Đã nhiều lần chúng ta nhìn thấy bức tranh vẽ hay điêu khắc đôi bàn tay gầy guộc chắp vào nhau hướng lên trời. Nhiều người chỉ biết rằng đây là biểu tượng của cầu nguyện. Thực ra, đôi bàn tay này do một người em đã vẽ bàn tay người anh. Một bàn tay vất vả hy sinh lao động để nuôi em ăn học.
Chuyện kể rằng có một gia đình nghèo gồm 18 người con. Hai người con lớn trong nhà đều chung ước mơ trở thành họa sĩ. Nhà nghèo nên họ quyết định chỉ một người đi học. Họ sẽ tung một đồng xu. Người thua sẽ làm thợ mỏ, dùng toàn bộ thu nhập để chu cấp cho người thắng đi học. Sau này thành tài người thắng sẽ giúp ngược lại.
Đồng xu được tung lên, người em thắng cuộc và được đi học. Người anh trong suốt 4 năm, làm lụng để nuôi người anh em của mình ăn học. Sau 4 năm thành họa sĩ nổi danh, người em muốn thực hiện lời cam kết ngày nào nên trong bữa ăn sum họp, người em đứng dậy để cảm ơn người anh trai đã hy sinh 4 năm giúp mình hoàn thành được ước mơ. Người em nói:
– Anh Albert, bây giờ đã đến lượt anh. Anh hãy theo đuổi ước mơ của mình. Em sẽ lo toàn bộ chi phí và chăm sóc gia đình. Albert mỉm cười, rồi bật khóc:
– Không, anh không thể vẽ được nữa. Đã quá muộn rồi. Bây giờ, sau 4 năm làm việc trong hầm mỏ, không còn ngón tay nào của anh là lành lặn. Thậm chí bây giờ anh còn bị thấp khớp ở tay phải nặng tới mức không thể nâng nổi một chiếc ly, nói gì đến việc cầm cọ vẽ. Cảm ơn em, nhưng bây giờ đã quá muộn rồi…
Trước tình yêu quá cao vời của anh, người em đã thực hiện một tác phẩm cẩn thận nhất trong đời: vẽ lại đôi bàn tay của anh trai mình, với lòng bàn tay hướng vào nhau và những ngón tay gầy guộc hướng lên trời. Ông chỉ gọi bức tranh của mình đơn giản là “Đôi tay”, nhưng cả thế giới đều đặt tên cho kiệt tác đó là “Đôi tay cầu nguyện”.
Xem ra đôi bàn tay còn có ý nghĩa là trao ban, là hy sinh cho người mình yêu. Đôi bàn tay ấy đã nâng ước mơ cho người em thành tài trong cuộc đời.
Hôm nay thứ năm tuần thánh cũng mời gọi chúng ta chiêm ngắm một tình yêu tự hiến qua hình ảnh tấm bánh bẻ ra để trao ban. Chúa Giê-su đã lưu dấu mãi tình yêu tự hiến cho người mình yêu. Ngài muốn chúng ta mỗi khi ăn tấm bánh ấy phải loan truyền tình yêu tự hiến của Ngài đến muôn đời. Một tình yêu cho đi mà không mong đền đáp. Một tình yêu hiến dâng quên đi cả tính mạng của mình. Một tình yêu chịu nghiền nát thành của ăn cho người mình yêu.
Trong bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ, Chúa đã chọn tấm bánh như một biểu trưng, một dấu chỉ cho cả cuộc đời mình. Tấm bánh được làm nên là vì sự sống, vì niềm vui của người khác mà không bao giờ là cho chính bản thân mình. Có thể đó là tấm bánh đơn sơ, dân dã đem lại niềm vui cho trẻ thơ mỗi khi mẹ đi chợ về. Có thể đó là tấm bánh nhỏ bé nhưng vô cùng cần thiết, đem lại sức sống cho người đang đói lả. Bánh có thể được đặt trang trọng trên những bàn tiệc thịnh soạn. Bánh có thể được nâng niu trên đôi tay gầy gò, run rẩy của người hành khất bên vỉa hè. Như thế, Bánh không kén chọn người ăn, và dù là cao cấp hay bình dân, bánh được làm ra là để cho đi chính mình, trao tặng chính mình, để trở nên niềm vui và sức sống cho người khác. Chúa Giêsu đã trở nên tấm bánh thật vừa với tầm tay của tất cả hạng người.
Thật đơn sơ nhưng cũng vô cùng sâu xa, vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến. Khi xưng mình là bánh, Chúa Giêsu muốn bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, chịu tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu nhỏ đi để con người được lớn lên. Chúa chịu hủy hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa chịu chết cho ta được sống.
Hơn ba mươi năm đi khắp nẻo đường đời và trên đỉnh cao thập tự giá, Ngài đã sống như một tấm bánh. Tấm Bánh được bẻ ra và trao tặng như một cử chỉ yêu thương. Ngài trở nên Tấm Bánh như một lời mời gọi: “Anh em cầm lấy mà ăn”. Ngài trở nên tấm bánh để từ đây, Thiên Chúa có thể ở lại mãi với con người.
Hôm nay chúng ta kỷ niệm ngày Chúa lập bí tích Thánh Thể. Bí tích của tình yêu tự hiến. Qua tấm bánh đơn sơ nhưng nói lên tình yêu hiến dâng của Thầy Chí Thánh Giê-su chấp nhận tan biến cho người mình yêu.
Xin cho chúng ta nhận ra tình yêu vô biên của Chúa để sống ngàn đời tri ân. Xin cho cuộc đời chúng ta cũng biết tự hủy chính mình như tấm bánh đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người mình yêu. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền