“Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia!”.
Hallesby nói, “Tôi có thể nhịn ăn nhiều ngày, nhưng không thể nhịn cầu nguyện một ngày. Cầu nguyện là phương thế mà tôi nhận được tất cả những gì tôi cần. Chỉ vì một lý do, Chúa là ‘chốn dung thân’ trọn cuộc đời tôi, mọi phút giây cuộc sống tôi. Ngài là nguồn vui phong phú và sức mạnh vô tận của tôi. Dung thân nơi Ngài, tôi có thể làm cho Ngài nhiều điều vĩ đại!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trước cả O. Hallesby, tác giả Thánh Vịnh đáp ca của Chúa Nhật hôm nay cũng đã tìm thấy nguồn vui phong phú và sức mạnh vô tận của mình nơi Chúa, “Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia!”. Vì thế, dù cho cuộc sống con người có ngắn ngủi, chỉ như một giọt nhỏ giữa đại dương thời gian; nhưng trong quảng tồn tại vắn vỏi đó, bạn vẫn có thể “làm nhiều điều vĩ đại” cho Chúa nếu biết chọn Ngài làm ‘chốn dung thân’.
Bài đọc Khôn Ngoan nói đến sự sâu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa, “Ai trong loài người có thể biết được ý định của Chúa?”. Vậy mà, khi phó mình cho Ngài, chọn Ngài làm ‘chốn dung thân’, chúng ta sẽ hiểu biết Thiên Chúa, sẽ yêu mến Ngài; nói cách khác, chúng ta cho phép Thánh Thần của Ngài đi vào và ở lại trong chúng ta, thôi thúc chúng ta bằng tình yêu và lẽ thật; lúc ấy, chính Thánh Thần sẽ dạy chúng ta phụng sự Thiên Chúa, “làm nhiều điều vĩ đại” cho Ngài.
Một khi đã chọn Chúa làm ‘chốn dung thân’, thì Ngài sẽ là ưu tiên số một của cuộc đời chúng ta. Chúa Giêsu nói rất rõ trong Tin Mừng hôm nay, “Ai đến với Tôi mà không dứt bỏ vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình nữa thì không xứng đáng làm môn đệ Tôi”. Dạy như thế, Ngài muốn nói, bạn và tôi chỉ yêu một điều; đúng hơn, một người, cách tuyệt đối; đó chính là Thiên Chúa! Tất cả các tình yêu khác đều phải đến sau và phục vụ cho tình yêu tối thượng này.
Ngài còn nói thêm, “Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi!”. Một sứ điệp khó nuốt! Phải. Đó là điều Chúa Giêsu yêu cầu tôi phải “ngồi xuống và quyết định” nếu muốn đi theo Ngài và “làm nhiều điều vĩ đại” cho Ngài. Không có một giải pháp nào khác! Vậy cụ thể vác thập giá mình là gì? Là vác lấy những bất ưng trong cuộc sống, là chọn đi con đường hẹp của Tin Mừng, con đường mà chính Chúa Giêsu đã đi; là vác lấy vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của thế giới, của nhân loại; cả thân xác lẫn linh hồn anh chị em mình.
Trong bài đọc thứ hai, Phaolô mời gọi Philêmôn “làm một điều vĩ đại!”. Đó là vác lấy Ônêsimô, trước đây là một nô lệ của Philêmôn. Phaolô viết, “Xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi”. Chọn Chúa làm ‘chốn dung thân’, chúng ta hẳn cũng trở nên ‘chốn dung thân’, “làm điều vĩ đại” cho anh chị em mình! Mẹ Têrêxa Calcutta nói, “Chúa không gọi con để làm những việc phi thường, Chúa gọi con để làm những việc tầm thường với một trái tim phi thường”, Mẹ đã trở nên một con người phi thường làm những điều vĩ đại cho thế giới trong thế kỷ 20!
Anh Chị em,
“Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia!”. Đây là một lời cầu nguyện chân thành, cũng là tâm tình của một người đã có những trải nghiệm sâu sắc trong tương quan của họ với Thiên Chúa, với con người. Đó là những ai đã xác tín, “Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời”. Điều này đáng cho chúng ta suy nghĩ! Chúa là ai mà chúng ta tìm dung thân? Chúa là ai mà đòi hỏi con người phải yêu mến trên hết, trước hết như thế; Ngài đòi chúng ta yêu Ngài hơn cả gia đình, hơn cả chính bản thân; Ngài là ai để khi dung thân bên Ngài, con người mới có thể làm những điều vĩ đại? Thiên Chúa Là Tình Yêu! Hãy nhìn vào Chúa Giêsu, Thiên Chúa là Đấng Ngài đã chọn làm ‘chốn dung thân’; nên dù trải qua thập giá và cả cái chết trọn nghĩa bóng lẫn nghĩa đen; Chúa Giêsu đã thực hiện “một điều vĩ đại hơn tất cả các điều vĩ đại”, trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho muôn người.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, không dung thân nơi Chúa, con sẽ tìm dung thân nơi các thứ không phải Ngài. Cho con luôn gắn bó với Chúa, ‘chốn dung thân’, và con cũng làm nên những điều vĩ đại!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)