Khi đọc câu chuyện Chúa Giêsu lên trời chắc chắn tâm trí chúng ta sẽ thấy có những hình ảnh lướt qua mà có lẽ chúng ta đã từng thấy nơi những bức tranh của một họa sĩ bậc thầy vĩ đại thời Phục hưng hoặc đơn giản là những bức tranh được sinh ra từ trí tưởng tượng của chúng ta. Quả thực, nếu tiếp nhận câu chuyện này bằng những từ ngữ đơn giản thì lý trí của chúng ta khó có thể diễn tả hết được.
Sách Công Vụ Tông Đồ cũng như Tin Mừng Luca kể câu chuyện về sự kiện này và chúng ta có thể tiếp nhận với đức tin, hoặc với nụ cười trên môi. Nhưng trên thực tế, cơ sở rõ ràng để hiểu biến cố Chúa Giêsu Thăng Thiên này phải đối mặt với một mầu nhiệm vĩ đại và kỳ diệu. Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không chỉ lên trời để nghỉ hưu ở đó; Như tác giả Thư Hípri chỉ rõ Chúa Giêsu được “đưa lên trời” để “vào trong đó”, “Quả thế, Chúa Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Ngài đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Hípri 9: 24). Và bây giờ những gì chúng ta phải giữ lại từ câu cơ bản này, vốn dĩ nói lên trung tâm của mầu nhiệm, đó là cụm từ “cho chúng ta” – Chúa Giêsu đại diện cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa… cho chúng ta, một lần nữa.
Chúa Giêsu được sinh ra cho chúng ta, để bày tỏ cho chúng ta Lời của Thiên Chúa, Cha của Ngài; Chúa Giêsu đã chết thay cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta; Chúa Giêsu đã sống lại để đem lại sự sống đời đời cho chúng ta, và cuối cùng Chúa Giêsu đã vào thiên đàng để báo trước cho chúng ta sự cứu rỗi của chúng ta.
Chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Thăng Thiên này và lắng nghe các bản văn thánh trong bầu khí Phục sinh trọn vẹn. Việc Chúa Giêsu lên trời được trình bày cho chúng ta, cùng với sự Phục sinh, như những chuyển động độc đáo; trong khi sự Phục sinh của Chúa Giêsu là một chuyển động từ trong kẻ chết, Ngài đã phục sinh: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Luca 24: 46), thì việc Chúa Giêsu lên trời một chuyển động đưa Chúa vào vinh quang: “rời khỏi các ông và được đem lên trời” (Luca 24: 51). Và đây chính là nơi đặt ra mầu nhiệm mà chúng ta đang chiêm ngắm. Do đó, lễ Thăng Thiên cử hành long trọng mầu nhiệm hoàn tất sự Vượt Qua trong toàn thể thân mình Chúa Kitô; Thân mình này vốn xưa nay là một sự trọn vẹn bởi vì nó được cấu thành bởi Chúa Kitô, là thủ lãnh và là đầu, và các chi thể là chúng ta, là dân Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta không thể tách rời khỏi mầu nhiệm Vượt qua, vì tất cả những gì Chúa Cha đã làm là vì chúng ta!
Từ đó chúng ta có thể hiểu rằng lý do cuối cùng của việc Chúa Giêsu lên trời chính là để dẫn đến mục đích này: làm cho con người được nên thần thánh giống Thiên Chúa; khi Chúa Giêsu đến thế gian, Thiên Chúa trở thành con người để con người được nên thần thánh, như thánh Clêmentê Alexandria và Grêgôriô Nazianxê đã nói: “Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa”. Nhà thần học Karl Rahner, trong bộ sách thần học “Mysterium Salutis” của mình cũng đã viết: “Thiên Chúa làm người để con người được trở nên Thiên Chúa”, dựa vào lời thánh Phêrô: “Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Ngài đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa…” (2 Phêrô 1: 4). Hôm nay, Chúa Giêsu đến ngự bên hữu Thiên Chúa, là Cha ngài, và đây là cách thế bản tính con người của chúng ta được nâng lên trên các tầng trời; vì một người trong chúng ta đã vào trong vinh quang của Thiên Chúa. Kinh Tiền Tụng lễ Thăng Thiên còn nói thêm rằng: hôm nay, Đức Kitô đã “lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Ngài, tin tưởng được theo Ngài đến nơi mà chính Ngài là Ðầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước.”
Chính mầu nhiệm chưa từng được biết đến này đã làm cho lễ Chúa Thăng Thiên trở thành lễ của chúng ta; Ludolph the Carthusian vào thế kỷ 14 nhận xét rằng “Sự thăng thiên của Đấng Cứu Độ là nguyên lý cho sự thăng thiên của chính chúng ta”, Vì thế, ngày lễ này đối với chúng ta là một nguồn vui lớn trong hy vọng của chúng ta.
Tóm lại, chúng ta có thể nói: chắc chắn, Chúa Giêsu ra đi, nhưng chúng ta vẫn hợp nhất với Ngài! Và do đó hơn bao giờ hết, mầu nhiệm này trở thành mầu nhiệm của sự hiện diện khuất mặt. Và các tông đồ hiểu rõ điều này, như Thánh Luca nói với chúng ta, “trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Luca 24: 53-53). Từ đó chúng ta thấy có một sự song hành với sự kiện Emmau. Niềm vui của hai môn đồ khi trở về từ Emmau là kinh nghiệm về sự phục sinh, niềm vui của các môn đồ khi chứng kiến sự thăng thiên là kinh nghiệm về sự sống vĩnh cửu, về sự cứu rỗi. Không khác gì hai môn đồ ở Emmau, các môn đồ ở Bêtania vui mừng khi chiêm ngưỡng, không phải là chiếc bánh được bẻ ra nữa, mà là đám mây trên trời. Thật vậy, nếu chúng ta hình dung ra rằng một người rời bỏ chúng ta bằng cách bay lên trên mây, chúng ta sẽ không coi đó là mầu nhiệm thăng thiên: chúng ta coi đó chỉ là một sự khuất mặt, trong khi việc Chúa Giêsu lên trời là một mầu nhiệm của sự hiện diện được nhân lên của Ngài, sự hiện diện khuất mặt. Do đó, như Bí tích Thánh Thể đem sự hiện diện của Chúa Kitô vào trong tâm hồn của muôn ngưởi, cũng vậy việc chiêm ngắm thiên đàng không phải là sự bỏ trốn đối với các Kitô hữu. Do đó, nếu các thiên thần nói với các tông đồ rằng Chúa sẽ trở lại, thì đó là sai họ quay trở lại với nhiệm vụ trở nên sự hiện diện của Chúa Kitô, là Đấng đã trở nên vắng mặt trong thân xác, nhắc nhở họ về sứ mệnh làm chứng cho tất cả những gì họ đã thấy: Chúa Giêsu đã nói với họ “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Luca 24: 48) và “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Công vụ 1: 8). Do đó, đây là kết quả từ mầu nhiệm của sự hiện diện được nhân lên của Chúa Giêsu.
Khi chiêm ngắm mầu nhiệm này, chúng ta đi từ thị kiến thực tế của các tông đồ sang cái nhìn đức tin của chúng ta. Đó là tìm kiếm Chúa Giêsu trên trời và làm việc với Ngài dưới đất. Nỗ lực của đức tin đòi hỏi chúng ta là hợp nhất hai mối tương quan này với Chúa Giêsu; chắc chắn chúng có thể biểu lộ rất khác nhau, nhưng chúng ta hãy yên tâm rằng cuộc sống của chúng ta đã được sự sống của Chúa Giêsu trên trời thu hút, là Đấng thu hút chúng ta ngày này qua ngày khác khi chúng ta “gắn chặt khát khao của mình vào nơi mà ánh mắt không chạm tới được”, theo lời nói nổi tiếng của Thánh Lêô.
Chúng ta tin tưởng nơi Chúa Giêsu này, Đấng sẽ Hiện diện cho chúng ta, là những người mở rộng đời sống của mình cho Ngài. André Sève nói câu này như một lời nhắn nhủ: “Chưa bao giờ đức tin của chúng ta lại bị đòi hỏi nhiều như trong mầu nhiệm Thăng Thiên này, nơi mà đức tin phải học cách sống với Chúa Giêsu trên trời và dưới đất.”
Phêrô Phạm Văn Trung
Phỏng theo GM Jean Scarcella – Tu viện Thánh Maurice.