CHÚA NHÂN LÀNH ĐÃI TIỆC ĐỨA CON HOANG ĐÀNG TRỞ VỀ!

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Chúa Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:

“Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. 

“Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. 

Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa… Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng. 

“Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,  liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.  Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.  Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.  Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.  Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng! 

“Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Luca 15: 1-3, 11-32).

Ý muốn cứu mọi người của Chúa Giêsu cũng bao gồm cả những người bị xã hội gán cho cái mác là “quân thu thuế và phường tội lỗi

Thái độ của Ngài, cởi mở và tràn đầy hy vọng đối với họ, đã khơi dậy sự ngờ vực và vu khống Ngài nơi những người Pharisêu. Cũng vậy, Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu đã công bố những dụ ngôn nổi tiếng về lòng thương xót, bày tỏ cho chúng ta niềm vui vô bờ bến của Thiên Chúa khi chúng ta, tất cả đều ăn năn, quay về với Ngài.

Sau khi kể về việc một người chăn một trăm con cừu cừu vui mừng biết bao khi tìm thấy một con lạc trên cánh đồng và người phụ nữ có mười đồng xu vui mừng biết bao khi tìm thấy đồng xu mà bà đã đánh mất, Chúa Giêsu, Chủ nhật tuần này, kể cho chúng ta nghe câu chuyện ngụ ngôn tuyệt đẹp về một người cha có hai người con trai: một người lạc mất ở một vùng đất xa xôi và người kia, bị lạc mất tại nhà, trong chính ngôi nhà của mình. Câu chuyện về hai người con trai này cho phép chúng ta học cách sống và hiểu biết. Và chính trong lòng thương xót của người cha, chúng ta khám phá ra tình yêu hào phóng đối với tự do của người khác và niềm hy vọng trong ngần đầy an tĩnh vào khả năng chuộc lỗi của họ.

Câu chuyện về người con trai hoang đàng, mang một tính chất giản dị tuyệt vời, có thể thách thức chúng ta, tất cả mọi người và mọi nơi.

Người con trai út, bị gọi là hoang đàng vì anh ta phung phí tài sản của người cha, là hiện thân của sai lầm kinh điển của con người vốn cứ nghĩ hạnh phúc là thỏa mãn những ham muốn của mình mà không bị ràng buộc.

Nhận thức được sức mạnh mua bán tiêu xài của mình, đứa con này đã ấp ủ trong cõi lòng tội nghiệp của mình khả năng lao mình vào tất cả các ham muốn không giới hạn, được phép hay không được phép, bỏ qua các giới hạn vốn được đặt ra để cho ngôi nhà cha đẻ của mình được bền vững. Không kiểm soát được lòng mình, không cảm thấy tự do như ở nhà mình, ngay sau khi phung phí tài sản thừa kế của mình ở một vùng đất xa xôi, nơi đó đứa con đó thậm chí còn ít tự do. Người con bất hạnh này cuối cùng đã đi giữ heo cho người khác và trong thời kỳ đói kém, đã mong muốn được ăn những vỏ đậu mà bầy heo này được cho ăn, vốn là những con vật không thanh sạch đối với người Do Thái, nhưng lại được nuôi ăn tốt hơn anh ta.

Sau đó, anh mới thấy hối tiếc về tình yêu mà cha anh đã dành cho anh bao năm nay và giờ đây đang sáng lên trong đêm tối của tâm hồn anh. Sự hối hận này đẩy anh ta đến một sự hoán cải đầy khiêm tốn. Bấy giờ, “anh ấy trở lại là chính mình”.

Trong Mùa Chay này, chúng ta thấy lại chính mình nơi hình ảnh người con trai này, vốn  cần được hoán cải và tha thứ. Thánh Josemaria đã bày tỏ điều đó như vậy: “Bằng một cách nào đó, cuộc sống của con người là sự trở về nhà của Cha chúng ta một cách liên tục. Trở về nhờ vào sự ăn năn, sự hoán cải của trái tim, vốn đòi hỏi sự khao khát thay đổi và một quyết định chắc chắn cải hóa cuộc sống của chúng ta và như thế, thể hiện qua những việc làm hy sinh và hiến thân.

Hãy trở về nhà Cha qua bí tích hòa giải để xưng tội chúng ta ở đó và mặc lấy Chúa Kitô, nhờ đó trở thành anh em của Ngài, thành viên trong gia đình Thiên Chúa ”[1]

Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta hiểu và thương xót người cha trong dụ ngôn. Lời trình thuật về những cử chỉ và thái độ của người cha gây xúc động mạnh vì nó phản ánh những đức tính siêu nhiên và đức tính của những nhà giáo dục tốt lành: người cha tôn trọng tự do của con trai mình, đã không tìm cách kiểm soát con, vốn là điều chắc chắn sẽ gây ra sự xa cách nhiều hơn, nhưng cùng với sự tôn trọng tự do là sự kiên nhẫn dũng cảm dựa vào tình yêu và sự đào luyện mà ông đã dành cho người con. Do vậy, người cha mỗi ngày đều chờ người con tự do trở về, ngắm nhìn nơi phía chân trời, lục lọi tìm kiếm bóng dáng người conbằng một tình thương lớn lao. Do vậy, người cha đã tìm lại được đứa con trai rất yêu quý của mình, cách hành động hào sảng của ông ấy đã được đền đáp xứng đáng.

Người cha không cho phép người con nói hết những lời xưng thú của mình: ông phủ lên người con những nụ hôn, tổ chức một bữa tiệc linh đình và phục hồi tư cách làm con cho anh ta, không một chút oán giận, đúng  phẩm giá mà người con đã đánh mất.

Bằng cách thường xuyên học bài học trong dụ ngôn “đứa con hoang đàng”, chúng ta sẽ trở thành đối tượng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Rồi thì, chúng ta sẽ có thể thương xót người khác, tôn trọng tự do của họ, giống như người cha trong dụ ngôn này. Chúng ta cũng sẽ tránh trở thành kẻ không thông hiểu, giống như người con trai cả, dù đầy sốt sắng với công việc làm ăn của cha mình, nhưng lại là một sự sốt sắng chua cay đắng đót và thiếu tự do, không  như em trai mình. Đây là những gì Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta: “Phần cuối của dụ ngôn vẫn chưa được giải quyết: chúng ta không biết người anh Cả đã quyết định điều gì. Đây là điều khích lệ đối với chúng ta. Bài Tin Mừng này dạy chúng ta rằng tất cả chúng ta cần phải trở về với Chúa Cha để chia sẻ niềm vui của Ngài ở đó, trong ngày lễ của lòng thương xót và tình huynh đệ này. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để được “có lòng thương xót như Cha”! ” [2]

 

[1] Saint Josemaria, Khi Chúa Kitô đi ngang qua, số 64.

[2] ĐTC Phanxicô, buổi tiếp kiến chung, ngày 11 tháng 5 năm 2016.

 

Phêrô Phạm Văn Trung,

theo Pablo Edo, opusdei.org.

Chia sẻ Bài này:

Related posts