Tông sắc “Misericordiae Vultus” (Dung mạo của Lòng thương xót), được Đức Thánh Cha Phanxicô mở đầu bằng lời tuyên xưng: “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này” (số 1).
Để nhấn mạnh chủ đề Lòng Chúa thương xót, logo của năm Thánh khắc họa chân dung Chúa Giêsu vác người tội lỗi trên vai. Ở đó, một trong những nét độc đáo là đôi mắt của Chúa quyện vào cùng đôi mắt người tội lỗi.
Hình ảnh này diễn tả ánh nhìn của Chúa, vị Mục Tử nhân lành, như không chỉ chạm đến trái tim, mà còn chạm đến cách sâu xa tận tâm hồn người có tội bằng tình yêu mãnh liệt đến nỗi đủ sức công phá thành trì tội lỗi tấn công linh hồn và làm thay đổi diện mạo, sức sống của linh hồn.
Nhưng chạy dọc logo, người ta còn thấy hàng chữ “Thương xót như Chúa Cha”. Vì thế, ánh mắt nhân từ của Chúa Giêsu, còn thể hiện cách hiện sinh tấm lòng đầy tình xót thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ ngừng thương xót. Người thể hiện tình yêu thương xót nơi Chúa Giêsu càng mạnh mẽ, càng quyết liệt hơn bao giờ hết..
Như một minh chứng cụ thể cho đôi mắt triều mến, bao dung từ tấm lòng xót thương của Chúa; đôi mắt chan chứa yêu thương trào tràn từ trái tim dạt dào tình yêu dành cho người đau khổ; đôi mắt xuyên thấu tâm tình cũng như nhu cầu sâu xa của nhân loại, Tin Mừng Chúa nhật thứ X thường niên năm C (Lc 7, 11-15) giới thiệu hình tượng một hiện diện nhân từ mà Chúa dành cho người mẹ mất con.
Thánh Luca kể, một lần, trên đường đi, đến thành Naim, trông thấy một bà góa khóc lóc đau khổ đang cùng đám đông khiêng một người chết là đứa con trai duy nhất của bà đi chôn, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương.
Ánh nhìn của đôi mắt mà Chúa dành cho bà như hiểu thấu tận tâm can nỗi đau cùng cực trong tuyệt vọng của bà mẹ góa mất con, mà là con duy nhất. Chúa đã hành động. Người an ủi bà và nói với bà: “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13). Chúa đến gần sờ vào quan tài và nói với người chết: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy” (7,14).
Bằng lời quyền năng, Chúa đã cho người chết sống lại. Người “trao anh ta cho bà mẹ” (7,15). Chứng kiến sự kiện xảy ra, mọi người có mặt kinh ngạc. Họ tôn vinh, chúc tụng “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (7,16).
Nói như Đức Thánh Cha Phanxicô “Trong Chúa Giêsu thành Nazareth, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha nên sống động và rõ ràng, đã tìm thấy đỉnh điểm của nó” (Misericordiae Vultus, số 1), thì nơi những trang Tin Mừng cho biết tình yêu thương xót vượt biên cương của Chúa Giêsu, ta thấy tình yêu của Thiên Chúa chí thánh là vô cùng, là không tài nào diễn tả.
Chúa Giêsu Kitô hôm nay cũng như hôm qua và mãi mãi. Người vẫn đang dành cho mỗi người ánh mắt của Lòng Xót Thương, như Người đã dành cho bà góa đau khổ thành Naim xưa.
Điều còn lại là ta có nhận ra ánh mắt của Chúa hay không. Một khi cảm nhận ánh mắt yêu thương của Chúa, ta cũng sẽ nhận ra lòng thương xót mà Chúa trao tặng suốt cuộc đời ta, để rồi, bằng mọi giá, đáp lại tương xứng hết sức tình yêu mà Chúa dành cho.
Nếu Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu, thì chính bản thân Chúa Giêsu, không ngần ngại chia sẻ tình Cha với chúng ta. Bởi khi cất lên lời thưa Ápba – Cha ơi (x.Mc 14,36), Chúa Giêsu cũng dạy hãy cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.
Như vậy, Chúa Giêsu cho phép ta cũng được cầu nguyện với Cha của Người bằng từ ngữ thân thương “Ápba, Cha ơi”. Người mở cánh cửa ngôi nhà của lòng thương xót của Thiên Chúa, để ta bước vào, cùng Người gặp gỡ Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương.
Thiên Chúa là Cha. Người không xa cách nhưng luôn gần gũi chúng ta. Người không ngừng bao bọc, chở che, giữ gìn từng người một. Cuộc sống của mỗi người chính là tặng phẩm cao quý Thiên Chúa là Cha trao ban.
Đã làm người, ai cũng được phép cảm nhận bàn tay nhân từ của Chúa Cha ấp ủ, che chở và đỡ nâng. Ai cũng được phép kêu lên người Cha giàu lòng thương xót, mỗi khi chạm phải những thách thức, những khổ đau trong đời, dẫu cho người đó có là tội nhân đi nữa.
Hãy chạy đến thân thưa cùng Thiên Chúa: Lạy Cha giàu lòng thương xót, xin thương xót con.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG