CHÚA THÁNH THẦN, ĐẤNG ĐỔI MỚI TÂM HỒN CHÚNG TA

Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31, 33).

Bài trình thuật về hành động của các tông đồ mà chúng ta nghe trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay bắt đầu bằng việc “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi” (Công vụ 2,1) Theo thứ tự thời gian, giống như lễ Vượt qua, Lễ Ngũ tuần trước hết là một lễ của người Do Thái. Nếu cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Chúa Giêsu tương ứng với ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái, thì đó là vì Chúa Giêsu, đấng cứu thế được chờ đợi, đã hoàn thành Lễ Vượt Qua này hoàn toàn giải phóng Dân Chúa khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Chúng ta chỉ có thể hiểu Lễ Vượt Qua mới của Chúa Giêsu khi coi Lễ Vượt Qua trước đây của người Do Thái là dấu chỉ báo trước của Lễ Vượt Qua mới đó. Tương tự như vậy đối với Lễ Hiện Xuống, việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên cộng đoàn đầu tiên trong ngày lễ trọng Ngũ tuần nảy của người Do Thái không phải là không có ý nghĩa. Ý nghĩa Kitô giáo của ngày lễ này bắt nguồn từ ý nghĩa mà người Do Thái gán cho ngày Lễ Ngũ Tuần.

Người Do Thái tổ chức lễ Ngũ Tuần, trùng vào ngày thứ năm mươi sau khi Chúa Kitô Phục sinh,  ý nghĩa đầu tiên của lễ này là lễ dâng hoa quả đầu mùa cho Thiên Chúa. Các loại trái cây đầu tiên của ruộng đất được mang đến Đền thờ: “Ngươi cũng sẽ giữ tục lệ mừng lễ Mùa gặt, lễ dâng của đầu mùa, do sức lao động ngươi làm ra, do công ngươi gieo cấy ngoài đồng ; rồi ngươi sẽ giữ tục lệ mừng lễ Thu hoạch vào cuối năm, khi ngươi thu hoạch hoa màu ngoài đồng ngươi đã làm ra”  (Xh 23:16) và: “Từ hôm sau ngày sabát, ngày các ngươi đem bó lúa đến để làm nghi thức tiến dâng, các ngươi phải tính bảy tuần, bảy tuần chẵn. Các ngươi phải tính năm mươi ngày cho đến hôm sau ngày sabát thứ bảy, và các ngươi sẽ tiến dâng một lễ phẩm mới lên Thiên Chúa” Lv 23, 15-20).  Nhưng nhanh chóng, một ý nghĩa khác phát sinh trong phụng vụ Do Thái, liên quan đến cuộc xuất hành. Theo tính toán của các giáo sĩ Do Thái, lề luật được ban cho Môsê tại Sinai năm mươi ngày sau Lễ Vượt Qua đầu tiên. Từ một ngày lễ liên kết với chu kỳ của thiên nhiên, Lễ Ngũ Tuần đã được biến đổi thành một lễ liên kết với lịch sử cứu độ. Chính ý nghĩa này chắc chắn đã hướng dẫn Thánh Luca viết trình thuật về Lễ Hiện Xuống trong Sách Công Vụ Các Tông Đồ vì nó mang những nét đặc trưng về sự hiển hiện của Thiên Chúa tại Sinai: một cơn gió khủng khiếp và lửa: “bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một (Công vụ Tông đồ2: 2-3). 

Hơn nữa, chính nhờ sự kết nối này mà các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã tìm kiếm ý nghĩa sâu xa của ân huệ Chúa Thánh Thần. Trong khảo luận về Chúa Thánh Thần, Thánh Augustinô viết: “Ai lại không bị sự trùng hợp ngẫu nhiên này và đồng thời sự khác biệt này làm cho kinh ngạc? Năm mươi ngày phân cách việc cử hành Lễ Vượt Qua với ngày Môsê nhận lề luật do ngón tay Thiên Chúa viết trên các tấm bàn đá; và cũng vậy, năm mươi ngày sau cái chết và sự sống lại của Đấng đã bị dẫn đi thiêu sinh, giống như một con chiên, thì ngón tay của Thiên Chúa, tức là Chúa Thánh Thần, đã làm tràn đầy các tín hữu đang họp lại với nhau bằng chính Ngài. Đột nhiên, những lời tiên tri của Giêrêmia và Êdêkiel về giao ước mới được ứng nghiệm: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó – sấm ngôn của Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31, 33).

Với giao ước mới, từ một luật bên ngoài và thành văn, bao gồm một tập hợp các nghĩa vụ đạo đức và phụng tự, chúng ta chuyển sang một luật nội tâm, sự hiện diện của Thiên Chúa trong cõi lòng con người. Điều mà Êdêkiel đã nhìn thấy trước và nói: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành” (Êdêkiel 36, 26-27).

Vì vậy, lễ Ngũ Tuần đối với người Kitô hữu là lễ trao ban lề luật chân thật, là chính Chúa Thánh Thần được tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta. Theo quan điểm này, chúng ta có thể hiểu Chương VIII của Thư gửi tín hữu Rôma, mà chúng ta đã đọc một đoạn trích, trong đó Phaolô đối lập luật của Thánh Thần vốn ban sự sống với lề luật Môsê vốn không có khả năng cứu thoát. Thật vậy, chỉ có Chúa Thánh Thần vốn được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ đức tin và phép rửa mới có thể giúp chúng ta đạt được ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã thực hiện. Bất cứ lề luật nào, bất cứ văn bản nào, cùng lắm, cũng chỉ cung cấp cho chúng ta kiến ​​thức về điều thiện và điều ác, nhưng nó không phải là luật thành văn cho phép chúng ta thực hiện điều tốt. Ở đầu chương VIII của Thư gửi tín hữu Rôma, Phaolô nói rõ, đó là “Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Chúa Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8, 2). Trong Thư gửi tín hữu Galát thánh tông đồ chỉ rõ rằng “Vậy thì Lề Luật đi ngược lại với những lời hứa của Thiên Chúa sao? Không phải thế. Thật vậy, giả như có một luật nào đã được ban cho con người mà lại có khả năng làm cho sống, thì quả là người ta được nên công chính nhờ Lề Luật” (Galát 3, 21).

Đó là lý do tại sao luật mới do Chúa Giêsu ban hành, theo nghĩa chặt chẽ, không phải được ban hành trên Núi Các Mối Phúc, mà là luật được khắc sâu trong lòng vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Chắc chắn, chúng ta có thể coi rằng các giới luật của Tin Mừng hoàn hảo hơn và cao hơn các giới luật của Môsê, tuy nhiên, nếu chỉ mình chúng, các giới luật đó sẽ vẫn vô hiệu. Nếu chỉ cần công bố các điều răn mới đã là đủ rồi, thì chúng ta không thể giải thích sự cần thiết cứu độ trong cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô cũng như sự cần thiết của sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu chỉ cần chỉ ra cho người ta biết đâu là lề luật tốt lành phải theo, rồi chết một cách thanh thản như một bậc thầy thông thái tốt lành được vây quanh bởi các môn đồ đã đạt đến sự hoàn hảo nhờ sự dạy dỗ của ngài, như vậy là đủ. Nhưng cuộc đời của Chúa Giêsu và của các tông đồ cho chúng ta thấy rằng điều đó là chưa đủ, vì dù họ là những người ngay từ đầu đã lắng nghe và đi theo Chúa Giêsu, nhưng vẫn không thể trung thành với Ngài; và họ vẫn im lặng cho đến khi Chúa Thánh Thần ngự đến.

Do đó, nếu không có ơn Chúa Thánh Thần, thì ngay cả Tin Mừng, ngay cả điều răn mới về tình yêu thương lẫn nhau, cũng sẽ vẫn là một thứ luật xưa cũ, một thứ câu chữ cằn cỗi vô sinh. Vì điều răn mới về tình yêu thương không phải là điều răn hiểu theo câu chữ, điều răn đó là điều mới mẻ bởi vì tình yêu thương đó được tuôn đổ trong lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần, chính Ngài là lề luật mới. Vì vậy, Thánh Gioan viết:

Anh em thân mến, đây không phải là một điều răn mới tôi viết cho anh em, nhưng là một điều răn cũ mà anh em đã có ngay từ lúc khởi đầu. Điều răn cũ ấy là lời mà anh em đã nghe. Nhưng đó cũng là một điều răn mới tôi viết cho anh em, – điều ấy thật là thế nơi Chúa Giêsu và nơi anh em – bởi vì bóng tối đang qua đi và ánh sáng thật đã tỏ rạng” (1Gioan 2, 7-8).

Ân huệ Thánh Thần là cần thiết để đạt được sự sống đã hứa, và mọi diễn ngôn đều là vô hiệu, Thánh Thomas Aquinas khẳng định điều đó trong bản tóm tắt thần học của mình khi ngài nhận xét về lời khẳng định của Phaolô “câu chữ giết chết, chỉ có Thánh Linh mới làm cho sống.” Thánh Thomas nói, “Câu chữ ở đây ám chỉ bất cứ văn bản nào được viết mà vẫn còn ở bên ngoài con người, ngay cả khi đó là văn bản của các giới luật luân lý có trong Tin Mừng. Từ đó Ngài kết luận rằng ngay cả câu chữ của Tin mừng cũng sẽ giết chết, nếu trong con người, ân sủng chữa lành của đức tin không được thêm vào” (Summa Theologica. I-IIae, q. 106 a.2).

Biết được sự khác biệt giữa luật thành văn cũ và luật mới của Thánh Thần không chỉ là một vấn đề lý thuyết của sự hiểu biết ít hay nhiều về đức tin, mà đó còn là một vấn đề thực tiễn dẫn đến những hậu quả cụ thể cho cuộc sống của chúng ta.

Việc bước đi từ giao ước cũ sang giao ước mới không chỉ được thực hiện bằng sự gắn kết trí tuệ hoặc đạo đức đối với các giá trị của Tin Mừng, nhưng căn bản bằng cách đón nhận Chúa Thánh Thần, là Đấng đổi mới tâm hồn chúng ta. Một Kitô hữu không phải là người tin vào câu chữ của Tin mừng, nhưng là người tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến trong xác phàm và nhờ đó nhận được Thánh Thần khiến mình trở người con. Việc tuân theo các giá trị của Tin mừng chỉ đến sau đó, sau khi đã gắn kết trong đức tin vào mầu nhiệm được mạc khải nơi con người của Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa Thánh Thần được tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta mới là Đấng ban sự sống và làm cho cuộc sống của chúng ta phù hợp với các giới luật của Tin Mừng.

Việc bước sang lề luật của Thánh Thần được thực hiện một cách bí tích bởi phép thánh tẩy của chúng ta, nhưng nó phải được thực hiện ngay trong hiện tại và trong tâm hồn nơi cuộc sống của mỗi người chúng ta. Tất cả chúng ta đều được sinh ra với ham muốn xác thịt chống lại tinh thần, tất cả chúng ta được sinh ra với nỗi sợ hãi của kẻ nô lệ đối với một vị Thiên Chúa thẩm phán, tất cả chúng ta được sinh ra với sự tin cậy vào công việc con người hơn là vào đức tin nơi Chúa Kitô, tất cả chúng ta đều được sinh ra dưới lề luật của tội lỗi. Tóm lại, ngay từ khi sinh ra, chúng ta đã là những người xưa cũ, vấn đề là cần phải trở thành những con người mới trong Chúa Kitô, được đổi mới nội tâm bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã kêu lên trong chúng ta “Abba, Cha ơi! ” (Galát 4: 6). Origen viết: “Đừng nghĩ rằng việc đổi mới cuộc sống được thực hiện một lần duy nhất từ lúc ban đầu là đủ; cần phải đổi mới chính sự đổi mới, liên tục, mỗi ngày.” Mỗi ngày, chúng ta phải khước từ rơi trở lại lề luật xưa cũ.

Thánh Thần của Chúa Kitô, nét đặc thù của giao ước mới, chủ yếu không phải là sự biểu lộ ra bên ngoài của quyền năng làm phép lạ hoặc ban đặc sủng, nhưng là một nguyên lý bên trong của cuộc sống mới. Trên hết, một Lễ Hiện Xuống mới phải đổi mới trái tim của Giáo Hội và của các Kitô hữu bằng cách đón nhận luật mới là Thần Khí của Thiên Chúa. Kitô giáo không công bố một học thuyết, nhưng bày tỏ con người mới được tạo ra theo hình ảnh của Chúa Kitô. Chủ yếu không phải là vấn đề tuân theo các quy tắc bên ngoài, nhưng là việc đón nhận và hiến dâng chính mình cho Thánh Thần, Đấng ngự trong chúng ta trong sự vâng phục của Đức tin. Chỉ có Chúa Thánh Thần là nền tảng, là nguyên lý, là luật mới hướng dẫn cuộc sống của chúng ta.

 

Tác giả: LM Antoine-Marie, OCD, carmel.asso.fr.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts