GIÀU CÓ TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA

Người nông dân trong câu chuyện ngụ ngôn hôm nay quá bận rộn tìm cách gia tăng hoa mầu của mình và kiếm tiền đến nỗi ông ta không bao giờ có thời gian để “làm giàu vì Chúa”. 

Chúa Giêsu không buộc tội người đàn ông này đã làm việc chăm chỉ để cải thiện cuộc sống của mình và là người thành công. Ngài chỉ trích ông ta vì sự ích kỷ của ông ta: Tôi, tôi, tôi… Tôi sẽ làm điều này, tôi sẽ làm điều kia, tôi sẽ phá bỏ chuồng trại của mình, phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó… mùa màng của tôi, lán trại của tôi, lúa mì của tôi, người làm của tôi! 

Người đàn ông nghĩ rằng mình có tất cả mọi thứ, nói với chính mình: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!… ” (Luca 12: 18-19)… Nhưng, Chúa phán với anh ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Luca 12: 20). 

Trong cuộc sống, bạn không thể có tất cả mọi thứ. Lựa chọn phải được thực hiện. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến tiền, nhiều thứ quan trọng khác có nguy cơ bị bỏ qua. Đó không phải là vấn đề đúng hay sai mà là vấn đề về các ưu tiên. 

Làm việc chăm chỉ thì không sao, nhưng có lẽ tôi sẽ không có thời gian dành cho gia đình và bạn bè. 

Không có gì sai khi xem TV năm hoặc sáu giờ mỗi ngày, nhưng tôi sẽ chỉ còn rất ít thời gian để đọc sách vở tốt lành, nói chuyện với con cái và bạn bè, giúp một tay trong giáo xứ. 

Không có gì sai khi chơi thể thao hàng ngày, nhưng có lẽ tôi sẽ không có thời gian để giúp những người hàng xóm đau bệnh của mình. 

Không có gì sai khi chi vài nghìn đô la đi du lịch mỗi năm, nhưng có lẽ tôi sẽ không có thêm tiền để chia sẻ với những người đang cần. 

Không có gì sai khi dành những ngày cuối tuần để giải trí và thể thao, nhưng “Ngày của Chúa” có thể không còn vị trí trong cuộc sống của tôi. Vân vân và vân vân. 

Tất cả chúng ta đều có thang giá trị của mình và trong cuộc sống, bạn phải biết cách lựa chọn. Câu chuyện ngụ ngôn hôm nay chắc chắn là bài học tuyệt vời: trong thế giới của chúng ta, nơi chúng ta có rất nhiều cơ hội và là nơi quảng cáo cung cấp cho chúng ta mọi loại trải nghiệm, là nơi chúng ta có thể tìm thấy vô số thú vui và sở thích, là nơi chúng ta được mời mọc đừng từ chối bản thân mình bất cứ điều gì, chúng ta có thể dễ dàng nói với chính mình: “Không có gì sai khi tận hưởng cuộc sống, mua sắm xa hoa, đi du lịch càng nhiều càng tốt. Không có gì sai … nhưng có điều bạn cũng phải tự hỏi mình câu hỏi: tôi có thể làm điều gì khác tốt lành hơn nữa không?

Trong Kinh Thú Nhận, chúng ta thừa nhận “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót!” Có những thiếu sót vô trách nhiệm trong đời sống của chúng ta, những thiếu sót nguy hiểm: quên Chúa, không nhìn thấy nhu cầu của người khác, sống trong sự tầm thường, chỉ biết tận hưởng cho chính mình. 

Thế thì, Chúa có thể khiển trách chúng ta vì đã bỏ bê trách nhiệm Kitô hữu của mình: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mátthêu 25: 35-36)

Đây là câu chuyện của ông chủ nhà giàu và ông Ladarô nghèo. Người giàu không làm gì sai nhưng anh ta không bao giờ thấy Ladarô nghèo đói trước cửa nhà mình trong khi anh ta ăn uống hàng ngày. 

Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta một phương cách chắc chắn giúp không lãng phí cuộc sống của mình một cách vô ích: “trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa”. Hãy mở tài khoản ở ngân hàng của Thiên Chúa, nơi kẻ trộm không thể vào, nơi thị trường chứng khoán luôn ổn định! Trong ngân hàng này, bạn không cần phải sợ một sự sụp đổ kinh tế! “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mátthêu 6; 19-21). 

Chúa Kitô mời gọi chúng ta đừng hành động điên rồ như người nông dân trơ tráo đó, kẻ tự đồng hóa mình với vàng bạc của mình hơn là trở thành công cụ của sự hiệp thông, chia sẻ và tương trợ.  

Chúa cảnh báo chúng ta về sự nguy hiểm, không phải về sự giàu sang, về của cải, nhưng về cách sử dụng chúng. Nếu sự giàu sang trở thành trọng tâm duy nhất của tôi, sự an toàn duy nhất trong cuộc đời tôi và mục đích tồn tại của tôi, tôi sẽ rất sai lầm trong cách sống của mình, khi nghĩ rằng mọi thứ đều nằm trong tay tôi và mọi thứ phụ thuộc vào công việc của tôi, nỗ lực của tôi và kế hoạch của riêng tôi. 

Thế thì, nếu cuộc sống của một người không phụ thuộc vào những gì anh ta sở hữu thì nó phụ thuộc vào cái gì? “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Thiên Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Samuel 16). Giữa sự giàu sang của mình, dù là vật chất, hay tinh thần, chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi này: tôi đặt niềm tin vào ai? Nếu chúng ta nhận thấy một khuynh hướng, dù tinh vi đến đâu, coi sự giàu sang là của riêng mình, thì chúng ta hãy mở lòng đón nhận lời của Thiên Chúa, Đấng đã nói với chúng ta “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi” (Luca 12: 20). Tiếng kêu khóc của những nạn nhân của các cuộc tấn công hoặc của bất cứ người thân yêu nào khác đã chết “sớm” vang lên trong trái tim chúng ta và nhắc nhở chúng ta rằng ân huệ sự sống chỉ được treo bằng sợi tóc mỏng manh. Chúng ta không phải là chủ nhân của sự sống. Và nếu chúng ta sống mỗi ngày như thể đó là ngày đầu tiên và cũng là ngày cuối cùng, thì mối tương quan của chúng ta với của cải sẽ như thế nào?

Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi” (Luca 12: 20). Điều thú vị là trong bản văn Kinh thánh của nhiều ngôn ngữ khác nhau từ “đồ ngốc, điên rồ” trong tiếng Hy Lạp là “Ἄφρον” lại có thêm nghĩa là “bọt” tức là “một thứ bèo bọt, mau tan, chóng qua”. 

Văn bản này hôm nay có thể là một cơ hội để mỗi chúng ta suy ngẫm về những ưu tiên trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta là gì, một cơ hội để tự hỏi bản thân của chúng ta về việc sử dụng tiền bạc, tài năng, thời gian của mình để làm gì. Chúng ta có đồng hóa mình với những thứ như vàng bạc tiền của, tài sản vật chất, mà người đời, và cả chúng ta, cho là giá trị lớn lao, thực ra chỉ là bọt bèo mong manh mau qua như cuộc sống? Chính chúng ta sẽ thành “đồ ngốc, bọt bèo chóng tan” nếu chúng ta dể dàng quên đi và không còn khả năng nhận ra những giá trị chân thật như nhân cách, tinh thần và tâm linh vĩnh cửu! 

Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc sống có một thang giá trị. Không phải mọi thứ đều có cùng một mức độ giá trị. Ngài không nói bạc tiền là xấu, nhưng Ngài đang nhắc nhở chúng ta rằng bạc tiền, cũng như tài năng, là có thể được chia sẻ.

Xã hội thị trường của chúng ta, với quảng cáo 24 giờ của nó, có thể dễ dàng trở thành một ngành công nghiệp trong mơ của những “kẻ giàu có”. Tuy thế, Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta ngày nay rằng dẫu chúng ta xây dựng tương lai thịnh vượng thế nào, nó vẫn hàm chứa ít nhất một yếu tố chắc chắn không ai tránh khỏi: cái chết của chúng ta. Không sớm thì muộn, chúng ta cũng sẽ được cho biết: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi” (Luca 12: 20). Trở thành người giàu có nhất nhưng phải rời bỏ cõi đời này để vào nằm trong phần mộ quên lãng thì có gì là tuyệt vời cơ chứ!

Mở lòng đón nhận và đáp ứng nhu cầu của người khác, đó là cách chúng ta trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa! “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu… Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Luca 12: 15,21).

 

Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

Related posts