Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng luôn được cử hành vào ngày 31 tháng Năm hằng năm. Vậy Giáo hội muốn nói điều gì với tín hữu khi mời gọi họ đọc lại đoạn Tin Mừng về Cuộc Thăm Viếng này vào Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng? Đây đúng là những gì chương đầu tiên của sách Tin Mừng Luca muốn nói, đó là Thiên Chúa làm những điều phi thường nhất thông qua những con người bình thường nhất. Thiên Chúa chọn một vùng xa xôi hẻo lánh của tỉnh Syria thuộc La Mã, thị trấn Nadarét, để bắt đầu câu chuyện phi thường nhất. Rồi thì Thiên Chúa lại đặt một cô gái trẻ bên cạnh một người phụ nữ đã quá tuổi, hiếm muộn, để khởi đầu một kế hoạch đầy phấn khởi. Thiên Chúa đang biến đổi sự sống phàm nhân tầm thường của con người thành bản tính thần thánh vinh quang đáng kinh ngạc của Ngài. Chúa Giêsu vừa là con người trọn vẹn, bình thường, vừa là Con Thiên Chúa phi thường đầy vinh quang. Tất cả những điều phi thường này đều do Chúa Thánh Thần thực hiện nơi những con người quá đỗi bình thường. Đó chính là nội dung của bài Tin Mừng hôm nay.
- Cùng Mẹ Maria đem Chúa Giêsu đến cho mọi người
Trình thuật về Cuộc viếng thăm này xuất phát từ chương đầu tiên của sách Luca và nằm ngay sau Cuộc Truyền tin, khi Mẹ Maria được một thiên thần viếng thăm và cho biết Mẹ sẽ là Mẹ của Con Thiên Chúa: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Ngài sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Ngài. Ngài sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận” (Luca 1:26-38). Mẹ Maria cũng được sứ thần Gabriel cho biết bà Êlisabét mang thai: “Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1: 36-37).
Mẹ Maria lên đường đi thăm người chị họ Êlisabét sống ở một thị trấn trên đồi ở Giuđêa, một khu vực trải dài từ Emmau ở phía Tây đến sông Gioócđan ở phía Đông và bao quanh Giêrusalem: “Bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa” (Lc 1: 39).
Đây là một cuộc gặp gỡ vui mừng giữa hai người phụ nữ mang thai, Mẹ Maria và người chị họ Êlisabét. Mẹ Maria “vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét” (Lc 1: 40). Chúa Thánh Thần hoạt động ở đây và trong một khoảnh khắc đầy tràn Thánh Thần, bà Êlisabét cảm thấy rằng việc mang thai của bà báo hiệu rằng Chúa đã đoái nhìn đến bà và thừa nhận vai trò của Mẹ Maria là mẹ của Đấng Mêsia: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1:43). Sau này Hội Thánh dựa trên danh xưng “Thân Mẫu Chúa tôi” để tôn vinh Mẹ Maria là “Mẹ Thiên Chúa“ (θεοτόκος), và trở nên lời cầu của mọi tín hữu trong Kinh Kính Mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con…”
Bà Êlisabét là vợ của ông Dacaria, “một vị tư tế thuộc nhóm Avigia” (Lc 1:5) và sẽ là mẹ của Gioan Tẩy giả. Bà đã lớn tuổi và bị hiếm muộn. Thế nhưng Thiên Chúa đoái thương đến ông bà, sai: “Sứ thần bảo ông: Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan” (Lc 1:13), cùng với thông điệp về sứ mệnh tương lai của Gioan: “Bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan…Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa…Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Israel về với Chúa là Thiên Chúa của họ” (Lc 1:14-17). Chính sự hiếm muộn này đã báo trước về ý nghĩa to lớn của Gioan Tẩy giả, giống như Sara, mẹ của Isaac, và Anna, mẹ của Samuel, trong Cựu Ước.
Thánh Luca không nhắm nhiều đến tính lịch sử cho bằng ý nghĩa thần học của cuộc thăm viếng. Luca đưa hai người phụ nữ lại với nhau để cho thấy mối liên quan trong vai trò của họ: đứa con của bà Êlisabét là tiền hô cho đứa con của Mẹ Maria. Bà Êlisabét biết và công bố việc Mẹ Maria mang thai và sứ mạng của Chúa Giêsu – những điều trước đây không ai biết đến: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc… Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em” (Lc 1: 42, 45).
Mẹ Maria cảm thấy thế nào khi nghe những lời bà Êlisabét nói với Mẹ? Mẹ đã cảm nghiệm sự kính trọng lớn lao từ bà Êlisabét. Bà Êlisabét vui mừng tuyên bố mẹ Maria là Mẹ của Thiên Chúa; nhưng ở đây không chỉ có thần học mà còn có tu đức học: sự kính sợ và niềm vui đầy tràn Thánh Thần. Thánh Luca đã nắm bắt đúng cảm xúc của khoảnh khắc đó. Hai người phụ nữ vừa là họ hàng vừa là bạn bè và lúc này cả hai đều chia sẻ một mối liên hệ thậm chí còn thân thiết hơn trước vì mỗi người đều đang mong đợi đứa con đầu lòng của mình, những người con trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Gioan sẽ là con trẻ làm cho người cha già Dacaria “được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa” (Lc 1:14-15). Còn hài nhi Giêsu “sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1:32) là “Đấng Thánh sắp sinh ra được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35).
Dù đang mang thai, Mẹ Maria đã lên đường. Mẹ mang Chúa trong mình đến cho người khác. Điều này nhắc nhở chúng ta về con người của chúng ta ngày hôm nay: chúng ta có mang Chúa trong mình như nguồn nuôi dưỡng cho chúng ta và cho những người chung quanh chúng ta không?
- Hành trình của Mẹ Maria và hành trình cuộc đời chúng ta
“Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa” (Lc 1:39). Chỉ có một dòng ghi lại hành trình dài của Mẹ để gặp người chị họ của mình. Có lẽ chúng ta cần phải dừng lại dòng chữ này và xem coi Mẹ Maria đã cảm thấy những gì trong suốt hành trình đến thăm bà Êlidabét.
Đối với Mẹ Maria, sự hy sinh bắt đầu từ chính chuyến đi! Cuộc viếng thăm đã mang đến nhiều rủi ro cho Mẹ Maria, khi người ta tìm hiểu về địa lý và những trở ngại mà Mẹ Maria phải vượt qua để đến thăm bà Êlisabét. Đó là một chặng đường dài từ Nadarét đến Ein Karem, một thị trấn nhỏ trên đồi Giuđêa, nơi mà theo truyền thống, ông Dacaria và bà Êlidabét đang sống. Ein Karem nằm ở ngoại ô Giêrusalem và cao khoảng hơn 800 mét so với mực nước biển, trong khi Nadarét cao khoảng 380 mét. Điều này có nghĩa là Mẹ Maria phải vượt qua độ cao 420 mét!
Bên cạnh những tổn hại về thể chất mà Mẹ Maria mới mang thai phải gánh chịu, con đường mà Mẹ đi còn ẩn chứa nhiều nguy hiểm, vì đó là con đường đất quanh co qua vùng núi được cho là nơi thường xuyên xảy ra cướp bóc, chúng sẽ bất ngờ tấn công những du khách không cảnh giác. Theo nhà văn JA Loarte thì rất có thể chính thánh Giuse là người sắp xếp chuyến đi, tìm kiếm một đoàn lữ hành mà Mẹ Maria có thể cùng đi một cách an toàn. Cũng có thể bản thân thánh nhân đã đi cùng Mẹ, ít nhất là đến tận Giêrusalem. Một số nhà chú giải thậm chí còn nghĩ rằng thánh nhân đã đi cùng Mẹ Maria đến tận Ain Karim, chỉ cách thủ đô Giêrusalem năm dặm. Nếu vậy, ngài sẽ cần phải quay trở lại xưởng làm việc của mình ở Nadarét ngay. Và ba tháng sau, thánh Giuse phải quay lại đây để đưa Mẹ Maria về Nadarét.
Vậy, hành trình đó sẽ như thế nào? Mẹ Maria cảm thấy, suy nghĩ và cân nhắc điều gì trên suốt chặng đường?
Một số phụ nữ chia sẻ những cảm giác khác nhau ngay từ khoảnh khắc thụ thai. Họ cảm nhận sự sống đang lớn dần lên trong họ. Họ tin tưởng, hy vọng, phấn khởi, tràn đầy niềm vui và cảm thấy háo hức, chờ đón những điều thú vị sắp tới. Những người khác có cảm xúc phức tạp hơn về thai kỳ, đặc biệt trong những tuần đầu tiên. Có thể họ không kiểm soát được cảm giác lo lắng quá nhiều về mọi thứ, đặc biệt là về sức khỏe hoặc về thai nhi, về khả năng xảy ra những nguy cơ khuyết tật và điều đó sẽ nguy hại cho con của họ và cho chính họ. Có thể việc mang thai gây ra những căng thẳng về thể lý, tâm lý, cảm xúc [1]. Có lẽ Mẹ Maria, khi đi trên con đường dài gần 160 cây số, cũng cảm thấy niềm vui, phấn khởi và hy vọng, nhưng có lẽ, về tính người, Mẹ cũng không khỏi cảm thấy ít nhiều lo lắng, và gánh nặng. Thậm chí Mẹ cũng phải mất nhiều ngày mới đến được nhà người chị họ. Đối với một người phụ nữ mới mang thai, đó hẳn là khoảng thời gian khá dài khi cưỡi lừa, và còn dài hơn nếu đi bộ. Đó là khoảng thời gian để Mẹ suy ngẫm về sự sống đang lớn lên trong lòng Mẹ và những lời mà Mẹ vừa thưa với Chúa qua sứ thần.
Tuy nhiên Mẹ Maria không nghĩ đến bản thân mình nhiều quá; Mẹ không quan tâm đến tình trạng mong manh của chính mình cũng đang mang thai! Mẹ không bị ám ảnh với nhu cầu cá nhân của mình. Mẹ tin rằng Thiên Chúa sẽ bảo vệ Mẹ để Mẹ giúp đỡ người chị họ già cả của mình. Mẹ Maria biết rõ rằng bà Êlidabét là một phụ nữ lớn tuổi, đã qua tuổi sinh đẻ bình thường. Ai cũng biết, nhất là các phụ nữ đều biết, mang thai không phải là việc dễ dàng ngay cả khi người phụ nữ còn trẻ. Mẹ Maria biết rõ điều đó! Mẹ cũng biết rằng chị họ của Mẹ sẽ cần hỗ trợ đặc biệt vì tuổi cao của bà, đặc biệt là trong ba tháng cuối của thai kỳ. Đó là lý do tại sao Kinh thánh nói rằng Mẹ đã “vội vã” đến nhà của bà Êlidabét và ông Dacaria. Mẹ tập trung vào sức khỏe và hạnh phúc của người khác, và Mẹ sẵn sàng hy sinh bản thân và làm mọi thứ cần thiết để giúp đỡ người đó khi họ cần. Tình yêu đích thực là tình yêu hy sinh bản thân, đó là tình yêu của Mẹ Maria dành cho bà Êlidabét.
Khi chúng ta bước vào những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, chúng ta tự hỏi: liệu chúng ta có tin rằng Mẹ Maria cũng đang đi cùng chúng ta trên đường đời không? Hơn nữa, việc suy ngẫm về con đường dài của Mẹ Maria đi gặp bà Êlidabét nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa không chỉ hiện diện với chúng ta ở đích đến mà còn ở mọi khúc quanh và ngã rẽ trong đời. Thiên Chúa vẫn đang làm cho điều nhỏ bé tầm thường trở nên thánh thiêng, như ngôn sứ Mikha tuyên sấm trong bài đọc thứ nhất: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Iseael. Nguồn gốc của Ngài có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5:1). Đây chính là vẻ đẹp thực sự, là mầu nhiệm nhập thể: Chúa Giêsu giáng sinh.
[1] https://www.mediplus.vn/san-khoa/tam-ly-ba-bau-3-thang-dau.html
Phêrô Phạm Văn Trung