Chúa không lầm

Một nhà thơ nổi tiếng người Đức có khuyên như sau: mỗi ngày, bạn nên nghe ít nhất một bản nhạc, đọc một đoạn thơ danh tiếng, hay nhìn ngắm một bức tranh tuyệt đẹp và nếu có thể được, nói một đôi lời cảm thông.

Lời Chúa trong tin mừng Thánh Luca hôm nay trình thuật về cuộc khổ nạn Chúa Giêsu. Mặc dầu chịu đóng đanh trên thánh giá, Ngài vẫn hết sức nói đôi lời cảm thông: “Trong lúc Ngài bị đóng đinh nơi núi sọ với hai tên gian phi. Ngài đã xin Cha tha thứ cho lý hình vì họ không biết việc mình làm.” Kế đó, những người biệt phái và kinh sư nhạo báng Người: “Nó đã cứu người khác nhưng lại không thể cứu mình. Vậy lại tự xưng mình là Đức Kitô, người được Chúa chọn!” Quân lính cũng hùa theo chế diễu Chúa Giêsu: “Nếu mày là Vua dân Do Thái, hãy cứu lấy mình” (Lc 23:33-37).

Chúa Giêsu đã làm gì? Ngài không đáp trả một lời trước những lời nhạo báng. Mặc dầu, với quyền năng của một vị Thiên Chúa, việc gỡ mình khỏi thập giá, tháo mạo gai nơi đầu, hay tỏ sức mạnh để trả đũa trước những kẻ bắt bớ mình có khó gì đâu? Ngài có thể xuống khỏi thập giá, dẫn dắt dân riêng của Chúa chiến thắng vẻ vang trước đế quốc Rôma và chinh phục cả thế giới. Đó cũng là chước cám dỗ của Satan nơi sa mạc mà Chúa Giêsu đã một lần đối đầu, trước công cuộc truyền giáo công khai của Ngài.

Chúa đã một lần tuyên bố và Ngài vẫn tiếp tục nói cho mọi người rằng: Ngài đến không phải để thiết lập nước Chúa theo ước vọng phàm trần, nhưng Ngài công bố nước Chúa được bắt đầu từ đỉnh đồi Canvê. Những đau khổ, những nhục hình bất công Ngài phải gánh chịu là câu trả lời mang một ý nghĩa cao độ trước kẻ bắt bớ Ngài: “Lạy Cha! Xin tha cho họ.”
Lời tha thứ đã một lần công bố trong bài giảng trên núi cũng nên gợi lại để thấy tầm qua trọng của lời này: “Hãy để của lễ trên bàn thờ và đi làm hòa với người anh em trước đã, rồi mới dâng của lễ” (Mt 5:23-24).

Có một linh mục vào cuối thập niên bảy mươi, trước khi từ giã họ đạo để nhận nhiệm vụ mới cũng thuật lại đoạn Phúc Âm trên. Sau khi ngừng một lúc lâu, ngài nói: tôi đã thi hành mục vụ, công bố và chia sẻ lời Chúa gần năm mươi năm, tôi đã nhấn mạnh về điểm này và chia sẻ mỗi năm một lần. Nhưng chưa lần nào tôi được thấy, hay nghe ai nói về một người nào thật sự rời nhà thờ “đi làm hòa với người anh, chị em” như lời Chúa mời gọi. Liệu Chúa có lầm không?

Người nông phu có người con trai bước vào đại học năm thứ nhất, những môn anh học có vài lớp như: sinh vật học, thực vật học và địa chất học. Vào kỳ nghỉ giữa khóa, anh về lại gia đình và nói với cha anh, người chưa học xong tiểu học (elementary school), rằng: “Cha ơi, con thật sự học biết nhiều điều về cuộc sống và nhận thấy Chúa có nhiều lầm lỡ.” Người cha từ tốn hỏi: “Con có thể cho cha biết những lầm lỡ đó không?” Người con chỉ vào luống dưa hấu và nói: “Cha nhìn xem, trái dưa hấu to như thế lại mọc lên bởi một dây leo nhỏ, trong khi trái sồi nhỏ bé lại kết trái trên một thân cây to lớn. Chính ra chúng phải đổi chỗ cho nhau mới phải chứ?” Người con chưa nói hết câu thì một trái sồi rụng xuống, rớt ngay đỉnh đầu của anh. Vừa xoa chỗ đau, người con buột miệng thốt lên: “Cũng may là không phải trái dưa hấu cha ạ!”
Chúa không sai lầm khi phán: “Khi con cầu nguyện, nếu có điều bất bình với ai, hãy tha thứ thì Cha các con mới tha thứ những lỗi lầm của các con” (Mc 11:25-26). Hay nơi khác Ngài phán: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ các con, ngõ hầu các con được nên con cái của Cha trên trời. Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ liêm khiết cũng như người bất lương, mưa trên kẻ gian ác cũng như người ngay lành” (Mt 5:44-45).

Nói cho cùng, giờ phút này đây mỗi người cần chất vấn chính mình xem: ta có muốn Thiên Chúa ngự trị và có toàn quyền trên ta không, hay ta không muốn lệ thuộc vào Ngài? Ta có muốn đón nhận Chúa Kitô tử giá vào tâm hồn mình cùng với lời xin tha thứ trên thập giá, “Lạy Cha, xin tha cho họ”, hay ta thật sự đồng tình đóng đanh Ngài?

Một kẻ trộm cùng đóng đanh với Ngài nhận ra Chúa Giêsu vô tội, anh không xin ơn tha thứ nhưng chỉ xin Ngài nhớ đến mình và anh ta đã được Chúa hứa nước Thiên đàng ngay hôm đó. Ngược lại, kẻ trộm bên kia hùa theo các Biệt Phái với lời thách thức “hãy tự cứu mình nếu là Con Thiên Chúa” và bản án tử theo anh đến giây phút cuối cùng. Vậy bạn muốn bắt chước ai?

Copernicus, một nhà toán học thời danh cuối thế kỷ 15 và cũng là một nhà thiên văn học, vị này sau một thời gian tìm tòi, quan sát đã có những khám phá mới về các hành tinh: không phải là các hành tinh xoay quanh trái đất nhưng là mọi hành tinh xoay quanh mặt trời. Dầu vậy, vào những ngày cuối đời trên giường bệnh, cuốn sách mới được in ra mà ông là tác giả, đang nằm gọn trong tay ông với nhan đề: “Sự vận hành của các hành tinh” cũng chẳng giúp được gì ngoài một sự nhận định của nhà lỗi lạc này, khi thấy mình chỉ là một kẻ tội lỗi thấp hèn, chứ không phải là một nhà bác học xuất chúng hay một nhà thiên văn đại tài. Trên tấm bia tại Frauenberg người ta đọc được những dòng chữ sau: “Tôi không tìm kiếm cho được như lòng nhân hậu của Thánh Phaolô, cũng không mong được những thánh ân giống Thánh Phêrô, mà tôi chỉ khát mong được ơn tha thứ như kẻ trộm lành mà Chúa thương ban.

Thiên Chúa không bao giờ lầm lẫn khi Ngài luôn tẩy xóa những gì là quá khứ. Cho nên một bậc tiền bối để lại cho hậu thế câu nói bất hủ như sau: “Thiên Chúa ném tội lỗi ta vào tầng sâu nhất của lòng biển và đặt nơi đó một tấm bảng với dòng chữ ngắn ngủi: Xin không câu cá!”

Vua Kitô tha thiết ước mong mỗi người chúng ta tha cho kẻ khác, ngay cả kẻ thù, vì đó là điều kiện tối cần giúp ta tiến vào Vương Quốc Tình Yêu. Bạn hãy nhớ rằng, Thiên Chúa thiết định đòi hỏi này, Ngài không bao giờ sai lầm. Một khi bạn không cho sự tha thứ là ưu tiên hàng đầu, mà là những ước vọng phàm trần để thỏa mãn ước vọng riêng bạn, lúc đó bạn thật sự gây ra một sai lầm nghiêm trọng cho đời bạn.

Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ

Chia sẻ Bài này:

Related posts