“Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Ngài được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Ngài không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Ngài thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi! “Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
Sau đó, quỷ đem Chúa Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Ngài: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Chúa Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi.”
Quỷ lại đem Chúa Giêsu đến Giêrusalem và đặt Ngài trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Ngài, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.” (Luca 4: 1-13).
Trong Mùa Chay, Giáo hội thường tập trung vào việc sám hối, chống trả cám dỗ, và cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
Đoạn văn hôm nay nhắc chúng ta rằng khả năng sám hối, chống trả cám dỗ của chúng ta đến từ mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và ân sủng cứu độ của Ngài chứ không phải từ sức mạnh và sáng kiến của chúng ta.
Chúng ta đang sống trong một thế giới của những câu chuyện tranh giành nhau. Trong một thế giới như vậy, chúng ta phải biết câu chuyện của Kitô giáo để chống lại những câu chuyện giả dối đang tìm cách bắt giam chúng ta vào ngục tù. Bài đọc trong Luca 4: 1-13 là câu chuyện quen thuộc về việc Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ trong nơi hoang vắng. Câu chuyện này được nhiều người biết đến đến nỗi đôi khi chúng ta kết hợp các trình thuật khác nhau trong Mátthêu, Máccô và Luca lại thành một câu chuyện về sự cám dỗ của Chúa Giêsu. Nhưng mỗi trình thuật là độc nhất so với những trình thuật khác. Một nghiên cứu khác có thể so sánh ba trình thuật khác nhau và những trình thuật đó phù hợp với mục tiêu thần học của các thánh sử như thế nào, nhưng chúng ta sẽ tập trung vào trình thuật của Luca về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu. Khi đọc kỹ văn bản của Luca, chúng ta có thể thấy hai câu chuyện đấu tranh chống lại nhau: câu chuyện mà Chúa Giêsu sử dụng để chống lại ma quỷ và vượt qua những cám dỗ đặt ra trước mặt Ngài một cách thành công và câu chuyện ma quỷ bày ra.
Bối cảnh:
Câu chuyện này xảy ra ở hai địa điểm quan trọng: nơi hoang vắng và Giêrusalem. Trong lịch sử, vùng hoang dã là nơi Chúa gặp dân Do Thái tại Sinai sau khi giải cứu họ khỏi Ai Cập. Trong nơi hoang vắng, Thiên Chúa đã uốn nắn họ thành dân giao ước của Thiên Chúa, được Thiên Chúa chăm sóc và dẫn dắt bằng mây và lửa. Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu cũng được dẫn dắt, lần này bởi Chúa Thánh Thần, trong nơi hoang vắng, và Ngài phải đối mặt với sự cám dỗ bởi kẻ thù nghịch của Ngài là ma quỷ. Vị trí Chúa Giêsu bị cám dỗ trong nơi hoang vắng nhắc chúng ta nhớ đến trình thuật về việc Thiên Chúa giải cứu dân Israel. Về mặt địa lý, vùng hoang dã là một vùng khô cằn ở miền nam Israel giữa vùng đất phì nhiêu gần Biển Địa Trung Hải và các vùng sa mạc nội địa. Đó không phải là nơi không có sự sống như người ta có thể tưởng tượng ra khi nghĩ về những bãi cát của sa mạc Sahara, mà là một nơi cây cỏ chỉ có thể mọc lên làm thức ăn cho đàn gia súc khi có nhiều mưa.
Giêrusalem, thành phố của Đavít, là trung tâm của quyền lực, của bản sắc dân tộc và sự thờ phượng của người Do Thái. Vào thời Chúa Giêsu, ngôi đền thứ hai đã được cải tạo và mở rộng bởi Hêrôđê Đại Đế và là trung tâm thờ phượng của người Do Thái. Nơi quyền lực và sự thờ phượng này là nơi sắp đặt cho cơn cám dỗ cuối cùng.
Nhân vật:
Chúa Giêsu đã được giới thiệu cho chúng ta trong phúc âm Luca. Ngài là Con Thiên Chúa (Luca 3:38), Đấng sẽ mang lại sự cứu độ cho cả người Do Thái và dân ngoại (Luca 2: 29-32), và là Đấng đã được làm phép rửa và được đầy dẫy Chúa Thánh Thần (Luca 3:22; 4 : 1). Bây giờ, Chúa Giêsu được dẫn vào nơi hoang vắng. Đây là phần giới thiệu đầu tiên về ma quỷ trong phúc âm Luca. Từ văn bản này , chúng ta thấy rằng ma quỷ là kẻ táo bạo, tinh ranh, thông minh và mạnh mẽ. Chính ma quỷ là kẻ cám dỗ, kết thúc sự cám dỗ và rời khỏi Chúa Giêsu.
Cốt truyện:
Phần lớn câu chuyện diễn ra trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ma quỷ. Chúa Giêsu bị đói sau khi nhịn ăn 40 ngày. Trong những ngày nhịn đói đó, Chúa Giêsu đã bị ma quỷ cám dỗ. Động từ trong câu 2 “bị cám dỗ” là thì hiện tại phân từ biểu thị hành động đang diễn ra. Bài trình thuật ở đây là về ba cơn cám dỗ cuối cùng mà Chúa Giêsu gặp phải vào cuối 40 ngày đó. Trong mỗi lần cám dỗ, ma quỷ nói trước và Chúa Giêsu đáp lại. Câu chuyện kết thúc khi ma quỷ kết thúc sự cám dỗ và rời khỏi Chúa Giêsu, tạm thời.
Bên dưới cuộc đối thoại giữa ma quỷ và Chúa Giêsu là hai cốt truyện đấu tranh. Ma quỷ đưa ra một dẫn dụ về việc từ bỏ sự kiềm chế bản thân – tự làm ra bánh từ đá; về việc tự làm cho mình nên hùng mạnh – tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ thuộc về ông nếu ông tôn thờ ta; và về căn tính tôn giáo tư riêng – nếu ông là con Thiên Chúa thì hãy gieo mình từ trên đỉnh của ngôi đền xuống. Trong khi đó, Chúa Giêsu đáp lại bằng những câu trích dẫn được rút ra từ Cựu Ước cho thấy sự nhận biết về nguồn gốc và căn tính thực sự của sự sống – Ngài biết rằng sự sống không chỉ là thức ăn, sự tin cậy của Ngài vào Thiên Chúa – Đấng đáng được thờ phượng và phụng sự đích thật, và sự hiểu biết về phẩm tính của Thiên Chúa – không phải là điều cần bị thử thách. Những câu trả lời của Chúa Giêsu bắt nguồn từ một câu chuyện tiềm ẩn rằng Ngài phụ thuộc vào Thiên Chúa hơn là phụ thuộc vào sự sống, vinh quang và căn tính của Ngài.
Những cám dỗ:
Những cám dỗ mà ma quỷ bày ra nhằm vào trọng tâm của thân phận Chúa Giêsu. Hai lần (câu 3,9) ma quỷ bắt đầu sự cám dỗ của mình bằng cách hỏi căn tính của Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa bằng những lời “nếu ông là Con của Thiên Chúa ” tiếp theo là một thử thách để chứng minh căn tính này bằng một số biểu hiện kỳ diệu (đá thành bánh (câu 3); một cuộc giải cứu đầy kịch tính khỏi cái chết từ thiên thần (câu 9-11). Trong 3 chương đầu của sách Tin Mừng Luca, căn tính của Chúa Giêsu đã được xác nhận bởi Mẹ Maria, bà Êlisabét, ông già Simêon, bà tiên tri Anna, Gioan Tẩy giả và gia phả trong Luca chương 3. Chúa Giêsu không phải làm bất cứ điều gì để chứng minh căn tính của mình hoặc để được khen ngợi như là Con của một vị thần thánh. Ngài được tuyên bố là người sẽ mang lại sự cứu độ cho dân tộc của mình. Đây là chính Ngài, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, nhưng ma quỷ hết lần này đến lần khác cám dỗ Ngài phô bày căn tính của mình theo những kiểu cách nhằm phục vụ bản thân, vốn có thể làm suy yếu căn tính của Ngài là Người Con trông cậy vào các ân huệ tốt lành của Thiên Chúa Cha. Điều đáng nhớ là trong các gia đình ở thế giới cổ đại, con trai trưởng thành thường được hiểu là người đại diện cho người cha. Người cha và người con sẽ làm việc cùng nhau để hoàn thành các mục tiêu của gia đình. Căn tính, danh dự, địa vị của người con trai bắt nguồn từ danh dự và địa vị của gia đình. Chúa Giêsu không cần phải đạt được những điều này bằng cách nhượng bộ trước những cám dỗ của ma quỷ.
Sử dụng Kinh thánh:
Cả Chúa Giêsu và ma quỷ đều trích dẫn Kinh thánh. Để đối phó với sự cám dỗ, Chúa Giêsu trích dẫn sách Đệ Nhị Luật, nhưng nếu biết Kinh thánh thì chưa đủ. Ma quỷ, trích dẫn Thánh vịnh 91, cũng biết Kinh thánh. Kinh thánh phải được đọc một cách đúng đắn theo bản tính của Thiên Chúa và theo cuộc sống được chỉ dẫn cho dân riêng của Thiên Chúa. Một cuộc sống như vậy phải bắt nguồn từ việc Thiên Chúa giải thoát dân Ngài và được đáp trả trong sự vâng lời trung tín với Thiên Chúa hơn là cậy dựa vào sức riêng mình, vốn dĩ là câu chuyện của ma quỷ.
Phêrô Phạm Văn Trung phỏng dịch
theo Ruth Anne Reese, workingpreacher.org.