“Tôi đứng đây, bụi lốc mịt mù xa.
Nghìn mắt lá, đang nhìn tôi ái ngại,
Đêm nguyệt quỳnh, hoá nở kiếp phù xa.” ”
(dẫn từ thơ Vương Ngọc Long)
Lc 7: 36-8: 3
Đêm tóc rối, có phải vì em đã xoã lòng đến rối bù? Nhìn ái ngại, tôi đoán chắc em đây rày miệt mài trong việc Chúa, như trình thuật kể.
Trình thuật thánh Luca, nay kể về nữ phụ nọ mải “xoã tóc” lau chân Chúa, chẳng cần ai. Đọc trình thuật, có vị lại cứ bảo: cụm từ “một người tội lỗi” ở đây, có nghĩa chỉ là gái điếm, không ngại ngùng. Ngại ngùng, nhưng vẫn quả quyết: nữ phụ ấy có là “người rất tội” về dục vọng mà nhiều người nay vẫn hiểu. Đọc kỹ Tin Mừng thánh Luca viết sau đó, người đọc sẽ định ra chị là đấng bậc thừa-tác mà thánh nhân nhắc đến qua tên gọi Gioanna, vợ của Khuza, tức: nữ-phụ lâu nay hăng say “cùng với nhiều bà khác lấy của cải mình mà trợ giúp Ngài.” ( Lc 8: 3)
Theo nguồn văn ngoài sách thánh, thì: Gioanna là nữ-phụ xuất thân từ gia đình vị-vọng ở Do thái sống trong lâu đài nhỏ, ở Galilê. Kịp khi khôn lớn, gia đình đã sắp xếp gả chị cho một người rể thuộc giòng-dõi quí-phái tên Khuza vẫn lân la nơi cung đình ở Tibêriát cạnh công chúa Nabêtêan, thứ thất của Hêrôđê. Khuza gia-nhập Đạo là nhờ đã thành gia-thất với Gioanna. Và từ đó, hai người sinh-hoạt mục-vụ rất đều ở Galilê. Không những thế, Gioanna còn sở-hữu tài-sản riêng của mình nhờ hồi-môn do cha để lại, như tập tục của nơi này. Chị sử-dụng tài-sản của mình một cách độc-lập đồng thời thừa-hưởng tư-cách quí-tộc từ phía chồng.
Đức Giêsu có quan-hệ đặc biệt với nhiều người ở Tibêria. Ngài là vị thày chữa trị người ốm đau/tật bệnh và trừ quỉ nữa. Tục truyền, Ngài vực dậy rất nhiều người đã từng chết được sống lại, tại miền Bắc xứ sở này. Gioanna có lúc đau yếu nhiều, nên chị cũng biết chạy đến kêu cầu Chúa chữa lành cho chị. Sau lần được Ngài chữa khỏi, chị nhận ra Ngài là Bậc Thày Vĩ Đại đến với muôn dân, chứ không chỉ là Thầy Thuốc chữa bệnh về thể xác mà thôi.
Qua các lần gặp Ngài, Gioanna khám phá ra Vương Quốc Nước Trời mà Ngài chủ trương và nhận thấy nơi Ngài nhiều tương-quan gắn bó với mọi người, cả đến người nghèo khó, thấp hèn, bị bỏ rơi. Chị hiểu rằng: mình chỉ là cảm-tình-viên bé mọn dấn-thân phục-vụ Chúa cách hăng say, nhưng chị còn muốn tiến xa hơn thành đồ đệ năng nổ của Ngài, nữa.
Điều này có nghĩa: chị từ-bỏ tài sản riêng và địa-vị quí phái của mình hầu gia-nhập công cuộc thừa-sai bé mọn hầu dấn thân phục-vụ Chúa. Là người Do thái năng nổ, chị nhớ đến người nghèo đói bằng quà thực tế và bán đi phần lớn gia-sản của mình để tài-trợ công-tác bác-ái, cấp bách. Chị làm thế, là để phụ giúp công cuộc thuộc-sai với tông-đồ Chúa. Vào thời chị, không phải ai ai cũng xử sự được như thế. Và, không phải nữ-lưu nào cũng được Chúa chấp nhận cho nhập đoàn lữ-thứ chuyên giảng rao Vương Quốc của Ngài, giống như chị.
Hai năm theo Chúa, chị hoạt động cùng với nhóm thừa-sai như đồ-đệ thừa-tác, dù không được kể vào “nhóm 12”, ai cũng biết. Nhóm nữ-phụ làm việc đắc lực không kém các tông-đồ gần gũi Chúa. Tông đồ Chúa, đa phần đều bỏ lại người phối ngẫu và gia đình mình ở phía sau, hầu dành trọn thời-gian cho công cuộc mục-vụ thừa-tác, rất bức thiết. Phần đông tông đồ Chúa, không đủ sức tài-trợ cho nhóm được hiệu năng. Nên, các vị vẫn dựa vào một số nữ-phụ có thâu-nhập khá dồi-dào; thế nên, trên thực tế, các thừa-tác-viên nữ giúp nhóm tông-đồ bằng nhiều cách trong nguyện cầu, chứ không chỉ lo nấu nướng, tu dọn bếp núc; bởi tông-đồ Chúa ăn uống rất giản đơn, tằn tiện.
Phần đông nữ-thừa-tác theo Chúa hầu hết là các vị độc-thân hoặc là mẹ đẻ của các tông đồ và hầu hết là “chị sáu” độc lập về tài-chánh. Và, Gioanna là một trong số các nữ-thừa-tác trong cảnh-tình như thế. Phu-quân Khuza của chị, vẫn ở lại Tibêria trong thời gian chị hoạt động tông-đồ; tuy nhiên, đôi lúc anh cũng về sống ở Antipas dù không cùng một nhóm với đồ đệ Chúa. Thế nên, ta cũng đoan-chắc được rằng: Gioanna là một trong nhóm 72 tông-đồ được sai đi chữa lành và sống chung với người nghèo khổ như họ. Cũng làm công-việc thừa-sai tông đồ, như Tin Mừng diễn tả, tức: cũng là người giảng-rao Nước Chúa không cần hành trang làm nền, nhưng chỉ trông chờ vào lòng mến khách của chúng dân, thôi.
Bậc nữ-lưu chuyên lo tông-đồ thừa-tác, không trực tiếp giảng-giải quần chúng hiểu, mà chỉ hầu chuyện các nữ-phụ trong vùng cạnh giếng nước hoặc phố chợ cũng như tại nhà-nguyện tư, theo từng nhóm. Chúng dân địa phương, thường mang người bệnh đến để các thừa-tác-viên như Gioanna giúp đỡ đần, chữa trị. Gioanna tháp tùng Chúa, cũng đã đi Giêrusalem dự lễ Vượt Qua theo truyền thống. Nên, chị biết nhiều và hiểu nhiều công cuộc mục-vụ thừa sai hơn ai hết về các hiểm nguy khi can dự chuyện đền thờ và/hoặc tác-động vực đỡ thi hài ông Lazarô, bạn của Chúa.
Khi biết Thày bị bắt giữ, Gioanna liên-hệ với bạn đạo và khám phá ra sự việc xảy đến với Thày. Chị giữ tư-thế chỉ dõi theo và xem xét từ xa các sự kiện xảy ra cho đến lúc Thày hoàn tất cuộc khổ nạn, trên thập giá. Mãi sau, chị mới có ý-định theo chân các nữ-phụ khác đi đến mộ-phần Thày định bụng để xức dầu tẩm xác Thày theo thói tục người Do-thái vẫn làm. Khuza chồng chị, cũng có mặt ở Giêrusalem với Antipas để dự lễ Vượt Qua. Và trước đó, anh không hề tham-gia nhóm hội đoàn-thể nào của Chúa. Tuy nhiên, sau ngày Chúa sống lại, anh đã cùng với Gioanna vợ mình, nhập-cuộc lập thành tổ/thành nhóm có vợ/có chồng đi đây đó để thực hiện công-cuộc thừa-tác giảng rao quảng-bá Nước Trời.
Khuza và Gioanna cũng có chân trong nhóm-hội thừa-sai gồm những người biết nói chút tiếng Hy Lạp và La tinh tuy không nhiều, nhưng biết sống theo kiểu người La Mã từ những ngày ông lân la cung đình Tibêriát. Có thể, hai vợ chồng chị cũng có quan-hệ mật thiết với cung đình Rôma nữa. Ở Rôma, tên tục của chị đổi thành tên La-tinh là Junia, đã khá quen; và sau đó, lại đổi một lần nữa thành Junias cho có vẻ nam-nhân đến độ người chép sử không biết vị này là nữ-lưu. Riêng Khuza chồng chị, cũng đổi danh thành Andrônicus. Cả hai lưu lại tại Rôma đến 10 năm, khiến thánh Phaolô gọi nhị vị không chỉ mỗi tông-đồ của Chúa mà thôi, nhưng còn là đấng bậc trổi-vượt giữa các tông-đồ. Về sau, hai vợ chồng chị bị giam-giữ rất nhiều tháng ngày dài ở Rôma, rồi sau đó không một sách dã-sử nào đáng tin cậy ghi chép chuyện của vợ chồng chị, hết.
Với thánh Luca, chuyện nữ thừa-tác Gioanna được ghi ở một chương/đoạn khác có liên quan đến truyện kể về nữ-phụ bị băng huyết những 12 năm dám sờ-chạm vào gấu áo của Chúa để được chữa, khiến Chúa phát hiện ra và nói: “Có kẻ đã sờ chạm vào tôi và tôi thấy quyền-uy chữa trị đã ra khỏi tôi”. Tuy là thế, vẫn không có chứng-cứ lịch-sử ghi rõ chuyện nữ-phụ Gioanna để người đọc xác định xem câu chuyện hai phụ nữ nói ở trên, có phải cùng một Gioanna hay không, cũng cần cứu xét thêm.
Tuy nhiên, chi tiết mà thánh Luca muốn diễn tả, là: đường đường một nữ-lưu từ giai-cấp trên cao lại trở thành đồ đệ bé nhỏ của Chúa, lại không hãi sợ gì để rồi tiến về phía trước dám “sờ-chạm gấu áo” của Ngài. Và, đường đường một nữ-phụ cao-quí cũng không ngại-ngần quì mọp bên dưới để lau khô chân Ngài, trái nghịch tập-tục Do thái, và còn hôn chân Chúa, xức dầu lên chân Ngài, cũng rất lạ. Lạ hơn cả, là sự việc Chúa công khai nhìn nhận lòng thương vô bờ của chị, nên đã thứ-tha chị. Như thế, mới là động thái của một đồ-đệ đích thực. Như thế, là chị đã trở thành tông-đồ thực thụ, của Đức Chúa.
Có lẽ, cũng nên tưởng tượng đôi điều về tình thế khá cụ thể qua đó Chúa đã tỏ thái-độ về thừa sai mục vụ vốn dĩ phải sống chung với những người mà đồ đệ Chúa cần rao truyền Vương quốc Ngài, là Hội thánh, là Nước Trời trần gian ở đây, bây giờ.
Ở đây, hôm nay, có rất nhiều bậc nữ-lưu cũng cao quí không kém đang phục-vụ Chúa bằng công việc thừa-tác mà chẳng ai biết tới. Các vị này, lâu nay chẳng được sử-gia hoặc thánh-sử nào biết đến để ghi chép thành truyện đạo hạnh, rất thánh. Nói chi là Kinh Sách thực thụ được mọi người công nhận. Có ghi hay không, chắc hẳn người đọc cũng nhận ra rằng: các vị này là thế hệ tiếp nối cũng muốn chọn Gioanna làm quan thày, bảo trợ rất sau này.
Ghi nhận công-đức của các nữ-lưu đã và đang làm việc lành thánh, ta sẽ cất lên lời thơ, rằng:
“Em còn đó xoã lòng đêm tóc rối,”
“Tôi đứng đây bụi lốc mịt mù xa.
Nghìn mắt lá đang nhìn tôi ái ngại,
Đêm nguyệt quỳnh hoá nở kiếp phù xa.”
(Vương Ngọc Long – Đêm Nguyệt Quỳnh)
Nguyệt quỳnh nở về đêm, không chỉ là người em của ai đó đang xoã lòng/xoã tóc đến rối bời. Nguyệt quỳnh đây, có thể là: người chị/người em trong thánh-hội đang hoạt động tông đồ rất hiệu-quả như Chúa yêu cầu, ở muôn nơi. Rất mọi thời.
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh – Mai Tá lược dịch