CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
Chấp nhận tin không có nghĩa chỉ đơn thuần là chấp nhận một giáo lý, giáo điều, một mớ luật lệ, hay những nghi thức nào đó là đủ. Ngay cả khi ta chấp nhận Hội Thánh và đi theo đường lối của Hội Thánh, thì đó cũng chưa phải là điểm mấu chốt của đức tin.
Tin trước hết là hiệp thông với Chúa Kitô, là gắn bó cá nhân cách mật thiết với Chúa Kitô.
Bởi vậy, những gì ta từng sống, từng hành động cho cái gọi là con người của tôn giáo Kitô, nhưng chưa có chiều sâu bằng cảm nghiệm nội tâm về tình yêu Chúa Kitô, mà chỉ là giữ và buộc mình phải chấp nhận luật lệ, chấp nhận giáo lý, thì giờ đây, ta hãy chỉnh đốn lại, hãy làm cho tất cả những gì ta phải giữ từ trước tới nay nằm trong tương quan tình yêu Chúa Kitô.
Thánh Gioan tông đồ là người luôn có cảm nghiệm nội tâm về tình yêu Chúa Kitô dành cho mình. Chỉ một mình thánh nhân nói lên nỗi tự hào vì được Chúa yêu trong danh xưng mà thánh nhân tự nhận: “Người môn đệ Chúa Giêsu yêu”.
Chính nhờ cảm nghiệm vừa cá nhân, vừa nội tâm về tình yêu của Chúa, thánh Gioan đã nhiều lần phát hiện Đấng Phục Sinh đến với mình. Chẳng hạn, ngay trong lễ Phục sinh đầu tiên, nhìn ngôi mộ trống, trước cả những phụ nữ là những người phát hiện mộ trống, trước cả thánh Phêrô, người đã vào thăm mộ trước, thánh Gioan đã tin.
Hôm nay, cũng bằng chính cảm nghiệm nội tâm về Chúa Kitô, một lần nữa, thánh Gioan cũng lại là người phát hiện ra Chúa Phục Sinh trước các anh em mình. Sau mẻ cá đầy ắp như muốn rách tung chiếc lưới, “Người môn đệ Chúa Giêsu yêu” hãnh diện mà cả quyết: “Chúa đó”.
Cũng thế, không ai trong bạn và tôi lại cho rằng mình không có đức tin, không có lòng yêu mến Chúa.
Nhưng nói là nói như vậy. Hiểu là hiểu như thế. Trong thực tế của cuộc đời, không ít lần, bạn và tôi dường như chao đảo, dường như mất sức sống. Đức tin vào Chúa, lòng yêu mến Chúa của mình có lúc như bị đánh gục, như tuyệt vọng
Để khởi đầu cho việc cảm nhận cách cá vị về tình yêu của Chúa, mỗi người hãy chiêm ngắm Chúa Kitô trước đã. Hãy gắn bó với Chúa bằng những suy niệm về đời sống của chính Chúa, bằng lời dạy mà Chúa đã giảng dạy. Hãy học lấy tấm gương yêu mến Chúa của thánh Gioan tông đồ: yêu một cách cá vị bằng cảm nghiệm nội tâm và thâm sâu với Chúa Kitô.
Chỉ có thể cảm nghiệm tận hồn về tình yêu mà Chúa dành cho mình, và mình dành cho Chúa, thì từ nay tôi giữ đạo, tôi chấp nhận lề luật, tôi thực hiện các hành vi đạo đức, tôi sống tốt trong tương quan với mọi người… không chỉ vì luật của Chúa, của Hội Thánh dạy như thế, mà vì tình yêu của Chúa Kitô dành cho tôi, và của tôi đáp trả tình yêu ấy.
Vì tình yêu của Chúa Kitô và vì yêu mến Người, tôi thực hiện nghĩa vụ tôn thờ Thiên Chúa, tôi sống lẽ sống mà đạo dạy tôi, tôi quan tâm đến nguời xung quanh… Vì Chúa Kitô, tôi chấp nhận lề luật của Thiên chúa, và chấp nhận đường lối Hội Thánh hằng chỉ dạy tôi…
Chỉ khi nào sống trong tương quan tình yêu với Chúa Kitô, việc giữ đạo của ta mới nhẹ nhàng. Cũng giống hai người đàn ông cùng cuốc một thửa đất, nhưng một người là tù binh bị ép buộc phải lao động, còn người kia là người cha trong gia đình.
Người cha trong gia đình vì thương vợ, thương con, ông miệt mài làm việc, dù mệt nhọc nhưng ông cảm thấy vui, cảm thấy lòng thanh thản và an ủi vì nhờ bàn tay lao động của ông, gia đình ông có thể sinh sống. Ông luôn sống trong hy vọng về một kết quả tốt sẽ đến cho tương lai của gia đình ông. Càng hy vọng, ông càng vui…
Người đàng ông là tù binh chắc chắn không bao giờ có được cảm nghiệm về niềm vui mà người cha trong gia đình có được. Bởi việc ông làm không phải là tình yêu, không phát xuất từ động cơ của lòng yêu thương mà chỉ là ép buộc, là hình phạt, là đền tội, hoàn toàn không có tự do trong lao động của ông.
Cách nào đó, giữ đạo cũng gần giống như chuyện hai người đàn ông cuốc đất. Nếu tôi yêu mến Chúa, việc thực hành đạo của tôi là niềm hạnh phúc, là nhu cầu cần đáp ứng của tình yêu, do tình yêu, phát xuất từ tình yêu đối với Thiên Chúa. Nếu không có lòng yêu mến Chúa, đức tin chỉ là một gánh nặng vô cùng.
Ta cần thay đổi tương quan giữa mình với Chúa, để đức tin của ta có một tương quan cá vị với tình yêu của Chúa. Chỉ có đức tin trong tương quan tình yêu, việc giữ đạo của ta mới là việc làm tự do, mang lại hạnh phúc, thấm đẫm yêu thương và ngày càng đi vào chiều sâu nội tâm.
Nếu ta thay đổi tương quan tình yêu với Chúa Kitô, cuộc đời ta sẽ được nâng đỡ, được ủi an. Có đức tin trong tương quan cá vị với Chúa Kitô, ta sẽ cảm nhận một điều lớn lao: Gánh nặng của sự sống mà ta phải mang gánh trong đời có Chúa cùng sớt chia với ta…, điều mà trước đây ta chưa từng nhận ra, vì trước đây, ta đã không có tương quan cá vị với Chúa…
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG