“Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét” (Luca 1: 39)
I/ Kế hoạch tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
Hai người phụ nữ chào nhau: một già, một trẻ; và cùng nhau, họ đúc kết toàn bộ lịch sử thánh: đằng sau bà Êlisabét già nua là bóng tối của hàng thế kỷ chuẩn bị lâu dài, và phía trước là Đức Maria, rạng rỡ, không vết nhăn, loan báo Dân mới của Thiên Chúa sẽ được Chúa Giêsu thiết lập. Họ có điểm chung là niềm hy vọng và tình thương của người mẹ, là những thứ giúp con người trọn vẹn của họ đi vào kế hoạch của Thiên Chúa. Bà Êlisabét hiếm muộn, còn Cô Maria quyết định sống đồng trinh. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, Thiên Chúa tỏ mình ra là người dễ bị tổn thương như vậy, khi so sánh với Thiên Chúa trong Cựu Ước, là “Yahweh Sabaoth – Chúa các đạo binh” (Isaia 6: 2-3), từ này xuất hiện 279 lần trong Cựu ước. “Dân sai người đi Silô; từ đó họ mang về Hòm Bia Giao Ước của Thiên Chúa các Đạo Binh, Đấng ngự trên các thần hộ giá” (1 Samuel 4:4). Thiên Chúa các đạo binh là “Trang Chiến Binh hùng mạnh” như trong sách Xuất hành mô tả:
“Xa mã Pharaô, Ngài xô xuống lòng biển,
tướng dũng với binh hùng chết chìm trong Biển Sậy.
Vực thẳm vùi lấp chúng, chúng chìm xuống nước sâu
chẳng khác nào hòn đá.
Lạy Chúa, tay hữu Ngài đã biểu dương sức mạnh.
Tay hữu Ngài, lạy Chúa, đã nghiền nát địch quân.
Lấy dũng lực oai hùng, Chúa quật ngã đối phương;
Ngài nổi cơn thịnh nộ, thiêu chúng cháy như rơm.”
(Xuất Hành 15: 3-7).
Thiên Chúa sẽ cứu dân Israel bằng cánh tay quyền lực: “Chính Ta đã làm nên cõi đất, con người và súc vật trên mặt đất, nhờ sức mạnh lớn lao và cánh tay uy quyền của Ta” (Giêrêmia 27: 5), đánh bại các kẻ thù ghét hãm hại dân Ngài, “Vì khi Thiên Chúa các đạo binh đã quyết định, ai có thể cản ngăn, cánh tay Người đã giơ ra, ai có thể làm cho rút lại?” (Isaia 14:27). Thế mà giờ đây, Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Ngài qua hai người phụ nữ không ai biết tới, bất lực và yếu đuối. Chính từ hai người phụ nữ này mà Thiên Chúa đã cho hạ sinh hai người con, một con trẻ được chính người cha của mình, là Dacaria, nói đến trong bài ca “Benedictus – Chúc Tụng” bất hủ: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Ngài.” (Lc 1, 76) và được chính Chúa Giêsu ca tụng là “Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Mt 11: 9-11). Còn trẻ kia được nhà tiên tri vĩ đại Isaia tiên báo 750 năm trước đó: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Ngài gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Ngài là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình.” (Isaia 9: 5). Cũng vị tư tế Dacaria, cha của Gioan Tẩy Giả, được đầy Thánh Thần, đã ví trẻ thơ này như là Vầng Đông, trong Bài Ca Benedictus đó: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79). Thực ra chính Thiên Chúa đã lên kế hoạch cứu độ loài người, qua trẻ thơ này, ngay từ buổi đầu tiên, khi hai ông bà nguyên tổ chọn cách sống bất tuân và bất cần Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa phán: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” ( St 3, 15). Trẻ thơ này chính là Ngôi Lời Thiên Chúa: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Ngài vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Gioan 1: 1-4). Tác giả Tin Mừng thứ tư cũng đã suy niệm và viết tiếp: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người… Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Ngài, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Ngài, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. Ông Gioan làm chứng về Ngài, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Ngài đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Gioan 1: 9-15).
II/ Những tâm hồn khiêm hạ đón nhận Thiên Chúa.
Hai người phụ nữ khiêm hạ, chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa, đã được Ngài tuyển chọn vào công trình cứu độ của Ngài: “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Luca 1: 40-43). Bà Êlisabét không biết gì về mầu nhiệm của Mẹ Maria! Bây giờ bà đang đứng trước mầu nhiệm đó. Bây giờ bà biết rằng Mẹ Maria là Nữ tử Sion, là người mang trong mình Con của Cha Vĩnh Cửu, Đấng Cứu Độ của bà.
Chính nhờ Lời Chúa mà chúng ta, cũng như bà Êlisabét, tiến tới đón nhận Chúa Giêsu trong máng cỏ cõi lòng của mình. Như xưa máng cỏ khiêm tốn hang bò lừa Bêlem đón nhận và tỏ hiện trẻ thơ Giêsu, thì nay máng cỏ cõi lòng hèn kém của chúng ta đón nhận Bí tích Thánh Thể được Chúa Kitô cử hành và trao ban. Trẻ thơ Giêsu vốn là Ngôi Lời trong mầu nhiệm thẳm sâu của Thiên Chúa đã lên tiếng khi xưa với trần thế, qua tiếng ca của các thiên thần:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”
(Luca 2: 14).
Thì nay Chúa Kitô cầm lấy bánh và rượu trần gian để làm nên sự hiện diện thường xuyên và mãi mãi của Ngài giữa con cái loài người, và trao ban chính Mình và Máu của Ngài để phàm nhân trở nên giống Thiên Chúa, như Thánh Gioan Kim Khầu nói: “Con Thiên Chúa đã trở nên con của loài người để làm cho con người trở nên con Thiên Chúa.” Trong thư thứ 2 của mình, thánh Phêrô coi đó là món quà quý giá lớn lao: “Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Ngài đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa…” (2 Phêrô 1: 4). Tình thương của Thiên Chúa dành cho loài người không bao giờ vắng mặt, như ĐTC Bênêđictô XVI nói: “Người luôn luôn tìm đến chúng ta – qua những con người mà Ngài soi sáng; qua Lời của Ngài, trong các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể”. [1]
Ơn cứu độ của chúng ta không phải chỉ là một biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, mà còn là một sự bày tỏ vinh quang của Ngài. Chính khi Thiên Chúa biểu lộ tình thương của Ngài cho loài người, qua mầu nhiệm Nhập thể khi xưa và mầu nhiệm Thánh Thể hôm nay, thì Ngài đang tỏ lộ vinh quang từ muôn thuở của Ngài cho họ. Chính khi chúng ta đáp lại tình thương của Thiên Chúa, chúng ta đang làm vinh danh Ngài, là điều mà chúng ta cần phải khát khao thực hiện: “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Mt 6:9). Mà tình yêu nơi Thiên Chúa thì vô cùng vô tận, bởi chính “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:16), thì vinh quang của Ngài sẽ không bao giờ vơi bớt. Nếu chúng ta muốn vui hưởng vinh quang bất diệt của Thiên Chúa, không có một lựa chọn nào khác là chúng ta yêu mến Ngài “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22: 37) bởi vì Thiên Chúa mãi muôn đời xứng với vinh quang:
“Thiên Chúa ta thờ là Đấng cứu độ,
Đấng vinh hiển uy quyền!…
Đức Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng
đã lên ngôi hiển trị.
Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ
dâng Chúa lời tôn vinh.”
(Khải Huyền 9: 1,6).
Vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện khi Mẹ Maria, đang cưu mang Con Đấng Tối Cao, cất tiếng chào bà Êlisabét: thai nhi, vốn được cầu khẩn bởi hai bậc cha mẹ cao niên hiếm muộn, bỗng nhảy mừng trong cung lòng son sẻ của bà Êlisabét. Bấy giờ, bà Êlisabét được tràn đầy Chúa Thánh Thần và cất tiếng ngợi ca rằng: “Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Luca 1: 44-45). Hai bà mẹ khiêm nhường mặt đối mặt khắc ghi cuộc gặp gỡ thánh thiêng vô hình của hai trẻ thơ.
Chúa Giêsu khoác cho mẹ Ngài phẩm giá Mẹ Thiên Chúa, một phẩm giá được Giáo hội mừng trọng thể bẩy ngày sau Lễ Giáng Sinh, ngày bắt đầu một Năm Mới, một khoảng thời gian mới của nhân sinh, nhưng vẫn là thời gian Thiên Chúa cứu độ qua Người Con của Ngài theo thần tính, cũng là Người Con của Mẹ Maria theo nhân tính. Chúa Giêsu cũng khoác cho mẹ Ngài phẩm giá Nữ Vương, một phẩm giá được Giáo hội mừng kính bẩy ngày sau Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Với tư cách là Mẹ của Con Thiên Chúa và Mẹ của Đấng Cứu Độ, Mẹ Maria cũng tham dự vào địa vị của Người Con của Mẹ là Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Mẹ dự phần trong cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô trên tội lỗi, trên sự chết, trên Satan, và Mẹ cũng chính là Đấng Chiến Thắng nhờ vào chiến thắng của Con Mẹ trên những quyền lực chống lại Thiên Chúa.
Còn Gioan thức tỉnh mẹ mình về những mầu nhiệm của Thiên Chúa, cũng là để thông báo với trần thế và với mỗi người con được người phụ nữ sinh ra rằng sự bất hạnh của người phụ nữ đầu tiên của nhân loại, bà tổ Eva, đã bị vượt qua, đã trở thành hậu cảnh dĩ vãng, đã trở thành “O Felix culpa”. Ngày nay Giáo hội hân hoan xướng lên “Ôi, Tội Hồng Phúc” trong đêm Phục Sinh, trong ánh sáng linh thiêng huy hoàng, thành lời ca mừng chiến thắng khải hoàn của Chúa Kitô, là niềm vui của nhân loại được giải thoát khỏi ách nguyên tội, như bài ca Exultet – Mừng Vui Lên diễn tả: “Tội Ađam quả là cần thiết, tội được xóa bỏ nhờ cái chết của Chúa Kitô. Ôi, tội đã hóa thành hồng phúc, nhờ tội chúng con mới có được Đấng Cứu Tinh cao cả dường này!”
Cuộc đối thoại đầu tiên về niềm hy vọng của trần thế là của hai người phụ nữ mang thai, là hình ảnh của niềm mong đợi và hạnh phúc. Chính Thiên Chúa muốn có và tạo nên cuộc đối thoại ấy. Ngôi Ba Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, Đấng đầu tiên bao trùm Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Luca 1: 35), cũng bao bọc bà Êlisabét: “Và bà được đầy tràn Thánh Thần” (Luca 1: 41). Giáo hội, giống như Mẹ Maria, mang trong mình mầu nhiệm của Chúa Giêsu, trao ban mầu nhiệm đó cho trần thế qua các bí tích, giống như Mẹ Maria biếu tặng mẩu nhiệm Nhập Thể cho bà Êlisabét. Đối với Giáo Hội mầu nhiệm đó là Quà tặng thực sự của Thiên Chúa , một Ân Huệ mà Giáo Hội luôn sống trong đó. Nhờ Bí tích Rửa tội, Mẹ Hội Thánh sinh ra những con cái mới của Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thánh Thể, Mẹ Hội Thánh ban cho những con cái ấy Mình và Máu Chúa Giêsu, mầu nhiệm sự sống của Chúa Kitô Phục sinh.
III/ Phúc cho những ai tin nhận và tuân giữ Lời Chúa.
Mối phúc của Đức Maria bắt nguồn từ đức tin: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em” (Luca1: 44-45). Chúa Giêsu sẽ công bố điều đó một cách long trọng khi một người phụ nữ cất tiếng nói với Ngài: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” (Luca 11: 27). Ngài đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Luca 11: 28). Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu sẽ ban phúc cho những ai đón nhận và tuân giữ Lời của Chúa! Thiên Chúa qua Thần sứ Gabriel mặc khải cho Mẹ Maria ơn phúc mà Mẹ chưa từng nghĩ tới: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Ngài sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Ngài. Ngài sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận.” (Luca 1: 31-33). Mẹ không mảy may nghi ngờ quyền năng của Thiên Chúa , không như vị tư tế Dacaria khi nghe báo tin mình sẽ có con nối dõi trong tuổi già: “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan…” (Luca 1: 13) ông đã đặt vấn đề với thiên sứ “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi ” (Luca 1: 18). Chính vì yếu tin nên Dacaria phải lãnh chịu lời phán xử của Thiên Chúa: “Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi” (Luca 1: 19-20). Còn Mẹ Maria, Mẹ tin vào Lời Thiên Chúa, Mẹ chỉ xin Sứ thần chỉ bảo cho biết việc thụ thai sẽ xẩy ra bằng cách nào, vì Mẹ đã khấn hứa sống đời khiết trinh: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Luca 1: 34). Chính vì thế “Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Luca 1: 35-37). Mẹ liền thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Luca 1:38).
Và sau khi đón nhận “đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng” (Luca 1: 28), Mẹ Maria tỏ lộ Chúa Giêsu, trao tặng Ngài cho bà Êlisabét, như Lời Chúa hôm nay mặc khải cho chúng ta biết: “Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét” (Luca 1: 39) . Chính Mẹ là người mang mầu nhiệm về Thiên Chúa hằng sống đến với thế trần. Khi Thiên Chúa mặc khải cho Mẹ Maria mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì Ngài cũng mạc khải cho Mẹ mầu nhiệm về Ngôi Con trong ngôi vị con người. Khi Chúa Thánh Thần bao phủ Mẹ bằng bóng của Ngài, Đức Maria khám phá ra mình là con gái bé bỏng của Chúa Cha, và Mẹ sẽ cưu mang Người Con của Chúa Cha. Mẹ phát hiện ra Người Con duy nhất của Chúa Cha được ban tặng cho Mẹ trở thành người con bé bỏng của chính mình. Đó không phải là ý niệm, nhưng trước nhất đó là một cảm nghiệm, dù chúng ta vẫn cần phải suy niệm về những “sự việc – sự kiện” này để đi vào mầu nhiệm Giáng sinh. Mẹ Maria mang trong mình mầu nhiệm kép, đó là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập thể, và Mẹ đã dẫn đưa người chị họ của mình là Êlidabét vào mầu nhiệm đó. Bây giờ mỗi người chúng ta có thể tham dự vào việc chiêm ngắm mầu nhiệm kép này: Ngôi Lời Nhập Thể – Thiên Chúa Làm Người. [2]
Chương đầu tiên của sách Gioan cho chúng ta biết rằng Ngôi Lời đã đến với người nhà của Ngài và người nhà của Ngài đã không đón nhận Ngài: “Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Gioan 1: 9). Dù cũng có một số người ngoại lệ được tái sinh bất ngờ, đón nhận Thiên Chúa và trở thành con cái của Thiên Chúa nhưng nhân vật hôm nay trong Kinh thánh thì lại vượt ra khỏi điểm xuất phát bình thường của con người: đó là Mẹ Maria. Mẹ đúc kết và trổi vượt hơn tất cả những người đã đón nhận Thiên Chúa. Bằng cách đón nhận Thiên Chúa, trong tin tưởng, yêu mến và phó thác, tất cả một cách trọn vẹn, Mẹ vừa trở nên con Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, vừa trở thành mẹ của Con Thiên Chúa theo nhân tính. Đây là hiệu quả của niềm tin vào Thiên Chúa ở mức độ cao nhất, của Đức tin Kitô giáo.
IV/ Cùng Mẹ Maria hát bài Magnificat.
Những gì Mẹ Maria sống tròn đầy, chúng ta cũng sống như thế theo tầm mức của chúng ta: đức tin của chúng ta giúp chúng ta đón nhận Thiên Chúa và qua đức tin, chúng ta đem Thiên Chúa vào trần thế, chúng ta để cho Ngài tiếp cận với nhân giới của chúng ta. Vì vậy, Thiên Chúa đặt mình trong tay loài người và chúng ta biết điều đó sẽ đi đến đâu. Mẹ Maria là Con gái của Thiên Chúa, mẹ của Chúa Kitô, vốn là Thiên Chúa, là Đấng tự làm cho mình nên rất nhỏ bé. Mẹ Maria vốn dĩ đã sống tinh thần thơ bé thì nay Mẹ lại càng tự nguyện trở nên nhỏ bé hơn trong kế hoạch của Thiên Chúa, một kế hoạch lớn lao nức lòng trời đất. Mẹ cảm biết niềm hân hoan của sự thành toàn đang dần được hoàn thành nơi trần thế, qua Mẹ: Mẹ là nhân tính thành toàn, được nâng lên hàng đầu bởi vì Mẹ đã tự biến mình thành nữ tỳ trong đức tin khiêm hạ của Mẹ.
Đây là những gì bài ca Magnificat – Ngợi khen nhắc lại với chúng ta.
“Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Ngài đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Ngài thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Ngài.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Ngài,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Ngài nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Abraham
và cho con cháu đến muôn đời.”
(Luca 1: 46-65)
Bài ca Magnificat là những gì xảy ra cho Mẹ Maria và cũng là những gì sẽ xảy ra cho tất cả những người khiêm hạ, cho tất cả những người đón nhậnThiên Chúa cách đơn sơ thành tâm, cho tất cả những người đói khát sự công chính. Một lần nữa, chúng ta thấy rằng những gì xảy ra với Mẹ Maria là hình ảnh báo trước những gì sẽ xảy ra với tất cả chúng ta nếu chúng ta biết nói “Xin vâng” với Thiên Chúa. Magnificat vừa là một bài ca cá nhân vừa là bài ca của Hội Thánh. Magnificat là một cầu nối giữa Cựu và Tân Ước, giữa Israel và Hội Thánh, như Mẹ Maria là đỉnh cao của Giao ước giữa Thiên Chúa với dân riêng của Ngài và khai mở một dân mới. Đây là bài ca của dân mới, tức Hội Thánh, được cất lên trên môi miệng của Mẹ Maria và qua đó con cái của Hội Thánh, cũng là con cái của Mẹ, hợp tiếng của mình với tiếng của Mẹ Chúa Giêsu, không ngừng lặp lại trong dòng thời gian, vì Mẹ là hình ảnh của nhân loại thành toàn. [3]
Xin Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, dạy cho chúng ta sự thinh lặng của cõi lòng để chiêm ngắm Kế hoạch Tình Thương Cứu Độ mà Thiên Chúa mong muốn qua Ngôi Lời Nhập Thể.
Chúng ta cầu xin ơn đổi mới trong đức tin, niềm trông cậy và lòng mến của chúng ta, để nhờ Mẹ Maria, chúng ta đến cùng Con của Mẹ là Chúa Kitô Giêsu, và nhờ Chúa Kitô Giêsu, chúng ta đến cùng Thiên Chúa Cha là nguồn sự sống, nguồn ánh sáng và Ơn Cứu Độ muôn đời.
Phêrô Phạm Văn Trung biên tập.
Chú thích:
[1] Đức Bênêđictô, Thông điệp Deus caritas est, 25.12.2005, số 17.
[2] pere-gibert-adam.org
[3] croire.la-croix.com