Có một nhà hài kịch nổi tiếng luôn bắt đầu câu chuyện bằng cách nhớ lại thời còn nhỏ. Ông kể: “Khi tôi còn là thiếu niên, tôi sống trong một khu phố rất hỗn độn. Chúng tôi thường hay chơi ‘cướp và cảnh sát’ với cảnh sát thật. Và khi tôi bỏ nhà ra đi, bố tôi gửi cho tôi một lá thư: “Đừng trở về nhà. Mọi sự đã được tha rồi!” Anh đó không cho biết lý do nào ba anh ta gửi thư đó, nhưng biết chắc là nó không bắt nguồn từ sự đón tiếp mà Chúa Giêsu dạy trong bài Phúc Âm hôm nay.
Chúng ta vừa nghe câu chuyện: Cậu trai phung phí đời mình và gia tài, gia tài cậu đòi người cha chia cho. Anh ta đáng tội. Thật ra, anh ta đã rơi xuống đáy vực thẳm rồi. Nhưng anh ta suy nghĩ lại chính mình, anh ta đã đi đâu, làm những cái gì? Điều đó có nghĩa là anh ta biết hối hận cuộc sống tội lỗi quá khứ. Anh ta muốn thay đổi, anh ta có ý làm lại cuộc sống. Anh ta muốn trở về nhà – về nhà cha anh ta. Anh tự nghĩ: “Tôi sẽ nói với cha, “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng gọi là con cha nữa”” (Lc 15:18-19). Và anh ta đi về nhà cha. Khi thấy anh ta, người cha có thể cho người ra nói: “Đừng về nhà. Mọi sự đã được tha rồi!” Ông để cho nó tự học bài học một cách đau xót. Hoặc như nhiều người chúng ta, ông ta dẫn nó sang một bên cho nó một bài học hay ra hình phạt cho nó chừa. Nhưng người cha trong Phúc Âm đã không làm những điều như thế. Thay vào đó, ông đón nhận con ông cách yêu thương niềm nở. Người cha thông cảm. Ông chạy ra đón con. Ông ôm lấy con và hôn con. Ông mặc cho cậu quần áo tốt. Ông đeo nhẫn, xỏ giầy cho cậu. Rồi ông tổ chức tiệc mừng con đã trở về. Người cha tuyên bố: “Con tôi đã chết nay sống lại; đã mất nay tìm thấy.” Và tiệc bắt đầu. Người cha trao cho cậu một cử chỉ đón tiếp tuyệt hảo nhất.
Chúng ta nói đến tình liên hệ cha mẹ và con cái trong phương diện đón tiếp nồng hậu thì dường như hơi lạ. Nhưng nó đúng trong phương diện Kitô Hữu. Cha và mẹ, con trai và con gái, tất cả đều là con cái Thiên Chúa. Con cái không phải là một sở hữu để cai quản trên họ. Con cái là tặng ân Chúa ban để yêu mến và chăm sóc. Trong quan điểm Kitô giáo, con cái chứa đựng một lời hứa – một kho tàng mà cha mẹ, như những người mang ơn lành của Chúa, phải hướng dẫn chúng qua giáo huấn và gương lành của sự đón tiếp thịnh tình trong gia đình.
Một linh mục lấy làm thắc mắc khi thấy một người lớn tuổi mỗi trưa vào nhà thờ. Ông chỉ vào trong giây lát rồi ra. Một hôm, cha hỏi ông: “Ông vào nhà thờ hằng ngày làm gì vậy?” Ông trả lời: “Con cầu nguyện!” Cha đáp lại: “Ông nói thật chứ? Ông có ở lại lâu đủ để cầu nguyện bao giờ đâu?” Ông ta nói: “Cha biết không! Con không muốn cầu nguyện dài dòng buổi trưa mỗi ngày. Con vào nhà thờ và nói: ‘Lạy Chúa Giêsu! Jim đây.’ Lời nguyện đó ngắn thật, nhưng con đoán Chúa nghe thấy.”
-Ít lâu sau, Jim bị tai nạn và phải vào nhà thương. Tại đó, Jim đã gây một ảnh hưởng rất nhiều cho cả lầu trong nhà thương. Những bệnh nhân khó tính trở nên vui vẻ và mọi người thấy tươi cười hơn. Một hôm, cô ý tá trưởng nói với Jim: “Các bệnh nhân đều nhận là ông gây nên không khí vui tươi trong lầu này. Họ thấy ông luôn vui cười.” Jim đáp: “Đúng vậy! Tôi không thể không vui cười được.” Jim chỉ vào chiếc ghế bên cạnh và nói: “Đó là vị khách đến thăm tôi.” Cô ý tá lấy làm bỡ ngỡ vì Jim không có thân nhân, không có ai đến thăm Jim nên hỏi lại: “Người khách đó đến lúc nào?” Jim trả lời: “Mỗi ngày vào buổi trưa, Người đó đến mỉm cười với tôi và nói: ‘Jim, Giêsu đây.'”
Các gia đình tại Hoa Kỳ đang xuống dốc trầm trọng, trầm trọng đến nỗi đe dọa sự trường tồn của đất nước Hoa Kỳ. Trong hội nghị về các em tại Tòa Bạch Ốc, một giáo sư đại học Harvard đã so sánh sự xuống dốc các gia đình tại Hoa Kỳ với của đế quốc Hy Lạp và Rôma thời xưa. Sự suy sụp gia đình của họ đưa đến sự suy sụp của nền văn minh đó. Các đại biểu của hội nghị được nhắc nhớ: “không xã hội nào sống sót sau khi đời sống gia đình thoái hóa.”
Một người cha của bốn đứa con đã nói lên cảm tưởng về đời sống thân mật trong gia đình như sau: “Một điều đáng kể xẩy ra cho tôi tối hôm qua. Buổi họp tôi đáng nhẽ phải dự đã bãi bỏ, nên tôi ở nhà. Đã lâu lắm rồi, đây là lần đầu tiên tôi để giờ với gia đình. Tôi chơi bài với các con tôi, nghe radiô, xem truyền hình, đọc sách. Nhất là tôi nói chuyện thật lòng với vợ tôi. Tôi học lại điều tôi đã quên lâu ngày. Tôi sẽ thay đổi cách sống của tôi. Tôi nộp đơn tái nhập một tổ chức tên là Gia Đình.
Trước khi ra khỏi nhà thờ hôm nay, nhắm mắt lại trong giây lát và nói: “Chúa Giêsu, Jim đây” (hay là Hòa đây, Văn đây…). Rồi khi ở nhà, một lần nữa, nhắm mắt trong giây lát để lắng nghe: “Jim, Giêsu đây (hay Hòa, Giêsu đây, Văn…). Đón Ngài với hãnh diện và tôn kính. Đón tiếp Ngài với tấm lòng cởi mở, và Ngài sẽ đón tiếp chúng ta một cách tuyệt hảo nhất. Hãy dâng hiến cho Ngài trọn trái tim, Ngài sẽ ban cho chúng ta khả năng đón tiếp thịnh tình cha mẹ, con cái, anh chị em chúng ta. Sự đón tiếp thịnh tình bắt đầu từ ở nhà.
Ðền Thánh Khiết Tâm Mẹ