Gr 38, 4-6.8-10; Dt 12, 1-4; Lc 12, 49-53
Cuộc đời của Giêrêmia ít nhiều gì đó chúng ta cũng đã nghe biết.
Giêrêmia đã sống thảm kịch ập xuống trên dân vào năm 597 và 587. Hơn nữa, ông còn thấy trước là nó sẽ xảy ra, đã chuẩn bị lòng dân đón nhận nó, thế nhưng dân đã bắt bớ ông.
Giêrêmia bắt đầu rao giảng vào thời vua Josias. Khi đó sứ điệp của ông chẳng có gì khác với các ngôn sứ tiền nhiệm. Ông muốn làm cho dân ý thức rằng họ đã lầm đường, rằng cách sống của họ sẽ đưa tới thảm hoạ. Trong 6 chương đầu tóm lược sứ điệp này, có 2 chìa khoá lặp đi lặp lại : dân đã bỏ Thiên Chúa, họ phải trở về với Ngài, phải hoán cải.
Dĩ nhiên là người ta không nghe ông bởi vì họ thích nghe những ngôn sứ nói tới những lời thuận tai với họ hơn. Nhưng khi sự việc xảy ra đúng như Giêrêmia đã tiên báo thì người ta mới nhớ lại sứ điệp của ông. Nhờ ông mà dân mới có thể sống và hiểu được biến cố đau thương ấy : dù bị lưu đày họ vẫn còn tin và hi vọng, vẫn thấy đời mình có ý nghĩa.
Giêrêmia bị bắt bớ và trong bản thân ông đã chịu trước những đau khổ của dân.
Nhìn lại lời rao giảng và tiểu sử của Giêrêmia, vị ngôn sứ hoạt động một thế kỷ sau Isaia đệ nhất, vào thời kỳ xứ Giuđa sắp bị diệt vong. Ông đã phải chứng kiến cảnh Giêrusaem thất thủ, vua, quan, tư tế và dân bị lưu đày sang Babylon. Cuộc đời và lời rao giảng của ông mang trọn nỗi bi đát của thời đại.
Bi kịch độc đáo này mở màn trong một làng nhỏ của miền Anathốt. Ở tuổi hai mươi mốt, Giêrêmia nhận ra rằng Thiên Chúa đã phong ông làm ngôn sứ trước khi ông sinh ra (1, 5). Giêrêmia đã tự hỏi không biết Chúa có chương trình gì cho ông. Ông để Chúa hành động, nên đời ông có ảnh hưởng đến toàn thể Israel.
Chúng ta nghe ông nói: “Ôi lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn qúa trẻ, con không biết ăn nói!” (1, 6) Ông cưỡng lại và trốn tránh nhiệm vụ Chúa trao và năn nỉ Chúa cho ông được từ chối nó.
Ngôn sứ chỉ đơn giản là người sứ giả công bố không phải ý tưởng của mình, nhưng truyền lại chi tiết cuối cùng của tư tưởng của Thiên Chúa. Chúa kêu gọi Giêrêmia làm ngôn sứ và ông can đảm nhận trọng trách được trao, nhưng ông vẫn còn tràn ngập ý tưởng rằng mình sẽ xúc phạm đến ai đó. Ông muốn sống hòa thuận với họ hơn là gây sự với họ.
Giêrêmia nói là “Con chưa đến tuổi trưởng thành”, vì trong xã hội Đông phương người thanh niên trẻ không có vai trò gì để làm cho đến khi lớn tuổi. Sứ điệp của ông sẽ không được đón nhận. Có thể nào sự nghiệp của ông bị cắt đột ngột bởi những người mà ông khiển trách không? Họ có tìm cách giết ông không?
Giêrêmia, giống như con người ngày nay, tham gia vào công việc của Chúa vì Chúa nói phải làm. Ông nghe thấy “Ngươi phải..” của trời. Mặc dầu thoạt tiên phải trả giá đắt, nhưng kết qủa sau nhiều năm không thể lường được. Giêrêmia lưỡng lự và tìm mọi cách thoái thác vì nghĩ rằng mình không thích hợp, nhưng công việc được áp đặt cho ông. Ngươi phải đi (1,7). Ông ghét ánh hào quang. Ông thích cuộc đời đơn giản. Ông muốn sống ở vùng quê, nhưng Chúa có việc cho ông ở thành phố. Giêrêmia phải chọn lựa giữa ý riêng và ý Chúa.
Người của Chúa nói lời của Chúa là như vậy. Giêrêmia quá đau khổ để mang sứ điệp của Chúa đến cho con người.
Chúa Giêsu : vị ngôn sứ mới cũng đã mang Lời của Chúa đến cho trần gian. Không chỉ mang lời mà mang cả cuộc đời Ngài vào trong thế gian này và “Thầy còn mong lửa bùng cháy lên”.
Trong Cựu Ước, “lửa” đôi khi được dùng với ý nghĩa là một phương tiẹn để thanh luyện (Lv 13,52; Ds 31,23), để biện phân hoặc tách biệt (Gr 23,29; Is 33,14), và để xét xử (St 19,24; Xh 9,24; Tv 66,12; Is 43,2). Vậy từ ngữ “lửa” của Lc 12,49 có nghĩa nào? Có tác giả cho rằng lửa này quy về Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,3): Chúa Giêsu hiện đang mang Chúa Thánh Thần và ước mong là tất cả mọi người được đầy Thánh Thần. Nhưng lửa này cũng được giải thích là quy chiếu về phán xét (x. 3,17): Chúa Giêsu đưa lại sự chia cắt giữa người tốt và kẻ xấu và muốn rằng sự chia cắt này xảy ra trọn vẹn
Hiểu hay giảng giải theo cách nào đi chăng nữa, chúng ta cũng cần liên kết “lửa” với Lc 3,16, là câu trả lời của Gioan: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. Qua câu này, ta nhận thấy “lửa” có nghĩa tượng trưng. Thật ra dựa theo ngữ pháp (hai danh từ nối với nhau bằng liên từ “và”), chúng ta đã có thể giải thích rằng “Thánh Thần và lửa” có nghĩa là “Thánh Thần là lửa”, và từ đó có thể đi đến những nghĩa khác như là hệ quả, chẳng hạn “sự thanh luyện”, hay là “sự biện phân”, “sự xét xử” như là những tác động của Thánh Thần. Tuy nhiên, nối tiếp câu này là c. 17 cũng có “lửa”: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. “Lửa” này chắc chắn không có nghĩa như “lửa” trong c. 16.
Chính Chúa Giêsu đã diễn tả rõ ràng về mục tiêu sứ mạng của Ngài và những hiệu quả sinh ra từ đó: Ngài đến ném lửa vào mặt đất; có một phép rửa Ngài phải chịu; Ngài đến để gây chia rẽ. Thật ra những lời lẽ này không mô tả hết ý nghĩa của sứ mạng của Chúa Giêsu. Nhưng các phương diện thuộc sứ mạng của Ngài được nhắc đến ở đây cần được xem xét.
Nói đến việc “Người đến”, chúng ta nhớ đến những lời khác: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (5,32). “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (19,10). Một yếu tố cốt yếu của sứ mạng Người là nhân ái đối với những kẻ tội lỗi, nỗ lực đưa họ về lại với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đầy lòng tốt lành và từ bi thương xót (x. Lc 7,36-50). Nhưng Ngài không hề nhắm biện minh cho mọi sự, triệt tiêu sự phân biệt giữa tốt và xấu, làm cho mọi sự hòa hợp với nhau. Mục tiêu của Ngài không phải là sự yên tĩnh và bình an của một thỏa hiệp chung. Ngài đã đến ném “lửa” vào trần gian. Đó là ý muốn thâm sâu của Ngài: trái đất được bao trùm trong “lửa” ấy và bốc cháy. Ghi nhận rõ ràng những đường nét của câu nói của Chúa Giêsu, ta thấy các cách giải thích trên về “lửa” dường như quá gò ép.
Có thể nói Chúa Giêsu gợi lên cho tất cả các hoạt động của Ngài với đặc tính hết sức đặc biệt của “lửa”. Ngài đến, đầy Thánh Thần, đầy sức sống thâm sâu nhất của Thiên Chúa. Ngài loan bao Tin Mừng cho người nghèo. Ngài cho những kẻ bần cùng và tội lỗi biết lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi làm những việc ấy, Ngài nhen lên ngọn lửa, muốn đốt cháy, và như lửa, Ngài bao trùm, xuyên suốt mọi sự. Ngài sẽ đến gặp người ta, nắm bắt người ta một cách thâm sâu. Điều mà Ngài làm không chỉ là một đóng góp trung lập, không hứng thú. Theo cách làm của Chúa Giêsu, không có chỗ cho sự dửng dưng và chán chường, không có bức tường vô phương xuyên thấu đẩy bật mọi sự trở lại, không có một tấm bạt tráng dầu trên đó mọi sự trôi tuột đi. Hành động của Chúa Giêsu có đặc tính của “lửa”: nó muốn thắng vượt mọi thái độ lãnh đạm và xa cách; nó muốn đốt cháy; nó muốn có một cuộc gặp gỡ mãnh liệt, sống động.
Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài được đầy tràn Thánh Thần với những ai đón nhận. Những ai từ khước Chúa Giêsu, thì cuộc gặp gỡ này lại trở thành một cuộc phán xét nhờ trung gian Chúa Giêsu, sự đối lập đã bùng cháy và các tâm trí đang được phân rẽ (x. 2,34t). Trong cuộc gặp gỡ với Ngài, sự phân rẽ này đã được thực hiện và từ đó phát xuất ra các tương phản. Những người đón tiếp Ngài và những người từ khước Ngài ở trong một thế đối kháng mạnh mẽ với nhau. Do đó mà xảy ra chuyện là Chúa Giêsu, Đấng muốn cuộc gặp gỡ này phải đậm đặc và ý thức về kết quả khác của cuộc gặp gỡ, lại không loan báo hòa bình, nhưng loan báo sự chia rẽ như là mục tiêu của việc Người ngự đến.
Đỉnh điểm con đường của Chúa Giêsu là con đường khổ nạn, chết và phục sinh, như Ngài đã loan báo cho các môn đệ (9,22). Kết thúc này của hành trình là “phép rửa” mà Ngài phải chịu. Kết cuộc này đến với Chúa Giêsu không phải như một số phận như nhiều người nghĩ nhưng là để hoàn tất những gì Chúa Cha đã hoạch định cho Ngài và các ngôn sứ đã tiên báo (x. 18,31). Tinh thần của Chúa Giêsu cũng xao xuyến, bồi hồi và rơi cả mồ hôi và nước mắt nhưng Ngài vẫn ước muốn con đường thập giá hoàn thành nơi Ngài. Chính ngọn lửa cũng đã thiêu đốt cuộc đời, con người của Chúa Giêsu trên thập giá
Khi Chúa Giêsu giáng trần, ca đoàn các thiên thần đã dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng về hòa bình (2,14). Chính Chúa Giêsu cũng đã ban bình an cho người phụ nữ tội lỗi và người phụ nữ được chữa lành (7,50; 8,48). Khi được sai đi rao giảng, vào nhà nào, các môn đệ phải chào chúc bình an (10,5t). Đặc biệt đây là sự bình an với Thiên Chúa. Nhưng do những kết quả khác nhau phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, xảy ra những mâu thuẫn giữa loài người với nhau, thậm chí xảy ra chia rẽ trong một gia đình.
Trong ví dụ Chúa Giêsu nêu ra, đó là sự chia rẽ giữa thế hệ lớn tuổi hơn và thế hệ trẻ hơn. Cha và mẹ một bên chống lại con trai, con gái và con dâu bên kia: “ba chống lại hai, hai chống lại ba”. Trong sách ngôn sứ Mikha, chúng ta đọc thấy: “Con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà lại hoá ra thù địch” (7,6). Ở đây cuộc xung đột được gây ra từ một bên: đây là cuộc nổi loạn của những người trẻ chống lại thế hệ già hơn. Còn xung đột Chúa Giêsu mô tả thì hai chiều: “cha chống lại con trai, con trai chống lại cha”. Không phải là một bên bách hại bên kia. Và cũng chẳng rõ là bên nào có lý hơn.
Nhìn như vậy, ta thấy có hai quan điểm khác nhau, không thể dung hòa. Khi nhận quan điểm này, người ta chống lại quan điểm kia. Đón nhận quan điểm này cũng đồng thời là từ khước quan điểm kia. Người ta không thể cùng một lúc vừa theo Chúa Giêsu và vừa chống Chúa Giêsu. Và không có chuyện nửa nạc nửa mỡ/. Sự chia rẽ này chỉ do người ta lấy lập trường cá nhân đối với Chúa Giêsu, chứ không do bất cứ những đối lập nào khác.
Ước mong của Chúa Giêsu là mong cho sự hiện diện của Chúa đạt được cuộc gặp gỡ cao độ, “nóng cháy”, với loài người. Trái tim của Chúa Giêsu khao khát hoàn tất hành trình mà Thiên Chúa đã đã trao ban. Chúng ta có để cho lửa của Ngài “cháy” vào trong cuộc đời chúng ta hay không vẫn là lời đáp trả của mỗi người chúng ta.
Lm. Anmai, C.Ss.R.