Dù là bất cứ một ai, khi hiện diện trên cõi đời này, họ đều muốn được khẳng định mình. Vì chính cái làm nên con người tôi, hoàn toàn khác biệt với những người khác, đó là nhu cầu thiết yếu của nhân loại. Khi tôi không còn là mình, thì tôi không phải là tôi nữa. Mỗi cái tôi riêng biệt làm nên màu sắc đa dạng, phong phú của con người trên thế giới.
Là một cái tôi trong thế giới như bao cái tôi khác, nhưng mỗi người lại là một tôi của riêng ai đó. Với mẹ, ba là chồng, với ba, mẹ là vợ; với người yêu, anh là đất, em là trời và tất cả chúng ta là đại dương… Tùy vào mối quan hệ, cùng địa vị xã hội, thân thế sự nghiệp mà mỗi cái tôi lại trở thành một cái ta của nhân loại.
Là người được sinh ra và lớn lên từ làng quê Nadareth, Đức Giêsu cũng muốn chất vấn các môn đệ xem dân chúng họ nghĩ Ngài là ai, với công việc và sứ mệnh mà Ngài đang thực thi, không phải để vinh danh bản thân nhưng là muốn nhân loại nhận biết sự thật về Thiên Chúa. Rao giảng, làm phép lạ, loan báo Nước trời mai hậu… những việc đó khiến cho dân chúng không ngần ngại xem Ngài là tiên tri, là ngôn sứ: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êliia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” (Lc 9, 19)
Quả thật, dân Do Thái ngày ấy chưa biết sự thật về Đức Giêsu. Họ hoàn toàn không thể hiểu được Ngài chính là Con Thiên Chúa hằng sống. Mà không chỉ ngày ấy, cho đến tận bây giờ sự thật về Thiên Chúa đã hoàn toàn được phơi bày nhưng người ta vẫn không tin, không biết, không nhận Ngài là“Đấng Kytô của Thiên Chúa.” (Lc 9, 21)
Con người có nhu cầu được mọi người biết đến tôi là ai, thật ra chỉ là để tôn vinh bản thân mình. Muốn được nhiều người nhớ, thích được nổi nang, ham được trọng vọng… Riêng Đức Giêsu muốn tìm hiểu mọi người nghĩ sao về mình “Đám đông nói Thầy là ai?” (Lc 9, 18) không phải vì nhu cầu tôn vinh bản thân nhưng chính là để tái khẳng định cho các môn đệ hiểu rằng Ngài chính là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa thật. Để làm gì? Chỉ để cho các ông xác tín mà tin. Tin và đi theo Đấng mà họ đã chọn lựa.
Đức Giêsu đến trần gian kêu gọi các môn đệ đi theo Ngài, nhưng không để hứa hẹn một tương lai sáng lạn với bạc tiền rủng rỉnh đầy túi và một cuộc sông xa hoa phồn thịnh. Ngược lại, con đường Ngài đi chính là con đường thập giá. Đường thập giá là con đường phải từ bỏ, hy sinh, mất mát… Nhưng chỉ có con đường ấy mới đưa họ về trời, và chỉ có cuộc sống mai hậu trên thiên đàng mới là cuộc sống hạnh phúc bất diệt mà Ngài muốn kẻ theo Ngài được hưởng dùng. Ngược lại, những mớ hào quang danh vọng thế trần, chẳng phải Ngài không thể không cho họ, nhưng chính vì cái trị thật của nó chỉ là giá trị ảo, không thể cho nhân loại sống hạnh phúc bất diệt được. Cái tưởng mất nhưng lại là được, cái tưởng được lại là của mất đi, không tồn tại.
Ngay chính Đức Giêsu khi chấp nhận bỏ trời xuống thế gian làm người để cứu chuộc con người, Ngài cũng đi bằng con đường thập giá, chính là lúc Ngài bỏ mình, bỏ trời, bỏ thân phận Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người, sống như con người, chết như con người nhưng phục sinh vinh hiển, toàn thắng sự chết và tội lỗi. Như vậy, ai muốn theo Ngài cũng không thế đi con đường nào khác hơn con đường thập giá ấy cả: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9, 23)
Tuy rằng theo Chúa là đi trên con đường thập giá, nhưng đó không phải là con đường hủy diệt, đó không phải là đường tuyệt vọng, không phải là đường đưa vào cõi chết nhưng chính là con đường sống, con đường dẫn đến vinh quang bất diệt: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9, 24)
Rõ ràng, theo Chúa bạn không hề mất đi điều gì, trái lại bạn còn được sự sống vĩnh cửu bất diệt trên thiên đàng. Có mất thì chỉ mất đi chính cái tôi ích kỉ hẹp hòi, toan tính, ham lợi lộc mà thôi. Nhưng đó lại không phải là tài sản quí giá mà bạn cần thủ đắc. Ngược lại, đánh mất chính bản thân mình vì Thiên Chúa để sống cho Ngài, bạn sẽ có được sự sống vĩnh cửu.
Như vậy đừng mong thiên hạ bảo mình là ai. Là ai thì có quan trọng gì? Quan trọng hơn bạn hãy chính là mình, một Kytô hữu dám sống thật với mình, với những yếu kém, hạn hẹp cần thay đổi mỗi ngày để nên giống Đức Kytô hơn.
Lạy Chúa, thật vậy, con là ai, con có là ai đi chăng nữa thì đến giờ phút này không quan trọng nữa rồi. Quan trọng là con có còn phải là con của ngày hôm qua. Ngày mà Thiên Chúa đã đóng ấn tín rửa tội trên con, một dấu chỉ con đã thuộc trọn về Ngài mãi mãi. Nếu vậy thì, cuộc sống có xô đẩy con đi đâu về đâu, đến đâu không quan trọng, cần thiết con vẫn cứ là con, đứa con yêu ngày nào của Thiên Chúa, chỉ biết sống tha thứ, phục vụ và trao đi..
M. Hoàng Thị Thùy Trang