Không gì có thể huỷ diệt đời sống con người
Nắng và gió làm khô kiệt nước trên ruộng đồng, ao hồ… khiến người ta tưởng rằng nước đã mất đi nhưng thực ra nước ấy vẫn còn: Nước biến thành hơi rồi tích tụ thành mây và lại mưa xuống chan hoà trên mặt đất.
Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học có thể tiêu hủy nước, biến nó thành hydrô và ôxy. Nhưng rồi khi điều kiện cho phép, hydrô và ôxy hòa hợp lại với nhau để thành nước.
Ở nhiệt độ dưới Oo C, nước hóa thành băng đá, nhưng rồi khi nhiệt độ lên cao, băng đá lại tan thành nước.
Như thế, nước có thể thay hình đổi dạng, bị biến đổi chứ không hề bị tiêu diệt.
Tương tự như thế, con người có thể bị biến đổi chứ không thể bị tiêu tan.
Đời nầy và đời sau là hai giai đoạn của một cuộc đời.
Có người cho rằng: Chết là hết, không có sự sống đời sau, không còn gì hết.
Nếu quả thật như thế thì cuộc sống của con người thật là bi đát, bởi vì, một khi cái chết đến nó sẽ cướp đi tất cả. Tiền rừng, bạc biển, công danh sự nghiệp lẫy lừng cũng chẳng đem lại lợi lộc gì cho kẻ đã chết.
Theo Giáo Huấn của Hội Thánh Công Giáo: Chết không phải là chấm dứt nhưng là bắt đầu một cuộc sống mới.
Đời nầy và đời sau là hai giai đoạn của một cuộc sống.
Hôm nay, con lăng quăng ngo ngoe trong vũng nước, nhưng mai đây nó sẽ hoá thành muỗi, giã từ vũng nước và bay sang môi trường khác.
Hôm nay, con sâu còn nằm yên trong tổ kén; mai đây, nó hoá bướm bay lượn đó đây.
Hôm nay, hạt lúa bị chôn vùi trong bùn đất, tưởng sẽ mục nát đi, ai ngờ mấy tháng sau nó hoá thành bụi lúa sum suê mang nhiều bông hạt…
Cũng thế, đời nầy con người sống tạm trên mặt đất, nhưng mai đây, con người sẽ từ giã cõi trần để bước sang một thế giới khác.
Như thế, chết không phải là bị tiêu diệt, nhưng là biến đổi. Thánh Phaolô viết:“Chúng ta sẽ không chết, nhưng hết thảy chúng ta sẽ được biến đổi… vì chưng cái hư hoại nầy sẽ mặc lấy bất hoại, đồ chết dở nầy sẽ mặc lấy trường sinh bất tử. (I Cor 15, 51. 53)
Chúa Giê-su dạy có sự sống đời sau
Khi những người thuộc phái Xa-đốc đến hỏi Chúa Giê-su về cuộc sống đời sau, Chúa Giê-su khẳng định là có. Ngài dạy rằng có “những người được xét là đáng được hưởng phúc đời sau thì không còn chết nữa. Họ giống như các thiên thần” (Lc 22, 36).
Trong dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng, Đức Giê-su cũng tỏ cho thấy kẻ dữ thì “phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng lấy sự sống muôn đời.” (Mt 25,46) Như thế, Chúa Giê-su khẳng định không những có cuộc sống đời sau mà còn cho biết cuộc sống đó sẽ kéo dài “muôn đời muôn kiếp.”
Ngoài những lời dạy của mình, Chúa Giê-su còn dùng cả cuộc đời của Ngài để minh chứng cho thấy có cuộc sống đời sau.
Sự kiện Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết chứng tỏ có sự sống đời sau.
Dù là Thiên Chúa quyền năng, Chúa Giê-su đã trở nên hoàn toàn là người như chúng ta, đã sống kiếp phàm trần như chúng ta, đã chết y hệt như chúng ta và qua ngày thứ ba, Ngài đã từ trong cõi chết sống lại và lên trời vinh hiển. Điều nầy chứng tỏ có sự sống đời sau.
Công trình cứu chuộc của Chúa Giê-su chứng tỏ có sự sống đời sau.
Nếu không có cuộc sống đời sau, không có thiên đàng hoả ngục, con người chết rồi là hết, và sau khi chết, ai cũng chỉ còn là tro bụi như ai… thì cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su là hoàn toàn vô ích, cái chết đau thương của Chúa Giê-su trên thập giá chẳng mang lại lợi ích gì cho bất cứ ai. Chẳng lẽ Ngôi Hai Thiên Chúa lại chịu khổ nạn và chịu chết cách vô ích sao?
Để đổi lấy sự sống đời sau – một cuộc đời hạnh phúc vĩnh cửu – cho nhân loại, Chúa Giê-su đã không ngại trao hiến thân mình. Điều nầy chứng tỏ cuộc sống mai sau hoàn toàn có thực.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho niềm tin vào cuộc sống đời sau trở thành một động cơ mạnh mẽ thúc đẩy chúng con sống tốt lành thánh thiện để mai đây được hưởng phúc đời đời.
Xin cho niềm hy vọng nầy cũng thúc đẩy chúng con hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng lễ nhiều hơn trong tháng mười một nầy để cầu cho ông bà cha mẹ và các tín hữu đã ra đi trước chúng con được về quê trời vui hưởng hạnh phúc ngàn thu.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà