CHÚA NHẬT 6 MÙA THƯỜNG NIÊN
(Giêr 17, 5-8; 1 Cor 15, 12.16-20; Lc 6, 17.20-26).
Khi kỹ thuật khoa học phát triển, con người muốn tìm lại nguồn gốc của vũ trụ và của chính mình. Các nhà khảo cổ và các nhà thiên văn địa lý dùng các phương tiện kỹ thuật dự đoán sự kết cấu và tuổi đời của vũ trụ. Với viễn vọng kính, con người có thể nhìn vào khoảng không gian bao la với hằng hà sa số các ngôi sao cách xa cả triệu năm ánh sáng. Khoa học tân tiến cũng chỉ biết giới hạn trong một góc nhỏ của hệ mặt trời, trái đất, mặt trăng, sao hỏa… Sự hiểu biết của con người chỉ là giọt nước trong đại dương. Qua bao ngàn năm tìm tòi nghiên cứu, loài người cũng mới chỉ tiếp cận chút bề mặt của vài ngôi sao gần nhất. Ấy thế mà nhiều người lên tiếng phủ nhận Đấng Tác Thành mọi sự và tin tưởng vào sự khôn ngoan của người đời. Con người chỉ là một thụ tạo nương nhờ vào môi trường xung quanh để sống còn. Con người hiện hữu đó rồi một ngày lại tan biến trở về cát bụi.
Sự khát khao của tâm trí con người là suy tư đi tìm về nguồn. Không một ai có thể hiểu thấu sự kết cấu của vũ trụ và con người. Vũ trụ thiên nhiên phát triển không ngừng theo luật tiến hóa và nhân qủa. Mọi thụ tạo đều tiến hóa nhưng vẫn giữ cái căn cốt của giống nòi. Ví như cây hồng thì nở ra bông hồng, cây cam sinh trái cam, con thỏ sinh thỏ con và con người sinh ra con người… Môi trường xung quanh có thể ảnh hưởng sự phát triển về những cơ quan tùy thuộc như mùi vị, mầu da, tính khí và sự thể hiện cách sống. Điều này giúp chúng ta nhận diện sự giới hạn của mọi loài thụ tạo. Nhờ qua sự mạc khải, chúng ta nhận biết con người là loài cao quí được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Không phải ngẫu nhiên mà muôn vật được hình thành. Mọi sự, mọi loài và sự vận hành trong vũ trụ đã được sắp đặt theo sự quan phòng với luật tự nhiên.
Thánh Phaolô đã rao truyền giáo lý về Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Việc kẻ chết trỗi dậy vượt ra ngoài khả năng của khoa học nhưng cần có niềm tin. Chúa Giêsu là trưởng tử của những kẻ đã yên giấc. Phaolô xác tín rằng: Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy (1Cor 15, 16). Niềm tin tuyệt đối của Phaolô đã thuyết phục các tín hữu thời sơ khai. Chúa Kitô sống lại từ cõi chết là một biến cố vô cùng quan trọng của tin mừng cứu độ. Một niềm hy vọng tuyệt đối giải thoát cho loài người.
Lời Phúc âm hôm nay, thánh Luca đã tóm gọn bốn điều được chúc phúc và bốn điều bị khốn khó. Chúng ta suy niệm về giá trị của sự bị óan ghét, thù hành và loại bỏ vì danh Chúa. Chúa Giêsu chúc phúc cho những kẻ bị ngược đãi và ghét bỏ: Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa (Lc 6, 22). Điều phúc này như là phúc tử đạo. Chúng ta không ai muốn bị đau khổ, hiểu lầm, bách hại hay tẩy chay loại bỏ. Mỗi khi gặp những sự túng quẫn gian khó, thường thì chúng ta than phiền, tránh né, phủ nhận và đấu tranh. Chúng ta chỉ hiểu được ý nghĩa đích thực của lời chúc phúc này khi chúng suy gẫm cuộc đời khổ hình của chính Chúa và của các vị tử đạo của Giáo Hội qua mọi thời. Sự kiên cường anh dũng của các vị Tử Đạo khai sáng cho niềm tin của chúng ta. Máu của các Ngài tưới gội hạt giống đức tin của cả Giáo Hội.
Chúa Giêsu không chúc phúc cho những người chỉ biết cậy dựa vào người đời. Vì người đời tung hô đó, rồi chê bai đó. Những vương miện, cúp vàng, cúp bạc, những bằng danh dự cũng sẽ tiêu tan phôi pha qua tháng ngày. Người đời thường tâng bốc nhau qua lời khen ngợi, câu chúc mừng và thăng tiến nhau bằng những giá trị ảo. Tất cả danh tiếng cũng sẽ trôi qua như phù hoa nối tiếp phù hoa. Các ngôn sứ giả cũng đã tìm vinh quang giả tạo nơi người đời. Chúa Giêsu có những lời phiền trách mạnh mẽ: Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế (Lc 6, 26).
Lạy Chúa, xin Chúa thêm đức tin, để chúng con biết kiên trì bám sát theo chân Chúa trong mỗi bước đi cuộc sống.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng