Hãy ở nhân từ như Chúa Cha

SUY NIỆM CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN – C

(Lc 6, 27-38)

Tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng, đào luyện các môn đệ và dạy dỗ dân chúng. Lời Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ, những người đang nghe Chúa nói, cũng là lời dành cho mỗi chúng ta đang nghe chính Lời Chúa qua thừa tác viên của Giáo hội giờ này : “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây” (Lc 6, 27). Chúa bảo chúng ta điều gì ? Thưa, Chúa bảo :  “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình” (Lc 6, 27-28). Yêu kẻ thù ư, làm điều tốt cho kẻ không thích ta ư, chúc phúc cho ai nói xấu ta, và cầu nguyện cho ai đối xử tệ với ta ư ? Thật không dễ dàng chút nào hết. Nhưng đây là bốn chi tiết để sống đời Kitô hữu của chúng ta.

Ghét kẻ thù là lẽ thường tình, làm ơn hay chúc phúc cho kẻ thù và những người thuộc phe đối lập là chuyện ngược đời, nhưng Chúa Giêsukhuyên chúng phải lội ngược dòng và hành xử với tư cách là con cái Chúa, giống Cha trên Trời. Ý thức mình là con phải nên giống Cha, và học sống sao cho có lòng nhân từ như Chúa Cha : “Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Đây không phải là một câu khẩu hiệu, mà là một sự dấn thân của đời sống người Kitô hữu. Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, là Đấng toàn năng, toàn thiện. Sự hoàn hảo của Thiên Chúa khích lệ chúng ta trở nên giống như Ngài, đầy tràn tình yêu và lòng trắc ẩn. Trở nên giống Thiên Chúa là trở nên hoàn hảo, nghĩa là hãy ở nhận từ và biết xót thương anh em.

Có người hỏi: Liệu những lời của Chúa Giêsu có thực tế không? Chúng ta là những con người sống trong thế gian làm sao có con tim đầy ắp yêu thương để yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu và sống nhân từ như Chúa sống?

Nhìn vào lịch sử cứu độ, chúng ta khám phá ra rằng toàn bộ mạc khải của Thiên Chúa là một lịch sử tình yêu đối với con người. Thiên Chúa giống như một người cha hay người mẹ yêu thương hết mọi loài, đặc biệt con người bằng một tình yêu cao với khôn ví. Thiên Chúa không nói xuông, mà Ngài đã làm trước, bằng chứng là “không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4,10). Thánh Gioan còn viện lý : “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11). Đavit đã không dám tra tay đụng đến Saolê, người đã được Chúa xức dầu, ông việc cớ : “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Đấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” (1 Sm 26, 22-23).  Cái chết của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa trên thập giá là đỉnh cao của lịch sử của tình yêu ấy. Thiên Chúa là Tình Yêu, còn chúng ta là kẻ có tình yêu, nên chúng ta có lúc yêu lúc ghét, nghĩa tình yêu của chúng ta sẽ luôn có khiếm khuyết. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ở nhân từ như Chúa Cha, Chúa muốn chúng ta hãy trở thành dấu chỉ, và chứng nhân của lòng từ tâm Chúa giữa thế gian.

Thế còn Giáo hội, vì được cấu thành bởi những con người bất toàn như chúng ta, Giáo hội cũng khó có thể, nhưng Giáo hội trở thành bí tích của lòng nhân từ Chúa trong thế giới, chúng ta được mời gọi để trở thành chứng nhân của lòng Chúa từ tâm. Lòng từ tâm ấy được thể hiện bằng hai động từ: “Tha thứ” và “Cho đi” như Chúa bảo : “Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ” ( Lc 6, 37).

Đứng xét đoán” (Lc 6,37) ở đây không phải là không phê phán ai cho dù người ấy gây gương mù gương xấu. Nếu hiểu chữ xét đoán như thế thì tại sao Chúa Giêsu lại lên án những kẻ gây gương mù.

Chữ “xét đoán” ở đây được hiểu là chỉ trích, phê bình, lên án người khác cách vô trách nhiệm. Chúng ta thường hay xét đoán không tốt cho người khác là điều mà Chúa cấm. Chúa Giêsu cũng đã từng so sánh thái độ của người con Chúa với thái độ của các luật sĩ, biệt phái… họ thường ra vẻ đạo đức, hay lên án người khác và cho rằng chỉ có mình mới tốt, còn tất cả mọi người anh em khác là không tốt bằng.

Tại sao Chúa dạy người con Chúa không được xét đoán và lên án ? Thưa là vì con người nhân vô thập toàn không có quyền lên án, chũng không thể xét đoán đúng và công bằng được. chỉ có Chúa là Đấng công mình, cầm quyền sinh tử mới có quyền lên án, kết án con người. Ngài là Đấng nhân từ đã không lên án, vậy cớ sao ta lại lên án nhau. Tuy nhiên, Chúa cho phép con người nhận định về nhau, phê bình nhau với tình yêu thương xây dựng, và giúp nhau thăng tiến.

Còn câu Chúa nói : “Đừng lên án các người sẽ không bị lên án” (Lc 6, 37). Câu này không có nghĩa là nếu chúng ta không bao giờ lên án ai thì Chúa không lên án chúng ta dù chúng ta tội lỗi. Thưa không phải thế. Cầu này chỉ muốn nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta không muốn người khác khắt khe với mình thì trước hết chúng ta đừn đối xứ với họ như vậy, đó là cách xử từ tâm.

Hãy tha thứ”Chúa bảo chúng ta phải tha thứ. Đơn giản vì chúng ta đã được Thiên Chúa thứ tha.

Hãy cho…Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Thiên Chúa đã cho chúng ta quá nhiều, vượt xa công trạng của chúng ta. Chúa Giêsu không nói điều gì sẽ xảy ra nếu người ta không cho đi, nhưng nếu chúng ta thấy rõ có một luận lý chắc chắn: theo cách mà người ta nhận lãnh từ Thiên Chúa, thì người ta hãy cho anh em mình như thế, và theo đúng cách mà người ta cho một người anh em, thì người ta sẽ nhận lãnh từ Thiên Chúa!

Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp cho chúng con, để chúng con ngày một nên giống Chúa hơn. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Chia sẻ Bài này:

Related posts