Cana bây giờ là một làng cách Nadarét 6km về phía đông bắc, nhô cao trên nó là gác chuông của một ngôi nhà thờ dòng Phanxicô. Nhà thờ này đã được xây dựng để kỷ niệm “dấu chỉ” đầu tiên trong bảy dấu chỉ mà Tin Mừng Gioan mô tả cho chúng ta. Như đã biết, “dấu chỉ” là từ mà tác giả Tin Mừng thứ tư dùng để gọi tên các phép lạ Đức Giêsu làm: chúng như bằng chứng cho thấy một ý nghĩa sâu xa hơn so với hành vi kỳ diệu và gây kinh ngạc mà Đức Giêsu hoàn tất. Nơi trình thuật “dấu chỉ” Cana, chúng ta thấy ý nghĩa sâu xa là ý nghĩa về Đấng Mêsia. Như câu chuyện rất giàu tính biểu tượng của chúa nhật tuần trước (các chiêm tinh gia), kết cấu trình thuật của Gioan hôm nay cũng khuyên chúng ta từ bỏ ý nghĩ muốn biết đích xác sự việc xảy ra như thế nào, trái lại hãy theo Gioan mà lẩy ra ý nghĩa thần học sâu xa tiềm ẩn trong một sự việc cụ thể. Trong câu chuyện duy mình ông kể, cũng thấy xuất hiện Đức Maria, mà Tin Mừng thứ tư không bao giờ nói rõ tên, một chỉ nêu tước hiệu: “thân mẫu ĐGS” (được nhắc tới 4 lần trong bản văn này). Các sách ngoại/ngụy kinh, bao giờ cũng với một chút tò mò hay tưởng tượng, cho chúng ta biết sở dĩ Đức Giêsu tham dự bữa tiệc cưới này vì Đức Maria là dì của chú rể.
1. Dấu chỉ tiệc cưới
Chìa khóa thứ nhất dẫn vào lối đọc ý nghĩa biểu tượng của trình thuật là việc lặp đi lặp lại ngay từ đầu chữ “tiệc cưới”, một chữ vốn đã giàu ý nghĩa tiên trưng ngay từ Cựu Ước. Chìa khóa thứ hai là việc quy chiếu các nhân vật và hành động của họ về Đức Giêsu: “thân mẫu Người”, “các môn đệ Người”.
Đang giữa tiệc cưới thì sự cố xảy ra. “Thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: Họ hết rượu rồi. Đức Giêsu đáp….”. Ta hãy dừng lại một chút trên cuộc đối thoại có phần lạnh lùng này giữa Đức Giêsu với mẹ Người, đặc biệt trên câu nói gây lúng túng đã khiến các nhà chú giải và nhà thần học đổ không biết nhiêu mực: “Chuyện đó can gì đến bà và tôi”. Thật thế, câu nói có nhiều ý nghĩa khác nhau tùy như đã được thốt lên với âm điệu nào, nhưng có lẽ nó chẳng có ý bày tỏ sự bực mình mà chỉ diễn tả thái độ chống đối theo quy tắc lịch sự đông phương là không muốn dấn thân vào một hành động đề nghị. Tước hiệu “bà” chẳng phải là dấu xa cách lạnh lùng song là một cách gọi nhằm nêu bật vai trò của Đức Maria, Eva mới. Rồi đây nó sẽ được dùng lại với Mẹ một lần nữa trong cảnh cuối cùng bên thập giá (“Thưa bà, này là con bà”).
Thoạt tiên, từ chối làm theo yêu cầu của thân mẫu, Đức Giêsu chỉ nhằm cho thấy điều kiện cần thiết để Người can thiệp, tức “giờ” của Người, còn chưa đến. Đối với Gioan, “giờ” tiêu biểu là giây phút trọng đại, lúc Đức Kitô chịu tử nạn và được tôn vinh để trở thành nguồn ơn cứu rỗi cho nhân loại, để “ban rượu Giao ước mới” (Mt 26,27). Như thế, cử chỉ Người sắp thực hiện phải được coi như một “dấu chỉ”, nghĩa là như một mũi tên chỉ về kết cục vinh quang. Đức Giêsu không muốn làm một dấu lạ ngoạn mục để vừa lòng mẹ mình hay giải quyết một khó khăn thường nhật cụ thể. Qua các hành vi quyền phép và kỳ lạ của mình, Người chỉ muốn trao ban mạc khải về mầu nhiệm thần linh tối hậu của mình thôi. Chính dưới ánh sáng đó mà Đức Maria hiểu ngay ý nghĩa đích thật trong câu trả lời xem ra tiêu cực của Đức Giêsu, thành thử đã không do dự nói với các kẻ giúp việc: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
Lúc ấy, trước đôi mắt sửng sốt của mọi người, xảy ra “dấu chỉ” lớn: sáu chum đá, mỗi chum đựng từ 80 đến 120 lít đã biến thành rượu nho thượng hạng đến độ khiến viên quản tiệc phải kinh ngạc thán phục. Chúng ta chớ nên quên rằng tiệc cưới trong Kinh Thánh là một biểu tượng lớn về Đấng Mêsia, về thời mêsia, như được xác nhận qua cảnh đẹp như tranh của “bữa tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” đã được Isaia phác họa (25,6) và như được xác nhận bởi chính Đức Giêsu trong dụ ngôn Tiệc cưới của mình (Mt 22,1-14). Quả thế, Đấng Mêsia đã luôn được trình bày như hôn phu của dân Người, và rồi đây Khải huyền Gioan cũng nói vậy qua hình ảnh thời danh là tiệc cưới giữa Con Chiên và Giêrusalem. Trong bài đọc thứ nhất của phụng vụ hôm nay, chính TC cũng được trình bày như hôn phu: “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho TC ngươi thờ” (Is 62,4-5).
2. Dấu chỉ rượu ngon
Nhưng sự dư thừa rượu nho “làm phấn khởi lòng người” (Tv 104,15) còn là một biểu tượng khác của thời mêsia theo các ngôn sứ (Am 9,13-14; Hs 14,7; Gr 31,12), đến độ truyền thống Do thái giáo đã mô tả thời Đấng Mêsia đến như sau: bấy giờ mỗi cây nho sẽ có ngàn cành, mỗi cành sẽ có ngàn chùm, mỗi chùm sẽ có ngàn quả, mỗi quả sẽ sản xuất được 460 lít rượu nho! Do đó, rõ ràng là qua tất cả diễn tiến của trình thuật, “dấu chỉ” tiệc cưới Cana muốn chuyển cho chúng ta một sứ điệp thần học: Đức Kitô là “rượu ngon” và là “rượu cuối cùng”, nghĩa là hồng ân tuyệt hảo của Chúa Cha. Và chính Đức Maria, người “đàn bà” hoàn hảo, Eva mới, giới thiệu Đức Kitô cho chúng ta trong sứ mệnh cứu thế của Người, trong “giờ” long trọng của Người, nguồn suối hân hoan và sức mạnh giải phóng khỏi mọi cái cũ. Việc nước hóa thành rượu trong bữa tiệc cưới ở làng quê thành thử tượng trưng cho việc Luật cũ chuyển qua Luật mới, Giao ước mới đậm đà như rượu thay thế cho Giao ước cũ đã nên nhạt phèo.
Các chương tiếp theo trong Gioan sẽ lần lượt cho thấy các kiểu thay cũ đổi mới như thế: việc sinh lại bởi ơn trên tiếp sau việc sinh ra từ lòng mẹ (Ga 3), việc thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật thay thế việc thờ phượng ở Giêrusalem hay Garizim (Ga 4), Bánh Hằng Sống thay thế cho manna thời Xuất hành (Ga 6), Mục tử nhân lành thay thế các mục tử giả hiệu (Ga 10), Sự Sống Thật tiếp sau sự sống tự nhiên (Ga 11)…
Tâm điểm của bản văn hôm nay do đó là chính Đức Kitô, nhưng Đức Maria cũng ở bên cạnh Người với niềm tin trong suốt và toàn diện, xác tín rằng cần “làm theo tất cả những gì Người bảo”. Và “bà” sẽ lại xuất hiện đúng vào “giờ” của Người, dưới chân thập giá, sẵn sàng đón nhận lời cuối cùng của Con, sẵn sàng “làm theo những gì Người bảo” trong giây phút quyết định đối với tương lai của mình, tương lai làm mẹ Giáo Hội. Chính qua đó mà Đức Maria trở nên gương mẫu của tín hữu đích thật, như điệp ca tuyệt vời của phụng vụ Anh giáo sau đây: “Hỡi đấng mang Lời vĩnh cửu, nghe Lời vĩnh cửu, thực hành Lời vĩnh cửu, Bà là người trung tín và xót thương, hãy ngợi khen Chúa đi nào!”.
Vậy là cuối cùng, Vương quốc mới, Đấng cứu độ chung quyết đã xuất hiện. Hết rồi những nghi thức bất toàn, những tập quán cũ kỹ, những lề luật trói buộc. Đức Kitô đã mang đến hân hoan, tự do, an bình. Vậy tại sao có biết bao kitô hữu vẫn bằng lòng với sự trói buộc phi lý của quyền lực nghịch đạo, vẫn cam chịu sống trong nỗi bất an vì sợ thế gian không “ban phép”, “cho quyền”, vẫn buồn bã hay khiếp nhược chấp nhận thân phận bị khống chế của tôn giáo và lẳng lặng xót thương cho ách nô lệ của anh em? Họ hãy noi gương người tín hữu Rumani sau đây:
Lúc ấy, trong một buổi học tập chính trị, tay diễn giả vô thần lên tiếng thóa mạ Đức Kitô, gọi Người là tên bịp bợm. Ông ta nói: “Phép lạ Cana chỉ là trò ảo thuật của Giêsu. Tôi có thể làm lại việc ông đã làm!”. Thế rồi diễn giả huơ huơ tay trên một ly nước để sẵn trên bàn. Đang lúc ai nấy chăm chú nhìn bàn tay của ông, thì một viên hóa chất bé tí từ trong tay áo ông rơi nhẹ vào ly và nước hóa nên đỏ thẫm. Vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt. Diễn giả đắc chí: “Thấy chưa, ông Giêsu cũng chỉ lợi dụng lúc người ta sơ ý để bỏ một chất gì đó vào các lu nước thôi!”. Bấy giờ một Kitô hữu lên tiếng: “Xin ông vui lòng uống ly rượu đó!” – “Xin lỗi! Không thể được! Đây là một chất độc!”
Người tín hữu liền mạnh dạn nói: “Với rượu của Người, Đức Giêsu đã cho chúng tôi hai ngàn năm hoan lạc! Còn với rượu các ông, các ông đã đầu độc chúng tôi!”
Lm. Phạm Văn Lợi
VietCatholic Network