CHÚA GIÊSU HIỆN RA BÊN BỜ HỒ TIBÊRIA

Bài giảng Chúa nhật III Phục sinh C (Ga 21,1-19)

Nếu người ta muốn chế ra Sự Phục Sinh, thì tất cả sự nhấn mạnh sẽ phải nhắm vào tính xác thực hoàn toàn của thân xác, vào thực tế là người ta có thể nhận ra Ngài ngay lập tức và, ngoài ra, có lẽ người ta cần phải tưởng tượng ra một quyền năng riêng như một dấu chỉ đặc trưng của Đấng Phục sinh…

Đây là một tin mừng có mùi hương tươi mát của buổi sáng! Hồ Tiberia rộng lớn, nơi nước hòa vào đường chân trời với bầu trời xanh ngắt, trở thành hình ảnh của tương lai rộng mở của Giáo hội, nơi Trời và Đất gặp nhau. Đúng vậy, tin mừng tuyệt vời này mang lại cho chúng ta sự can đảm trong những thời điểm khó khăn này: chúng ta có thể mạo hiểm trên biển khơi trong thời gian sắp tới, bởi vì Chúa Giêsu thực sự hiện diện trên bờ biển, và vì lời của Ngài đồng hành với cuộc vượt biển của chúng ta.

Mở đầu câu chuyện, có một sự tương phản nhất định giữa các môn đệ và Chúa Giêsu: Các môn đệ ở dưới biển, trái lại, Chúa Giêsu ở trên đất liền. Các môn đệ lao động suốt đêm, thay vào đó Chúa Giêsu hiện ra trong ánh ban mai vui tươi. Các môn đệ đang đói và không có gì để ăn, trái lại, Chúa Giêsu vốn no lòng lại dọn sẵn một bữa ăn cho họ.

Điều đáng ngạc nhiên là Chúa Giêsu không được nhận ra ngay lập tức. Đây cũng là trường hợp của tất cả các câu chuyện Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra. Và bây giờ chúng ta có thể tự hỏi mình, tại sao họ không nhận ra Ngài? Bởi vì việc kinh nghiệm Chúa Giêsu Phục sinh rõ ràng không phải là việc gặp lại một người bạn cũ không ai còn thấy!

Đức Bênêđíctô đã viết “[có] một phép biện chứng đáng kinh ngạc giữa căn tính và sự khác biệt, giữa tính thực của thân xác và sự tự do không bị ràng buộc bởi thân xác… Cả hai điều này đều đúng: Ngài vẫn thế – một người bằng xương bằng thịt – và Ngài là cũng là Người Mới, người đã bước vào một dạng tồn tại khác… Nếu người ta muốn chế ra Sự Phục Sinh, thì tất cả sự nhấn mạnh sẽ phải nhắm vào tính xác thực hoàn toàn của thân xác, vào thực tế là có thể nhận ra Ngài ngay lập tức và, ngoài ra, có lẽ người ta cần phải tưởng tượng ra một quyền năng riêng như một dấu chỉ đặc trưng của Đấng Phục sinh … Nhưng không phải thế, những cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh là một điều gì đó khác với những sự kiện nội tâm hoặc những kinh nghiệm thần bí – chúng là những cuộc gặp gỡ thực sự với Đấng Đang Sống, theo một cách mới mẻ, có một cơ thể và vẫn còn vật chất.

Tóm lại, để nhận ra Chúa Giêsu, người ta phải mở ra cho mình một hình thức hiện diện mới, không kém phần hiện thực nhưng thuộc một trật tự khác. Như vậy, Chúa Giêsu Phục sinh không kém phần có thực, chỉ kém phần hiện thực bằng mắt thường mà thôi.

Bạn đã nghe rồi, không phải các môn đệ, đang hoang mang vì mệt mỏi và vì màn đêm, là những người nhìn thấy Chúa Giêsu trên bờ. Trái lại, sáng kiến ​​đến từ Chúa Giêsu, Ngài gọi họ! Ngài cho họ thấy! Ngài tham gia cùng họ sau một đêm tối, trong nỗi vất vả của họ, trong nỗi lo lắng của họ, trong cơn đói của họ. Tương tự như vậy đối với chúng ta ngày nay, thường là khi chúng ta phải vất vả suốt đêm, chẳng làm được gì, thì Thiên Chúa dễ nhìn thấy và dễ nghe thấy hơn!

Chắc chắn Chúa không tự traoban nhiều hơn cho chúng ta trong cuộc chiến ban đêm. Tuy nhiên, khi chúng ta vẫn còn đủ mạnh mẽ để có thể tự mình giải quyết mọi chuyện  thì việc lắng nghe Chúa và nhìn nhận Ngài sẽ khó hơn.

Nghịch lý thay, việc lắng nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu lại dễ dàng hơn khi chúng ta đã tự mình cảm nghiệm sự cằn cỗi của mình! Đáng ngạc nhiên là Chúa Giêsu Phục sinh trở nên cụ thể hơn khi chúng ta không bắt được gì, khi chúng ta mệt mỏi, khi chúng ta đói. Nói cách khác, khi bằng chứng về sự yếu đuối của chúng ta được biểu lộ, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nghiệm được Đấng Phục sinh hơn.

Bây giờ một điều gì đó khác xẩy ra: Khi các môn đệ trở lại với Chúa Giêsu, lưới đầy cá, một điều kỳ lạ xảy ra: Chúa Giêsu không cần cá của họ! Ngài đã chuẩn bị bữa ăn rồi… và hơn nữa, Ngài đang đợi họ đến ăn cùng.

Một dấu ngoặc đơn ngắn gọn: Thánh Luca luôn nói đến ba yếu tố đặc trưng cho sự hiện diện của Đấng Phục Sinh giữa các ngài: Ngài hiện ra với họ, nói chuyện với họ và chia sẻ bữa ăn với họ. Hiện ra – nói – có mặt tại bàn ăn là ba biểu hiện của Đấng Phục sinh, qua đó Ngài tự tỏ mình là Đấng Hằng Sống.

Hãy nghe xem, điều đó thật đẹp tuyệt vời: Ngài là người thết tiệc… và Ngài cho họ thức ăn. Kết  quả kỳ diệu của mẻ lưới của họ không phải là bữa tối trong ngày, mà là vì họ! Chúa Giêsu không cần kết quả kỳ diệu đó. Nói cách khác: Chúa Giêsu không cần 153 con cá của họ, vì chính Chúa Giêsu là của ăn! Thứ Ngài muốn cho không phải là cá và bánh mì, thứ mà Ngài muốn là cho đi chính mình!

Trong đức tin của chúng ta, Ngài là Bánh Sự Sống, Ngài là Đấng ban lương thực, Ngài là hạt lúa mì chết đi để sinh hoa trái dồi dào cho nhiều người.

Tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm về điều đó: những gì là vật chất không làm được gì ngoài chuyện suy giảm đi khi nó được chia sẻ. Ngược lại, tình yêu càng phát triển khi nó càng tự trao ban nhiều hơn. Tình yêu lớn lên và nhân lên khi nó được cho đi.

Ngoài ra, bữa sáng này do Chúa Giêsu cung cấp, bên lề thời gian và vĩnh cửu, là một ám chỉ đến Bí tích Thánh Thể.

Chúa Giêsu là bánh, nhưng Ngài cũng là cá, một con cá đắm mình trong dòng nước của sự chết, để tìm kiếm chúng ta nơi chúng ta bị lạc … và tìm kiếm chúng ta.

Tóm lại, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Hãy đến và ăn!”. Vì vậy, Ngài khiến chúng ta vượt qua biên giới của thời gian và cái chết.

Cảm tạ Chúa, vì Chúa đến tham gia cùng chúng con vào buổi sáng, khi đêm tối đã hoàn thành công việc của nó, khi chúng con mệt mỏi và nản lòng.

Lạy Chúa, sự hiện diện của Chúa giúp chúng con nhận ra những gì chúng con còn thiếu, những gì chỉ mình Chúa mới có, những gì Chúa muốn trao ban cho mọi người, một cách cá nhân.

Lạy Chúa, không có Chúa thì mọi thứ đều vô sinh, không có Chúa thì con không thể làm gì được, hoặc khi ấy thì con chỉ có thể làm chuyện không đâu.

Lạy Chúa, Chúa không muốn lấy thành quả lao động của con, con cá của con,

Chúa chỉ muốn cho đi chính mình, vì bản chất của tình yêu là cho đi một cách nhưng không, không vì lý do gì khác hơn là cho đi.

Xin Chúa giúp con nhận ra con trên bờ.

Xin Chúa giúp con nhận ra Chúa trong Bí tích Thánh Thể.

Để nếm trải Chúa trong Bánh Sự sống,

nơi Chúa thực sự trao ban chính mình!

Vì vậy, cùng với Phêrô, với tâm hồn tràn đầy niềm vui, con có thể nói trong Thánh lễ: “Đó là Chúa! “.

Amen.

 

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ,

theo LM Jerome Jean, cath.ch/blogsf.

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts