CẦU NGUYỆN BỀN BỈ TRONG TIN TƯỞNG

Các Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai tin chắc rằng “Ngày của Chúa” sẽ sớm đến: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu…Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 29-31).  Đây sẽ là ngày mà thế giới họ đang sống, với sự cai trị và áp bức của người Rôma, sẽ kết thúc và một thế giới mới tốt đẹp hơn sẽ đến. Niềm tin này bắt nguồn từ truyền thống Do Thái. Thiên Chúa đã hứa một vị vua mới từ dòng dõi Đavít, người sẽ khôi phục dân Israel: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi, một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền” (2 Sm 7:12).

Nhưng trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng nhiều khi chúng ta phải chờ đợi. Điều đó không có nghĩa là bỏ cuộc. Nhưng chúng ta phải kiên trì. Giống như bà góa đang chờ đợi sự phán xét công bình từ quan tòa bất chính, chúng ta phải chờ ngày được sống trong Nước Trời. Ngày đó sẽ đến, nhưng chúng ta phải tin cậy bền bỉ nơi Thiên Chúa.

Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay nói về sự kiên trì trong cầu nguyện. Trong bài đọc đầu tiên, Môisê trở nên mệt mỏi khi cầu nguyện và Aharon và Khur hỗ trợ ông: “Khi nào ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalếch thắng thế. Nhưng ông Môsê mỏi tay, nên người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn ông Aharon và ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên” (Xh 17: 11-12). Thánh vịnh tuyên bố “Ơn phù hộ tôi đến từ Thiên Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 121: 2). Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy kiên trì rao truyền Lời Chúa: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (1Tm 4: 2). Trong Tin mừng, Chúa Giêsu kể chuyện dụ ngôn về người góa phụ kiên trì đã liên tục làm phiền quan tòa cho đến khi ông ta nghe lời bà ta: “mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi” (Lc18: 5).

Đoạn văn Tin mừng này là câu chuyện dụ ngôn về một người góa phụ bền bỉ. Bà liên tục đến gặp một thẩm phán vốn không quan tâm đến việc làm điều đúng đắn, và bà dai dẳng yêu cầu ông ta xử cho bà một bản án công bằng. Cuối cùng ông ta cũng nhượng bộ vì không muốn bà quấy rầy ông ta nữa: “kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc” (Lc18: 5).

Chúa Giêsu dùng câu chuyện này để đưa ra một bài học về sự cần thiết “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Luca 18: 1). Thật lạ lùng khi Chúa Giêsu nói đến một quan tòa “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (Luca 18: 2), bởi vì truyền thống Sách thánh khuyến cáo rằng các thẩm phán phải là những người kính sợ Thiên Chúa, những người đáng tin, vô tư và liêm khiết: “Hãy xem trong toàn dân những ai là người có tài, biết kính sợ Thiên Chúa, đáng tin cậy, không ham của bất chính, thì đặt họ làm người chỉ huy” (Xh 18:21). Nhưng Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh một thẩm phán bất công này để bày tỏ sức mạnh của sự bền bỉ và bày tỏ lòng thương xót sâu sắc của Thiên Chúa.

Đầu tiên, chúng ta biết rằng bà góa này không bao giờ bỏ cuộc: “mụ goá này quấy rầy mãi” (Lc 18:5). Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ hết hy vọng trong lời cầu nguyện. Chúng ta phải cầu nguyện luôn luôn, liên tục và bền bỉ. Không phải lời cầu nguyện thay đổi Thiên Chúa; đúng hơn, lời cầu nguyện thay đổi chúng ta và giúp chúng ta nhận được những ân sủng vô biên từ Thiên Chúa.

Chúng ta học được rằng nếu một thẩm phán vốn chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì rốt cuộc lại đưa ra quyết định đúng đắn, thì Thiên Chúa vốn nhân từ và hết lòng yêu thương hẳn sẽ thực thi những quyết định không chỉ công bằng mà còn tốt lành trên cuộc đời chúng ta khi chúng ta tin cậy Ngài. Chắc chắn Thiên Chúa có thể làm mọi điều tốt lành trong cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta cứ để Ngài làm theo ý muốn của Ngài: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài sao? Lẽ nào Ngài bắt họ chờ đợi mãi?” (Lc 18: 7).

Khi suy ngẫm về việc cần phải kiên trì trong lời cầu nguyện của mình như thế nào, chúng ta nhận ra rằng lời cầu nguyện mà chúng ta phải tìm cách thực hành trước hết là lời cầu nguyện hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta muốn công lý ngay lập tức trong cuộc sống của mình. Khi ai đó làm tổn thương chúng ta, chúng ta mong Chúa xét xử họ, đòi lại công bằng cho chúng ta. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra. Khi đó chúng ta có thể bị cám dỗ nghĩ rằng Thiên Chúa không nghe thấy chúng ta. Thực ra, Ngài nghe thấy chúng ta, nhưng đường lối của Thiên Chúa không phải đường lối của chúng ta:

Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,

và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta

– sấm ngôn của Thiên Chúa.

Trời cao hơn đất chừng nào

thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,

và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy

(Is 55: 8-9)

Thiên Chúa muốn chúng ta phải có niềm tin bền vững. Và chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện và tin tưởng rằng Chúa luôn ở cùng chúng ta. Trong cầu nguyện chúng ta đừng tìm cách thay đổi ý muốn của Thiên Chúa bằng cách xin Ngài đủ mọi thứ theo ý muốn riêng mình. Đúng hơn, lời cầu nguyện của chúng ta phải bền bỉ đến mức có thể mở lòng chúng ta ra cho ý muốn của Thiên Chúa và để cho ân sủng của Ngài tuôn chảy tùy theo ý muốn hoàn hảo của Ngài.

Trong buổi tiếp kiến chung, tại quãng trường Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 25 tháng Năm, năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngỏ lời với các tín hữu:

“Tất cả chúng ta đều trải qua những lúc mệt mỏi và chán nản, đặc biệt là khi những lời cầu nguyện của chúng ta dường như không hiệu quả. Nhưng Chúa Giêsu đảm bảo với chúng ta: không giống như quan tòa không trung thực, Thiên Chúa nhanh chóng trả lời con cái Ngài, mặc dù điều này không có nghĩa là Ngài nhất thiết phải làm điều đó khi nào và như thế nào theo ý chúng ta muốn. Cầu nguyện không hoạt động như một cây đũa thần! Cầu nguyện giúp chúng ta giữ đức tin nơi Thiên Chúa, và phó thác mình cho Ngài, ngay cả khi chúng ta không hiểu ý Ngài. Trong điều này, chính Chúa Giêsu – Đấng cầu nguyện không ngừng – là mô hình của chúng ta. Thư gửi tín hữu Hípri nhắc nhở chúng ta rằng “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết. Ngài đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính” (Hípri 5: 7). Thoạt nhìn câu nói này có vẻ xa vời, vì Chúa Giêsu đã chết trên thập giá. Tuy nhiên, thư Hípri không sai chút nào: Thiên Chúa quả thật đã cứu Chúa Giêsu khỏi sự chết bằng cách ban cho Ngài chiến thắng hoàn toàn, nhưng con đường dẫn đến chiến thắng đó là qua chính cái chết! Lời khẩn cầu mà Thiên Chúa nhận lời là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu tại vườn cây dầu. Bị đánh gục bởi nỗi thống khổ, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha để giải thoát Ngài khỏi chén đắng của cuộc Khổ nạn, nhưng lời cầu nguyện của Ngài thấm đẫm lòng tin cậy nơi Chúa Cha và Ngài hoàn toàn phó thác cho ý muốn của Chúa Cha: “xin đừng theo ý con,” Chúa Giêsu nói, “nhưng mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39). Những gì chúng ta xin khi cầu nguyện chỉ là điều thứ yếu; điều quan trọng hơn hết là mối tương quan của chúng ta với Chúa Cha. Đây là điều mà lời cầu nguyện sẽ thực hiện: biến đổi ước muốn của chúng ta và làm cho ước muốn đó thuận theo ý muốn của Thiên Chúa, dù ý muốn của Thiên Chúa là gì, bởi vì trước hết người cầu nguyện là người khao khát kết hợp với Thiên Chúa, là Tình yêu thương xót.

Dụ ngôn kết thúc bằng một câu hỏi: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Ngài còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc18: 8). Và với câu hỏi này, tất cả chúng ta đều được cảnh báo: chúng ta không được ngừng cầu nguyện, ngay cả khi chưa được trả lời. Chính lời cầu nguyện sẽ bảo toàn đức tin, không cầu nguyện đức tin sẽ nao núng! Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho một đức tin không ngừng cầu nguyện, kiên trì, giống như đức tin của bà góa trong dụ ngôn, một đức tin nuôi dưỡng lòng khao khát của chúng ta về sự trở lại của Ngài. Và trong lời cầu nguyện, chúng ta sẽ cảm nghiệm lòng từ bi đó của Thiên Chúa. Ngài giống như một người Cha đến gặp gỡ con cái mình, đầy tình yêu thương xót.”

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts