Hai người tìm đến một tu sĩ cao niên nổi tiếng thánh thiện trong vùng để được giúp đỡ. “Chúng con tội lỗi quá,” họ thưa với thầy, “chúng con muốn được thanh thản lương tâm. Xin thầy cho chúng con lời khuyên và giúp chúng con tránh tội?” Thầy dòng chấp nhận. “Nhưng trước hết,” thầy nói,”các bạn cần cho tôi biết về tội của các bạn.”
Một người thưa, “Con đã phạm một tội ghê sợ, nặng nề.” Người thứ hai thưa, “Ô, con lỗi rất nhiều tội nhẹ, không có tội nào nặng hết hay kinh tởm cả.”
Tu sĩ dừng lại suy nghĩ chốc lát và nói, “Mỗi người phải mang đến cho tôi một cục đá tượng trưng cho những tội mà mỗi người đã phạm.” Hai người ra đi làm điều mà thầy dòng yêu cầu.
Không bao lâu, một người trở lại, mang trên vai một viên đá nặng. Nặng lắm, nặng đến nỗi ông ta không thể nâng nổi. Lấy hết sức, ông để hòn đá rơi đánh bịch một cái trước mặt thầy.
Tiếp theo, người thứ hai cũng đến mang theo một bao đá sỏi, đặt ngay dưới chân vị tu sĩ.
“Khá lắm,” thầy nói. “Bây giờ, mỗi người mang để lại những hòn đá này nơi mà các bạn đã tìm thấy nó.” Người thứ nhất khệ nệ, khó khăn mang hòn đá để lại nơi ông lấy. Nhưng người thứ hai không thể nhớ lại những nơi nào đã nhặt những hòn sỏi kia. Ông đến với vị tu sĩ và thưa về sự thất bại của mình không thể làm như chỉ dẫn của thầy. Thầy đã nhắn nhủ ông: “Này ông bạn à, con hãy hiểu rằng những tội kia cũng giống như nhũng viên sỏi đó, nếu người nào phạm một tội nặng nề, tội đó tạo nên một vết thương lớn trong tâm hồn anh ta. Khi anh ta thật sự hối hận, gánh nặng được cất khỏi. Anh ta được tha thứ và tâm hồn cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng nếu anh ta sai những lỗi nhỏ mọn, sai đi sai lại, anh ta không để tâm hối hận, cho nên anh vẫn mang tội. Bởi vậy, một điều rất quan trọng là chừa đi thói quen phạm những lỗi mọn cũng tương tự như tránh một tội trọng vậy.”
Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay nói tới dụ ngôn mà Chúa Giêsu đề cập tới câu chuyện của hai người, người thông luật Pharisiêu và người tội lỗi thu thuế, lên Đền Thờ để cầu nguyện. Người thông luật cầu nguyện, “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Ngài, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu thập của con” (Lk 18:11). Ông ta còn tự phụ thầm trong bụng là mình không sai một lỗi nhỏ nào trong luật nữa! Còn người thu thuế thì đánh ngực mình, “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lk 18:13). Sau khi kể câu chuyện, Chúa Giêsu kết luận, “Tôi nói cho các ông biết: người này (thu thuế) khi trở về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lk 18:14).
Để được ở bên “tay phải” của Thiên Chúa, chúng ta phải muốn sám hối, có nghĩa là khiêm tốn nhận rằng trong cuộc sống của chúng ta có những cái cần thay đổi. Nghĩa là tránh xa những gì chống lại Thiên Chúa, xa những gì qui về mình. Điều đó không thể xảy ra được trừ phi chúng ta ý thức, trong khiêm tốn, chúng ta đang sống theo lối mà làm chúng ta lạc xa Thiên Chúa và tha nhân.
Theo Tin Mừng Gioan, “Thiên Chúa sai Con Một vào thế gian, không phải đến đoán phạt, nhưng để nhờ Ngài mà thế gian được cứu độ” (Jn 3:17). Chúa Giêsu không đòi hỏi chúng ta chấp nhận sự cần thiết thay đổi để kết tội chúng ta. Ngài đòi chúng ta chấp nhận cách tự do rằng trong chúng ta còn chỗ cho sự thăng tiến hoạt động, để cuộc đời chúng ta được trọn nghĩa hơn lên. Chúng ta không cần đặt mình trên than hồng, ghét mình đến hết đời. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và sự tha thứ của Ngài tràn đầy như là không có chuyện lỗi lầm quá khứ. Đây là trang sách mới trong sách cuộc đời mà Thiên Chúa muốn chúng ta mở ra. Đây là khởi đầu mới, một sự có thể mới. Bởi vậy, khi chúng ta bắt đầu cách khiêm tốn nhận thức lỗi lầm của mình, chúng ta nhận được sự tha thứ. Và sự kết hiệp của chúng ta với Thiên Chúa tiến xa hơn bao giờ hết. Sự chữa lành là thật sự. Và, theo như lời của Chúa Giêsu, “Chúng ta về phe Thiên Chúa.”
Một bà giáo dạy âm nhạc, đầy kinh nghiệm, từng dạy nhiều học sinh nhiều năm. Khi chuẩn bị cho các học sinh trình diễn các nhạc khí, bà luôn nhắc nhở họ làm sao chơi đoạn kết cho hay. Lần nào cũng như lần nào, các học sinh đều càu nhàu bởi vì cứ phải chơi đi chơi lại vài dòng nhạc cuối. Nghe những lời phàn nàn, bà giáo nhỏ nhẹ: “Các bạn có thể vụng về quãng đầu bản nhạc hay quãng giữa hoặc vài nốt nhạc chỗ này chỗ kia. Nhưng những dòng nhạc đó dễ được bỏ qua khi các bạn chơi cho hay đoạn cuối.”
Tin Mừng của Lời Chúa là chúng ta tuỳ thuộc vào Thiên Chúa, nhất nữa khi vấn đề liên quan tới sự thành công. Ngài hướng dẫn chúng ta, soi sáng chúng ta đi tới vinh quang tận cùng – Ngài không muốn phủi tay bỏ qua một trách nhiệm nhỏ nào.
Bất cứ lúc nào, ánh sáng của Thần Khí luôn chiếu soi vào trung tâm cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đừng chối từ! Hãy bỏ đi những bào chữa! Hãy để sang một bên dấu vết tập trung về mình, về cái tôi và kiêu hãnh! Hãy để ánh sáng chiếu qua! Hãy để nó thấm nhập vào cuộc đời chúng ta! Hãy để cuộc sống mới và sự chữa lành đi vào từng cảnh giới của sự hiện hữu! Chúng ta bắt đầu nhìn thấy! Chúng ta bắt đầu sống động!
Đó là quà ánh sáng và quà tình yêu Thiên Chúa ban tặng mỗi người chúng ta trong Đức Kitô. Ánh sáng được ban tặng cho chúng ta không phải để “giấu ở đáy thùng” như Chúa Giêsu nói. Cả thế giới cần tình yêu cho đi từ chúng ta, cần sự tha thứ xuất ra trong chúng ta – bắt đầu từ gia đình chúng ta rồi lan ra tới các gia đình khác.
Tha thứ, đi từ sự tha thứ cho mình, trở nên liên tục – phương cách sống. Có nghĩa là bỏ đi những khó chịu và cay đắng đã qua và tiếp tục cuộc sống. Dĩ nhiên, điều đó không dễ dàng, nhưng mọi khó khăn đều mang giá trị. Và không có gì là dư thừa hay phớt lờ trong tình yêu và tha thứ. Như tiến sĩ Jonas Salt nêu ra: Kết quả cuối cùng của sự tha thứ là khai mở sức mạnh hạt nhân trong con người – sức mạnh có hiệu quả tích cực lớn lao hơn sức mạnh nguyên tử trong ý nghĩa tiêu cực. Đó là, nếu chúng ta có thể can đảm hơn là sợ hãi, tin tưởng hơn là lo lắng, cộng tác hơn hơn là thi đua, tha thứ hơn là buộc tội, yêu thương hơn là hiềm khích, chúng ta sẽ vượt qua được trở ngại lớn lao cản trở chúng ta phát triển, và tiến lại gần sự lớn lao của tiềm năng con người toàn vẹn.
Hãy mở cửa sổ trái tim chúng ta ra và chiêm ngắm hiện tượng mà Thánh Gioan thốt ra, “Nhìn kìa! Đây Chiên Thiên Chúa Đấng xoá tội trần gian. Ánh sáng thật chiếu soi mọi người.”
Khiêm tốn nhận thật chúng ta tuyệt đối cần thiết ánh sáng cho trần gian, ánh sáng đến qua Chúa Giêsu Kitô! Hãy để nó sáng lên! Hãy để nó sáng lên!
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ