CHA

Ở quê tôi, người ta đọc kinh rất nhiều. Mỗi giờ kinh (nên gọi là “giờ kinh” thay vì gọi là “giờ cầu nguyện”), tôi không thể nhớ bao nhiêu kinh được đọc. Đọc tràng giang. Đọc rất nhanh. Chưa “amen” kinh này thì đã gắn vào kinh khác… Nhanh đến nỗi, chỉ cần vài cái chớp mắt là đã xong kinh Lạy Cha.

Tôi không gọi đó là buổi cầu nguyện. Hình như người ta không cầu nguyện. Chẳng ai chú ý đến lời kinh mình đọc. Không ai cần hiểu nội dung lời kinh. Đọc từ đầu đến hết kinh thì thuộc, nhưng cắt ngang và bảo đọc phần cắt ngang, không thuộc. Thậm chí đọc sai từ ngữ, sai nội dung vẫn… vui vẻ đọc từ thế hệ này đến thế hệ khác…

Dù kinh Lạy Cha là lời kinh có một không hai, lời kinh độc đáo, quan trọng, gồm tóm mọi lời cầu nguyện, được rút ra từ chính kinh nghiệm cầu nguyện của Chúa Giêsu…, người ta vẫn đọc… cái vèo, chẳng khác mọi lời kinh.

Vì thế, từ đọc thuộc lòng đến thực hành lời kinh không là điều dễ. Nhất là lời kinh của Chúa – kinh Lạy Cha – tôi càngtâm niệm, đó là lời kinh mà chính tôi phải thận trọng, phải ý thức để thánh ý Chúa phải được thể hiện trong cuộc đời mình, nếu không nhiều thì cũng ở mức tối thiểu.

Nơi kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu tỏ bày một mạc khải quan trọng chưa từng có: THIÊN CHÚA LÀ CHAThiên chúa là một Người CHA không hơn, không kém. Trên mọi danh hiệu, “CHA” là danh hiệu đậm đà, trìu mến, ý nghĩa, chất chứa đầy niềm hy vọng.

Thiên Chúa không là thần minh xa vời, nghiêm nghị, ưa trừng phạt, ưa thể hiện uy quyền, ưa những kiểu sai khiến để phân biệt hai chiều kích luôn đối lập nhau: thần minh và thụ tạo.

Nhưng Thiên Chúa lại là CHA. Thiên Chúa bước vào đời sống thụ tạo nhẹ nhàng và kính trọng, nâng niu và gần gũi. Thiên Chúa gìn giữ loài thụ tạo như chính bản thân mình.

Thiên Chúa thân mật với thụ tạo đến độ phá bỏ mọi khoảng cách, không còn bất cứ ranh giới nào, dù nhỏ nhất. Từ nay, Thiên Chúa chỉ đơn giản là CHA, loài thụ tạo này là con. Từ nay, loài người đến với Thiên Chúa trở nên nhẹ và tự nhiên đến mức: người con đến với CHA mình. Từ nay, chúng ta gọi Thiên Chúa là CHA với tất cả niềm yêu, sự trìu mến, lòng thảo hiếu và đơn sơ.

Mạc khải về CHA cũng là mạc khải thuộc về chiều sâu nói lên mối liên hệ thâm sâu, ân tình giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha. Đó cũng là lời diễn tả chiều kích thiêng liêng mà thụ tạo được tham dự vào, để sống thân mật và liên kết nên một với Chúa Cha trong Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu.

CHA không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Gọi tiếng CHA triều mến gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa hạnh phúc, vừa cho thấy sự an bình nhưng cũng huyền nhiệm vô cùng.

Được làm con của CHA, đó là phẩm giá siêu phẩm giá của những người con. Đó là hồng ân cao quý trên mọi thứ cao quý. Bởi ơn gọi làm con là ơn gọi căn bản, cao trọng nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Chúa Con.

Đó là tư cách rất riêng thuộc về môn đệ của Chúa Con. Không có Chúa Con là đầu, không làm môn đệ của Chúa Con, ta không thể lãnh hội ơn gọi này, không thể đạt tới lối sống hiếu thảo với CHA và huynh đệ với tha nhân.

Chúng ta là con cùng một Cha, Chúng ta là anh em. Tình Cha con và tình em được Chúa Giêsu mạc khải hài hòa qua kinh lạy Cha. Không bao giờ chúng ta thưa “Lạy CHA” mà lại xưng là “con”, nhưng luôn xưng là “chúng con”. Cả nhân loại chỉ có một Cha, tất cả đều là anh chị em của nhau.

Hãy học lấy thái độ của thánh Phaolô để đến với CHA mình: “Tôi quỳ gối trước mặt Thiên Chúa là CHA, là nguồn gốc mọi tình phụ tử trên Trời dưới đất. Tôi nguyện xin Thiên Chúa CHA, thể theo sự phong phú của vinh quang Người, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức KITÔ ngự trong tâm hồn. Xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể các thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức KITÔ, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy, anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Êph 3,14-19).

Thánh Phaol cho thấy, dù gắn chặt trong tình phụ tử của Thiên Chúa CHA, tương quan của chúng ta không chỉ là tương quan mãnh liệt với Ngôi Thứ Nhất, nhưng luôn được “củng cố mạnh mẽ” nhờ Chúa Thánh Thần trong lòng tin vào Chúa Kitô và “được Đức Kitô ngự trong tâm hồn”.

Do đó, khi nói đến tình phụ tử của Thiên Chúa CHA, ta phải hiểu cả tình phụ tử của Thiên Chúa Con và Đấng là mối dây làm nên sự bền chặt, sự nên một tuyệt đối là Thiên Chúa Ngôi Ba.

Bởi không có tương quan nào, không có kỳ công nào, không có công trình nào mà không là quyền năng của Ba Ngôi: Cha – Con – Thánh Thần. Bởi lẽ Ba Ngôi, dù phân biệt thế nào, thì đó vẫn chỉ là MỘT THIÊN CHÚA DUY NHẤT.

Vậy, từ đây, mỗi lần đọc kinh Lạy Cha, dù trong thánh lễ, trước bữa ăn, khi lần chuỗi, khi khấn nguyện, hay bất cứ trường hợp nào, trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào, với bất cứ lý do gì, chúng ta hãy đọc khoan thai, chú ý từng lời cầu nguyện của mình. Hãy để tâm hướng về Thiên Chúa mà nâng hồn, nâng lòng yêu mến, nâng tình yêu thảo hiếu của mình lên Thiên Chúa.

Nói cách khác, chúng ta hãy cầu nguyện khi đọc kinh. Hãy biến giờ kinh của mình thành giờ cầu nguyện đúng nghĩa.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts