Chủ đề: “Sự cầu nguyện ban cho chúng ta được chia sẻ trong quyền năng của Thiên Chúa”
Ông Jim Johnson được giao cho việc cứu nguy một khách sạn đang trên đà suy sụp. Các người quản lý trước ông đã cố gắng nhiều nhưng không thành công. Khách sạn này đang trong tình trạng thập tử nhất sinh. Ông Jim quyết định thử thi hành một kiểu cách thật khác biệt.
Hằng đêm ông lái xe lên một ngọn đồi nhìn về thành phố và khách sạn. Ông dừng xe và ngồi ở đó trong 20 phút, để cầu nguyện.
Ông cầu nguyện cho các thân chủ của khách sạn, họ đang nghỉ ngơi đằng sau các khung cửa sổ đèn sáng. Ông cầu nguyện cho nhân viên của khách sạn và gia đình của họ. Ông cầu nguyện cho những người có giao dịch làm ăn với khách sạn. Sau cùng, ông cầu nguyện cho thành phố và dân cư.
Đêm này sang đêm khác, ông lái xe lên đỉnh đồi. Và đêm này sang đêm nọ, ông dừng xe và kiên trì cầu nguyện như vậy.
Chẳng bao lâu, tình hình khách sạn thay đổi, từ từ khá hơn. Các nhân viên cảm thấy vững tin hơn. Họ chào đón khách niềm nở hơn. Một tinh thần mới thấm nhập vào kiểu cách điều hành. Khách sạn như tái sinh một cách rõ ràng.
Ông Norman Vincent Peale, người kể câu chuyện này, đã cho rằng sự tái sinh của khách sạn là nhờ lời cầu nguyện hằng đêm của ông Jim Johnson. Ông chấm dứt câu chuyện với một tư tưởng thật hấp dẫn: Nếu lời cầu nguyện của một người có thể thay đổi được một khách sạn, thì rất có thể lời cầu nguyện của một quốc gia thay đổi cả thế giới.
Câu chuyện có thật đó đã nói lên tinh thần của bài Phúc Âm hôm nay. Nó cũng đưa ra vài vấn đề:
Sự cầu nguyện chiếm một vị trí nào trong đời sống chúng ta? Phúc Âm nói gì về sự cầu nguyện? Chúa Giêsu nói gì về sự cầu nguyện?
Trong Phúc Âm, chúng ta thấy diễn tả bốn loại cầu nguyện: thờ phượng, thống hối, cảm tạ; và cầu xin.
Trong sự cầu nguyện thờ phượng, chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa chúng ta. Thí dụ, trong Phúc Âm Gioan, chúng ta thấy Thánh Tôma quỳ xuống và tuyên xưng Đức Giêsu: “Ôi lạy Chúa và Thiên Chúa của con!” (Gioan 20:28).
Trong sự cầu nguyện thống hối, chúng ta thú nhận mình là ai: là những người tội lỗi cần đến lòng thương xót của Chúa.
Trong sự cầu nguyện cảm tạ, chúng ta nhìn nhận những ơn lành mà Chúa đã ban cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta thấy chính Đức Giêsu cầu nguyện, “Lạy Cha, là Chúa trời đất! Con cảm tạ Cha…” (Luca 10:21).
Sau cùng, trong sự cầu nguyện nài xin, chúng ta nhìn nhận là cần được Chúa giúp đỡ. Vì vậy, chúng ta thấy Đức Giêsu dạy các môn đệ, “Hãy xin, và anh em sẽ nhận; hãy tìm, và anh em sẽ thấy; hãy gõ, và cửa sẽ mở ra cho anh em” (Luca:9).
Thật có ý nghĩa khi các môn đệ xin Đức Giêsu dạy họ cách cầu nguyện, Người đã dạy họ kinh Lạy Cha.
Lời kinh này bao gồm bốn loại cầu nguyện nói trên.
Chúng ta tôn thờ Chúa khi đọc, “Lạy Cha chúng con ở trên trời; chúng con nguyện danh Cha cả sáng…”
Chúng ta bày tỏ lòng thống hối khi đọc, “Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”
Nhưng lạ một điều là Kinh Lạy Cha không có câu cám ơn Chúa rõ ràng. Các học giả giải thích rằng người Do Thái coi lời tôn thờ cũng như lời cảm tạ.
Họ lý luận rằng khi chúng ta tôn thờ Thiên Chúa, chúng ta nhìn nhận Người là ai, và những gì Người đã thi hành cho chúng ta. Tiềm ẩn trong sự nhìn nhận này là sự biết ơn chúng ta đối với Người vì những gì Người đã ban và vì Người là Thiên Chúa.
Sau cùng, sự nài van là xin Thiên Chúa những gì chúng ta cần. Vì vậy chúng ta đọc trong kinh Lạy Cha, “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày.”
Có người hỏi, “Khi xin Chúa điều này điều nọ, hay xin Người làm điều này điều nọ, có phải chúng ta thuyết phục Người thay đổi hoạch định về những điều nào đó không?”
Câu trả lời hiển nhiên là không. Thiên Chúa không cần đến sự khôn ngoan của loài người để dẫn dắt Người. Chúa cũng không cần đến loài người phải thuyết phục Người thi hành những gì tốt lành và chính trực.
Vậy tại sao chúng ta cầu xin?
Ông Blaise Pascal, nhà toán học lừng danh của thế kỷ 17, đã trả lời câu hỏi ấy như sau: “Cầu nguyện là một trong các phương cách mà Thiên Chúa đã chọn để chia sẻ quyền năng vô cùng của Người cho chúng ta.”
Cũng như ơn hiểu biết của Thiên Chúa ban cho loài người chúng ta sức mạnh, thì lời cầu xin với Người cũng ban cho chúng ta quyền năng.
Nói cách khác, Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ trong một phương cách mà chúng ta có thể ảnh hưởng đến nó, không chỉ bởi việc sử dụng trí khôn con người nhưng còn bởi lời cầu nguyện của con người.
Không phải ai ai cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của con người bằng trí khôn của họ. Nhưng bất cứ ai-dù ngu dốt đến đâu-cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của con người bằng sức mạnh của sự cầu nguyện mà Thiên Chúa đã chia sẻ với chúng ta.
Thiên Chúa dựng nên chúng ta không như các khán giả chỉ nhìn ngắm công trình tạo dựng của Người. Chúa ban cho chúng ta được chia sẻ công trình ấy. Đây là một phần của ý nghĩa được dựng nên trong “hình ảnh và giống như” Thiên Chúa.
Bác sĩ Alexis Carrel, người đoạt giải Nobel, đã tóm lược sức mạnh và vai trò của sự cầu nguyện như sau:
“Cầu nguyện là một hoạt động trưởng thành rất cần thiết cho sự phát triển toàn vẹn của một con người. Chỉ trong sự cầu nguyện chúng ta mới đạt được một tổng thể đầy đủ và hài hòa gồm thân xác, tâm trí và linh hồn nhằm đem lại sức mạnh kiên quyết cho loài người yếu đuối như cây sậy.”
Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu xin Chúa Giêsu:
Xin tiếng nói của Chúa Giêsu kêu gọi chúng con
khi chúng con lầm đường lạc lối.
Xin đôi mắt của Chúa Giêsu nhìn đến chúng con
khi chúng con cần được khích lệ.
Xin khuôn mặt của Chúa Giêsu mỉm cười với chúng con
khi chúng con cần được tự tin.
Xin đôi tay của Chúa Giêsu xức dầu cho chúng con
khi chúng con mệt mỏi.
Xin cánh tay của Chúa Giêsu nâng chúng con lên
khi chúng con gục ngã.
Xin máu thánh Chúa Giêsu tẩy sạch chúng con
khi chúng con lớn lên trong bùn lầy.
Xin thân thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng chúng con
khi chúng con đói khát.
Xin thánh tâm Chúa Giêsu giúp chúng con yêu thương nhau
như Ngài đã yêu thương chúng con.
Cha Mark Link S.J.
Người Tín Hữu