vững đức tin trong cuộc đời của mình, dẫu cho đức tin đó có phải chịu thanh luyện trong đau khổ cách mấy đi nữa.
Cũng vẫn là một công thức không thể thiếu: để có nghị lực, để có ý chí giúp mình vượt lên trên đầu sóng ngọn gió của cuộc đời, cách duy nhất chúng ta cần làm, và cần ưu tiên trước hết, chỉ có thể là dựa vào chính Lời Thiên Chúa đã dạy, nhằm trui rèn nghị lực và ý chí cho đời sống đức tin của mình.
Thánh Kinh có nhiều tấm gương về đức tin cho ta noi theo. Trong số những tấm gương ấy, hình ảnh Tổ phụ Abraham, mà hôm nay Hội Thánh đề nghị con cái mình suy niệm trong bài đọc I, là tấm gương nổi bậc.
Một ngày nọ, Tổ phụ Abraham được Chúa kêu gọi: “Hãy bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi đến đất Ta sẽ chỉ cho” (St 12, 1). Thế là Tổ phụ ra đi. Đi trong mịt mù. Đi trong tăm tối. Đi mà chẳng biết mình đi đâu.
Suốt đời Tổ phụ mơ ước có một đứa con nối dõi tông đường, vậy mà cũng chẳng có. Đến khi ông cả trăm tuổi, vợ ông cũng cao niên chẳng kém gì, Thiên Chúa mới hứa ban cho ông một đứa con. Một lời hứa như thế thật khó chấp nhận làm sao. Thế nhưng Tổ phụ Abraham vẫn tin.
Đến khi đứa con trai duy nhất của ông, đứa con thừa tự, đứa con của lời hứa, đứa con ngọc, đứa con ngà đã lớn khôn, Thiên Chúa lại đòi ông đem đứa con đó đi sát tế cho Người. Có tội ác nào lớn cho bằng tội của một người cha giết con. Có còn lời dạy nào khủng khiếp cho bằng dạy một người cha giết chính đứa con là máu, là mủ, hơn nữa là cả cuộc sống của người cha già nua đã từng rút ruột mình sinh ra. Và còn đâu là một Thiên Chúa yêu thương, một Thiên Chúa gần gũi với con người, hay chỉ là một Thiên Chúa tàn nhẫn và say máu cho đến độ đòi một người cha phải thủ tiêu con của ông làm của lễ tế hiến cho mình. Đúng là một Thiên Chúa độc ác, không còn gì độc ác hơn!
Càng suy nghĩ như thế về hình ảnh của Thiên Chúa bao nhiêu, ta càng thấy đức tin của Tổ phụ Abraham lớn bấy nhiêu. Cứ bắt đầu bằng tình cảm con người, ta suy diễn, sẽ thấy, chắc tâm hồn ông chao đảo lắm, lương tâm ông giày vò lắm, cuộc sống của ông chắc mất bình an lắm.
Có lẽ nước mắt đã tràn ngập, đã dàn dụa tâm hồn ông. Và có lẽ giọt nước mắt ấy rất âm thầm, vì ông không thể để lộ cho con mình biết được. Làm sao dám cho con biết khi chính ông sẽ giết chết con! Mà tiếng khóc càng âm thầm, tiếng nấc càng nghẹn ứ, nước mắt càng chảy ngược vào hồn nhiều bao nhiêu, thì nỗi đau càng dằn xé, càng tê tái, càng buốt giá bấy nhiêu. Nhất là mỗi khi ông nhìn đôi bàn tay của mình. Ngày nào đôi tay ấy bồng ẳm con, nâng niu con, bây giờ cũng chính đôi tay ấy sẽ thủ tiêu con. Là cha, là mẹ như bao người cha, người mẹ khác, Tổ phụ Abraham se thắt lòng mình.
Trước nỗi đau đớn khó diễn tả thành lời ấy, Tổ phụ đã vượt qua. Trước lòng tin vững như đá, rắn như thép của ông, Thiên Chúa đã trả lại cho ông đức con duy nhất đó. Ngay chính lúc ông giơ dao sát tế con mình, thiên thần Chúa đã đưa tay đỡ lấy lưỡi dao ấy. Ông xứng đáng được Thánh Kinh gọi là Cha của những kẻ tin. Chính đức tin đã nắn đúc ông thành một con người ngị lực và ý chí vô cùng. Và trong đức tin ấy, hôm nay chính chúng ta, đông lắm, đông như sao trên trời, như cát ngoài biển, là miêu duệ của ông…
Các môn đệ của Chúa Giêsu ngày xưa cũng vậy. Bài Tin mừng hôm nay kể rằng, các môn đệ hạnh phúc nhìn ngắm vinh quang khi Chúa biến hình trên núi một cách say mê, như chiêm bao. Những tưởng hạnh phúc ấy kéo dài, để còn cất lều, dựng nhà mà chiếm hạnh phúc ấy chứ! Nào ngờ đó chỉ là một ánh chớp chợt lóe lên rồi lịm tắt, trả các môn đệ lại với đời thường.
Dẫu vậy, vẫn chưa thể ở yên trong đời thường ấy. Vinh quang núi cao chấm dứt, thay vào đó là vường Giêtsêmani. Ở đó các môn đệ chứng kiến Thầy của mình hấp hối, sợ hãi trước cái chết, đến nỗi toát mồ hôi pha trong máu.
Các ông sẽ còn chứng kiến cảnh tượng sỉ nhục không gì sỉ nhục bằng, một cảnh tượng làm đau không chỉ thể xác, nhưng nỗi đau ấy xé nát tinh thần: bị lột sạch cho đến trần trụi, không đơn thuần là mảnh áo mà còn là nhân vị con người; cuối cùng dang tay chịu treo giữa trời giữa đất, giữa muôn tiếng sĩ vả, nguyền rủa, để rồi gục đầu chết tức tưởi. Điều còn lại chỉ là thất bại và ê chề.
Đức tin của các môn đệ bị thách thức quá lớn. Theo Thầy là để được cái gì, đàng này mất tất cả. Chính Thầy lại là người mất mạng sống trước tiên. Có còn gì thua thiệt cho bằng để mà nói, để mà có thể so sánh!
Có một điều hết sức quan trọng, chính trong tăm tối của đức tin, các môn đệ biết Thầy của mình đã sống lại. Chính các ngài đã vượt qua nỗi đau cuộc đời, vượt qua sự tăm tối của bất hạnh để đặt nền mống cho Hội Thánh khắp nơi trên thế giới này. Mãi cho đến nay, dẫu đâu đó, vẫn còn bị bách hại cách này, cách khác, Hội Thánh vẫn đang trải rộng và phát triển.
Tôi nghĩ, cũng như Tổ phụ Abraham, đó là nghị lực, là ý chí của các môn đệ. Còn bạn và tôi thì sao? Chúng ta cũng quá dư kinh nghiệm về nỗi đau trong cuộc đời của mình. Có lẽ phần nào đã nắn đúc nên nghị lực và ý chí của chúng ta?
Đau khổ là một sự thật trong cuộc đời. Nó cũng là một cú đấm thẳng vào đức tin của người tin vào Chúa. một cú đấm không khoang nhượng, đấm mạnh. Chính thực tế chứng minh điều đó. Thực tế cho thấy rất nhiều người đã không thể vượt qua nỗi khổ đau, đã thua buồn, đã đánh mất đức tin, đã ngã lòng trông cậy vào Chúa.
Có người còn lên tiếng oán trách Thiên Chúa: Tại sao tôi thờ Chúa, mà Chúa lại để tôi ra nông nổi này? Chúa ở đâu? Chúa có thương tôi không? Có Chúa thật không? Nếu Chúa có thật, nếu Chúa thương tôi, vậy tại sao con tôi, chồng tôi, vợ tôi, gia đình tôi, bản thân tôi… lại phải chịu cảnh bi thương này. Thực tế đã có nhiều người không thể vượt qua, đã đánh mất đức tin. Bởi thế, ở khía cạnh này, tôi dám nói, đau khổ là một cú đấm thẳng vào đức tin của những ai tin Chúa.
Bạn ạ, tôi cũng như bạn: là người Công giáo chính hiệu. Dù là người Công giáo, cũng như mọi người sống trong cuộc đời này: có đau khổ và hạnh phúc. Rất có thể đau khổ triền miên, còn hạnh phúc lại chỉ như một ánh chớp lóe lên, rồi lịm tắt, để lại một cuộc đời tăm tối mênh mông. Lúc đó đức tin của mình bị thử thách nặng nề nhất. Vậy ta phải làm gì để giữ đức tin? Hãy nhìn vào mẫu gương Tổ phụ Abraham và các môn đệ của Chúa Giêsu, nhờ đó thêm nghị lực và ý chí mà sống đời sống đức tin của mình.
Tổ phụ Abraham đã đi trong đêm đen dày đặc, các môn đệ đã vác thập giá với Thầy chí thánh. Chính Thầy cũng đã chết ô nhục trên thánh giá. Cuộc đời của mỗi con người cũng giống y như thế: Biết bao nhiêu cạm bẫy đe dọa. Nhưng đạo Công giáo không chỉ có thập giá. Sau thập giá sẽ là phục sinh vinh quang. Biến cố Chúa biến hình trên núi, dẫu thoáng qua, nhưng là hy vọng của chúng ta.
Nếu các môn đệ ngày xưa, được Chúa cho thoáng thấy vinh quang núi cao, để chắp cánh, dẫu chỉ là một đôi cánh mỏng, cho niềm hy vọng phục sinh của mình, thì biến cố ấy rất nhiều lần lặp lại trong cuộc đời ta, qua những giây phút hạnh phúc, vui cười… Ta hãy xem đó là niềm hy vọng, giúp bản thân ngã mình vào bàn tay Thiên Chúa để mà tin, để mà hy vọng, và dâng hiến lòng mến của mình.
Xin cho chúng ta tràn đầy nghị lực và ý chí để luôn tin tưởng vào Chúa. Xin cho chúng ta vững tin rằng, sau thập giá sẽ là phục sinh, sau cuộc đời đầy long đong, sẽ là hạnh phúc miên trường.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG