“ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA, TẤT CẢ ĐỀU ĐANG SỐNG”

Sự sống lại là trọng tâm của đức tin Kitô giáo, tuy nhiên ngày nay, cũng như vào thời Chúa Giêsu, việc tin vào sự sống lại của kẻ chết không hẳn là hiển nhiên. Sự phục sinh này là trọng tâm của đức tin Kitô giáo, bởi vì sự phục sinh của Chúa Giêsu là nền tảng của niềm hy vọng của chúng ta khi đối mặt với cái chết, một thực tế hàng ngày. Thực tế về sự kết thúc cuộc sống trần thế này của chúng ta đã là điểm khởi đầu cho nhiều suy tư triết học và tôn giáo qua nhiều thời đại. Từ câu trả lời của chúng ta về ý nghĩa của cái chết, chúng ta cũng sẽ xác định được ý nghĩa của cuộc sống. Nói chung đối với câu hỏi về điều gì xảy ra ở bên kia cái chết, chúng ta có ba câu trả lời: những người không tin hoặc những người theo thuyết bất khả tri không trả lời gì cho câu hỏi này, nói cách khác chúng ta không biết gì về việc đó; hiền triết phương Đông trả lời câu hỏi này bằng thuyết luân hồi, mà trong những năm gần đây đã trở nên phổ biến ở thế giới phương Tây; cuối cùng các Kitô hữu trả lời rằng chúng ta được kêu gọi tới sự sống lại.

Trong Tin mừng hôm nay, một nhóm người Do Thái, cụ thể là những người phái Xađốc từ chối tin rằng người chết đã sống lại. Trái lại, những người Pharisêu, và phần lớn dân Do Thái, tin vào sự sống lại, như sách Macabê quyển hai nói: “chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Ngài sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2 Mcb 7:9). Giữa hai quan niệm đó, Chúa Giêsu được đề nghị làm trọng tài một cuộc tranh luận khá sôi nổi, như chúng ta có thể thấy trong chương 23 của sách Công vụ Tông đồ, nơi đó Thánh Phaoô khéo léo lợi dụng sự đối kháng này để trốn khỏi những kẻ tố cáo ngài: “Ông Phaolô biết rằng một phần Thượng Hội Đồng thuộc phái Xađốc, còn phần kia thuộc phái Pharisêu, nên ông nói lớn tiếng giữa hội nghị: “Thưa anh em, tôi là người Pharisêu, thuộc dòng dõi Pharisêu; chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử.” Ông vừa nói thế, thì người Pharisêu và người Xađốc chống đối nhau, khiến hội nghị chia rẽ. Thật vậy, người Xađốc chủ trương rằng chẳng có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần; còn người Pharisêu thì lại tin là có. Người ta la lối om sòm” (Cv 23: 6-9).  Lập luận của Xađốc là cố chứng minh niềm tin vào cuộc sống đời sau là sai lầm bằng cách đưa ra một trường hợp họa hiếm, hầu như chỉ có trong tưởng tượng. Họ dựa vào một luật lệ được gọi là Lêvira –  trong Đệ nhị luật: “Khi có những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy một người xa lạ, ngoài gia đình ; một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh em đã chết ; như vậy tên của người chết sẽ không bị xoá khỏi Israel” (Đnl 25: 5-6). Lý do cho thực hành này trên tất cả là kinh tế và xã hội: vấn đề là tìm người thừa kế có thể chịu trách nhiệm về gia sản của người đã khuất để lại.

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy tầm nhìn hạn hẹp của những người Xađốc đối thoại với Ngài. Họ tưởng tượng cuộc sống sau này giống như cuộc sống trần gian, kể cả chuyện hôn nhân. Họ đơn giản giảm thiểu sự sống vĩnh cửu thành một sự kéo dài của cuộc sống trần thế. Chúa Giêsu trả lời bằng cách chứng minh rằng những người Xađốc vừa hiểu sai lời Kinh thánh vừa hiểu sai quyền năng của Thiên Chúa, bởi vì trái với những gì họ tuyên bố, Kinh thánh loan báo về sự sống lại, kể cả trong năm sách đầu tiên của Kinh thánh, những sách duy nhất được những người Xađốc đối thủ của Ngài công nhận. Quả thật, Chúa Giêsu đã trích dẫn đoạn văn nổi tiếng từ “Bụi gai cháy bừng”: “Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Ábraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp” (Xuất hành 3: 6) “Mà Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống” (Lc 20: 38) ngụ ý rằng Thiên Chúa “chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ” (Tv 16: 10).

Bài học cũng áp dụng cho chúng ta và đặt câu hỏi cho chúng ta về cách chúng ta đọc và giải thích Lời Chúa  theo quan niệm của con người chúng ta về sự sống và cái chết, hay chúng ta để mình được “hướng dẫn về sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13) bởi Chúa Thánh Thần, Đấng giải thích Kinh thánh cho chúng ta? Niềm tin vào việc chúng ta tham dự vào sự phục sinh của Chúa Kitô dựa trên Lời của Ngài, được Thiên Chúa xác nhận và được Thánh Thần chứng thực. Hy vọng của chúng ta không chỉ là sự sống ở trần thế, mà là một tác động gây sửng sốt của Thiên Chúa, giống như một sự sáng tạo mới, sẽ dành cho chúng ta “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1Cr 2, 9). Chắc chắn, người đàn ông sẽ luôn luôn là nam tính ngay cả trong thân thể phục sinh huy hoàng của mình, và người phụ nữ sẽ luôn là “trợ thủ” của người nam, là người sẽ khơi dậy sự ngạc nhiên vui mừng của anh ta như vào buổi ban mai của sách Sáng Thế: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (Stk 2:23). Tình yêu thậm chí sẽ bùng cháy hơn bao giờ hết trong trái tim họ, theo kế hoạch ban đầu của tạo hóa. Nhưng tình trạng của nhân loại được tôn vinh sẽ không còn đòi hỏi: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (Stk 1: 28) bởi vì: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20: 34-36). Người nam và người nữ sẽ yêu thương nhau trong Thiên Chúa, là Đấng, trong Thánh Thần, sẽ cho họ dự phần vào năng lực phong nhiêu của tình yêu thần linh của Ngài. Được củng cố bởi lời hứa này, chúng ta “hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Chúa Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Chúa Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Ngài, và cùng Ngài hưởng phúc vinh quang” (Cl 3: 2-4).

Tại buổi Kinh Truyền tin ngày 11/10/2019, ĐTC Phanxicô tuyên bố niềm tin Kitô giáo về sự Phục sinh trước “mối nghi ngờ chạm đến nhân loại mọi thời đại … sau cuộc hành hương trần gian này, cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành cái gì? Phải chăng nó sẽ thuộc về hư vô, thuộc về sự chết?”

Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Trước hết, Chúa Giêsu mời gọi những người đối thoại – và cả chúng ta nữa – hãy nghĩ rằng chiều kích trần thế này mà chúng ta đang sống hiện nay không phải là duy nhất, mà còn có chiều kích khác, không còn chịu sự chết, trong đó nó sẽ được biểu lộ đầy đủ rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa … Sự chắc chắn rõ ràng này của Chúa Giêsu về sự Phục sinh hoàn toàn dựa trên sự trung thành của Thiên Chúa, là Thiên Chúa của sự sống”.

“Đối với “sự nghi ngờ” cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành gì? Phải chăng nó sẽ thuộc về hư vô, thuộc về sự chết? Chúa Giêsu trả lời rằng sự sống thuộc về Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và quan tâm đến chúng ta rất nhiều, đến mức ràng buộc danh Ngài với chúng ta: Ngài là “Thiên Chúa của Ábraham, Thiên Chúa của Isasác và Thiên Chúa của Giacóp. Thiên Chúa không phải của kẻ chết, nhưng của kẻ sống; vì mọi người đều sống cho Ngài” (37-38). Đây là sự khôn ngoan mà không khoa học nào có thể ban cho!”

ĐTC nói thêm “Ở đây mầu nhiệm phục sinh được mặc khải, bởi vì mầu nhiệm của sự sống được mặc khải: sự sống tồn tại ở nơi có mối ràng buộc, sự hiệp thông, tình anh chị em; và nó là sự sống mạnh hơn sự chết khi nó được xây dựng trên những mối tương quan thân tình thực sự và các mối dây trung tín. Trái lại, không có sự sống nào ở nơi mà người ta tuyên bố chỉ thuộc về chính mình và sống như những hòn đảo: trong những thái độ như thế này, sự chết chiếm ưu thế. Thực tế, sự Phục sinh không chỉ là sự kiện sống lại sau khi chết, nhưng nó là một cung cách sống mới mà chúng ta đã có thể trải nghiệm ngay bây giờ”. [1]

Chính vì thế, niềm tin vào sự sống lại không phải chỉ nói về những gì bên kia, mà còn đem lại ý nghĩa cho cuộc sống trần thế này, bởi vì sự sống lại nói lên tầm quan trọng, giá trị của mỗi con người ngay trần thế này. Chính nơi đây mỗi người nhận ra khả năng yêu thương và được yêu thương, và có thể cởi mở ra tham dự vào tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, với trọn vẹn thể xác, tinh thần và linh hồn của mình, trong tính duy nhất không lặp lại. Khi nói rằng cuộc sống của tôi sẽ không lặp lại là tôi coi trọng tự do và trách nhiệm của mình, là tôi khẳng định tầm quan trọng của những lựa chọn tôi đang thực hiện ngày hôm nay. Cuộc sống trần thế ngày hôm nay của tôi là con đường duy nhất dẫn đến cõi vĩnh hằng, vì đó là nơi duy nhất mà tôi có thể nhận ra khả năng yêu thương của mình, và là nơi tôi chuẩn bị chào đón tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Không có kiếp nào khác như vậy cho tôi. 

Mặt khác, tin vào sự sống lại của con người duy nhất của tôi cũng là tin rằng tình yêu của Thiên Chúa là nền tảng, chứ không phải khả năng hay sức lực cá nhân của tôi, giúp tôi thành công trong cuộc sống. Thật vậy, nếu trong cuộc đời duy nhất của mình, tôi phải lựa chọn để đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, thì tôi biết rằng việc tôi được tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu không mấy phụ thuộc vào công trạng của tôi cho bằng vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho tôi. Sự tham dự của tôi vào cuộc sống vĩnh cửu sẽ không phải là phần thưởng cho những nỗ lực lặp đi lặp lại, mà là một món quà cho không từ Thiên Chúa, Đấng mà tôi hân hoan đón nhận tình yêu của Ngài. Vì vậy, tin vào sự sống lại là khẳng định tính ưu việt của tình yêu Thiên Chúa cho không mỗi người chúng ta hơn là khả năng cá nhân của chúng ta muốn xây dựng hạnh phúc và sự cứu rỗi bằng sức riêng của mình. Đây là lý do tại sao tất cả những người nghèo, dù nghèo đến đâu, vẫn có thể tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa.

Do đó, khi cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết rằng: cuộc sống này vốn được Thiên Chúa ban cho, có một ý nghĩa, vì những nỗ lực nào của chúng ta ở đời này nhằm yêu thương như Thiên Chúa yêu thương, trong các mối tương giao đa dạng khác nhau, gấn gũi nhất là tương giao vợ chồng, con cái, anh chị em trong gia đình, sẽ được đền đáp ở cuộc sống bên kia cái chết, “được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô”, như thánh Phaolô khuyên nhủ: “Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ. Xin chính Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp, xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành.” (2 Tx 2: 15-17).  

Phêrô Phạm Văn Trung

[1] https://www.asianews.it/news-en/Pope:-Life,-Death,-Nothingness,-Resurrection-48504.html

Chia sẻ Bài này:

Related posts