Chủ đề: “Khiêm tốn có nghĩa sống như Chúa Giêsu, không sống cho mình nhưng cho người khác”
Nhiều năm trước đây ở Floria, tờ St. Petersburg Times có đăng một câu chuyện lý thú của ông Don Shula, huấn luyện viên của đội banh Dolphins nổi tiếng của Miami. Ông đi nghỉ hè với gia đình trong một tỉnh lẻ ở phía bắc thành phố Maine.
Một chiều kia, trời mưa tầm tã, ông Shula cùng bà vợ và năm đứa con quyết định đi xem xinê trong rạp hát duy nhất của tỉnh.
Khi họ đến, trong rạp lúc ấy đèn còn sáng và chỉ có sáu người. Khi ông Shula và gia đình bước vào, tất cả sáu người này đứng dậy và vỗ tay. Ông vẫy tay mỉm cười với họ.
Ông ngồi xuống rồi xoay sang nói với vợ, “Mình ở Miami cách đây cả ngàn dặm vậy mà họ đứng dậy hoan hô. Chắc họ đã thấy tài nghệ của đội banh Dolphins trên truyền hình.”
Sau đó một người tiến đến bắt tay ông. Ông Shula cười hớn hở và hỏi, “Làm sao mà ông biết tôi?”
Ông này trả lời, “Thưa ông, tôi không biết ông là ai. Tất cả những gì tôi biết là trước khi ông và gia đình bước vào, người quản lý rạp hát nói với chúng tôi rằng, nếu không có thêm bốn người nữa thì ngày hôm nay họ sẽ không chiếu phim.”
Tôi thích câu chuyện này vì nó làm sáng tỏ điều giáo huấn trong bài đọc hôm nay, có thể nói đó là lời cam kết của một Kitô Hữu, chúng ta phải trở nên người khiêm tốn.
Câu chuyện này mời gọi chúng ta trở nên loại Kitô Hữu mà ông Don Shula đã kể trong câu chuyện.
Ông là một người nổi tiếng khắp nước không chỉ vì tài huấn luyện nhưng còn là một con người tuyệt vời.
Đó chỉ là điều tự nhiên khi ông nghĩ rằng người kia đến bắt tay ông vì biết ông là ai.
Nhưng khi vỡ lẽ, ông Shula lại là người đầu tiên cười nhạo chính mình. Thật vậy, ông thích sự kiện đó đến nỗi ông thường kể lại cho người khác nghe. Chỉ một người khiêm tốn mới có thể làm như vậy.
Điều đó nêu lên một câu hỏi. Khiêm tốn là gì? Trở nên khiêm tốn có nghĩa gì?
Có phải nó có nghĩa chúng ta phải tự hạ? Có phải nó có nghĩa ít nghĩ đến chính mình? Có phải nó có nghĩa khước từ giá trị thực sự của mình, hoặc coi thường giá trị ấy?
Tất cả không phải vậy! Khiêm tốn là một điều sâu xa hơn và mỹ miều hơn những điều ấy. Khiêm tốn không phải ít nghĩ đến chính mình.
Trong ý nghĩa sâu xa và mỹ miều, khiêm tốn có nghĩa trở nên giống như Chúa Giêsu, Người đã nói, “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường…” Mt 11:29
Nó nghĩa trở nên giống như Chúa Giêsu, Người đã nói, “Con Người không đến để được phục vụ; nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhiều người.” Mc 10:45
Khiêm tốn có nghĩa sống như Chúa Giêsu đã sống–không cho chính mình, nhưng cho người khác.
Nó có nghĩa sử dụng khả năng của chúng ta như Chúa Giêsu đã dùng khả năng của Người–không cho chính mình và vinh dự của mình, nhưng cho người khác và các nhu cầu của họ.
Sau đây là một thí dụ điển hình.
Ông Charles Schulz đã tạo ra nhân vật Charlie Brown rất nổi tiếng trong dân chúng qua các hí họaPeanuts. Tuy nhiên, ít người biết rằng Charlie Brown được dựa trên một con người có thực. Charlie Brown thực tế cùng làm việc với ông Schulz trong Phòng Trạm Trổ ở Minneapolis.
Sau đó cả hai bỏ việc ở đây. Ông Schulz trở nên một nhà hí họa. Ông Charlie Brown trở nên một người cố vấn cho các thiếu niên phạm pháp, và ông thường cho các em trú ngụ ngay tại nhà của ông. Vào tháng Mười Hai 1983 ông Charlie từ trần vì ung thư. Sau cái chết của ông, một người cùng sở viết:
“Charlie là ông xếp của tôi ở Trung Tâm Phạm Pháp trong ba năm… Sau khi các em đi ngủ, chúng tôi trò chuyện với nhau thật lâu.
“Charlie là một người Công Giáo đạo đức… Ông thấy cuộc đời ông là để thi hành các công việc bác ái hằng ngày, noi gương Đức Kitô và các thánh.”
Người cùng sở cho biết thêm là trong thời gian làm việc tại Trung Tâm Phạm Pháp, không một thiếu niên nào đã từng sống với ông Charlie mà lại tái phạm trở vào tù. Và đây là một trong các lý do tại sao ông Charlie thường được mời nói chuyện cho các chuyên gia và diễn thuyết về hình phạt học và công việc xã hội tại Đại Học Minnesota.
Ông Charlie Brown và Charles Schulz là đôi bạn thân cho đến suốt đời. Ông Schulz thỉnh thoảng có đề nghị chia sẻ với ông Charlie những lợi nhuận từ việc buôn bán các sản phẩm có hình ảnh của nhân vật Charlie Brown, như áo thung hay đồ chơi. Nhưng ông Charlie không bao giờ nhận một đồng nào cả.
Ngay cả ông cũng không tự ý cho ai biết ông thực sự là Charlie Brown.
Và vì thế, cho đến ngày nay, nhiều thiếu niên đến gõ cửa Trung Tâm Phạm Pháp vào đêm khuya, rồi hỏi “Có Charlie Brown ở nhà không?” mà thực sự chúng không biết ông là ai.
Câu chuyện này là một thí dụ sống động về điều Chúa Giêsu muốn nói khi Người tuyên bố, “Hãy học cùng ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường…”
Đó là một thí dụ sống động về điều Chúa Giêsu muốn nói khi Người cho biết, “Con Người đến không để được phục vụ; nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhiều người.”
Đó là một thí dụ sống động về sức mạnh và sự mỹ miều của nhân đức khiêm tốn khi được thể hiện một cách can đảm trong cuộc đời của một Kitô Hữu đích thực.
Đó là một thí dụ sống động của lời mời mà Chúa Giêsu đưa ra cho bạn và tôi hôm nay.
Chúng ta hãy kết thúc phần chia sẻ bằng việc suy niệm về sự khiêm tốn qua những lời trong bài Huấn Ca hôm nay: “Con ơi, hãy khiêm tốn trong mọi việc con làm, và người ta sẽ quý trọng điều đó hơn cả quà cáp. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ đẹp lòng Đức Chúa.”
Cha Mark Link, S.J.