“Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất! Mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Ngài là Chúa các đạo binh!”.
Dr. Virginai Satir, nữ bác sĩ tâm lý, viết trong tác phẩm của mình, “Trẻ sơ sinh phát triển mạnh nhờ được vuốt ve thường xuyên. Chà, người lớn cũng không khác! Khi không được một bàn tay vỗ về, được ôm qua vai hay qua người, họ sẽ tự co rút vào mình. Tôi kê đơn: mỗi ngày, bốn cái ôm để tồn tại, tám cái ôm để duy trì, và mười hai cái ôm để thăng hoa. Tắt một lời, chạm đến nhau giữa vợ chồng, mẹ cha và con cái mỗi ngày, là một điều không thể thiếu!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Với Dr. Virginai Satir, việc “chạm đến nhau” giữa những con người quan trọng đến thế; phương chi việc con người ‘chạm phải Đấng Vô Cùng’, điều đó sẽ quan trọng hơn biết bao! Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói đến sự choáng ngợp của con người trước một Đấng uy nghi, uy dũng và uy quyền. Isaia, Phaolô và Phêrô đã ‘chạm phải Đấng Vô Cùng’, cũng là Đấng sẽ sai họ đi!
Bài đọc thứ nhất tường thuật sự ngỡ ngàng của Isaia trong đền thánh. Giữa tiếng tung hô “Thánh, Thánh, Thánh” của đoàn thiên sứ, các nền nhà chuyển rung; Isaia khiếp hãi, “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ bẩn, mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Ngài là Chúa các đạo binh!”. Ngay lúc đó, một thiên thần bay đến, tay cầm cục than đỏ, chạm vào lưỡi ông để ông được sạch; và Isaia nghe tiếng Chúa phán, “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?”; ông liền thưa, “Này con đây, xin hãy sai con!”.
Cũng thế, trong bài đọc thứ hai, Phaolô kể lại kinh nghiệm của mình về việc ông đã ‘chạm phải Đấng Vô Cùng’, “Sau cùng, Ngài cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ và không xứng đáng được gọi là tông đồ… Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa”. Quả thế, Phaolô đã trở thành lợi khí được chọn của Đấng Vô Cùng, được Ngài sai đi như một tông đồ kiệt xuất cho các dân ngoại.
Đặc biệt, với bài Tin Mừng; qua đó, chúng ta đọc thấy trải nghiệm tuyệt vời của Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi. Khi Phêrô đang giặt lưới cùng các bạn chài khác thì Chúa Giêsu đến, Ngài bước vào thuyền ông, đây cũng là thời khắc Ngài bước vào ‘con thuyền đời’ ông; Ngài yêu cầu ông ra khỏi bờ một chút để Ngài có thể dạy dỗ, và Ngài sẽ yêu cầu ông nhiều hơn về sau. Đoạn Ngài nói riêng với Phêrô, “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, thả lưới bắt cá”, và Phêrô phải ‘ra những trũng sâu’ suốt phần còn lại của đời mình. Yêu cầu này, lẽ thường, không có ý nghĩa gì với Phêrô, một ngư phủ dày dạn; tuy nhiên, Phêrô đã mềm mỏng đáp lại. Phép lạ đã xảy ra, và trước sự kinh ngạc với mẻ cá kỳ diệu, Phêrô choáng ngợp vì không chỉ một người có tên Giêsu đã chạm vào cuộc sống ông nhưng chính Thiên Chúa đã chạm vào cuộc đời ông. Phêrô nhận thức ông đang ‘chạm phải Đấng Vô Cùng’; về phần mình, ông cảm thấy quá bất xứng, nên sụp lạy và thưa lên, “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Thế nhưng, Chúa Giêsu nâng ông dậy, đẩy ông về phía trước, xa hơn, “Đừng sợ, từ nay, anh sẽ là kẻ chinh phục người ta!”.
Anh Chị em,
Thiên Chúa chí thánh, Đấng mà cả thiên triều không chứa đủ vinh quang; vậy mà Ngài đã hạ cố xuống tận cùng thấp cho bằng con người, hầu con người có thể chạm được Ngài. Và thật lạ lùng, ai chạm đến Ngài đều được biến đổi. Ngài đụng đến Isaia bằng cục than lửa; lửa đó đã thanh tẩy lưỡi ông, khiến ông trở thành ngôn sứ của Chúa. Đến thời viên mãn, Thiên Chúa không chỉ chạm đến con người bằng lửa, Ngài chạm đến nó bằng chính Con Một của Ngài. Sự đụng chạm này đã quật ngã Phêrô, hất văng Phaolô. Lúc chưa chạm Ngài, Phêrô gọi Chúa Giêsu là Thầy; nhưng sau mẻ cá kỳ lạ, ông phủ phục, thú nhận sự thấp hèn và tuyên xưng Ngài là Chúa. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta không chỉ được chạm đến Chúa Giêsu mà còn được nên một với Ngài, Ngài trở nên của ăn nuôi sống chúng ta. Như Isaia, Phaolô và Phêrô, Chúa Giêsu ước mong chúng ta càng chạm đến Ngài, càng thuộc về Ngài; càng thuộc về Ngài càng nên thánh thiện và thật sự trở thành ngôn sứ của Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi ngày con ‘chạm phải Đấng Vô Cùng’, xin giúp con biến đổi tận bên trong, hầu có thể tạo nên một sự khác biệt như Chúa kỳ vọng!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)