Của cải có sức thu hút và mê hoặc lòng người, bởi vì dường như nó có thể đáp ứng mọi nhu cầu và đời sống hưởng thụ của con người. Chẳng vậy mà người đời có câu: “có tiền mua tiên cũng được”, hay “tiền là tiên là phật…” Người có nhiều tiền của được gọi là người giàu.
Giàu tự nó không phải là một cái tội, nhưng sẽ là cái tội khi chúng ta chọn vật chất làm cứu cánh cho cuộc đời, để rồi lao vào “làm mọi cách” (vì nhu cầu hưởng thụ vật chất mà ngày nay con người có thể dùng mọi hình thức để kiếm tiền, bất kể việc làm đó đúng hay sai, tốt hay xấu, chính đáng hay bất chính) để được giàu sang đời này mà không còn đếm xỉa đến sự sống vĩnh cửu, như dụ ngôn hạt giống rơi vào bụi gai đã bị bóp nghẹt không thể phát triển được.
Theo quan niệm của người Do tthái cũng như quan niệm của nhiều người thì giàu có là những người được phúc. Thế nhưng, lời của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay gây sốc không những cho người nghe lúc bấy giờ (các môn đệ vô cùng sửng sốt) mà gây sốc cho rất nhiều người trong mọi thời đại: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa” (c. 24). Và ngược lại, Chúa lại hứa ban thưởng gấp trăm cả đời này lẫn đời sau cho những ai từ bỏ mọi sự mà theo Người.
Thật ra, hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim mà Chúa dùng để minh họa cũng là một ví dụ cường điệu (lỗ kim là một cái lỗ hình tròn vào đền thờ Giêrusalem chỉ vừa cho một người chui vào và những con vật người đó cưỡi như lừa, ngựa, lạc đà không thể chui qua được, để tránh phạm sự thánh, mọi người đến đó phải xuống ngựa để một mình chui qua). Thế nhưng dẫu sao cũng cho thấy sự khó khăn để đạt được nước Thiên Chúa của người ham mê thế sự và bị của cải lấn át cả lý trí và lương tâm, khi chiếm đoạt bất chính và thiếu san sẻ cho đồng loại.
“Giáo Hội của người nghèo”, “Ưu tiên phục vụ người nghèo”, đó là những khẩu hiệu đã trở thành thời trang trong Giáo Hội kể từ vài thập niên qua và cách riêng của Đức Giáo Hoàng đương nhiệm. Bất cứ ai có ý thức về công bằng xã hội hoặc đôi chút trăn trở về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, cũng đều thốt lên những khẩu hiệu ấy. Thế nhưng, nhìn vào thực tại Giáo Hội có thực sự là Giáo Hội của đại đa số dân nghèo khổ chưa?
Có mâu thuẫn không giữa những điều Chúa nói? Chẳng phải nếu Chúa ban cho họ gấp bội ở đời này thì họ lại trở thành người giàu hay sao, và khi ấy phải chăng họ lại trở thành những kẻ khó vào nước trời? Suy cho cùng, then chốt của vấn đề là tinh thần từ bỏ; người có tinh thần từ bỏ không bị ràng buộc bởi của cải, hay nói khác đi, họ không bị của cải vật chất cản trở bước đường làm người môn đệ, nhưng biết dùng nó như phương tiện Chúa ban để sống theo ý Chúa. Vì thế, họ có thể là người rất giàu có về của cải nhưng luôn coi nó là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa ban mà sống trong tinh thần tri ân, cảm tạ và luôn sẵn sàng chia sẻ, cho đi không tính toán.
Sự hiện diện của người nghèo quả là một thách đố lớn cho Giáo Hội. Ngày nay, tiếng kêu than của họ luôn là một nhắc nhớ cho Giáo Hội về bản chất và sứ mệnh của mình trong thế giới. Cuộc trở lại của Hoàng đế Constantinople vào thế kỷ thứ 4 đã chấm dứt những cuộc bách hại đẫm máu và đã biến Tây Phương thành thế giới Kitô giáo, nhưng không chừng đã làm Giáo Hội quên đi bản chất đích thực của mình. Sự tương nhập giữa thế quyền và giáo quyền đã biến Giáo Hội thành một thế lực chính trị, và các vị lãnh đạo Giáo Hội thành những vua chúa trần gian. Nhiều người đã có lý để nói rằng nhờ những lay động của Karl Marx mà Giáo Hội đã lắng nghe được tiếng kêu than của người nghèo, đồng thời ý thức được vai trò và sứ mệnh của mình trong thế giới ngày nay.
Hẳn ta còn nhớ cộng đoàn Kitô tiên khởi đã ý thức được vấn đề ấy. Tin Mừng hôm nay là một phản ánh về những trăn trở của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, cách riêng cộng đoàn Giêrusalem là cộng đoàn gồm toàn những người nghèo trong xã hội thời bấy giờ. Xem lại và “ngâm cứu” các giáo huấn của Chúa Giêsu về thái độ của Kitô hữu đối với tiền bạc của cải, cộng đoàn tiên khởi đặt lại vấn đề về sự hiện diện của người giầu trong Giáo Hội.
Theo quan niệm quen thuộc của người Do thái, thì sự giầu sang phú quí là một chúc lành của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đánh đổ quan niệm sai lầm ấy, khi nói rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”, và rằng sự nghèo khó là điều kiện thiết yếu để vào Nước Trời.
Giáo Hội của người nghèo, điều đó có nghĩa là trước tiên tất cả những ai thuộc về Giáo Hội đều phải có tinh thần nghèo khó đích thực, họ phải sống phó thác và quảng đại chia sẻ cho nhau. Các Kitô hữu tiên khởi đã hiểu được điều ấy: họ để chung của cải lại, chia sẻ với nhau và yêu thương đùm bọc nhau như trong cùng một gia đình. Giáo Hội của người nghèo, điều đó cũng có nghĩa là các tín hữu phải lấy sự phục vụ người nghèo làm ưu tiên hàng đầu. Bản sắc của người Kitô hữu do đó được xác nhận bằng chính tương quan với người nghèo.
Điều khác nữa, Chúa Giêsu nhắc nhớ cho những người đi theo Chúa rằng, họ sẽ có được niềm an ủi khi Ngài nói : “Ðối với loài người thì … không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được”. Chúa nêu lên cho chúng ta những đòi hỏi thật khó khăn, nhưng Chúa lại cũng mở cho chúng ta một con đường, nếu chúng ta tin vào sức mạnh của Chúa cũng như vào quyền năng của Người.
Thật vậy, Chúa chẳng bỏ rơi ai, Chúa cũng không để cho những ai hết lòng đi theo Chúa phải rơi vào bế tắc. Chúa rất rộng lượng từ bi nhưng Chúa cũng đòi hỏi phải mạnh dạn chọn lựa dứt khoát. Chúa yêu thương và quyền năng, nhưng Chúa cũng công minh và thẳng thắn : “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”.
Chúa Giêsu nói: “kẻ đứng đầu sẽ nên sau chót, và kẻ sau chót sẽ lên đứng đầu”. Trước hết phải hiểu sự ám chỉ về dân Do Thái tự phụ là những người biết Thiên Chúa trước, nhưng rồi chính họ lại tự đánh mất cơ hội nhận ra Tin Mừng nơi Người. Ngoài ra, câu nói này, Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ ỷ lại, hay chểnh mảng trong nhiệm vụ, nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa. Ở đời tốt xấu trở như bàn tay. Có khi trước đây họ là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại có những người trước đây là tốt lành thánh thiện, nhưng giờ họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa.
Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách sống đạo của chúng ta. Thách đố của Giáo Hội hiện nay cũng chính là thách đố của mỗi người chúng ta. Nếu những người cùng khổ chưa phải là thao thức trăn trở của chúng ta, thì có lẽ chúng ta còn quá xa với Giáo Hội Chúa Kitô. Nếu cuộc sống chúng ta chưa phải là cuộc sống liên đới chia sẻ với người khốn khổ, thì có lẽ chúng ta chỉ là những Kitô hữu hữu danh vô thực.
Vẫn mong mỗi người Kitô hữu khi nghe trang Tin Mừng hôm nay nghiệm ra được những đòi hỏi của Chúa để biết từ bỏ, để dứt khoát tránh mọi dính bén. Ước gì khao khát nên trọn lành của mỗi chúng ta cũng được thực hiện với sự tin tưởng vào quyền năng Chúa và phó thác trong vòng tay yêu thương của Ngài. Ước gì chúng ta cảm nhận được Chúa yêu thương, thì chúng ta cũng cảm nhận được Chúa công minh, chính trực.
Huệ Minh