(Lc 4,21-30)
Đoạn Tin Mừng được bình luận ở đây là phần thứ hai trong lời rao giảng của Chúa Giêsu tại Nadarét mà chúng ta đã nghe trước đây. Vì vậy, chúng ta vẫn ở trong hội đường của ngôi làng nhỏ ở miền Galilê, nơi Chúa Giêsu được nuôi lớn.
Chúa Kitô rao giảng tại Caphácnaum
Tất cả đều làm chứng về Ngài (4,22-23)
“Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài.
Ngài nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”
- Lời ân sủng
Chúng ta hãy nhớ rằng sự hiện diện của Chúa Giêsu tại Nadarét tiếp theo sau việc Ngài trở về trong quyền năng của Thánh Thần, và danh tiếng của Ngài đã lan rộng khắp vùng Galilê: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Chúa Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Ngài giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.” (Luca 4: 14-15). Nói cách khác, lời nói của Ngài rất được mong đợi. Và người đồng hương này gây ngạc nhiên bằng những lời đầy ân sủng của mình, nghĩa là hôm nay là ngày cứu độ của Thiên Chúa vốn đã được tuyên bố trước đây.
- Caphácnaum?
Một câu có thể làm chúng ta ngạc nhiên: “Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum.” Điều gì đã xảy ra ở Caphácnaum? Không có đề cập nào về ngôi làng này, ngoại trừ sau đoạn này, khi “Ngài xuống Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày sabát, Ngài giảng dạy dân chúng” (4,31). Như vậy, thánh sử có đề cập đến việc Chúa Giêsu lưu lại nơi đây mà chúng ta không để ý, hay có lẽ là thánh sử đã dự đoán trước, để chuẩn bị cho chúng ta biết việc Chúa Giêsu đến thành phố này.
Việc rao giảng của Chúa Giêsu trong hội đường Nadarét thực sự đóng một vai trò đã được lên chương trình. Các dấu chỉ của Nước Trời, nếu kết hợp với lời của tiên tri Isaia, cũng sẽ vấp phải sự phản đối, điều này được trình bày cho chúng ta ở đây. Do đó, trình thuật này giúp chúng ta hiểu rõ hơn những gì sẽ xảy ra ở Caphácnaum và “những nơi khác”. Bởi vì phản ứng của dân chúng trong hội đường có tác động tới sự đối kháng này giữa hội đường của ngôi làng Nadarét này và các nơi khác như Caphácnaum.
- Ông ta không phải là con của bác thợ mộc Giuse sao?
Đó là thời điểm mà bước ngoặt của đoạn văn diễn ra. “Ông ta không phải là con bác thợ mộc sao?” (Mt 13: 55). Chúng ta phải hiểu, đằng sau câu nói này, không phải là một cuộc tranh cãi về gia phả thần linh hay căn tính đấng cứu thế của Ngài, mà là niềm tự hào hay sự kiêu hãnh rằng Chúa Giêsu này thực sự là “đến từ chúng tôi”, cho chúng tôi và do đó phải làm việc này việc nọ vì chúng tôi … Chính vì vậy mà trình thuật chỉ ra sự tra tay bắt Chúa Giêsu, khi Ngài gợi lại câu tục ngữ: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình!” và vạch trần suy nghĩ của các thính giả đang nghe Ngài: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” (Luca 4: 23).
Dân làng Nadarét nghĩ rằng họ biết Chúa Giêsu, và độc quyền về Ngài. Ông Giêsu này nên làm một số phép lạ và hành động cho chính họ, bởi vì họ là những người thân nhất của Ngài… và đó phải là điều trước tiên. Hơn nữa, đó là cách người ta tin trong đời. Khi có một tin tốt đẹp, về mặt chính trị, tôn giáo hoặc xã hội, được công bố, thì ý tưởng đầu tiên của người ta là “tính toán” xem liệu những tin tức này, những ý tưởng này có liên quan đến cá nhân mình không, có mang lại cho người ta lợi ích gì không hay khiến người ta phải trả giá. Sau đó, người ta mới tự đặt câu hỏi về lợi ích chung có thể có cho người khác… đặc biệt nếu những người khác này giống như họ. Nhưng nếu một biện pháp chỉ có lợi cho những người khác, rất khác, thì vụ việc nhanh chóng trở thành đề tài đáng ngờ …
“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (4:24)
“Ngài nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyri thôi.”
Từ Êlisa đến Naaman
Câu trả lời đã rõ ràng. Chúa Giêsu nhớ lại rằng trong lịch sử cứu độ, các tiên tri, là những người mang Lời Chúa, hiếm khi được dân chúng của Giao ước đón nhận, dù họ người đầu tiên biết đến họ. Sứ điệp của các tiên tri gây lo ngại vì nhiều người sẽ bị bắt bớ. Đây là một điểm đầu tiên. Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở khó khăn này. Ngài còn đi xa hơn khi rút ra những đoạn Kinh thánh liên quan đến hai tiên tri: Êlia và bà góa thành Xarépta:
“Nhưng sau một thời gian, suối cạn khô, vì trong xứ không có mưa. Bấy giờ có lời Thiên Chúa phán bảo ông : “Ngươi hãy đứng dậy đi Xarépta, thuộc Xiđôn, và ở lại đấy. Này Ta truyền cho một bà goá ở đó nuôi ngươi .” Ông liền đứng dậy đi Xarépta. Khi đến cổng thành, ông thấy có một bà goá đang lượm củi. Ông gọi bà ấy và nói : “Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống .” Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và nói : “Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa !” Bà trả lời : “Có Thiên Chúa hằng sống, tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.” Ông Êlia nói với bà : “Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà. Vì Thiên Chúa của Israel phán thế này : “Hũ bột sẽ không vơi vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Thiên Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất.” Bà ấy đi và làm như ông Êlia nói ; thế là bà ấy cùng với ông Êlia và con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Thiên Chúa đã dùng ông Êlia mà phán” (1Vua 17: 7-16)
Sau đó là tiên tri Êlisa và viên tướng người Syria là Naaman:
“Ông Naaman, tướng chỉ huy quân đội của vua Aram, là người có thần thế và uy tín trước mặt chúa thượng của ông, vì Thiên Chúa đã dùng ông mà ban chiến thắng cho Aram. Nhưng ông lại mắc bệnh phung hủi. Khi những người Aram đi càn quét, họ đã bắt được một cô bé từ đất Israel đưa về. Nó vào giúp việc cho vợ ông Naaman. Nó nói với bà chủ: “Ôi, phải chi ông chủ con được giáp mặt vị ngôn sứ ở Samaria, thì chắc ngôn sứ sẽ chữa ông khỏi bệnh phung hủi !… Ông Naaman lên đường… Ông Naaman đi đến cùng với cả xe và ngựa. Ông đứng trước cửa nhà ông Êlisa. Ông Êlisa sai sứ giả ra nói với ông: “Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Giođan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch”. Ông Naaman nổi giận bỏ đi và nói: “Ta cứ nghĩ bụng là thế nào ông ấy cũng đích thân đi ra, rồi đứng mà cầu khẩn danh Thiên Chúa của ông ta. Ông ta sẽ quơ tay lên đúng chỗ phung hủi mà chữa khỏi… Ông quay lưng lại và tức tối ra đi. Bấy giờ, các tôi tớ của ông đến gần và nói: “Cha ơi, giả như ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, chẳng lẽ cha lại không làm? Phương chi ngôn sứ chỉ nói: Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch !” Vậy ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Giođan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch… Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ông vào, đứng trước mặt ông ấy và nói : “Nay tôi biết rằng : trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đây.” Ông Êlisa nói: “Có Thiên Chúa hằng sống là Đấng tôi phụng sự, tôi thề sẽ không nhận gì cả.” Ông Naaman nài ép ông nhận, nhưng ông vẫn từ chối… Ông Êlisa bảo: “Ông đi bằng an!” và ông Naaman đi khỏi chỗ ông Êlisa được một quãng đường… Giêkhadi, tiểu đồng của ông Êlisa…liền đuổi theo ông Naaman… Xin ông cho chúng ba mươi ký bạc và hai bộ quần áo để thay đổi… Ông Naaman nói: “Anh vui lòng nhận lấy sáu mươi ký.” Rồi ông ép nó nhận… Nó vào hầu chủ. Ông Êlisa hỏi: “Giêkhadi, mày đi đâu về ?” Nó đáp: “Tôi tớ ngài không có đi đâu cả.” Ông Êlisa bảo: “Trí ta đã chẳng ở đó khi có người xuống xe gặp mày sao ? Giờ đây, mày đã nhận tiền bạc, mày có thể sắm quần áo, tậu vườn, vườn ô liu và vườn nho, mua bò dê chiên cừu và tôi trai tớ gái. Nhưng bệnh phung hủi của ông Naaman sẽ mãi mãi bám lấy mày và dòng dõi mày.” Giêkhadi rời ông Êlisa; nó mắc bệnh phung hủi, mốc thếch như tuyết” (2K 5,1-27).
Tất nhiên, qua người góa phụ và Naaman, những người dân ngoại được nhấn mạnh.
Một ơn cứu độ phổ quát
Hai nhân vật không phải là người Do Thái này được hưởng ân huệ của Thiên Chúa, là Đấng đã cứu họ khỏi nạn đói và bệnh phong… trong khi những người khác, tuy là người Do Thái, lại phải chịu những căn bệnh tương tự.
Hai nhân vật này cũng là những người xa lạ với nhau. Một bên là bà góa nghèo người Phênixia đang khóc vì đói và chờ chết cùng đứa con của mình, bên kia là một người đàn ông Syria, một sĩ quan giàu có, quyền lực, nhưng chỉ là một người phong hủi 1.
Do đó, ơn cứu độ phổ quát vượt ra ngoài giới hạn của biên giới quốc gia và tôn giáo, mà còn là biên giới của các phạm trù xã hội. Như vậy, lời ân sủng của Chúa Giêsu tự mình không phải là một điều gì mới lạ dám thách thức Lời của Thiên Chúa. Trái lại, Chúa Giêsu là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa.
Sự hạ mình và ơn ban nhưng không
Hơn thế nữa, đằng sau hai đoạn văn này, chúng ta có thể chỉ ra ơn ban cho không và sự buông bỏ cần thiết để đón nhận thời điểm thuận lợi này, là ngày hôm nay tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa. Thật vậy, bà góa ở Xarépta là người chấp nhận chia sẻ với vị tiên tri Do Thái tên là Êlia, mà không cần bù đắp lại, phần lương thực ít ỏi còn lại để cho bà sống. Êlia theo Lời Chúa cũng phải vượt qua biên giới để ở với một phụ nữ ngoại đạo. Tương tự như vậy viên tướng Syria cũng phải rời khỏi đất nước của mình để gặp Êlisa, và trước hết, cũng phải bỏ lại niềm kiêu hãnh của mình và đi bao nhiêu đường đất để dìm mình trong một con suối kỳ lạ có tên là Giođan. Chúng ta tìm thấy sự khiêm hạ và trao ban nhưng không nơi Êlisa, là người từ chối bất cứ khoản lương và bất cứ ân huệ nào để thanh toán cho việc chữa bệnh của Naaman.
Cả bà góa lẫn vị tướng quân đều không đáng được ơn cứu độ như vậy. Hành động của Thiên Chúa có lợi cho họ là hoàn toàn cho không. Họ đón nhận Lời của Chúa qua các tiên tri, trong sự khiêm hạ, khiến họ sống lại, dù họ là người ngoại giáo, là bà góa ngoại giáo, là ông tướng của đất nước đang xâm chiếm đất nước Do thái.
Chúa Giêsu ra khỏi Nadarét
“Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Ngài ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Ngài lên tận đỉnh núi, để xô Ngài xuống vực. Nhưng Ngài băng qua giữa họ mà đi” (Luca 4: 28-30)
Dân làng Nadarét “phẫn nộ, lôi Ngài ra khỏi thành, kéo Ngài lên tận đỉnh núi, để xô Ngài xuống vực” và chắc hẳn đang nguyền rủa trong lòng “Khốn kiếp cho đứa con trai của ông Giuse, là kẻ đã thông báo cho chúng ta biết không phải là những người ưu tiên được hưởng ơn cứu độ mặc dù chúng ta thuộc về ơn cứu độ đó. Khốn kiếp cho đứa con trai của ông Giuse, là kẻ đã không ra tay thực hiện phép lạ nào của mình, mà lại thực hiện những phép lạ ấy ở nơi khác chứ không phải ở quê hương của chúng ta. Khốn kiếp cho đứa con trai của ông Giuse, là kẻ chết tiệt, hư mất, bị kết án tử hình.”
Vì thế, trình thuật này dự đoán cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, bên ngoài thành phố, nhưng cũng là Lễ Vượt qua của Ngài, sự phục sinh của Ngài. Nhưng Ngài, “băng qua giữa họ mà đi”, đi trên con đường của mình. Tại trung tâm của cuộc nổi loạn, Chúa Giêsu đi qua vùng nước chết chóc của cuộc nổi loạn này, như hôm qua Môsê và dân tộc Hípri băng qua Biển Sậy (Xuất hành 14). Và con đường dẫn đến ơn cứu độ vẫn tiếp tục … cho những người khác, những người sẽ tiếp đón Chúa Kitô với lòng hiếu khách hơn. Không có gì ngăn cản được Lời Chúa.
Chúa Giêsu, quốc gia của Ngài, các quốc gia.
Qua câu chuyện này, Thánh sử Luca chỉ ra một số yếu tố. Ở đây, Luca đưa ra một câu hỏi phản ánh tình hình của Kitô giáo trong thời đại của ngài và bắt đầu phân biệt Kitô giáo với Do Thái giáo của hội đường. Nếu Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, tại sao dân tộc của Ngài không chào đón Ngài? Và Luca nêu lên một câu hỏi song song: tại sao dân ngoại cũng được hưởng ơn cứu độ của Đấng Mêsia người Do Thái, ngay cả trước tiên? Bản văn này nhấn mạnh sâu xa hơn đến thái độ tin tưởng vào Thiên Chúa và đặt câu hỏi về đức tin của người đọc hôm nay.
Bởi vì nói về một Ơn Cứu Độ phổ quát không phải chỉ để diễn tả một cách ngây thơ rằng Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, đến để cứu độ mọi người một cách tất nhiên, (trong đó có tôi, và nếu được thì tôi phải là người được cứu trước nhất) nhưng Ngài đến là để kêu gọi và cứu những người khác mà tôi đã không bao giờ nghĩ đến, nhiều khi tôi phớt lờ họ hoặc đối với tôi tình hình của họ dường như không cấp bách hay quan trọng gì lắm. Chúa Giêsu mở ra những chân trời mới và chẳng bao lâu nữa, đến tận những miền sâu thẳm vốn dĩ vẫn bị coi thường: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Luca 5: 4). Đó là điều chưa từng được nghe đến của Tin mừng và sự bất ngờ của Ân Sủng vẫn còn phải được khám phá.
Phêrô Phạm Văn Trung phỏng dịch,
theo aularge.eu/blog.
[1] Thuật ngữ bệnh phong có thể được hiểu cho bất kỳ bệnh ngoài da nào. Hiểu một cách “đơn giản”, tác giả chỉ muốn nhấn mạnh sự phân biệt giữa nguy cơ tử vong sắp xảy ra cho bà góa và căn bệnh kéo dài của Naaman.