Gioan 8:1-11
“Vừa tảng sáng, Ngài trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Ngài. Ngài ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nói thế nhằm thử Ngài, để có bằng cớ tố cáo Ngài. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Ngài ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.Ngài ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? “
Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Chúa Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
Trình thuật rất cụ thể này của Tin mừng Gioan được các nhà chú giải và phê bình, cho rằng nó hơi tách rời khỏi bối cảnh và ngôn ngữ của thánh sử. Họ có thể đúng khi nói về sự mâu thuẫn trong văn bản. Tuy nhiên, các sách Tin Mừng, giống như những dòng sông, mang đến cho chúng ta những lời nói và hành động của Chúa Giêsu, được vận chuyển bởi dòng chảy của Thần Khí: mọi sự phát ra từ đó, từ dòng sông ân sủng này, khiến chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu nhu thánh Gioan đã viết: “Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Gioan 1: 11-12). Và chúng ta, hôm nay, cũng như mọi ngày khác, chúng ta ở đó để, trong tư cách là những môn đệ, đón nhận Lời của ThiênChúa, là Đấng đã làm cho chúng ta trở thành con cái.
Ở trung tâm của Tin mừng này là một người phụ nữ, xấu hổ, khi đối mặt với tất cả mọi người, vì cô ấy bị bắt quả tang khi thực hiện hành vi ngoại tình – Tin mừng không nghi ngờ về trách nhiệm của cô ấy – và thậm chí còn bị đặt đứng giữa dân chúng và bị lôi kéo đến trước Chúa Giêsu một cách bạo lực rõ ràng. “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Gioan 1: 4)
Nhưng điều nổi bật trên tất cả là việc sử dụng người phụ nữ này như một công cụ, thể hiện sự lấn áp của nam giới và khinh thường người người phụ nữ này mà chúng ta có thể tưởng ra là đang kinh hãi, không có bất k sự hỗ trợ nào, là người đã cảm thấy bị kết án tử hình bằng cách ném đá. Nhiều phụ nữ bị kết án theo cách này đã xuất hiện ở một số nơi trên thế giới. Người ta nhớ đến việc công cụ hóa phụ nữ trong thế giới đàn ông, vốn là những đối tượng dấu mặt trong các cuộc luận chiến tôn giáo hoặc chính trị của họ.
Ở đây, Chúa Giêsu, cũng như trước Philatô, đã im lặng: Ngài không chấp nhận việc sử dụng một con người cho những mục đích này, cũng như Ngài không chấp nhận thứ ngôn ngữ luận chiến và hung hăng. Hơn nữa, Ngài dùng ngón tay viết trên mặt đất: ngôn ngữ của Ngài, được viết trong trường hợp này, không phải là ngôn ngữ của các kinh sư và người Pharisêu. Trước sự nài nỉ của họ, lúc đó Ngài mới ngẩng đầu lên đáp: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Gioan 8;7).
Trước khi đi sâu vào câu trả lời này, tôi muốn nhìn lại một chút khuôn mặt của người phụ nữ này. Cô ấy là một người ngoại tình: một tội nhân. Nhưng các tiên tri nhiều lần cũng nói về dân của Thiên Chúa như là một dân hoàn toàn ngoại tình: họ đã bỏ Chúa là Đấng yêu thương họ. Trước vẻ mặt khiếp sợ của người phụ nữ này, chúng ta cũng có thể thoáng thấy khuôn mặt của một dân tộc đang trong thời khắc khủng hoảng, biến động. Tiên tri Êdêkien nói: “Ta sẽ xét xử ngươi như xét xử những phụ nữ ngoại tình và những kẻ mắc tội đổ máu. Ta sẽ làm cho máu ngươi phải đổ ra vì Ta phẫn nộ và ghen tương. Ta sẽ trao nộp ngươi vào tay chúng, sẽ phá huỷ mô đất của ngươi, triệt hạ gò nổng của ngươi; chúng sẽ lột áo ngươi ra, lấy các đồ trang sức của ngươi; chúng sẽ bỏ ngươi lại trần truồng, không mảnh áo che thân. Chúng sẽ triệu tập đại hội để trừng phạt ngươi; chúng ném đá ngươi và lấy gươm tàn sát ngươi” (Êdêkien 16: 38 – 40). “Phần các ngươi, hỡi những kẻ chuyên nghề bói toán, hỡi giống nòi dâm đãng ngoại tình, hãy đến cả đây! Này các ngươi nhạo cười ai vậy? Các ngươi mở miệng, le lưỡi chống lại ai? Há các ngươi không phải là con của tội ác, là nòi giống của gian dối hay sao?” (Isaia 57: 3-4) “Thế nhưng, người đàn bà thất trung với bạn mình làm sao, thì, hỡi nhà Israel, các ngươi cũng thất trung với Ta như vậy, sấm ngôn của Thiên Chúa” (Giêrêmia 3: 20). Thánh vịnh nói: “Mọi người đều giả dối!” (Tv 116). Thư gửi tín hữu thành Rôma nói lên ý tưởng này, với ý thức rằng mọi người đều là tội nhân:
“Thật vậy, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý. Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn. Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hoá. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình.
Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng, Lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu,30 vu oan giá hoạ. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương. Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là: hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy “ (Rôma 1: 18:32).
Đó không phải là một tội lỗi tập thể, mà là sự lựa chọn của nhiều người. Ngoại tình – như các nhà tiên tri than thở – là phản bội tình yêu chung thủy của đời mình dành cho mình, để kiếm thêm một thú vui, để giải thoát mình khỏi một tình yêu quá lớn và chỉ giữ một trái tim nhỏ nhen! Tất cả chúng ta đều là tội nhân: “sau khi nghe điều này, bỏ đi từng người một, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất” Những người đã sống lâu nhất biết rằng trong cuộc đời có biết bao là tội lỗi và sự hấp dẫn của sự phản bội. Tất cả chúng ta đều thuộc về dân tộc ngoại tình, bởi vì chúng ta không chung thủy. Nhưng Chúa Giêsu không khinh thường những kẻ ngoại tình và tội lỗi này: Ngài ở giữa họ.
Chúa Giêsu không có vũ khí: ngài không nổi loạn chống lại những người đã đưa người phụ nữ đến với Ngài. Ngài cũng không chống lại người phụ nữ. Ngài im lặng, cho đến khi Ngài còn một mình với cô ấy, ở đó, vẫn ở giữa. “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? ” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Chúa Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” Sức mạnh của lời nói của Ngài đã khiến họ phải bỏ đi. Vị Thầy bị tước vũ khí này đã tước vũ khí của những con tim đầy giận dữ, bạo lực và gian dối.
Đó là lần đầu tiên người ta nghe thấy giọng nói của người phụ nữ, không còn bị bóp nghẹt bởi nỗi kinh hoàng: “Thưa ông, không có ai cả”. Trong câu trả lởi này này có sự biết ơn về một sự hiện diện lớn lao, bất ngờ và đầy thương xót. Vì vậy, những lời của Vị Thầy, mà nhiều người có thể đã kết tội lòng vị tha hoặc việc Ngài không trung thành với lề luật khi Ngài đối xử với người phụ nữ, những lời ấy trở nên rõ ràng, thực sự trở nên phù hợp vời lề luật. Rõ ràng, bởi vì Ngài đầy lòng thương xót: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” Nhưng trên hết, Người nói với cô ấy: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!”. Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ” (Gioan 3: 17). Chính Ngài là Chúa và là Thầy đầy lòng thương xót của chúng ta. Và cùng với tất cả những tội nhân trên trần thế chúng ta chúc tụng Ngài.
Phêrô Phạm Văn Trung (theo santedigio.org).